Thế giới "khủng hoảng" vì Covid -19

Thứ Sáu, 28/02/2020, 07:44
Rất nhiều sự kiện quan trọng trong chuỗi các sự kiện kinh tế, văn hóa, xã hội ở một số nước trên thế giới đã phải dời lịch, hủy hoãn lịch do lo ngại những ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19.


Thế giới trong nhiều năm lại đây chưa từng phải đối diện với một cơn “khủng hoảng” nào có tâm chấn lan rộng toàn cầu như khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là một dịp để tất cả mọi người dân, cũng như các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia trên thế giới có nhiều thay đổi trong thái độ sống và trách nhiệm với môi trường,cộng đồng, xã hội.

Nhiều sự kiện kinh tế đình đám  bị hủy bỏ

"Triễn lãm quốc tế các phát minh" là Sự kiện được các nhà khoa học trên thế giới trông đợi nhất trong năm dự kiến sẽ diễn ra vào ngày  (25-3-2020) tại Geneva (Thụy Sĩ). Thế nhưng ngày 17-2 vừa qua, Ban tổ chức đã ra thông báo sự kiện thường niên này sẽ dời lịch tới tháng 9-2020, có nghĩa là tạm hoãn 6 tháng so với kế hoạch dự kiến ban đầu.

Theo báo cáo của Ban tổ chức, thì có khoảng 50% đơn vị tham gia triển lãm đến từ châu Á, trong đó Trung Quốc chiếm tới 1/3 và 1/3 khác đến từ Hong Kong (Trung Quốc). Nguyên nhân dẫn đến quyết định này là do diễn biến dịch bệnh Covid-19 khó lường, dẫn đến công tác tổ chức gặp nhiều khó khăn bởi các lệnh hạn chế đi lại.

"Hội nghị Di động thế giới" bị hủy bỏ vì virus corona. Một trong những sự kiện gây tâm điểm dư luận trong làng công nghệ thế giới đó là Triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới ngành mobile (MWC 2020) đã bị hủy. MWC là sự kiện lớn nhất của ngành di động được tổ chức hàng năm.

Lễ hội Venice Carnival thu hút hàng triệu người mỗi năm phải hủy bỏ.

Theo kế hoạch ban đầu, MWC 2020 sẽ khai màn vào ngày 24-2 tại Barcelona (Tây Ban Nha). Mặc dù GSMA (đơn vị  tổ chức) đã nỗ lực tìm mọi cách nhằm mang lại cho các đối tác sự an toàn khi tham gia triển lãm như tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp tẩy trùng, khuyến khích khách tham gia không bắt tay đối tác, thậm chí cấm người tham gia đến từ tỉnh Hồ Bắc song nhiều công ty lớn vẫn tuyên bố không tham gia.

LG là ông lớn đầu tiên đưa ra tuyên bố. Chỉ trong vòng 1 tuần, một loạt tên tuổi khác như ZTE, Ericsson, Intel, Vivo, Sony, Amazon và Nokia đều đồng loạt lên tiếng rút khỏi MWC 2020. AT&T cho rằng "quyết định trách nhiệm nhất" là rút lui để bảo vệ nhân viên, khách hàng.

Trong lịch sử 33 năm, MWC chưa từng bị hủy bỏ. Nếu buộc phải hoãn lại, không rõ ai sẽ là người trang trải mọi chi phí. Các công ty thường chi hàng chục triệu USD để tham dự và triển lãm ở đây, biến MWC trở thành nguồn thu nhập lớn cho GSMA.

Hủy bỏ sẽ khiến GSMA chịu tổn thất lớn. GSMA là đơn vị đại diện tổ chức các sự kiện cho hơn 1.200 công ty trong ngành viễn thông. Tại mỗi sự kiện, các công ty viễn thông, di động góp mặt tại MWC sẽ công bố những sản phẩm mới nhất. Sự kiện này được tổ chức lần đầu năm 1987, và duy trì hàng năm tại châu Âu. Từ năm 2006, MWC được tổ chức tại Barcelona.

"Hội nghị và Triễn lãm Hàng không Kinh doanh châu Á" bị hủy bỏ. Nhà tổ chức Hiệp hội Hàng không Kinh doanh Quốc gia có trụ sở tại Mỹ đã hủy Hội nghị và Triển lãm Hàng không Kinh doanh châu Á, dự kiến diễn ra từ ngày 21 đến 23-4 tại Thượng Hải (Trung Quốc) do lo ngại mất an toàn vì dịch Covid-19. Bên cạnh đó "Triển lãm Thực phẩm và Khách sạn châu Á" ở Singapore, theo kế hoạch diễn ra từ ngày 3 đến 6-2, cũng đã được hoãn cho đến tháng 7-2020. Sự kiện này từng thu hút hơn 80.000 người tham gia vào năm 2018.

Còn Hội nghị thương mại thường niên của ngành sản xuất chip toàn cầu là SEMICON/FPD China 2020 tại Trung Quốc đã bị hoãn so với thời gian dự kiến ban đầu là từ ngày 18 đến 30-3. Hội chợ Xuất Nhập khẩu Trung Quốc (Canton Fair), hội chợ thương mại lớn nhất và lâu đời nhất Trung Quốc, tại Quảng Châu (đợt 1 từ 15 đến 19-4-2020) sẽ được hoãn cho đến khi có thông báo mới.

Tạm dừng nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật

Cùng ngày với thông báo hoãn "Triển lãm quốc tế các phát minh", hãng thời trang nổi tiếng thế giới Chanel của Pháp cũng ra thông báo quyết định hoãn chương trình trình diễn thời trang tại Bắc Kinh, dự kiến diễn ra vào tháng 5-2020. Chanel cho biết hãng đưa ra quyết định này nhằm bảo vệ sức khỏe của khách hàng và đội ngũ nhân viên của hãng. Hãng vẫn chưa ấn định thời điểm tổ chức sự kiện thay thế.

Ý đã hoãn lễ hội Carnival ở Venice và tuần lễ thời trang ở Milan để hạn chế dịch Covid-19 lây lan sau khi chính quyền nước này yêu cầu hủy bỏ tất cả các sự kiện công cộng ở cả hai thành phố trên. Hai sự kiện mang tính biểu tượng trên vốn thu hút hàng trăm ngàn du khách đến các thành phố phía Bắc nước Italia, đã bị gián đoạn và ảnh hưởng sâu sắc.

Tại TP Milan, nhà thiết kế lừng danh Giorgio Armani đã quyết định ra mắt bộ sưu tập mới của mình hôm 23-2 sau cánh cửa đóng kín mà không có báo chí và khách mời và thực  hiện một buổi livestream nhằm hỗ trợ các nỗ lực của quốc gia để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Sự kiện mỹ thuật được trông đợi nhất trong năm tại Hong Kong "Art Basel Hong Kong 2020" dự kiến diễn ra vào tháng 3 tới chính thức bị hủy bỏ vì đại dịch Covid-19. Cùng ngày, Chủ sở hữu của hội chợ Thụy Sĩ, MCH Group, đã gửi đi tuyên bố cho biết sự kiện dự kiến diễn ra từ ngày 19 đến 21-3 tại trung tâm triển lãm và hội nghị Hong Kong sẽ không thể tiến hành do sự bùng phát và lan rộng của chủng virus mới mang tên Covid-19.

Các nhà lãnh đạo MCH cũng cho biết thêm rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy bỏ phiên bản Art Basel sắp tới. Nhiều yếu tố cấp thiết đã đưa đẩy đến quyết định quan trọng này, trong đó, sức khỏe và sự an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu cho những người tham dự.

Theo một email được gửi đến các nhà triển lãm, ban tổ chức của Art Basel sẽ hoàn trả cho các phòng trưng bày 75% chi phí cố định và sẽ không yêu cầu được hoàn tiền cho các đơn đặt hàng đặc biệt về trang trí tường và đèn trước hội chợ (điều trái ngược với phiên bản đầu tiên của Art Basel Miami Beach bị hủy bỏ hai tháng trước khi được lên kế hoạch mở cửa vào năm 2001 sau vụ tấn công 11-9. Lúc đó, phí gian hàng được yêu cầu chuyển sang năm sau).

Bernd Stadlwieser, CEO của MCH Group, cho biết: "Quyết định hủy bỏ Art Basel Hong Kong là điều cực kỳ khó khăn đối với chúng tôi. Chúng tôi đã nghĩ đến những phương thức giải quyết khác, bao gồm việc hoãn hội chợ, thu thập lời khuyên và quan điểm từ nhiều chuyên gia. Tuy nhiên, hôm nay, chúng tôi đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy sự kiện".

Facebook- Mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng công bố huỷ "Hội nghị tiếp thị toàn cầu của Facebook". Lẽ ra hội nghị sẽ diễn ra giữa tháng 3 tới tại trung tâm Moscone Center ở San Francisco (Mỹ) có quy mô toàn cầu với khoảng 4.000 người tham dự. Như vậy, Facebook là hãng công nghệ tiếp theo chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh virus Covid-19.

Các hoạt động, thể thao bị hoãn, hủy

Giải vô địch điền kinh thế giới trong nhà dự kiến diễn ra tại Nam Kinh từ ngày 13 đến 15-3. Tuy nhiên, cuộc thi này đã bị hoãn lại tới năm sau. Giới chức Australia đang lên kế hoạch sắp xếp lại các trận đấu của Giải vô địch bóng đá các câu lạc bộ châu Á, sau khi chính phủ nước này ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với các công dân nước ngoài đến từ Trung Quốc.

Giải vòng loại bóng đá nữ Olympic giữa 4 đội từ Trung Quốc, Australia, Đài Loan và Thái Lan đã được AFC chuyển địa điểm tổ chức từ Vũ Hán sang Australia.  Liên đoàn bóng đá Trung Quốc cho biết, các trận đấu trong nước ở mọi cấp độ sẽ được hoãn. World Cup trượt tuyết dự kiến diễn ra ngày 15 đến 16-2 tại Diên Khánh (Trung Quốc) cũng đã bị huỷ bỏ...

Showbiz châu Á đìu hiu vì Covid- 19

Đại dịch viêm phổi cấp Covid -19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt sinh hoạt của người dân một số nước trên thế giới, đặc biệt là đời sống văn hóa và nghệ thuật giải trí, một lĩnh vực vốn diễn ra ở không gian mở và thu hút nhiều người cùng tham gia.

Không chỉ ở Trung Quốc mà các sự kiện văn hóa nghệ thuật ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt nam, Singapo, Hong Kong... đều phải hoãn, hủy lịch. Việt Nam là một ví dụ điển hình khi các hoạt động lễ hội, nghệ thuật biễu diễn đều bị ngưng trệ nhằm bảo vệ an toàn tối đa sức khỏe cho mọi người dân trước đại dịch.

Thủy Giang
.
.