Thấy anh như thấy mặt trời…

Thứ Năm, 12/03/2020, 12:18
Trong kinh Thiện Sinh, bản kinh nguyên thủy trong bộ kinh Trường A Hàm ra đời đã 26 thế kỷ ghi lại lời Phật dạy, có nêu 5 điều con cái phải kính thuận cha mẹ kính thuận cha m. Phật coi "cha mẹ là phương Đông" có thể hiểu đó là phương mặt trời mọc, có mặt trời mới có sự sống. Thời hiện đại, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có câu thơ thật hay: "Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/ Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng". 

Ai đã vào bậc cha mẹ sẽ đều đồng cảm với câu thơ này: con cái là mặt trời! Cha mẹ nóng lạnh, mát mẻ theo mặt trời. Vì con là sự sống! Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thì nói thay các bậc sinh thành: "Em sẽ là mùa xuân của mẹ/ Em sẽ là màu nắng của cha". Em là hy vọng của mẹ. Em là lý tưởng của cha!

Trước nay cái gì vĩ đại lớn lao, thậm chí quy định, điều chỉnh cuộc sống người ta đều ví với mặt trời. Mặt trời luôn là biểu tượng có tần số xuất hiện nhiều nhất trong mọi nền văn chương. Căn cứ của nó lại rất khoa học.

Hiện nay trái đất chứa khoảng 10 tỷ người. Ngày xưa Côlômbô đi vòng quanh trái đất bằng thuyền phải mất mấy năm. Thế nhưng so với mặt trời thì trái đất còn quá nhỏ bé. Đường kính mặt trời dài gấp 109 lần đường kính trái đất. Thể tích mặt trời lớn gấp 1.300.000 lần thể tích trái đất. Mặt trời cách xa trái đất 150 triệu km.

Nếu đi bộ với tốc độ 5km/h thì phải đi liên tục không ngưng nghỉ 3.400 năm. Nếu đi bằng máy bay vận tốc 800km/h cũng phải bay ròng rã 23 năm.

Ghê gớm nhất là bề mặt mặt trời luôn nóng khoảng 6000 độ C. Trái đất chỉ thu nhận một phần rất nhỏ lượng nhiệt và ánh sáng từ đó. Thật quá nóng bỏng. Thế nên ca dao mới có câu đầy bất lực: "Thấy anh như thấy mặt trời/ Chói chang khó ngó trao lời khó trao". Chắc chắn nỗi khổ tâm của cô gái ấy là vĩnh viễn. Ngày nay hiểu về mặt trời ta càng thấy câu ca dao ấy đúng theo nhiều nghĩa.

Cảnh Thần Mặt Trời cho phép con trai Phaethon điều khiển cỗ xe của mình (tranh của họa sĩ Benjamin West thế kỷ XVIII).

Nhiệt độ bề mặt của Mặt trời lại không nóng bằng vùng khí quyển xung quanh nó. Theo tính toán quang phổ, nhiệt độ vùng khí quyển xung quanh (hào quang) lên tới hàng triệu độ. Anh tuy là "mặt trời" rồi nhưng "hào quang" xung quanh anh còn nóng gấp vạn lần anh. Thì ra cái câu: "Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng" là đây! Nạn "mẹ chồng" là đây! Đó là những thứ "hào quang" chết con dâu đấy. Hiểu một câu ca dao, một chữ người xưa cho đúng cho sâu thật khó khăn nhưng cũng lý thú vô cùng!

Trong thần thoại nguyên thuỷ cả phương Đông và phương Tây thần Mặt trời luôn ngự trên xe ngựa kéo từ Đông sang Tây. Thần thoại Hy Lạp kể thần tên Helios thật đẹp trai với vầng hào quang toả trên đầu, cưỡi một chiếc xe ngựa bay trên trời. Hình như về sau Homer tác giả của "Iliat" và "Ôđixê" không thiện cảm với thần bèn "giải thiêng" mà kể rằng xe được kéo bằng những con bò.

Dân gian cho thế là báng bổ thần sẽ không có lợi bèn sửa lại như ban đầu, còn tô vẽ thêm là được kéo bằng những con ngựa có mào lửa. Chắc là thần vẫn chưa hài lòng nên từ năm 292 tới năm 280 TCN người dân đảo Rhodes (Hy Lạp) đã dựng tượng Thần Mặt Trời cao 34 m trên bệ đá cẩm thạch trắng cao 15 m. Nhưng tượng chỉ đứng hiên ngang trong 56 năm. Năm 226 TCN, một trận động đất làm tượng sụp đổ. Về sau nhân loại chỉ còn nhớ đó là một trong bảy kỳ quan của thế giới.

Từ đó có truyền thuyết kể rằng sở dĩ tượng bị đổ là do Thần nóng nảy làm rơi lửa xuống trần gian mà cháy nhiều thành quách, lâu đài quý.

Thần thoại cổ La Mã lại lý giải bằng câu chuyện đậm tinh thần giáo dục trẻ con. Thần Mặt trời có tên Phoebus, vì mải chơi trên trời mà để đứa con trai tên Phaethon ở nhà với mẹ Clymene người trần. Phaethon đi khoe với bọn trẻ hàng xóm là có bố đẻ ở trên giời. Bọn trẻ đã không tin còn chế giễu. Cậu ta ấm ức về xin mẹ đi gặp cha. Mẹ chiều con bèn chỉ đường vượt Ethiopia, Ấn Độ, những vùng sa mạc bao la để tới phương Đông - nơi Thần Mặt Trời Phoebus đang sống. Gặp cha, chàng sung sướng bội phần và ngàn lần sung sướng hơn nếu được ngồi lên cỗ xe Mặt trời. Chàng sẽ đi qua làng mình và gọi xuống để bọn trẻ từng nghi ngờ chàng khoác loác cho chúng nó sáng mắt ra. Thần Phoebus chiều con…

Phaethon cầm lấy dây cương cỗ xe Mặt Trời từ tay cha. Một cỗ xe bằng vàng óng ánh vương giả vô cùng. Những con ngựa thần mang mào lửa phương phi tuyệt đẹp. Chàng vô cùng hãnh diện và thư thái ngồi lên. Nhưng những con ngựa thần thì không thư thái. Chúng nhận ra ngay đây là người đáng bắt nạt. Chúng kéo xe vọt đi nhanh. Xe lượn lên, mặt đất bình yên. Xe xuống dốc, mặt đất bùng cháy, nhà cửa cây cỏ bị thiêu trụi. Những thành phố bị phá hủy. Cậu bé con trai Thần Mặt trời hoảng hốt trong bất lực…

Hình như đọc câu chuyện này nên các bậc cha mẹ người Việt từ đó có câu: "Yêu con cho đòn cho vọt…" chứ dứt khoát không chiều con. Vì như thế con sẽ đốt nhà đốt cửa như con trai Thần Mặt trời…Cũng hình như thế nên trong kiến trúc đình làng người Việt, biểu tượng Mặt trời hiền lành và gần gũi thường được chạm nổi là một vành tròn nổi, xung quanh được ôm ấp bởi một lớp cánh hoa cúc, biểu tượng của những ánh hào quang.

Có thể là đất đai mình xứ nóng chẳng cần lắm đến Thần Mặt trời nên bị "giải thiêng" bằng cách cho biểu tượng mặt trời "ngự" trên váy áo phụ nữ (nhất là vùng núi cao) để toả sáng mà tôn thêm cái đẹp còn hơn cả thần thánh.

Biểu tượng mặt trời vùng nhiệt đới thường mang tính chất nước đôi, hai mặt, có khi đối nghịch nhau. Không có mặt trời thì khó sống, khó làm ăn nhưng có thì nóng bức, khó chịu. Nóng quá thì cháy, cháy nương cháy rẫy, cháy cây cháy cối. Thành ra "kính nhi viễn chi".

Mặt trời gắn liền với lửa, "đẻ" ra lửa. Mà lửa thì gần gũi hơn, thiết thực hơn, nên các thần thoại về lửa với nghĩa phái sinh từ mặt trời nhiều hơn. Trong các lễ hội hay có hình tượng "đèn trời" chính là sự giao thoa giữa mặt trời và lửa. "Đèn trời" cháy và bay bằng cách cho lửa cháy làm loãng không khí trong lòng đèn, theo nguyên lý đối lưu, đèn tự bay lên. Miệng đèn là một thanh tre uốn cong thành hình tròn đường kính khoảng 0,8m. Miệng đèn làm khuôn để phất giấy tạo thân đèn cao khoảng 1m. Giấy phất đèn là giấy bản hoặc giấy dó, có độ dai bền, nhẹ. Bấc đèn bằng sợi vải tẩm mỡ lợn.

"Đèn trời" là một cách "dâng lửa", cung cấp thêm ánh sáng cho Mặt trời. Đấy là chuyện xưa, ngày nay "đèn trời" rất nguy hiểm vì rơi xuống có thể gây hoả hoạn, nhất là vướng vào đường dây điện cao thế.

Tín ngưỡng thờ cúng ba ngày Tết của cư dân nông nghiệp luôn để lửa trong ngọn đèn vặn bấc nhỏ, về bản chất là thờ thần lửa/ thần Mặt trời với khát vọng bình yên trong vừa đủ ánh sáng (người làm ruộng thích sự vừa phải, chừng mực).

Tây Nguyên hùng vĩ tự hào với văn hoá cồng chiêng là di sản văn hoá nhân loại. Nhưng còn tự hào hơn với hình tượng Đăm Săn bất tử. Theo tục "nối dây" (chuê nuê) Đăm Săn cưới hai chị em Hơ Nhí, Hơ Bhí rồi trở thành một tù trưởng giàu có, hùng mạnh. Đăm Săn đánh bại các tù trưởng Mtao Grư, Mtao Mxây, giành lại vợ, đem lại sự giàu có cho cộng đồng. Đăm Săn phản kháng thần quyền, chặt cây thần và "đi bắt Nữ thần Mặt Trời" về làm vợ. Đăm Săn thể hiện một tư thế vượt tầm vũ trụ. Chàng vượt qua rừng có nhiều cọp, nhiều rắn, vượt qua chông lớn, chông nhỏ, "chông lớn nhiều như lông nhím, chông nhỏ nhiều như lông chó. Con sóc mà nhảy vào thân nó cũng khó vẹn toàn".

Đi bắt Nữ thần Mặt trời chính là khát khao vượt qua mọi trở ngại tục quyền, thần quyền, cường quyền để chinh phục tự nhiên, thực hiện lý tưởng, hoài bão.

Ngàn năm sau và mãi mãi hình tượng Đăm Săn sẽ toả sáng làm rực rỡ thêm những hoa văn văn hoá Tây Nguyên thêm óng ánh, rạng rỡ.

Người Nhật Bản tự hào là "đất nước mặt trời mọc". Tên nước theo âm Hán có nghĩa là "gốc của Mặt Trời" (Nhật là mặt trời, Bản nghĩa là gốc). Thần thoại Nhật Bản coi tổ tiên của họ là nữ thần Mặt Trời Amaterasu (Thái dương thần nữ). Còn một tên nữa là "Phù Tang". Phù tang là loại cây dâu rỗng ruột (tiêu tâm). Theo truyền thuyết Thần Mặt Trời "ngự" trong gốc cây dâu này trước khi cưỡi xe lửa đi trên trời từ Đông sang Tây. Cái tên "xứ Phù Tang" là có từ tích ấy.

"Nhật" là mặt trời, "nguyệt" là mặt trăng. Người Việt theo xu hướng âm tính nên con gái tên Nguyệt vô cùng nhiều nhưng con trai tên Nhật lại có vẻ hiếm. Điều này khác với quan niệm về tên riêng của Người Nhật!

Nguyễn Thanh Tú
.
.