Chuyện làng văn nghệ

Tài mấy vẫn bị... chê

Thứ Năm, 09/06/2011, 11:04
Trong "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh từng viết về Xuân Diệu: "Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê vẫn chưa ngớt. Người khen, khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời"...

Chúng ta đều biết, Xuân Diệu là một nhà thơ mà tài năng phát lộ từ khi còn rất trẻ. Tập "Thơ thơ" xuất bản năm ông 22 tuổi được xem là một trong những tập thơ đặc sắc nhất của phong trào Thơ Mới (1932-1945). Nhà thơ Tế Hanh - trong một lần trả lời phỏng vấn đã cho hay, nếu chọn hai tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam ở thế kỷ XX để mang theo vào thế kỷ XXI, ông sẽ chọn tập truyện ngắn "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân và tập "Thơ thơ" của Xuân Diệu. Nói vậy để thấy, đến nay, tài năng thi ca của Xuân Diệu là không thể phủ nhận. Nhưng liệu các cây bút trẻ, có phải ai cũng biết rằng, sinh thời, Xuân Diệu cũng từng gặp phải không ít khó khăn trong quá trình vươn lên nhằm khẳng định tài thơ của mình?

Trong tập "Thơ thơ" vừa nhắc, Xuân Diệu có bài "Huyền diệu" là bài thơ được không ít người nhắc nhớ, với những câu giàu nhạc tính và khá khơi gợi. Đây là mấy câu mở đầu: "Này lắng nghe em khúc nhạc thơm/ Say người như rượu tối tân hôn/ Như hương thấm tận qua xương tủy/ Âm điệu thần tiên thấm tận hồn". Khi Xuân Diệu gửi bài thơ này cho Báo Phong hóa, nhà thơ Thế Lữ đang "gác gôn thơ" ở đấy. Ngay từ lần đầu, bài thơ đã không lọt được vào "mắt xanh" của tác giả "Nhớ rừng". Xuân Diệu cất công chỉnh sửa và… gửi tiếp. Thế Lữ đọc, nhận thấy chất lượng có nhỉnh hơn, song nhìn chung cả bài thơ vẫn là một sự "bối rối và mơ hồ". Bài thơ bởi vậy không được đăng. Thế Lữ đâu hay, chỉ sau đó không lâu, tác giả của những vần thơ mà ông xem là "bối rối và mơ hồ" nói trên đã cùng ông trở thành hai gương mặt sáng giá của nhóm Tự Lực văn đoàn, và kế nhiệm ông thành vị chủ soái của phong trào Thơ Mới.

Trong "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh từng viết về Xuân Diệu: "Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê vẫn chưa ngớt. Người khen, khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời". Cũng theo Hoài Thanh thì khi đọc mây câu "Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo/ Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da" trong bài "Lời kỹ nữ" nổi tiếng của Xuân Diệu, đã có một nhà nho "chê Xuân Diệu "học lực" kém và nói quyết nếu Xuân Diệu chuyên học thơ mười năm sẽ chẳng viết những câu như thế".

Đến nay, dù thích dù không, ai cũng phải thừa nhận bài "Yêu" của Xuân Diệu (Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu/ Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu…) là một bài thơ rất phổ biến, thường được nhiều bạn trẻ chép trong sổ tay. Vậy mà, đọc những câu thơ này, một nhà phê bình văn học có tiếng - dù khá ngưỡng mộ Xuân Diệu - cũng lại buông lời phê: "Người ta thấy Xuân Diệu tính toán cả tình yêu, người ta thấy ông phàn nàn về sự thiệt thòi", "người ta có thể bảo thi sĩ là người theo chủ nghĩa: có đi có lại…".

Sau này, khi tập "Thơ thơ" được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho tái bản, Xuân Diệu còn nhận được từ một nhà phê bình có vị trí thời ấy lời phê khá nặng nề: "Thời đại của Thơ thơ và Phấn thông vàng đã qua từ lâu rồi và không bao giờ trở lại". Vì lời phê đó mà Xuân Diệu đã phải viết bài "gỡ gạc" rất vất vả.

Thế mới biết, cái sự "ở không yên ổn, ngồi không vững vàng" có thể xảy đến với bất cứ nhà thơ nào, bởi quan điểm về văn học nghệ thuật không phải lúc nào cũng đồng nhất…

Nguyễn Trường Văn
.
.