Đọc "Tôi và làng tôi" của Lê Bá Thự, NXB Hội Nhà văn, 2018

Thêm một lần được trở lại tuổi thơ

Thứ Sáu, 24/08/2018, 07:50
Cái kỉ niệm xem chiếu bóng của anh làm tôi nhớ lại tuổi thơ tôi. Cũng náo nức, say sưa. Cũng nghe tiếng loa thông báo của người thuyết minh: "Alô alô. Đội chiếu bóng lưu động số 21 về phục vụ nhân dân xã nhà trong hai tối. Chúng tôi chiếu bộ phim Thượng Cam Lĩnh, phim truyện chiến đấu…".


Tôi rất thích thú khi đọc cuốn sách này của nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự. Có khá nhiều lẽ. Thứ nhất là anh cùng trang lứa (hơn tôi 6 tuổi). Thứ hai, anh là người nhà quê Thanh Hóa, tôi cũng là một chú bé nhà quê Ninh Bình. Thứ ba là anh đã từng sống ở nước ngoài (cũng như tôi). Thứ tư - anh là dịch giả (tôi cũng dịch, nhưng ít hơn anh). Và lẽ nữa là anh có sách thường hào phóng tặng tôi. Đọc sách bạn viết tặng là một trách nhiệm mà tôi tự đặt cho mình.

Đọc tập sách này của anh, tôi tò mò muốn biết tuổi thơ của nhà văn Lê Bá Thự có điều gì đáng chú ý? Có điểm gì dự báo là anh sẽ trở thành một dịch giả tầm cỡ sau này? Và thực sự, những dự định ban đầu đã bị tôi nhãng quên. Tôi chỉ còn một nỗi vui sướng, một niềm thích thú là gặp lại tuổi thơ anh, và cũng là tuổi thơ của lứa chúng tôi ở nông thôn một thời đói kém, vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng không thiếu những niềm vui hồn nhiên, trong trẻo.

Nhà văn - dịch giả Lê Bá Thự.

Cái kỉ niệm xem chiếu bóng của anh làm tôi nhớ lại tuổi thơ tôi. Cũng náo nức, say sưa. Cũng nghe tiếng loa thông báo của người thuyết minh: "Alô alô. Đội chiếu bóng lưu động số 21 về phục vụ nhân dân xã nhà trong hai tối. Chúng tôi chiếu bộ phim Thượng Cam Lĩnh, phim truyện chiến đấu…".

Hồi ấy chúng tôi chỉ thích phim "chiến đấu" chứ không thích loại phim truyện hay phim tâm lí xã hội. Anh kể quê anh có người hô khẩu hiệu: "Đả đảo tên địa chủ Hoàng Thế Nhân gian ác"! Ở làng tôi, cũng có chuyện ném đá lên "kẻ thù" trên màn ảnh.

Hồi đó xem chiếu bóng (ở ngay xã), xem tuồng, chèo, chúng tôi đều phải đi xã khác xa đến 2, 3 cây số. Đúng như chú bé Thự kể "Đi xem tuồng thực ra cái chính không phải là để thưởng thức nội dung vở diễn, mà là để xem hình ảnh, xem mũ mãng, xem trang phục màu mè, xem vua, xem quan, xem hề…" (trang 21).

Chú bé có tên Thự đó không giấu chuyện lắm chấy, nhiều rận, cả chuyện đi ngủ không rửa chân, hay rửa "khô" theo công thức "hai xoa một đập". Đồng thời lại "lộ" chuyện đi ngủ bỏ "những hạt sung sướng" vào túi, gài kim băng cẩn thận, nhưng sáng hôm sau vừa tức, vừa tiếc của khóc hu hu… vì bị lũ chuột ranh mãnh chơi cho một vố.

Chuyện tắm mưa đầu mùa bằng cách "tắm tiên" trần truồng trong sân chẳng xa lạ gì với những đứa trẻ làng quê. Nhưng nhà  văn kể  lại thật sinh động "Tôi thích thú lao ra sân tắm mưa, tắm truồng, tắm như thế nó mới sướng. Tôi đứng giữa sân, đắm mình trong mưa, nước mưa rơi xối xả xuống đầu tôi, tóc tôi ướt sũng, nước mưa chảy ròng ròng xuống hai má tôi. Tôi vuốt mặt không kịp. Tôi ngửa mặt lên trời cho nước mưa rơi thẳng vào mặt tôi, để tôi được cảm nhận tới cùng cái sự sung sướng của tắm mưa.

Chưa hết, tôi nằm sấp xuống sân gạch, cho nước mưa tưới khắp tấm lưng trần của tôi, rồi tôi lật ngửa người cho mưa rơi kêu lộp bộp trên bụng tôi, để tôi được hả lòng hả dạ, rằng mình đang "no mưa"” (tr. 70). Rất lâu sau này, vẫn còn có thể thấy hình ảnh của việc tắm mưa hồn nhiên đó trong những câu thơ Trần Đăng Khoa miêu tả lính đảo ao ước mưa để tắm:

Ôi ước gì được thấy mưa rơi
Chúng tôi sẽ trụi trần nhảy choi choi trên cát
Giãy dụa tơi bời trên cát
Như con cá rô rạch nước đón mưa rào
Úp miệng vào tay chúng tôi sẽ cùng gào
Như ếch nhái uôm uôm trên đảo
Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho táo bạo

                (Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn)

Tôi hồi hộp theo dõi chú bé Thự trong mọi hoạt động của chú ta. Không phải như nhà thơ Trần Đăng Khoa nói rằng tập sách này không có nhân vật. Nhân vật chính là cậu bé Thự xưng tôi. Cái tên Thự hóa ra chẳng phải là quan nha, cũng không là dinh thự, chẳng phải là ánh sáng rạng đông, mà chỉ là tên của một ông quét chợ, một loại "cùng đinh" để các "Ngài" không thèm "bắt".

Chú bé Thự đó đã sợ đủ các loại ma như bất cứ đứa bé nhà quê nào. Và thật độc đáo cách "chống ma" của mẹ chú bằng cách lấy nước giải tươi "rửa mặt" cho con khi đi qua nghĩa địa nhiều mồ mả.

Tác phẩm: "Tôi và làng tôi" của nhà văn Lê Bá Thự.

Phải nói là anh cu Thự thế mà "đa tài". Anh ta "solo" ca khúc "Nhạc tuổi xanh" mà thính giả duy nhất là bà mẹ. Anh ta khoét sáo và thổi sáo chắc là cũng hay nên mới tham gia vào ban nhạc của làng. Tôi hình dung ra tiếng réo rắt của sáo trúc bài hát "Một đàn bướm bướm xinh. Tung tăng bướm bay lượn. Trên cánh hoa hồng rung rinh…".

Rồi bản nhạc múa sạp: "Sòn sòn sòn đô sòn/ Sòn sòn sòn đô rê…". Anh cu Thự nâng sáo lên miệng thổi, tay bấm, đầu nghiêng nghiêng, mình hơi nhún nhẩy rất điệu nghệ. Lại còn chế ra "Pháo hoa làng choa" nữa chứ.

Quả thực tôi không thể nào hình dung ra "sáng kiến vĩ đại" như thế lại do một cậu bé nhà quê nghĩ ra và thực hiện thành công có thể nói là "ngoài mong đợi": "Nhiều người tấm tắc khen pháo hoa đẹp, nom thích mắt. Có người bảo chắc lại thằng Thự  nghĩ ra cái trò này thôi. Tôi nghĩ bụng, xét cho cùng, họ có lý" (tr.230).

Tất cả các trò nghịch ngợm chơi u, chơi trốn tìm, bắn súng "đình đuột" tự chế (vùng tôi đạn bắn bằng quả đay hoặc quả xoan) anh cu Thự thường làm đầu lĩnh. Thật là oách! Riêng cái trò "trốn" vào đống rơm có rơm phủ bên ngoài hay trốn trong chum đậy nắp lên trên thì quả là "cao thủ"!

Nể nhất là danh hiệu tự phong cũng là danh hiệu làng dành cho chú bé Thự "Con Rái cá làng Nguyệt Lãng". Rái cá là loại thú bắt cá rất giỏi. Ai có danh hiệu này phải là người "sát cá" và giỏi bắt cá nhất làng. Những chuyện câu, đơm trứm, kể cả chuyện "bùa cá" (đi hôi cá) được kể thật sinh động.

Và đặc biệt là không tô vẽ. Cái chuyện "bùa cá" được nhớ và kể lại chân thành: "Toàn bộ người tôi, mặt mũi, quần áo bê bết bùn. Nhưng tôi không hề sợ, không hề nản chí, tiếp tục xông vào "vũng cá", tay liên tục chộp cá nhét vào giỏ. Đến nỗi chú V., một trong những người tát ao phải bế thốc tôi lên, ném tôi ra ngoài… Mỗi "trận bùa cá một mất một còn" như vậy, tôi kiếm được, đúng ra là "cướp" được, gần đầy giỏ cá. Tôi từng là một thằng bé dám làm và dám liều như vậy đó. Kể ra, hồi đó, tôi chẳng xứng đáng là "cháu ngoan" tí nào" (tr. 199).

Bắt cua, mò ốc, chăn bò, nuôi vịt bầu, nuôi lợn ỉ, nhổ mạ, gánh phân, tát nước, xay lúa, giã gạo... Tất tần tật các việc nhà nông, chú bé Thự đều làm thành thạo và đầy nhiệt tình. Phải nói thêm một chi tiết về chuyện gánh phân lấy điểm. Tôi cũng từng làm chuyện này. Và tôi phải ngả mũ kính chào "kiện tướng" Lê Bá Thự khi anh nói rằng anh gánh khoảng 80 cân đi từ 500 mét đến 1.500 mét. Tôi cố lắm cũng chỉ gánh được 50 cân là kịch trần mà đã thở hồng hộc, khi đến ruộng gần như muốn đứt hơi!

Về khả năng văn hóa, văn nghệ đã thấy rõ sự đam mê của chú bé với ca khúc, với phim ảnh, tuồng tích. Và đặc biệt là khả năng nhớ, kể chuyện những tác phẩm văn học mà chú bé Thự đã đọc cho những xã viên khi cùng đi làm cỏ như "Bỉ vỏ", "Hồn bướm mơ tiên", "Tắt lửa lòng". Cả chuyện mấy cô  thôn nữ tắm sông trêu ghẹo anh chàng học sinh cấp ba từ thuở nảo thuở nào mà anh cu chàng vẫn còn nhớ thì quả là… thánh thật! Chính cái khả năng "nhớ dai" này là một phẩm chất quan trọng cho người học ngoại ngữ, nhất là học thành tài để có thể dịch được tác phẩm văn học là loại bản dịch khó vào bậc nhất trên đời.

Bằng một giọng kể chân mộc, hóm hỉnh và hài hước, nhà văn Lê Bá Thự đã vẽ lên trong trí tưởng tượng của bạn đọc chú bé Thự với tất cả những điều hay (tất nhiên có cả điều dở nhưng ít) của một tuổi thơ lam lũ ở làng quê nhưng cũng đầy những niềm vui hồn nhiên, trong trẻo. Chú bé cùng với cha mẹ, những người làng Nguyệt Lãng được kể, được tả trở thành một bảo tàng về tuổi thơ ở làng quê. Tuổi thơ và hồn làng sẽ còn mãi trong kí ức bạn đọc. Và những người làm sử, làm nghiên cứu tâm lí, xã hội học, nghiên cứu văn học có một nguồn "sử liệu", "tư liệu" quý báu về tuổi thơ một thời không thể nào quên ở nông thôn nước Việt.

Vũ Nho
.
.