Đọc "Hà Nội văn chương từ một góc nhìn" của Vũ Nho, NXB Hội Nhà văn, 2019

Thấm đậm một tình yêu Hà Nội

Thứ Năm, 05/09/2019, 10:51
Tôi nghĩ, cần nói ngay đôi điều để bạn đọc hình dung chung về tác phẩm mới của nhà văn Vũ Nho. Trước tiên phải nói về thể loại của công trình mới xuất bản - "HÀ NỘI VĂN CHƯƠNG TỪ MỘT GÓC NHÌN" - của ông. Theo tôi, nó là cuốn sách thuộc dòng "tạp kỹ" (gồm tiểu luận, phê bình, đối thoại, biên soạn, sáng tác thơ).


1.Như vậy, nếu xét về "binh chủng" thì cuốn sách này là "hiệp đồng binh chủng". Sách dày 655 trang in (khổ 14,5x 20,5), gồm 82 bài ngắn dài khác nhau. Sách được cấu tạo trong ba phần: Người Thăng Long - Hà Nội/ Viết ở Hà Nội/ Viết về Hà Nội (theo tỷ lệ số trang: 432/20/203). Bài viết đầu tiên về chủ đề Hà Nội bắt đầu bằng bài thơ của Vũ Nho "Ở ngoại thành mùa xuân" (1988), bài viết cận kề đáng kể nhất, một tiểu luận công phu "Ba mươi năm thơ Thủ đô đổi mới" (2016).

Với tôi thì ấn tượng về Vũ Nho như là một "lão nông tri điền" trên cánh đồng chữ. Tính đến năm 2019 (ở tuổi 71), Vũ Nho đã "sản xuất" một khối lượng tác phẩm đáng kể/đáng nể: 113 đầu sách dịch, viết chung và riêng về văn chương và giáo dục (xem mục Vài thông tin về tác giả, tr.650). Như vậy có thể nói, "HÀ NỘI VĂN CHƯƠNG TỪ MỘT GÓC NHÌN" thuộc dạng sách chủ đề (viết về vấn đề gì, viết về tác giả, tác phẩm nào cuối cùng rồi cũng quy vào trọng tâm hai chữ HÀ NỘI).

Khi đọc Lời nói đầu, tôi thực sự cảm mến, kính trọng tác giả khi ông chia sẻ: "Tôi chính thức có hộ khẩu Hà Nội tháng 10 năm 1986 khi chuyển từ Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc về Vụ Giáo dục cấp một, cấp hai của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đấy tôi làm văn, viết báo, viết sách ở Hà Nội. Tôi vô cùng biết ơn thành phố Hà Nội đã cho tôi không gian sống, làm việc, giao tiếp với mọi người (…). Để tỏ lòng tri ân Hà Nội, tôi soạn cuốn sách HÀ NỘI VĂN CHƯƠNG TỪ MỘT GÓC NHÌN".

2."Người sống với văn chương cùng thời": Nhiều lần, nhiều nơi, nhiều người nói như thế và tôi cũng đinh ninh như thế khi đọc "HÀ NỘI VĂN CHƯƠNG TỪ MỘT GÓC NHÌN" của Vũ Nho. Như đã nói ở trên, trong số 82 bài viết được đưa vào sách thì có gần 60 bài viết (được coi là phần cốt, phần ruột của cuốn sách) về các tác giả/tác phẩm hiện đại/đương đại: Từ thế hệ Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Đình Liên, Tố Hữu, Xuân Diệu, Tế Hanh,  Quang Dũng, Vân Đài, Ngân Giang, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Viễn Phương... đến Vũ Công Hoan, Ngô Ngọc Liễn, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Vũ Tiềm, Tô Hà, Nguyễn Hiếu, Hoàng Nhuận Cầm, Cao Ngọc Thắng, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Trần Hòa Bình, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Linh Khiếu, Phạm Khải,...

Đặc biệt Vũ Nho rất gần gũi và quan tâm tới những tên tuổi mới xuất hiện nhưng có nhiều hứa hẹn và đóng góp văn chương như Phạm Thị Bích Thủy, Trần Thủy Thạch, Lê Tiến Vượng, Chử Thu Hằng, Nguyễn Việt Anh,... Có thể nói, tác phẩm của Vũ Nho là một cuộc "tổng duyệt" đội ngũ sáng tác văn chương về Thủ đô.

Trong số gần 60 tác giả hiện đại/đương đại được viết thì có đến 4/5 là tác giả thơ. Cũng là một sở trường của Vũ Nho, tôi nghĩ như thế (!?). Ở đây chúng ta ghi nhận sức đọc, sức nghĩ, sức viết của Vũ Nho. Ông hội đủ phẩm chất "3 trong 1": nhà giáo - nhà báo - nhà văn. Đã quá ngưỡng "thất thập niên" nhưng người ta thấy ông thường xuyên hiện diện ở các sự kiện văn học của Thủ đô nói riêng, quốc gia nói chung. Hiện diện không phải với tư cách quan sát (đưa tin) mà là tham dự (bằng các tham luận, ý kiến rất thời sự và bài bản).

Tư cách nhà giáo giúp ông tính chuẩn mực trong nghiên cứu, tư cách nhà báo giúp ông cập nhật thời sự, tư cách nhà văn giúp ông viết có tình, khoan dung và hòa hiếu trong đánh giá, theo tinh thần "gạn đục khơi trong". Riêng tôi thấy ông luôn mềm mỏng, vui vẻ, có cái khí chất nho sỹ đời trước khi cầm bút.

Đặc biệt tôi thích cái tâm thế "cứ viết" như ông công khai trước bàn dân thiên hạ vốn hay có/ thích thú cái ảo vọng về cái gọi là "tác phẩm đỉnh cao, để đời" (!?). Đọc Vũ Nho nhiều, tôi nhớ lại ý của trưởng lão làng văn Tô Hoài khi ông nói mỗi ngày cứ viết chăm chỉ, đều đặn như con ong chuyên cần hút nhuỵ nhoa làm ra mật ngọt.

3."HÀ NỘI VĂN CHƯƠNG TỪ MỘT GÓC NHÌN" của Vũ Nho có biệt sắc gì? Có lẽ đó là tâm thế của những ai sắp đọc tác phẩm này. Theo tôi, dẫu giao diện rất rộng nhưng cái "ruột" của cuốn sách nằm ở những bài Vũ Nho viết về các nhà văn hiện đại, gần hơn là đương đại (đương thời/ cùng thời).

Vì sao tôi lại nhận định như thế? Liệu có chủ quan? Thiết nghĩ, những bài viết của Vũ Nho về các tác giả cổ điển thời trung đại như Mãn Giác Thiền Sư, Trần Quang Khải, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Du dù đầy tâm huyết nhưng có lẽ không vượt qua được Xuân Diệu với công trình đồ sộ và chất lượng cao - "Các nhà thơ cổ điển Việt Nam" - hay các tiểu luận của các tác giả Bùi Duy Tân, Nguyễn Lộc, Nguyễn Đăng Na, Trần Nho Thìn, Lã Nhân Thìn, Trần Ngọc Vương… được coi là các chuyên gia hàng đầu về văn chương trung đại Việt Nam. Nói như thế tôi dám chắc không ai bắt bẻ cả. Đó là sở đoản của Vũ Nho(!?).

Theo tôi, sở trường của Vũ Nho là hướng ngòi bút, sự viết tới đời sống văn chương hiện đại, đương đại với hơi thở, màu sắc, mùi vị, đường nét rất gần với chúng ta - người đương thời. Tôi theo dõi thấy, khi Vũ Nho viết về văn chương đương đại (tác giả, tác phẩm, thể loại, vấn đề,…) ông làm chủ ngòi bút, tự tin, linh hoạt, sinh động, có phát hiện và đóng góp. Xin được nêu vài ví dụ.

Bài "Một cách làm mới phê bình" (về nhà văn Phạm Khải, từ trang 251 đến 260). Nhà văn Phạm Khải (sinh 1968, quê Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội). Anh đến với văn chương từ con đường thơ: "Cánh chuồn tuổi thơ" (1991) và "Giấc mơ ban ngày" (1992) - 2 tập thơ đầu tiên có tiếng vang trên con đường thiên lý văn chương. Nhưng khi viết về Phạm Khải, Vũ Nho lại không viết về thơ mà lại viết về… phê bình văn học/ phê bình thơ của nhà thơ này. Anh đã bốn lần nhận giải thưởng/ tặng thưởng lý luận, phê bình văn học: Giải thưởng VHNT Thủ đô (2014), Tặng thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT  Trung ương (2014 và 2017); Giải thưởng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Hà Nội (2017).

Khi nhận xét về tác phẩm "Trang sách mạch đời", Vũ Nho viết: "Đây là tập sách có phụ đề "phê bình đối thoại văn chương", nghĩa là ít nhất so với các tập sách của đồng nghiệp chuyên về "phê bình" thì Phạm Khải đã có thêm phần "đối thoại" là một phần khác biệt.

Trong tinh thần tôn trọng bạn đọc và bạn văn hiện nay, "đối thoại" giúp cho nhìn đối tượng phê bình từ nhiều chiều, nhiều góc độ, làm cho việc tiếp nhận văn chương giảm tính chất áp đặt một chiều và tăng thêm tính dân chủ, khách quan" (tr. 252-253). Theo tôi, hiện nay sáng tác cũng như phê bình văn chương của ta đang thiếu và yếu tính "đối thoại", vốn được xem là biểu hiện của tính chất dân chủ đang được cả xã hội và văn giới quan tâm.

Tuy nhiên, theo tôi, đang có một xu hướng được gọi là "luận chiến", được một số người hiểu là "đối thoại" trong văn chương. Nhưng rất có thể giữa "đối thoại" và "luận chiến" không giao thoa, thậm chí có người cho rằng "luận chiến" có nguy cơ phân chia chiến tuyến (!?).

Một ví dụ khác, qua đó văn giới thấy nhà phê bình Vũ Nho khi "áp sát" đối tượng đã vẽ được cái "thần thái" của gương mặt thơ nữ khá tiêu biểu - Nguyễn Thị Mai, qua bài viết công phu, có phát hiện "Người thơ tảo tần bến thực bến mơ" (trang 279 đến trang 287). Thú thật tôi không sành thơ, nhưng riêng Nguyễn Thị Mai thì tôi có "theo dõi". Tôi thích thơ của người thơ này ở tính chất nền nã, điềm đạm, sâu lắng, nhiều tính nữ của câu chữ. Trong tâm cảm của mình, tôi nghĩ con người và thơ Nguyễn Thị Mai thuộc loại "hiền".

Nhưng khi đọc Vũ Nho bình thơ Nguyễn Thị Mai thì mới ngộ thêm: "Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến bến mơ của tình yêu và thi ca trong thơ chị. Chúng ta sẽ gặp một Nguyễn Thị Mai khao khát tri âm, thích ước ao và tràn đầy hoài niệm. Phải chăng vốn  là người nết na, cẩn tọng nên hay rụt rè? Phải chăng sự đoan trang, chững chạc của cô giáo, của người cán bộ Hội Phụ nữ thường kìm nén sự mơ mộng, phóng khoáng của người thơ? Chỉ biết rằng chị đã không thể như mọi người, không thể như mong ước" (trang 284-285). Vậy nên lần gặp Nguyễn Thị Mai khi đang viết bài này, tôi đã nhìn nhà thơ nữ này khác trước. Có lẽ nhờ đọc Vũ Nho?

Hà Nội, đầu thu, 2019

Bùi Việt Thắng
.
.