Trao đổi

Tên cơ quan chưa… chuẩn

Thứ Hai, 21/12/2015, 08:00
Tên các cơ quan, đoàn thể hoặc bất cứ một tổ chức, đơn vị nào cũng phải đạt được hai yêu cầu như sau: Trước hết, phải thâu tóm được đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu về nhiệm vụ, chức năng để người ta biết được hoạt động chính của chủ thể. Ví dụ Tổng cục Thống kê là cơ quan chuyên lo xác định, thống kê những số liệu liên quan đến các ngành trong lĩnh vực sản xuất, kinh tế. Tổng cục Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Trường Đại học Sư phạm là trường đại học chuyên đào tạo ra giáo viên - những người sẽ làm nghề sư phạm sau khi tốt nghiệp… 

Thứ hai là phải ngắn gọn để vừa dễ nhớ, vừa thuận tiện cho việc khắc con dấu và mọi giao dịch. Trước đây, có một cơ quan có cái tên khá dài khiến mọi người rất khó nhập tâm: Ủy ban điều tra tội ác của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Tên này không thể rút ngắn, lược bỏ bất cứ từ nào vì đã chuẩn xác.

Hiện nay, đang có một cơ quan cũng mang tên dài tương tự. Đó là Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, tên này có thể rút ngắn bằng việc lược bỏ mấy âm tiết "Ủy ban toàn quốc" để chỉ còn là Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Bởi đã Việt Nam thì không cần "toàn quốc" nữa và "Liên hiệp" tức là trùm lên các hội thành viên rồi. Và đây đó, ta còn thấy thêm không ít cái tên chưa thật chuẩn xác hoặc trùng lặp mà hoàn toàn có thể sửa lại cho ngắn gọn, sáng sủa hơn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghe hơi dài chỉ là một lẽ. Đáng nói hơn là cũng ít nhiều trùng lặp. Bộ này có chức năng quản lý nhà nước, có nhiệm vụ lo liệu tất cả mọi việc liên quan đến nông nghiệp. Chỉ cần gọi Bộ Nông thôn là đủ. Vì không lẽ nói đến nông thôn lại chỉ nói đến cảnh sắc thiên nhiên, đồng ruộng, ao hồ, vật nuôi, cây trồng?

Đương nhiên cái chính, cốt lõi vẫn phải là người nông dân. Và đã nói đến nông dân thì đương nhiên gắn với nông nghiệp. Có vậy mới gọi được là nông dân. Còn từ "phát triển" là thừa vì hẳn nhiên bộ này phải lo, phải hướng đến sự phát triển rồi. Không lẽ để giậm chân tại chỗ hay thụt lùi vì phát triển là một quy luật vận động tất yếu của mọi sự vật? Tất thảy các ngành, các lĩnh vực đều phải phát triển chứ đâu chỉ riêng nông thôn? 

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có thể rút lại ngắn gọn là Bộ Xã hội vì từ "xã hội" có nghĩa khá rộng, bao gồm nhiều nội dung gắn với các chính sách, chế độ thuộc phạm vi đời sống con người. Như vậy sẽ có những công việc liên quan đến lao động và thương binh, liệt sỹ, những người có công với đất nước. Trước đây, trong một thời gian dài từng có Bộ Lao động cũng phải giải quyết nhiều vấn đề về các chính sách xã hội. Có lẽ sau đó vì thấy thương binh, các gia đình chính sách là một đối tượng rất quan trọng khiến cả xã hội phải ghi công đức, biết ơn nên thêm cụm từ Thương binh và Xã hội. Rõ ràng Bộ Xã hội là ổn, đã hàm chứa được mọi chức năng cần thiết hiện tại của bộ này.

Bộ Giao thông vận tải là thừa từ "vận tải" vì giao thông đương nhiên là phải chở người hoặc hàng hóa (vận tải). Không lẽ các phương tiện chỉ chạy không? Từ bốn âm tiết rút lại còn hai. Rất ngắn gọn, rõ ràng. Ở một số địa phương có con dấu khắc chữ Sở Giao thông mà không Sở Giao thông vận tải. Phải chăng những nơi này đã thấy vấn đề?

Một thời gian dài, ở Hà Nội có một trường mang tên Trường Âm nhạc - Nghệ thuật Hà Nội (ở số 7 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm). Có lần tôi góp ý với vị hiệu trưởng rằng âm nhạc là một chủng loại nghệ thuật (như các chủng loại khác: sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh…). Chỉ cần nói trường Nghệ thuật… là đủ. Tên trường đang mang chẳng hóa âm nhạc tách ra khỏi nghệ thuật, có vai vế ngang với nghệ thuật trong khi chỉ nằm trong, là "con"? Về sau, trường này lên cao đẳng, tách ra khỏi Sở Văn hóa, trực thuộc UBND TP Hà Nội, mang tên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, không còn từ Âm nhạc. Như vậy mới chính xác.

Trường Đại học Quốc gia Hà Nội là trường đại học lớn nhất ở nước ta hiện nay, bao gồm mấy trường: Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ.  Đây là một trung tâm đào tạo những cán bộ khoa học cơ bản trong các lĩnh vực tự nhiên, xã hội và kinh tế ở khu vực phía Bắc. Từ "quốc gia" là chuẩn xác. Nhưng tất cả những trường của Trung ương mà không phải của các địa phương thì đương nhiên cũng là quốc gia, không thể khác (ví như Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Giao thông vận tải, Y, Xây dựng, Nông nghiệp…). Vậy thì Quốc gia là trùm lên tất cả, sao chỉ trùm lên mấy trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ?

Ngày trước, Đại học Quốc gia mang tên Đại học Tổng hợp, trong đó có các khoa Tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh vật) và xã hội (văn, sử). Về sau thêm địa lý, triết học. Sau này, để tương xứng với tầm vóc, sự phát triển chung của đất nước mới đổi thành Đại học Quốc gia" như đã nói. Vậy nên chăng bãi bỏ từ Đại học Quốc gia, cứ để các trường là "con" đứng tách riêng một cách độc lập như mọi trường? Còn Trường Đại học Kinh tế thì sáp nhập vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân? Bởi lẽ chỉ hai Trường Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học Khoa học xã hội và nhân văn mới đào tạo cán bộ khoa học cơ bản, còn các trường khác cùng lĩnh vực nhưng không có chức năng này. Ở miền trong có Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh gồm 7 trường thành viên có chức năng giống như phía Bắc.

Có một chút gợn: Đã là quốc gia lại còn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Phải chăng chỉ vì hai trường Đại học Quốc gia ở hai khu vực có chức năng và vai vế ngang nhau mà phải thêm hai từ xác định tên hai thành phố? Lại nữa: Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Đúng nhưng thừa một trong hai từ. Hoặc là Khoa học xã hội, hoặc là nhân văn. Vì đã là Khoa học xã hội thì đương nhiên có yếu tố nhân văn. Và đã nhân văn thì chỉ có thể là Khoa học xã hội chứ không thể là Khoa học tự nhiên.

Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương trước đây có tên Trường Cao đẳng Sư phạm nhạc, họa Trung ương với chức năng đào tạo giáo viên dạy nhạc, họa cho các trường phổ thông. Nay phát triển, nâng cấp thành đại học. Vậy thì cứ thế mà thay "cao đẳng" bằng "đại học". Sao lại có từ "nghệ thuật" khi không đào tạo được các giáo viên dạy sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, xiếc là những loại hình khác của nghệ thuật ngoài nhạc, họa? Giống như vì chỉ đào tạo các nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc nên có tên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam mà không là Học viện Nghệ thuật quốc gia Việt Nam như kiểu của Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương vừa nói trên.

Ở nước ta có một nhà xuất bản hàng đầu, lớn nhất chuyên ấn hành những sách chính trị kinh điển, những trước tác của các chính khách lớn và nhiều tài liệu liên quan đến các sự kiện lịch sử quan trọng. Đó là Nhà xuất bản Sự thật. Cái tên rất có ý nghĩa, lại ngắn gọn đã in đậm vào tiềm thức nhiều người suốt một thời gian dài. Không hiểu sao - có lẽ để cho rõ chức năng - mà sau này đổi thành Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.

Nếu đúng xuất phát từ mục đích như đã nói thì không cần thòng thêm hai tiếng "Sự thật" nữa. Thực ra, ai cũng hiểu nhà xuất bản này không có chức năng xuất bản sách văn nghệ (thơ, nhạc, họa, văn xuôi, kịch bản…) hoặc các loại sách khoa học tự nhiên khác. Nếu có liên quan đến văn nghệ thì phải là những sách mang tính chất lý luận, định hướng lớn cho sáng tác, cho sự phát triển nền văn nghệ nước nhà. Nhưng để tên Nhà xuất bản Sự thật như cũ vẫn hơn. Cái gì đã rất ổn, rõ ràng, dễ hiểu, đã in đậm dấu ấn trong lòng người thì không nên thay đổi, nhất là lại rườm rà hơn.

Tên các hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sỹ tạo hình Việt Nam, Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam là chuẩn xác. Nhưng Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội là không ổn. Bởi hội là của con người, chứ không thể của các chủng loại nghệ thuật. Phải là Hội Nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam mới chính xác (giống tên các hội khác như đã nói). Còn nếu đổi thành Hội Nhạc sỹ Hà Nội cũng không ổn vì một tỷ lệ rất lớn các thành viên của hội này không phải là nhạc sỹ mà chỉ là người có dính líu đến phong trào âm nhạc ở Hà Nội. Vậy đổi thành Hội Khuyến nhạc Hà Nội là chính xác nhất.

Ngược trở lên là một số tên cơ quan, trường học chưa chuẩn. Rất mong những người đứng đầu xem xét, tham khảo để chỉnh sửa lại cho thật chuẩn xác theo những tiêu chí người viết đã nêu ở phần đầu bài viết này. Mọi sự thay đổi nếu đúng, khoa học sẽ không bao giờ là muộn. Rất cần thiết một sự chuẩn xác về khoa học, về thông tin dẫu chỉ là những việc nhỏ nhất. 

Nguyễn Đình San
.
.