Tản văn thời thượng

Thứ Sáu, 23/10/2020, 14:02
Nói thật là tôi ít đọc tản văn vì có lúc cho rằng nó là thể loại “nhẹ kí”, tôi thích đọc tiểu thuyết và truyện ngắn hơn. Nhưng gần đây đọc một số quyển tản văn, tôi đã có những thay đổi nhất định. Tôi thấy tản văn có những ưu thế nhất định trong một thời thế ưa sự nhẹ nhàng và mọi người luôn trong tình trạng bận rộn.


Tập tản văn gây ấn tượng đầu tiên với tôi là “Sống vốn đơn thuần” của Phong Tử  Khải, một tác giả Trung Quốc nổi tiếng về thể loại này. Khác với những kiểu tản văn ta vẫn thấy, tản văn của Phong Tử Khải thực chất là những câu chuyện nhỏ về thời ấu thơ, thời quá khứ của chính tác giả được viết rất dung dị ấm áp. 

Nhưng nếu chỉ có thế, nó cũng không gì đặc biệt, điều làm cho tản văn của Phong Tử Khải “nặng kí” hơn là từ những kí ức như vừa thoảng qua pha một chút u sầu thương tiếc quá khứ, người viết lồng vào đó những triết lí nhân sinh rất sâu sắc. Đọc một bài tản văn ngắn mà như thấy cả đời người hoặc bỗng phát hiện ra những giá trị nhân sinh mà ta rất dễ lãng qua. 

Phong Tử Khải nói được những điều  sâu sắc giản dị mà đối với người khác, có khi phải dùng cả một quyển tiểu thuyết, một xã thuyết, hay triết lý phức tạp mới chuyển tải nổi. Nhà văn kiệm lời, tiết chế cảm xúc và từ ngữ nhưng vẫn có sức nặng và dư âm.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà.

Tôi đã đọc vài cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà nhưng bây giờ mới đọc tản văn của anh và biết rằng số người đọc tản văn của Nguyễn Việt Hà còn đông hơn số người đọc tiểu thuyết của chính tác giả. Tôi chọn quyển “Con giai phố cổ” của Nguyễn Việt Hà để đọc đầu tiên và ngỡ ngàng với phong cách của anh. 

Tôi đã biết sự giễu nhại, cười cợt, châm biếm của Nguyễn Việt Hà từ “Cơ hội của Chúa”, “Khải huyền muộn”, “Ba ngôi ở người”... nhưng đến thể loại tản văn thì Nguyễn Việt Hà đã có một bước khác rất đáng kể. Ở tản văn, Nguyễn Việt Hà đã “bố láo” và “nhành nhỡ” hết mức hơn cả tiểu thuyết. Anh đã phóng đại rất nhiều, cười cợt hả hê, châm biếm, tô vẽ quá mức những đối tượng anh miêu tả hay đề cập. 

Nguyễn Việt Hà nhắng nhít từ những quan sát của anh về cuộc sống phố thị. Anh làm cho đời sống thị dân kệch cỡm, quá thể, quá đáng đi một cách cố ý. Anh chọc cho người ta cười, anh nhổ cho người ta ghê nhưng dù thế nào, tản văn của Nguyễn Việt Hà không cho cảm giác đóng kịch dù anh đang hoạt diễn trên sân khấu cuộc đời. 

Tản văn Nguyễn Việt Hà luôn có một câu chuyện để kể và có thể nhiều bạn đọc bình dân phục lăn sự thông hiểu Đông Tây kim cổ của anh, một người rất thích trích dẫn những giai thoại, triết lý Đông, Tây…

Cuốn tản văn thứ ba tôi đọc là “Hà Nội bảo thế là thường” của Nguyễn Trương Quý. Tôi biết Nguyễn Trương Quý viết tản văn rất nhiều nhưng đến quyển này tôi mới đọc anh vì nghĩ cuốn sách thú vị và người viết đã vào đúng độ chín. 

Quả thật tôi đã không nhầm, tôi thích cuốn tản văn của Nguyễn Trương Quý. Nó đủ một độ sâu sắc của một người đọc nhiều và hay quan sát. Đọc sách, biết Nguyễn Trương Quý đọc nhiều và rộng, đặc biệt anh chú tâm đến những chủ đề sở trường. 

Cái đáng kể nữa là Nguyễn Trương Quý từ những hiện tượng đơn thuần, nhỏ nhặt, anh đôi khi rút ra những nhận xét hoặc kết luận rất thâm thúy, hóm hỉnh
. Nó làm cho những bài tản văn của anh nặng hơn, có dư âm và gợi những chiều suy tưởng.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý.

Một cuốn tản văn tôi đã đọc ở giai đoạn trước do yêu cầu công việc và cũng rất thích. Đó là cuốn “Fừn nèn - củi Tết” của Y Phương. Y Phương khác cả ba người kể trên vì nhà văn rất dụng công vào ngôn ngữ. Từ ngữ trong tản văn của Y Phương rất đẹp, chau chuốt, có nhiều bài lung linh và gợi tả như một bức tranh toàn mĩ. 

Người viết rất giỏi so sánh và liên tưởng và tôi hiếm gặp người nào có những so sánh sinh động và kì công như Y Phương. Nhà văn chủ yếu viết về phong tục, cảnh sắc của quê hương và dân tộc mình, những người Tày ở vùng Cao Bằng,  những luyến tiếc về những đặc trưng văn hóa đang dần mất dần đi. Sự tinh luyện về ngôn ngữ của Y Phương khiến những điều giản dị trở lên lung linh, tuyệt đẹp.

Có lẽ bốn cuốn tản văn tôi kể trên cũng đặc trưng cho thể loại tản văn đang thời thượng hiện nay. Người ta thích đọc tản văn vì nó nhẹ nhàng, giản dị. Tờ báo nào hầu như cũng có một góc nhỏ dành cho nó. Một quyển tản văn có thể đọc nhanh và không khiến người ta đau đầu, nặng nhọc. Nó là một món hợp thời và vừa khẩu vị nhiều người.

Nhưng viết tản văn cũng không dễ nếu không tạo được một phong cách riêng biệt hoặc có cá tính. Sở dĩ trước đây tôi không thích đọc tản văn vì tôi thấy đa phần nó sướt mướt, kể lể, hầu như chỉ có cảm xúc mà ít thấy dư ba thời cuộc. Tôi thích Phong Tử Khải bởi văn của ông là những trang hồi ức về quá khứ đã mất, những da diết cá nhân, những ngẫm ngợi về cuộc đời mà nếu không phải người sâu sắc, có khả năng phát hiện và tổng quát thì khó lòng làm được. Chính những suy tưởng từ cảnh vật, con người và cái tôi cá nhân đậm nét đã làm cho tản văn của Phong Tử Khải có sức nặng và cuốn hút.

Còn ở Nguyễn Việt Hà người ta thích sự bông đùa, nhờn nhỡ, phóng túng của anh. Nguyễn Việt Hà không kiêng nể, không ngần ngại, không sợ nói tục hoặc phán xét. Tản văn của anh chính là một kiểu Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng xưa. Nguyễn Việt Hà dâm dư cái hương vị của bậc tiền bối trong bối cảnh mới và rõ ràng ở không gian của mình, anh được thỏa thuê nói mà không e ngại, dù lắm lúc anh cũng làm cho người ta cay đắng, buồn tủi sau những trang văn đầy huyên náo.

Với “Hà Nội bảo thế là thường”, tôi nghĩ rằng Nguyễn Trương Quý đang chín và rất tự tin. Anh lịch lãm trong phong thái một chàng trai Hà Nội rất lưu tâm đến quần áo, ẩm thực, âm nhạc, phim ảnh và những thứ gọi là nghệ thuật. Một thứ tản văn nhẹ nhõm, lưu loát, dư ba kiến thức và những suy ngẫm nhẹ nhàng, đó cũng là điều tôi rất thích trong những trang sách của một tác giả thời trước là Tràng Thiên trong tập “Quê hương tôi”. Nguyễn Trương Quý gần gũi với tôi hơn cả vì có lẽ tôi và anh cùng thế hệ, cùng hưởng một bầu không khí, nền văn hóa và giáo dục tương đồng.

Nhà thơ Y Phương

Tôi ngưỡng mộ Y Phương vì đến giờ này vẫn còn những người kì công với chữ nghĩa như thế. Những từ ngữ của Y Phương cực kì sinh động, nó như con thú hoang nhún nhẩy trên một bãi vắng và chạy thẳng vào rừng mà không một chút e dè. Y Phương tinh luyện nhưng không khô cứng hay khiên cưỡng, đọc ông thấy đúng chất hồn nhiên của người miền núi, không cần phòng bị hoặc bận tâm lo lắng gì hết. Trong khi nhiều người viết cẩu thả, dễ dãi với chữ nghĩa thì Y Phương vẫn trân trọng, nâng niu nó biết bao.

Những quyển tản văn hay đang bán rất chạy. Tôi thấy tản văn của Nguyễn Việt Hà đã in vượt xa so với tiểu thuyết của ông dù danh hiệu đầu tiên người ta biết đến ở Nguyễn Việt Hà là nhà tiểu thuyết. Nguyễn Trương Quý cũng có rất đông bạn đọc và Phong Tử Khải, dù vừa mới được dịch ở Việt Nam, ông đã mang lại niềm thích thú cho khá nhiều người. Còn Y Phương, mỗi khi tản văn của ông được in, tôi biết rất nhiều bạn nghề coi đó là những tản văn mẫu mực dù ông được người ta biết đến nhiều hơn với định vị một nhà thơ.

Vì sao tản văn lại thời thượng? Ngay cả tôi một người say mê tiểu thuyết thì đôi lúc cũng cảm thấy quá tải với những món ăn hương vị quá nồng nàn, đòi hỏi sức lực để thưởng thức. Người đọc cần có sự thay đổi và mở rộng biên độ. Tản văn là món vừa tầm, không cần nỗ lực nhiều quá, cả bình dân và bác học đều tiêu hoá mượt mà. Sau những bữa tiệc nhiều đạm và cồn của bữa chính, người ta cần những thứ tráng miệng giản dị và an toàn. Tản văn phù hợp với không khí bận rộn và chật hẹp, văn chương co duỗi và tự thích nghi trong tình hình mới đầy cạnh tranh và áp lực.

Và tôi cứ nghĩ có thể tản văn không phải là món chính, không là trụ cột của văn học nhưng biết đâu rồi tình thế sẽ thay đổi vì người ta đâu chắc thứ gì sẽ quan trọng hơn thứ gì.

Có những thứ ngày xưa rất nghiêm trọng, bây giờ người ta cho là bình thường và ngược lại, và chúng ta rất khó lòng dự đoán chính xác được thời thế, thế thời. Và rất có thể bây giờ tôi sẽ đọc quyển tản văn của nhân vật tiếp theo. Nguyễn Ngọc Tư chăng?

Uông Triều
.
.