Tầm đón đợi

Thứ Năm, 24/09/2020, 16:01
"Tầm đón đợi" là một thuật ngữ của văn học mà khi ít nhiều đã hiểu nó thì cả người viết, người đọc sẽ giải quyết được những vấn đề rất cơ bản của việc đọc và viết.


Tất nhiên, tôi sẽ không đi sâu vào các vấn đề lí thuyết mà nhìn nhận các khái niệm từ sự đọc và viết của mình và quan sát xung quanh. Tầm đón đợi, hiểu một cách đơn giản nhất là sự chờ đợi tiếp nhận một tác phẩm văn học ở những khả năng hiểu biết, thưởng thức của mỗi cá nhân. Vì khả năng, sở thích, trình độ và trải nghiệm của mỗi cá nhân sẽ rất khác nhau nên sự mong chờ từ những tác phẩm cụ thể sẽ không ai giống ai.

Thông thường sự khác biệt về tầm đón đợi sẽ thể hiện thế này. Ví dụ cuốn "Lâu đài" của Kafka sẽ khá khó với hầu hết những độc giả thông thường. Đó là một tình huống hết sức bí bách không lối thoát và tác giả cũng không có ý định tìm ra một hướng giải thoát. 

Đa số độc giả sẽ không đủ kiên nhẫn hoặc cảm thấy thoải mái khi đọc Kafka. Nhưng với những người ưa khám phá và tìm hiểu, họ có thể tìm thấy ở nhà văn người Séc những điểm rất đặc biệt. Họ đã quá quen với những tác phẩm thông thường và cách giải quyết thông thường, một món rất mới và thậm chí khó nhằn như "Lâu đài" sẽ kích thích sự đọc khám phá. Đặc biệt nếu những độc giả ấy đã được trang bị những "vũ khí" nhất định trong hành trình chinh phục Kafka.

Nhiều đồng nghiệp nhà văn của tôi đã rất thất vọng khi đọc lại những tác phẩm ấu thơ họ từng rất thích. Tầm đón đợi của một nhà văn trưởng thành rõ ràng khác xa một đứa trẻ dù vẫn là con người ấy. Khi được trang bị những kiến thức, kĩ thuật và cảm xúc đã có nhiều vết chai sạn thì người lớn rất khó hài lòng với những tác phẩm viết giản dị dành cho tuổi ấu thơ. 

Tất nhiên những đứa trẻ cũng không nên đọc những tác phẩm dành cho người lớn, ngoài sự khác biệt về tâm sinh lý lứa tuổi thì ước mơ và sự chờ đợi của trẻ nhỏ khác xa với những gì người lớn trông đợi.

Được đọc đúng tầm đón đợi của mình, đó là một cảm giác rất thỏa mãn. Tôi đọc "Những người khốn khổ" của Victor Hugo khi trưởng thành và rất ngưỡng mộ ông. Ngoài một cốt truyện hấp dẫn, nhiều tầng tuyến thì qua bộ tác phẩm kì vĩ này, tôi đã hiểu được kĩ thuật viết điêu luyện của ông mà tôi chắc rằng, nếu tôi đọc nó quá sớm sẽ chỉ cảm nhận được độ hay của nội dung cốt truyện mà khó thưởng thức được tài nghệ và kĩ thuật của tác giả. 

Tầm đón đợi của tôi khi đọc Victor Hugo lúc đó là tôi muốn học nghề và theo dõi những dấu vết kĩ thuật và thao tác của ông chứ không chỉ là sự giải trí thuần túy. Ở một sự trưởng thành nhất định, tôi đã nắm bắt được chiến lược viết và hiểu nhà văn vĩ đại của nước Pháp nhiều hơn.

Nhiều người có những quan điểm trái ngược khi đọc các tác phẩm của Haruki Murakami, một nhà văn nổi tiếng người Nhật Bản. Theo quan sát của tôi thì những người trẻ rất ưa thích và hâm mộ ông, sự chờ đợi của độc giả dành cho Murakami là rất "vừa miếng", không đắng hoặc cay quá. Nó ngòn ngọt, bùi bùi, mềm dịu, rất lợi cho khẩu vị và tiêu hoá, do đó được những người trẻ ưa thích. Murakami rõ ràng là một "món" hợp khẩu vị, một chút mới lạ và do đó tạo thành một làn sóng hâm mộ khá mạnh trong những người trẻ.

Còn những người lớn tuổi, sự mong chờ của họ dành cho Murakami là cao hơn. Họ hi vọng những pha khó và dụng công nhưng hoá ra ông khá đơn giản, gần như nghĩ gì viết nấy, ngẫu hứng, kĩ thuật và tình tiết hầu như lặp lại. 

Những bạn văn lớn tuổi của tôi ít người ưa ông, họ còn nói rằng, không hiểu sao ông lại nổi tiếng và được ưa chuộng như vậy. Trong khi những người trẻ tuổi rất buồn bã khi kì Nobel văn học nào ông cũng trượt thì rất đông những người lớn tuổi tuyên bố rằng, Murakami sẽ không bao giờ đoạt giải Nobel vì ông không xứng với điều đó!

Nếu biết chính xác được tầm đón đợi của độc giả dành cho mình thì có lẽ nhà văn sẽ rất thành công. Anh ta sẽ viết để thoả mãn đúng khẩu vị của họ. Độc giả chờ đợi sự dễ dàng, dễ hiểu thì viết đơn giản, nếu họ mong chờ một thứ cao siêu, rối rắm thì sẽ viết theo kiểu khác nhưng có lẽ ít độc giả biết rằng tác giả cơ bản sẽ chỉ viết theo đúng cái tầm của mình. Anh ta sẽ không thể viết rất kĩ thuật, cao siêu nếu như anh ta chưa đạt đến cái tầm đó hoặc những người vốn đã rất phức tạp họ không thích viết những thứ quá đơn giản để làm hỏng hình ảnh hoặc bị đánh giá thấp so với sự đón đợi của độc giả.

Chính cái từ thấp, cao, ngang bằng này rất đáng để cho chúng ta bàn thêm. Đọc một tác phẩm văn học chúng ta sẽ rơi vào một trong ba trạng thái này. Nếu chúng ta chờ đợi quá nhiều mà tác phẩm không như kì vọng, nó ở trạng thái thấp, dưới tầm đón đợi. Nếu dưới tầm đón đợi vài lần thì cơ bản độc giả sẽ không chọn lựa tác giả ấy nữa và đi tìm một chân trời khác.

Còn nếu tác phẩm quá cao so với tầm đọc và mong chờ của độc giả thì hoặc độc giả sẽ tạm thời bỏ lại đấy hoặc kiên trì theo đuổi một cách khó khăn. Xu hướng của con người là muốn tiến lên và ước ao được chinh phục. Đến một ngày, khi đã rèn luyện và đủ trải nghiệm, những thứ quá cao sẽ không còn cao nữa, nó sẽ cân bằng với độc giả. Không phải do tác phẩm đã mất những phẩm chất sẵn có mà tầm đón đợi của độc giả đã được nâng lên, cuốn sách đó đã đúng tầm với anh ta và sự thưởng thức sẽ ở trạng thái phù hợp nhất.

Sự ngang tầm có lẽ là tình trạng lí tưởng nhất của người đọc. Thấp quá thì gây thất vọng mà cao quá thì phải nhiều nỗ lực, sự phù hợp là một trạng thái khi mà tác giả và độc giả đã gặp nhau ở những điểm chung cơ bản. Người đọc thông hiểu, hưởng thụ những sản phẩm tinh thần được tạo ra và người viết gặp được người đọc lí tưởng. Khi tầm đón đợi của độc giả "chạm" vào được tầm sáng tạo của tác giả họ sẽ trở thành tri kỉ và được yêu quý. Bởi lẽ nếu độc giả tầm thấp quá thì anh ta sẽ không hiểu hoặc cảm thụ được tác phẩm hoặc cao quá thì gây ra vỡ mộng, lãng phí sự đọc.

Tầm đón đợi không phải là một trạng thái tinh thần bất biến. Nó sẽ bị thay đổi theo thời gian cùng với sự biến thiên về thẩm mĩ tăng lên hoặc giảm xuống ở từng cá nhân cụ thể. Hướng được mong chờ nhất là tầm đón đợi sẽ được tăng dần lên theo sự đòi hỏi cao hơn ở phía người đọc. Họ luôn chờ những tác phẩm sau của một tác giả khiến họ hài lòng hơn hoặc tăng thêm độ thách thức. 

Nếu cả độc giả và tác giả đều trên con đường đi lên thì có lẽ đấy là trạng thái lý tưởng. Trong vài trường hợp, tác giả đi xuống và không giữ được phong độ sẽ gây ra những thất vọng lớn. Còn ở độc giả, xu hướng rõ nhất là họ sẽ đi lên tuy rằng nếu không được rèn luyện và thêm những trải nghiệm mới, tầm đón đợi của một số người cũng có thể tụt lùi.

Tôi nghĩ khi người viết và ngành xuất bản nắm bắt được tầm đón đợi của công chúng, họ sẽ có được nhiều ích lợi. Sẽ có những cân nhắc, chiến lược để đưa ra những sản phẩm vừa tầm với tầm đón đợi của độc giả hoặc cao hơn một chút. Vì sao nên cao hơn một chút? Đó là để kích thích sự suy tư và những thách thức nho nhỏ sẽ khiến độc giả không nhàm chán và có xu hướng tiến lên phía trước. Nếu luôn luôn là sự cân bằng hoặc thấp hơn sẽ khó có những bước tiến về thẩm mĩ và cảm thụ và tất nhiên, nếu ở một tầm cao quá sẽ gây ra mệt mỏi và chán nản.

Hiển nhiên, không ai mong muốn đưa ra một sản phẩm dưới tầm mong đợi của công chúng nhưng sự chờ đợi của mỗi độc giả là rất khác nhau. Có thể ở tác phẩm này là cao quá với nhiều người nhưng lại dưới tầm những người khác. Tìm ra sự cân bằng hoặc phân loại được độc giả với những mong muốn và khả năng khác nhau của họ là một trong những bí quyết thành công của người viết và ngành xuất bản. 

Vì sao tôi lại đưa cả ngành xuất bản vào đây? Vì nói cho cùng nếu sự xuất bản thất bại thì tác giả cũng thất bại, sản phẩm của người viết không đến được độc giả hoặc đưa nhầm đối tượng thì đều tai hại. Trong một xã hội có nhiều mối liên quan ràng buộc thì bất cứ ai cũng khó/không thể thành công khi đứng một mình được. Sự ràng buộc sẽ tạo ra những sự điều chỉnh, cân nhắc của thương mại và xã hội, và với chính người viết, anh ta cũng phải suy nghĩ khi hướng tới độc giả và tầm đón đợi của họ khi sáng tạo nghệ thuật.

Nghĩ đến tầm đón đợi của độc giả chính là sự tôn trọng và kích thích họ tiến lên trong quá trình đón nhận và thưởng thức tác phẩm. Tác phẩm càng có nhiều người thông hiểu thì tác giả càng có nhiều tri âm, tri kỉ.

Tác giả tưởng rằng như cô độc đứng một mình một thế giới nhưng không phải. Họ có hàng nghìn, hàng vạn người đang chờ đợi, những người sẽ thất vọng hoặc hài lòng với tác phẩm của nhà văn theo những tầm thức rất khác nhau.

Uông Triều
.
.