Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017)

“Thánh ca Truông Bồn” và giá trị của hy sinh

Thứ Bảy, 22/07/2017, 08:00
Cuốn truyện ký này là một cuốn truyện ký tư liệu. Văn học tư liệu có sức mạnh riêng của nó. Đó là sức mạnh của tính chân thực thuần khiết. Nó thoả mãn nơi người đọc khát vọng về sự thật cuộc đời, về những giá trị không bị bịa đặt, không bị đánh bóng. Văn học tư liệu có thể tìm đến trong nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện ký, hồi ký, nhật ký… 


Với tập truyện ký “Thánh ca Truông Bồn” (NXB Phụ nữ), bằng cái nhìn nghệ thuật độc đáo của mình, nhà văn Trần Huy Quang đã dẫn người đọc vào thế giới nhân vật từ một thời khắc đặc biệt: 6h10’ ngày 31/10/1968. Sáng đầu đông “trời bàng bạc mây trắng” chắc mặt trời chưa kịp mọc. Nói một thời khắc mà thực ra chỉ trong vài giây đồng hồ khi loạt bom tọa độ đầu tiên trong ngày bất ngờ giáng xuống Truông Bồn từ máy bay Mỹ và 13 người con gái con trai trẻ tuổi đã không còn bao giờ được nhìn thấy mặt trời mọc trên quê hương mình nữa.

Cuốn truyện ký này là một cuốn truyện ký tư liệu. Văn học tư liệu có sức mạnh riêng của nó. Đó là sức mạnh của tính chân thực thuần khiết. Nó thoả mãn nơi người đọc khát vọng về sự thật cuộc đời, về những giá trị không bị bịa đặt, không bị đánh bóng. Văn học tư liệu có thể tìm đến trong nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện ký, hồi ký, nhật ký…

Có những tác phẩm ghi lại tức thời tư liệu của hiện thực (như các truyện và ký viết trên đường ra trận thời chiến tranh, hoặc các cuốn nhật ký chiến tranh được tìm ra sau này như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Nhật ký Nguyễn Văn Thạc”…). Có những tác phẩm nhiều năm sau, nhiều chục năm sau mới ghi lại tư liệu thời dĩ vãng qua ký ức của con người. “Thánh ca Truông Bồn” thuộc loại này.

Nhà văn Trần Huy Quang với nhiều tháng ngày lặn lội, tìm gặp từng gia đình liệt sĩ, những người thân yêu ruột thịt, những bạn bè thời tuổi trẻ, đặc biệt là những bạn chiến đấu của các liệt sĩ may mắn đi qua chiến tranh còn được sống tới ngày hôm may. Anh đã ghi lại trung thành ký ức của họ, những dòng ký ức như còn thấm đầy nước mắt của người kể.

“Thánh ca Truông Bồn” vừa là hành trình ký ức của những người thân liệt sĩ, vừa là hành trình văn hoá của nhà văn trở về dĩ vãng 43 năm trước, vì chính anh lúc ấy cũng là người trong cuộc, bước chân vào chiến tranh là anh lính pháo binh rồi trở thành một trong những người chỉ huy Thanh niên xung phong trên các nẻo đường máu lửa của khu Bốn. Trước “Thánh ca Truông Bồn”, Trần Huy Quang đã có “Những cô gái Đồng Lộc”, “Nước mắt đỏ…”

Bìa tập sách “Thánh ca Truông Bồn” của nhà văn Trần Huy Quang.

Có một thời (những năm 60, 70 thế kỷ trước), ở ta xuất hiện một quan niệm ấu trĩ trong lý luận và nghiên cứu văn học: Rằng văn học chiến tranh cách mạng Việt Nam không có và cũng không chấp nhận cái bi kịch, rằng những ngày ra trận chỉ có thể là những “ngày vui” với “rộn rã bờ tre từng hồi trống giục” náo nức hùng tráng với những con “đường ra trận mùa này đẹp lắm”.

Đó cũng là sự thật chiến tranh, cái sự thật một nửa dễ nhận thấy. Cách nhìn hồn nhiên một chiều này chưa thể nhận ra được tận đáy chiều sâu lý tưởng văn hoá của dân tộc mình trong chiến tranh. Xin hãy nghĩ về những người phụ nữ ra trận. Bộ mặt gớm guốc và tàn bạo của chiến tranh không hề mang một sắc nét nào khuôn mặt phụ nữ. Chém giết không phải là thiên chức của phụ nữ.

Thiên chức của phụ nữ là sản sinh, nuôi dưỡng và sáng tạo cuộc sống. Do đó, NHÂN TỪ mới là khuôn mặt đích thực, là phẩm chất đặc trưng, là định mệnh, là mục đích cuối cùng của cuộc đời người phụ nữ. Nhưng rồi đến họ cũng phải tham gia chiến tranh. Trong lịch sử dân tộc này, đã từng có những phụ nữ ra trận: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân…

Hiển nhiên, đó là những trường hợp đặc biệt. Đến thời hiện đại, trong cuộc chiến tranh vệ quốc 30 năm (1945-1975) có thể kể đến hàng chục vạn người con gái Việt Nam đã ra trận làm đủ mọi công việc của chiến tranh và không biết bao nhiêu ngàn chị em đã ngã xuống, đã hy sinh cả tuổi trẻ, sắc đẹp, tình yêu và khát vọng thực hiện thiên chức của mình.

Cuộc ra trận và hy sinh của những người phụ nữ là luận chứng thuyết phục nhất để hiểu chiều sâu lý tưởng văn hoá của dân tộc này khi đứng lên làm chiến tranh. Cúi xin linh hồn hai liệt sĩ Trần Văn Hạp và Cao Ngọc Hoà để được nói về sự hy sinh của 11 người phụ nữ ở Truông Bồn.

Trước khi bước vào chiến tranh, họ là những cô gái trẻ chưa ai học hết cấp hai, hầu hết chỉ 17 - 18 tuổi. Cô gái trẻ nhất cho đến thời khắc định mệnh 6h10’ ấy mới chỉ có 17 tuổi 3 tháng 14 ngày, nghĩa là khi đi TNXP, bước vào tọa độ lửa Truông Bồn, em còn ở tuổi 16. Đó là liệt sĩ Nguyễn Thị Hoài. Họ đi vào chiến tranh hoàn toàn tự nguyện. Chưa đủ tuổi chăng?

Nguyễn Thị Văn nói với cán bộ tuyển quân khi người này nhìn hồ sơ thấy Văn mới hơn 16 tuổi bảo em về đi học: “Em 17 tuổi, em tình nguyện xin đi đánh giặc chứ em có đi nghĩa vụ đâu mà bắt phải đủ 18”. Giản dị vậy mà không có cái “lý” nào bắt bẻ được vì đó là lẽ sống không chỉ riêng em, các em mà là lẽ sống của cả một dân tộc khi kẻ thù buộc ta “đứng lên cầm khẩu súng”.

Một dân tộc canh tác lúa nước luôn khao khát sự yên lành để cày cấy và kiếm sống trên mảnh đất của mình. Hoà bình và nhân ái trong độc lập tự do là lý tưởng văn hoá của dân tộc ấy. Chiến tranh không phải là lẽ sống của người Việt ta, nhưng khi quân xâm lăng đã “dọc ngang trên bầu trời, bom và rocket đã nổ trên những cánh đồng ngô đang ra hoa”, đã dội xuống những ngôi làng yên ả, cày xới mồ mả tổ tiên ta thì còn ai có thể ngồi yên được.

“Con trai ra trận vào chiến trường gần hết thì đến lượt con gái cũng ra trận”. Đó là cuộc chiến tranh bắt buộc để cứu lấy giống nòi, để bảo tồn dân tộc. Nhà văn không thể không diễn tả cái hồn nhiên hồ hởi của những người con gái ra trận, lăn xả dưới một trời bom đạn, nhiều lần bị bom vùi dưới mặt đất tan nát như mặt đất thời hồng hoang tiền sử, rồi lần lượt bới đất đứng lên và cất tiếng cười giòn giã. Ngay cả đến cái chết họ cũng nghĩ đến nó một cách hồn nhiên.

Cô Đang bảo đùa với bạn như một “di chúc” dí dỏm về việc chia tài sản “khi mô tau chết”. Ở nơi cái chết và gian nguy vây bủa bốn bề mà niềm vui sống tuổi trẻ không bao giờ bị dập tắt ở họ. Tuy nhiên, đây là ký ức đau thương của người thân về họ, cho nên trong cuốn sách này tiếng khóc và nước mắt xuất hiện nhiều hơn. Đó là tiếng khóc của mẹ trong đêm cuối cùng tiễn con gái ra trận, là tiếng khóc của người con gái xót thương cha mẹ già, là tiếng khóc của Phúc khóc thương bốn mẹ con chị chủ nhà bị bom tan nát hết.

Nước mắt của người chị dâu Hoàng Thị Nhung khóc em chồng suốt hơn bốn mươi năm mỗi khi đến ngày giỗ “vẫn cứ khóc như hồi Nhung mới mất. Em tôi xương không, thịt không, em tôi không còn chút gì gọi là có. Cũng máu thịt xương da cha mẹ sinh ra mà em tôi tan nát không còn chút gì”. Tiếng khóc của Võ, em trai chị Nguyễn Thị Văn đi bộ đội về, lặn lội lên Truông Bồn tìm mộ chị. Nhưng chị Văn của em có mộ riêng đâu. Cả 7 người chỉ còn một cánh tay và một ít da thịt chôn chung một mộ. Nhiều lắm, tiếng khóc và nước mắt thấm đẫm cả cuốn sách.

Niềm tiếc thương của người đọc càng lớn hơn khi ta đọc đến những trang truyện kể về 6 cô gái và 1 chàng trai đã hết nhiệm kỳ TNXP, đã có giấy báo đi học chuyên nghiệp hoặc về quê làm lễ cưới, đã làm xong thủ tục ra quân và tối qua đơn vị đã tổ chức liên hoan chia tay. Vậy mà sáng hôm đó, thay vì lên đường đến trường hoặc về quê thực hiện những dự định tương lai cho cá nhân mình thì họ lại tự nguyện ra trận, vì nghĩ rằng ngày mai bắt đầu ngưng bắn tạm thời, chắc chắn hôm nay quân thù sẽ đánh Truông Bồn khốc liệt nhất.

Tình quyến luyến với đồng đội, ý thức phải góp phần cứu lấy Truông Bồn và những con đường ra tiền tuyến, họ đòi ra trận buổi cuối cùng cũng giản dị và hồn nhiên như cuộc đời của họ: “Làm một buổi cuối cùng thật đẹp, cho thật xứng đáng là buổi làm chia tay với đồng đội”.

Tự nguyện xung phong ra trận, nhưng là tự nguyện “đến đúng chỗ nguy hiểm nhất, nơi cửa tử, nơi hút bom” của Truông Bồn. Và tất cả họ đã ngã xuống, “thi hài họ như biến thành không khí, chỉ còn để lại nửa vành nón và một cánh tay. Chắc tất cả đã biến thành khói, thành gió, thành mây để bay mãi trong trời đất Truông Bồn”.

Sự hy sinh của họ là sự hy sinh “hai lần anh hùng” - lời văn của tác giả chính là tiếng nói nội tâm của những người đồng đội may mắn còn sống trở lại Truông Bồn để “thương tiếc và ngưỡng mộ nhân cách làm người cao cả” của các em, các bạn. Họ cũng tha thiết gửi gắm lời “cầu mong những người đã qua chiến tranh hay chưa biết đến chiến tranh, dù sống ở đâu, thị thành hay thôn dã, hãy nghĩ về những nhân cách đang nằm lại dưới mảnh đất Truông Bồn này và cả khắp nơi trên đất nước này mà sống để cho những người ngã xuống không phải đau lòng”.

Mười ba chân dung liệt sĩ được tác giả thể hiện bằng một giọng văn trầm cảm. Trầm cảm cho nên âm ba của nó vọng sâu vào tâm thức của con người. Mỗi chân dung - mỗi cái chết hy sinh, là một số phận riêng, có tiếng vọng riêng. Nhưng từ những mối giao liên của lịch sử và văn hoá, những tiếng vọng riêng đó cộng hưởng với nhau thành một tiếng vọng nhân loại diễn đạt cái lý do tồn tại vĩnh hằng của một dân tộc: Độc lập - Tự do. Tiếng vọng đó phát ra từ một “tình huống thế giới”, để “bày tỏ cả một thế giới”, để đánh thức lương tri của con người hãy cảnh giác với những cuộc chiến tranh chống lại loài người và dân tộc.

Lê Văn Tùng
.
.