Thấu cảm đề thi, thấu cảm mùa thi

Thứ Năm, 29/06/2017, 11:04
Như mọi năm, cứ vào mùa thi, đề thi Ngữ văn cho học sinh PTTH lại gây xôn xao dư luận. Và năm nay là bài thi nghị luận về một đoạn văn nói đến sự thấu cảm, lòng trắc ẩn được trích từ đoản văn "Thiện, Ác và Smartphone" của Đặng Hoàng Giang. Đề thi ấy lập tức tạo được ấn tượng mạnh trong dư luận, đa số là ủng hộ. Tất nhiên, cũng có một bộ phận nhỏ phản ứng tiêu cực rằng nó hơi xa rời thực tế, hơi quá sức đối với lứa tuổi của học sinh lớp 12.


Thực ra, nếu cho rằng yêu cầu học sinh lớp 12 nghị luận về thấu cảm là quá khó thì có vẻ như chúng ta đang ngày một xem nhẹ thế hệ trẻ của mình. Lớp 12, nghĩa là các em đã ở vào tuổi 17, 18, lứa tuổi đủ tiếp nhận, đủ năng lực trí tuệ để tìm hiểu những vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. 

Và nếu ở môn Ngữ văn, một bộ môn gắn liền đến tiếng Việt, việc một học sinh 18 tuổi không hiểu được nghĩa của từ thấu cảm là gì chắc chắn sẽ là thất bại của ngành Giáo dục.

May mắn thay, các em đa số đều nhận xét rằng đề thi Ngữ văn năm nay nhẹ nhàng, dễ chịu. Và chính nhận xét của các em là một phản bác rất mạnh mẽ đối với những cái nhìn tiêu cực đang cho rằng "thấu cảm là gì" đang là thứ thách đố tuổi trẻ của các em.

Nhưng nói chuyện đề thi ấy để rồi chúng ta nhận ra một vấn đề khác không chỉ của kỳ thi này mà của mọi mùa thi. Đó là hình ảnh những bậc phụ huynh đưa đón các em trước cổng trường, đặc biệt là ở hai đô thị lớn nhất nước. Đến đây thì phải thực sự thấu cảm cho nhau rồi, thấu cảm cho chính những người cho rằng các em còn non nớt lắm, thấu cảm với chính các em và với chính bản thân các bậc phụ huynh mà trong đó, có thể có chính chúng ta hôm nay.

Thế hệ khoảng 30 tuổi trở lên chắc vẫn còn nhớ như in kỳ thi tốt nghiệp PTTH, Đại học của mình. Ngày ấy, sỹ tử đi thi thường là tự thân tới trường, thi xong tự đi về, một mình hay theo nhóm. Còn các thí sinh thế hệ sau này thì sao? Các em đa số cần cha đưa mẹ đón và điều đó cho mỗi chúng ta cảm giác các em còn bé nhỏ quá, như những học trò trung học cơ sở hay tiểu học.

Phải chăng, sự thay đổi chóng mặt đã ngày một khiến xã hội ẩn chứa nhiều rủi ro hơn, nhiều nguy cơ hơn nên các em đuợc gia đình bao bọc kỹ lưỡng hơn? Hay phải chăng, chính chúng ta, với những thiệt thòi thuở nhỏ do hoàn cảnh kinh tế cả nước đều khó khăn như nhau, nên đã mang nặng tâm lý bù đắp lại cho con, cháu mình, bù đắp đến quá mức và biến lũ trẻ hôm nay trở thành một thế hệ không thể chủ động nổi ở những việc mà lẽ ra ở lứa tuổi của chúng, chúng cần phải làm được?

Nhiều người đã nói đến chuyện cha mẹ, nhà trường đang góp tay cùng nhau tạo nên từng thế hệ "gà công nghiệp" với kỹ năng mềm ngoài cuộc sống ngày một thiếu và yếu. Điều đó có thể gây nhiều tranh cãi, nhưng nếu dành thời gian quan sát ở các cổng trường, chúng ta sẽ cảm nhận rằng thế hệ trẻ hôm nay dường như yếu ớt hơn hẳn thế hệ đi trước rất nhiều về tâm lý, khả năng ứng biến.

Vẫn biết, cuộc sống hôm nay phức tạp hơn nhiều, rủi ro rình rập đó đây và có thể xuất hiện một cách bất ngờ nhưng liệu chúng ta sẽ bao bọc được con em mình đến bao lâu đây trong khi đáng ra, cần để chúng tự tập bay trên đôi cánh của mình, ngõ hầu luyện cho mình một bản lĩnh sống, một bản lĩnh để đương đầu với những thách thức.

Văn Đoàn
.
.