Thế nào là một nghệ sỹ?

Thứ Năm, 21/05/2020, 09:02
Chúng ta quá quen với việc cứ hễ ai “dính đến nghề”, sống như nghệ sỹ, chơi như nghệ sỹ và có chút danh là được mặc định, được coi là nghệ sỹ. Sự dễ dãi ấy khiến chúng ta quên đi mất rằng, người nghệ sỹ đích thực là phải lao động, phải thực hành nghệ thuật và có sản phẩm (chứ chưa nói đến tác phẩm) nghệ thuật...


Chủ nhật tuần trước (17/05), một người nhạc sỹ đáng kính của Việt Nam đã qua đời. Đó là Giáo sư, nhạc sỹ Nguyễn Văn Nam. Lớp khán giả đại chúng ít người biết đến ông, nên bởi thế, khi ông từ trần, ít có những bài tưởng niệm trên báo chí hay trên mạng xã hội như các nhạc sỹ nhạc nhẹ khác. Nhưng công lao của ông đối với nền nhạc nhẹ Việt Nam đương đại không nhỏ chút nào, dù ông là dân kinh viện.

Đơn giản, qua bàn tay dìu dắt, dạy dỗ của ông ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh cũng như giáo dục tại nhà, nhiều nhạc sỹ nhạc nhẹ tên tuổi đã trưởng thành, trong số họ phải kể đến Ngọc Lễ, Đức Trí…

Chia sẻ về ông, nghệ sỹ cello Nguyễn Tấn Anh, nguyên Phó Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng và nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh viết: “Vô cùng thương tiếc người nhạc sĩ vĩ đại của Việt Nam, nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên đã hoàn thành 10 bản giao hưởng”. Nghệ sỹ Tấn Anh không hề nói quá. Nó là sự thật. Có thể, người ngoại đạo, khán giả phổ thông không biết đến ông, nhưng trong giới làm nghề, nhạc sỹ Nguyễn Văn Nam xứng đáng là một tượng đài.

Trong ký ức được kể lại bởi nhạc sỹ Đức Trí, nhạc sỹ Nguyễn Văn Nam thời xưa sống trong một căn hộ tập thể trên tầng 4 một chung cư cũ ở quận 1, TP Hồ Chí Minh, không thang máy. Ông đi một chiếc xe đạp lọc cọc. Cây piano cũ của ông cũng là được bạn bè mến tặng. Vậy mà trong điều kiện eo hẹp ấy, ông vẫn lao động, để có được 10 bản giao hưởng trọn vẹn và là số ít nhạc sỹ Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Và chính câu chuyện đó của ông khiến chúng ta cần đặt ra một câu hỏi: Đó là “Thế nào mới là một nghệ sỹ?”.

Rất nhiều gương mặt của công chúng đã điềm nhiên được gọi là nghệ sỹ, tự xưng mình là nghệ sỹ chỉ vì đời sống và hoạt động của họ có chút ít dính dáng đến showbiz. Dịch COVID-19 đã qua đi, các công ty truyền thông đã bắt đầu guồng máy game show truyền hình với một loạt chương trình như “Nhanh như chớp”, “Người ấy là ai”…, chúng ta sẽ lại được chứng kiến sự “bội thực” nghệ sỹ ấy trên sóng cũng như trên các kênh video online. Ở Việt Nam lúc này, khoác tấm áo nghệ sỹ dễ dãi quá.

Chúng ta quá quen với việc cứ hễ ai “dính đến nghề”, sống như nghệ sỹ, chơi như nghệ sỹ và có chút danh là được mặc định, được coi là nghệ sỹ. Sự dễ dãi ấy khiến chúng ta quên đi mất rằng, người nghệ sỹ đích thực là phải lao động, phải thực hành nghệ thuật và có sản phẩm (chứ chưa nói đến tác phẩm) nghệ thuật.

Vậy thì trong số hàng loạt “nghệ sỹ ngôi sao” mà chúng ta không ngừng quảng bá trên sóng (kể cả đài truyền hình quốc gia) kia, ai là người có thực hành nghệ thuật và tạo ra sản phẩm nghệ thuật? Có lẽ là cực hiếm và ngày càng hiếm dần. Dễ hiểu, những nghệ sỹ chân chính sẽ rất bận rộn với việc theo đuổi trí tưởng tượng của mình chứ không rảnh rỗi để “lên sóng chơi cho vui”. Và dần dần, những nghệ sỹ chân chính cũng từ giã các sân chơi ấy sau một đôi lần nếm trải “cho vui” đúng nghĩa.

Chúng ta sẽ lại nói về bất công với những nghệ sỹ đích thực khi so sánh với những gì mà các “ngôi sao” kia đang có trong tay. Song, nghệ sỹ đích thực sẽ chẳng bao giờ cần tới một so sánh kiểu ấy. Nghệ sỹ đích thực chỉ có duy nhất một nỗi sợ lớn: Sợ mình không còn khả năng thực hành nghệ thuật nữa.

“Thế nào mới là nghệ sỹ?”, câu hỏi đó cần dành cho chính những người khoác áo nghệ sỹ dễ dãi trong thời đại này. Liệu họ có xấu hổ vì xưng danh nghệ sỹ, khi đứng trước những gia tài đồ sộ của những nghệ sỹ như thầy Nguyễn Văn Nam?

Văn Đoàn
.
.