Tên sách mang tính đánh đố người đọc

Chủ Nhật, 21/02/2016, 08:00
Không ai phủ nhận, truyện tranh đang trở thành một thể loại mũi nhọn trong hoạt động xuất bản trên thế giới. Và cũng không ai phủ nhận, truyện tranh nước ta đang mờ mịt diện mạo khi hội nhập với bạn bè quốc tế. Để lấy lại thị trường truyện tranh dành cho người Việt, công chúng hoàn toàn ủng hộ các dự án xuất bản dưới hình thức gây quỹ cộng đồng. Sau dự án "Long thần tướng", một dự án khác cũng vừa ra mắt là "Thành kỳ ý". Độc giả đã quyên góp để in tập đầu tiên của "Thành kỳ ý", nhưng cái tên gọi cuốn sách thật sự gây hoang mang cho cộng đồng.


"Thành kỳ ý" được hứa hẹn là một trường thiên tiểu thuyết gồm ba tập "Máu", "Hoa" và "Lệ ". Dù có vẻ hơi sến, nhưng hai tác giả Linh và San tham gia viết và vẽ cho tác phẩm còn khá trẻ, nên cũng miễn cưỡng chấp nhận một hành vi sáng tạo giàu nhiệt huyết. "Thành kỳ ý" dày 327 trang, do NXB Văn Học ấn hành. Trên bìa tập 1 của "Thành kỳ ý" có ghi rõ thể loại sách là "tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử".

Lấy bối cảnh triều đại Lê Sơ cách đây 500 năm, dưới các thời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông. Xuyên suốt là câu chuyện về cuộc đời, tình yêu và duyên nợ của nàng Ngọc Huyên với bốn huynh đệ nhà Đế vương. Tập đầu tiên của "Thành kỳ ý" là "Máu" kể về vụ án Lệ Chi Viên khiến 400 người bị xử chém. Người thiếp thứ tư của Nguyễn Trãi trốn thoát tới nơi ẩn náu cùng mẹ con Hoàng tử Lê Tư Thành, hạ sinh cặp song sinh Anh Vũ và Ngọc Huyên. Sau này, ba đứa trẻ lớn lên rơi vào vòng xoáy tranh đoạt quyền lực chốn hoàng cung.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

"Thành kỳ ý" không phải một tiểu thuyết lịch sử, và cũng chẳng thể hy vọng giá trị văn học gì ghê gớm ở đây. Tuy nhiên, cái khiến nhiều người ái ngại nhất là tên tác phẩm. "Thành kỳ ý" nghĩa là gì? Vì sao phải lấy một cái tên đầy vẻ đánh đố bạn đọc như vậy? Thực chất ba chữ "Thành kỳ ý" lấy ra từ ý niệm "Sở vị thành kỳ ý giả, vô tự khi dã", nghĩa là điều thành thật với ý mình, là đừng tự lừa dối mình.

Cụ thể hơn "Thành kỳ ý" nằm trong bộ "Đại học" được xem là sách gối đầu giường của các sĩ tử thời xưa. "Đại học" cùng với "Luận ngữ", "Mạnh Tử" và "Trung dung" được xếp vào "Tứ Thư" lừng danh. Vị trí cao đẹp của "Tứ Thư" không cần bàn cãi thêm. Thế nhưng, đem một "Thành kỳ ý" từ thuở "Tứ Thư" để làm tên sách bây giờ, liệu có phải sự chọn lựa khôn ngoan không?

"Thành kỳ ý" chỉ dễ hiểu đối với những người nghiên cứu Hán Nôm, còn bạn đọc phổ thông không thể biết xuất xứ cũng như thông điệp của nó. Một tác phẩm truyện tranh nhân danh phục vụ công chúng trẻ Việt Nam giai đoạn hội nhập, mà lại đặt tên "Thành kỳ ý" thì quả thật hơi thiếu đắn đo. Thoạt nghe, không ai nghĩ  "Thành kỳ ý" được sáng tác trong nước, mà sẽ nhầm tưởng là dịch lại từ Trung Quốc.

Bỏ qua những hình vẽ minh họa bị phê phán gay gắt vì mô phỏng võ hiệp Tàu, thì chính cái tên tác phẩm "Thành kỳ ý" cũng đã là một thái độ sao chép ngây ngô. Đành rằng, cái tên "Thành kỳ ý" có vẻ bí hiểm mà cũng ít nhiều chứng tỏ tác giả có chút "công lực" chữ nghĩa cổ kính. Song, một tác phẩm muốn hướng đến đám đông thì tuyệt đối không nên sử dụng những cái tên gây cản trở về mặt tiếp nhận.

Tác giả Linh - San đều ở tuổi đôi mươi. Linh tên thật Lê Thị Ngọc Linh, còn San tên thật Bùi Hải Bình. Tuổi hai mươi nông nổi, bao giờ cũng thích phô diễn những thứ mà họ cho là siêu phàm. Nếu Linh - San cảm thấy cái tên sách "Thành kỳ ý" rất siêu phàm, thì họ cũng không đáng trách. Lẽ ra, NXB Văn Học - đơn vị cấp phép cho dự án truyện tranh này, phải có những phản biện khéo léo và những đề nghị thỏa đáng để tác giả Linh - San lấy một cái tên khác, thân thiện và gần gũi hơn.

Tuy Hòa
.
.