Tấm lòng người phụ nữ trong "Tiếng hát" của Đàm Khánh Phương

Thứ Bảy, 02/09/2017, 08:04
Vào dịp Rằm Tháng 7 năm 2014, tôi được anh Đàm Khánh Phương đọc cho nghe bài "Tiếng hát". Anh Phương đã ở tuổi thất thập, có thơ in từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước nhưng tính anh trẻ. Thơ và yêu đều trẻ. Tôi yêu thơ anh ở cái hồn cốt dân tộc, ở những tình nghĩa đậm đà. Bài "Tiếng hát", sau đó anh có gửi email tặng tôi, tôi thường lấy ra đọc và thấy, giá như thơ cứ viết như thế, thì người ta vẫn yêu thơ, vẫn tìm thấy ở thơ một điểm tựa, một năng lượng sống trong đời. 

Tiếng hát

Mấy đời bánh đúc…
Tháng bảy rằm này nhờ hương khói
Gửi về dưới chị mấy lời thưa
Từ khi vắng chị nhà trống dột
Sớm tối em về che nắng mưa

Ơn giời các cháu dần khôn lớn
Hai chị em ta sắp sửa bà
Thương em con nó càng nhớ chị
Sáng lại nét cười trong mắt cha

Bánh trái ai dè nỡ vướng xương
Lời xưa thầm trách kẻ hẹp đường
Trẻ thơ lỡ tuột vòng tay mẹ
Đã đến tay mình ai nỡ buông

Chị cứ bình yên ở dưới này
Cuộc đời như chiếc lá thu bay
Ru con chị hát ngàn năm trước
Nâng cháu giờ em xin đỡ tay.

Đàm Khánh Phương viết bài thơ này không phải do anh nghĩ ra, không phải do anh nghĩ rằng cuộc đời cần phải thế mới đẹp. Mà do đã có cái đẹp ấy, từ chính người vợ sau của anh trong đời thực. Tôi được biết nhiều lần chị chu toàn với công việc của anh, trân trọng bạn bè anh. Chị rất yêu anh. Nhưng dường như chị dành sự yêu thương nhiều hơn cho những đứa trẻ bằng tình cảm gộp vào của hai người mẹ. Và chị kính trọng, thân thiết với người vợ trước của anh, dù chị ấy đã mất mà như chị ấy luôn hiện diện.

Quan hệ con người luôn phức tạp, luôn có những mâu thuẫn lợi ích, lợi ích tình cảm và vật chất. Không kể thù địch, thì trong quan hệ bình thường, có hai mối quan hệ dễ đi đến thù nghịch. Đó là vợ cả - vợ lẽ "Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai" và dì ghẻ - con chồng "Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng". Đây là một hiện tượng phổ biến. Phổ biến nhưng không phải tuyệt đối, không phải chân lý. Và nó cần thay đổi, thay đổi được. Thay đổi được vì đây không phải là bản chất của con người.

Cái bản chất nhất, sâu xa nhất trong tình cảm con người trước hết là lòng trắc ẩn. Và lòng trắc ẩn này càng lớn ở những người phụ nữ. Những "ma xơ" đã bỏ cả đời mình, thậm chí rời quê hương đến những châu lục khác để làm việc thiện, xoa dịu nỗi đau con người một cách vô tư, không vụ lợi, cho ta thấy rõ hơn điều đó.

Người mẹ kế trong "Tiếng hát" đến với ngôi nhà mới từ lòng trắc ẩn ấy. Chị quan niệm người vợ cả chưa mất, người ấy mãi còn; chị không tranh, không làm mất địa vị ấy trong lòng những người còn sống. Chị còn làm cho nó đậm lên. Chị có tranh là tranh cái sự chăm sóc cửa nhà, điều mà người quá cố không còn làm được. Sau một thời gian, làm tốt việc ấy, nhân Rằm tháng Bảy, chị mới báo cáo từ lý do đến mọi công việc. Lời lẽ nói năng chân thành, phải đạo: Tháng bảy rằm này nhờ hương khói/ Gửi về dưới chị mấy lời thưa/ Từ khi vắng chị nhà trống dột/ Sớm tối em về che nắng mưa.

Mối quan tâm hàng đầu của người phụ nữ là con cái. Cho nên sau khi nêu "lý do", người mẹ kế liền kể đến chuyện con. Sau con thì đến chồng, liệu anh ấy có vui? Sau chồng con thì đến cá nhân: Liệu mình còn hiện diện trong ngôi nhà này, trong tình cảm chồng con hay đã bị thay thế hoàn toàn bởi người mới? Có bốn câu, 28 chữ mà người mẹ kế đã trả lời rành mạch, thấu đáo cả ba việc rất lớn nói trên: Ơn giời các cháu dần khôn lớn/ Hai chị em ta sắp sửa bà/ Thương em con nó càng nhớ chị/ Sáng lại nét cười trong mắt cha.

Tuy thế, người vợ cả vẫn còn có thể những băn khoăn nhất định, kể cả chút ghen tuông, "ghen tuông thì cũng người ta thường tình", chết rồi vẫn còn yêu thì vẫn còn ghen. Khéo biết bao, tinh tế biết bao cái câu "Hai chị em ta sắp sửa bà". Đấy là một hiện thực, khi con cái đã lớn, sắp dựng vợ, gả chồng. Song, cũng như nhắc, như xin: Thôi, chị ạ, bây giờ ta là bà rồi, việc chính của bà là lo cho con, lo cho các cháu; các chuyện trần thế khác, xin hãy lùi sau, hãy bỏ qua hết!

Khổ thơ kết tiếp tục khẳng định điều đó: Cuộc đời như chiếc lá thu bay, không ai làm chủ được mệnh của mình, ai rồi cũng phải về dưới đó. Cái còn lại là người này nối người kia để yêu thương, nâng đỡ. Bài thơ kết thúc bằng một khẳng định sự truyền nối của đạo lý: Ru con chị hát ngàn năm trước/ Nâng cháu giờ em xin đỡ tay.

Sự cao cả; tình yêu thương chân thành là một bản chất của người phụ nữ Việt Nam đã được khẳng định sinh động trong bài thơ này. Và cũng khẳng định một triết lý: Tình yêu lớn có thể hóa giải được mọi mâu thuẫn trong gia đình, làm nên cái đẹp, cái cao quý trong cuộc đời! 

Nguyễn Sĩ Đại
.
.