Thần đồng làm thơ

Thứ Năm, 25/06/2015, 08:05
13 tuổi, Đỗ Nhật Nam đã là Tổng biên tập Creative Melange - tờ báo tuổi teen của Đông Nam Á. 13 tuổi, Nhật Nam có hàng loạt cuốn sách dịch, được coi là dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam. Mừng ngày về thăm Việt Nam sau 9 tháng du học bên Mỹ, Nhật Nam ra mắt đầu sách thứ 4 của mình: "Đường xa con hát". Đây cũng là lần đầu tiên Nam làm thơ...  

Trở về Việt Nam nghỉ hè, Nam đen đi nhiều so với ngày em chuẩn bị lên đường sang học lớp 8 trường Saint Paul. Ừ thì tuổi của Nam, đôi chân sáo tung tăng dặm đường dài. Nhiều khi tưng bừng nhảy nhót dưới mưa, lúc lại lang thang dưới trời nắng cháy. Có hề gì khi nụ cười vẫn tỏa nắng, hồ hởi như vừa khám phá ra điều gì mới mẻ.

Có cảm giác như Nam luôn muốn khám phá, tìm tòi cho kỳ hết vạn vật. Như khi 12 tuổi, Nam bày tỏ nguyện vọng đi du học, nơi ấy là đất Mỹ. Như khi ở trường, chú thủ thư ngạc nhiên trước một cậu bé Việt Nam đọc không còn sót cuốn sách nào của thư viện. Và để thỏa sức tung tẩy, khám phá, Nam dự tuyển vào tờ Creative Melange. Đó là cơ hội để em gặp gỡ nhiều người, viết những bài về kỹ năng cho bạn đọc cùng trang lứa. Chẳng ngờ, Nam lại được giao chức Tổng biên tập. Điều thú vị là "ông Tổng biên tập" lại nhỏ tuổi nhất so với dàn phóng viên, nhân viên đến từ các nước.

Thần đồng Đỗ Nhật Nam.

Công chúng biết đến Nam từ hồi cậu còn bé xíu, lẽo đẽo theo chị Kính Hồng dẫn chương trình "Chúc bé ngủ ngon" của VTV. Bé xíu vậy nhưng đối đáp tiếng Anh với chị Kính Hồng, Nam khiến chị nhiều lúc phải xin thua.

Nam được coi là dịch giả nhí, MC nhí bởi khả năng hùng biện tiếng Anh, diễn đạt và tư duy cực tốt. 7 tuổi, cậu đã có sách dịch "Mặt trời mọc, mặt trời lặn" rồi đến các cuốn "Nạp điện", "Tôi tư duy, tôi thành đạt", "Sống đẳng cấp". Nam là tác giả của "Tớ đã học tiếng Anh như thế nào"; "Những con chữ biết hát"; "Bố mẹ đã cưa đổ tớ", "Đường xa con hát".

Ngoài thành tích học tập vượt trội, Nam từng đoạt nhiều giải cao tại các kỳ thi tiếng Anh, hùng biện và tham gia hội thảo quốc tế... Nam còn có nhiều tài lẻ như chơi đàn bầu, đàn violin. Có người hỏi: "Em được mọi người tôn vinh là thần đồng, em có thấy áp lực không? Nhất là khi nhiều người tò mò không biết thần đồng ở trong nước được tung hô như thế thì thần đồng ra biển lớn sẽ như thế nào?". Không suy nghĩ nhiều, Nam đáp: "Thưa chị, em chưa bao giờ coi mình là thần đồng. Vì vậy em không hề thấy áp lực. Em coi sự yêu mến và trông đợi của mọi người là động lực để em học tập và rèn luyện tốt hơn dù em có ở nơi đâu". Quả là, Nam ăn nói tự tin, chững chạc hẳn so với hồi cậu còn lí lắc ở Việt Nam, ra dáng một chàng trai lắm rồi. 

Sang Mỹ du học, một tài năng khác của thần đồng phát tiết: làm thơ! Nam tâm sự: "Em làm bài thơ đầu tiên tặng mẹ nhân dịp 20-10. Khi đó em ở xa mẹ hàng ngàn dặm và nhớ mẹ cồn cào. Thật bất ngờ, bài thơ ấy khiến mẹ vô cùng cảm động và yêu thích. Em nhớ những giọt nước mắt hạnh phúc vô bờ của mẹ. Đó là động lực để em tiếp tục viết những vần thơ gửi gắm tình cảm của mình đến bố mẹ và những người thân yêu. Thơ cũng là cách giúp em nguôi đi nỗi nhớ nhà lúc nào cũng dâng lên trong lòng".

Vì lẽ vậy mà tập thơ "Đường xa con hát" là tiếng lòng của một người con xa xứ, một mình rong ruổi trên xứ người hướng về bố mẹ, về ông bà, về những ngày ấu thơ kỷ niệm, về chú mèo lười hay cuộn tròn trong lòng mẹ...

"Con sẽ về nơi vùng trời soi nghiêng/ Sau chia xa mới biết mình yêu nhiều đến thế" (Con sẽ về). Xa nhà, không kề bên những người thân yêu nhất, Nam chỉ biết gửi gắm những dòng yêu thương qua ô cửa Facebook.

Đó là khúc hát vỗ về bố: "Bố ơi! Ngơi nghỉ đôi vai/ Trĩu rồi gánh nặng dặm dài bố qua/ Bố ơi! Nhẹ bớt đường xa/ Còn trời, còn nước, còn "ta" thương "mình"". Là tiếng thủ thỉ an ủi mẹ: "Thôi nào nước mắt đừng lăn/ Thôi nào cất những băn khoăn muộn phiền/ Xa xôi dẫu có trăm miền/ Tim con vẫn trọn nỗi niềm yêu thương".

Bìa tập thơ "Đường xa con hát" của Đỗ Nhật Nam.

Có bậc làm cha làm mẹ nào lại cầm lòng khi đọc được những dòng thư, dòng thơ như thế của đứa con yêu dấu. Nam "béo" bé bỏng cô đơn trên xứ lạ bỗng trở thành bờ vai vững chãi để ba mẹ tựa vào: "Dù trời gió bấc/ Hay mưa dầm dề/ Bố ơi, đừng sợ/ Đây tay con đỡ/ Đây ngực con nâng/ Bố tựa đầu đi/ Ngủ nào bố nhé" (Khúc ru cho bố). Nam của bố mẹ đã lớn, không còn khóc nhè, nũng nịu.

Nam tinh nghịch nên vần thơ cũng mang sự tếu táo, ngộ nghĩnh như chọc cho mọi người cười. "Bà ngoại xì tin" với những câu chữ trêu đùa "Bà vào like, comment/ Hình icon rực rỡ/ Bà "xì tin" khó đỡ/ Bà vui thêm ngàn lần". Hay em dặn chú mèo phải chăm mẹ, chăm bố bằng giọng hồn nhiên. Đọc thơ Nam, giữa những dòng ngô nghê, tinh nghịch, người ta bắt gặp cái chau mày "cụ non", những chiêm nghiệm triết lý người lớn.

Phải tinh tế lắm mới nhận ra "Nếu biết yêu thương thì đâu cũng là nhà/ Đâu cũng gặp con cò đến hát/ Đâu cũng thấy lời hương quê bát ngát/ Xin bố mẹ yên lòng... con vẫn ấm... mùa đông" (Đông ấm) hay "Tình yêu không nằm trên môi/ Mà ngập trong tim ấm nóng/ Mà xua đi mùa lạnh cóng/ Đem về hơi ấm hồng son" (Rì rầm yêu thương). Người ta còn giật mình trước đúc kết mang tính duy lý sâu xa: "Thế giới này sẽ chẳng còn khổ đau/ Nếu ai cũng biết là mình không hoàn hảo/ Mình dẫu sao chỉ là thanh ghép nhỏ/ Trong bộ xếp hình tròn trịa của nhân sinh" (Tiếng hát con chim nhại).

Sao không giật mình cho được khi viết nên vần thơ đó là cậu bé còn ở tuổi ăn tuổi lớn, còn ham đá banh, trượt ván. Nhưng hãy nghe những câu chuyện của bố Đỗ Xuân Thảo để thấy rằng điều đó ở con trai ông không có gì đáng lạ. "Khi con hai tuổi, bố mẹ cho con về nước nghỉ phép và đến thăm địa đạo Củ Chi. Dò dẫm trong đường hầm, ai cũng kêu lên vì tối thì con nắm chặt tay bà ngoại và thỏ thẻ: "Bà đừng sợ, "nơi hầm tối là nơi sáng nhất" đấy bà ạ"...

Khi con năm tuổi, trong lúc trời mưa sấm chớp đùng đùng, mẹ thì sợ run người còn con lại vỗ tay cười khanh khách. Con nói: "Mẹ ơi, ông trời đang chụp ảnh đẹp chưa kìa!"... Lần khác đi tắm biển, Nam bị sóng đẩy ngã nhào, bố mẹ thì cuống cuồng nhưng khi lên bờ Nam hồ hởi: "Không cần nhạc mà sóng cũng nhảy hăng thế bố nhỉ?".

Thơ Nam như một dòng suối róc rách, mát rượi nơi con suối chảy qua, nơi con suối hướng về. Nam làm thơ để tặng gia đình trên mạng xã hội nên mỗi bài thơ như một cánh thư, như một trò chơi tuổi nhỏ. Vậy nên câu chữ giản dị, mộc mạc như em tự nhận "Con viết những câu vụng về/ Chỉ là tim nhỏ tràn trề yêu thương". Nam bảo: "Em làm thơ mà không nghĩ mình đang làm thơ vì em không cầu kỳ vì nghệ thuật. Em gọi thơ là "trò chơi xếp hình với các con chữ". Những cảm xúc, những ý tưởng cứ theo từng con chữ, xếp thành từng dòng bé xinh, làm dịu vơi khoảng cách địa lý dằng dặc giữa em và bố mẹ".

Sinh ra trong một gia đình trí thức, bố Đỗ Xuân Thảo là một nhà ngôn ngữ học, còn mẹ Phan Thị Hồ Điệp là một giảng viên của Đại học Sư phạm Hà Nội, Nam được thừa hưởng một nền giáo dục tốt và năng khiếu văn chương của bố mẹ. Khi còn ở quê nhà, năng khiếu đó chỉ bộc bạch qua việc em viết lách kiểu tâm tình, tự bạch còn thi hướng vẫn ủ sâu. Nhưng trên mảnh đất cô đơn nơi xứ người, đong đầy thương nhớ về quê hương, gia đình, hạt thơ ấy mới phát tiết như một lẽ tự nhiên.

Đọc thơ Nam, người ta nghĩ ngay đến những thần đồng thơ trước đây. Nhưng với tâm thế của một thiếu niên kiểu mới trong thời đại thế giới phẳng, thơ Nam không chỉ quẩn quanh với mái ấm gia đình, cội nguồn của mình mà mở lòng ra với những kiếp người, với những biến động trên thế giới. Đó là lời mong an bình cuối năm cho nhân loại, chia sẻ với bao người đau đớn trước tai nạn thảm khốc như máy bay rơi, thiên tai, dịch bệnh...; là khúc nguyện cầu cho nạn động đất ở Nepal; là nỗi thương cảm, xót xa cho những "em bé da màu vật vờ trên đường vắng", "kiếp nô lệ nổi trôi", "số phận tật nguyện không chỗ tựa nương"... Những điều đó, Nam ít nhiều mắt thấy, tai nghe trên mỗi hành trình em qua.

Những bài thơ chạm đến chiều sâu nhân loại đều có bản tiếng Anh do chính Nam chuyển ngữ để chia sẻ với bạn bè năm châu. Tiếng thơ ấy là tiếng thơ của một công dân toàn cầu. Ở đó, tổ ấm của Nam trở thành tâm để cậu vẽ vòng tròn yêu thương lên kiếp nhân sinh trên quả đất thân thuộc này.

Mai Quỳnh Nga
.
.