Tái bản sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” của học giả Đào Duy Anh: Lỗi nhiều như trấu

Chủ Nhật, 10/07/2016, 08:19
Điều đầu tiên, một cuốn sách cần được thống nhất trong việc biên tập, từ cách in nghiêng, in đậm, viết hoa, viết thường… thì cuốn sách này không hề thống nhất, mà cẩu thả và tùy tiện. Những lỗi đó có ngay từ những trang đầu tiên của phần Lời dẫn. Ví dụ, chỉ riêng trang 28, viết: Chiêm thành, Cao miên, Thủy xá, Hỏa xá, Nhị hà và cả Nam chưởng (viết đúng là Nam Chướng)… 

“Đất nước Việt Nam qua các đời” được học giả Đào Duy Anh hoàn thành năm 1964. Đây là tác phẩm thuộc cụm công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000). Tác phẩm là nguồn tư liệu tham khảo cho việc nghiên cứu địa lý học lịch sử nước ta. 

Vì thế, từ khi ra đời, đã có nhiều nhà xuất bản in lại cuốn sách này. Cuối năm 2015, NXB Hồng Đức và Công ty CP Alpha books đã cho tái bản “Đất nước Việt Nam qua các đời” dựa trên bản in năm 1964, với số lượng 3.000 cuốn, trong bộ “Góc nhìn sử Việt”. Thay vì làm cho cuốn sách tốt hơn, hai đơn vị làm sách đã cho bạn đọc thưởng thức một sản phẩm “thảm họa” của ngành xuất bản.

Quy cách biên tập… có cho vui

Điều đầu tiên, một cuốn sách cần được thống nhất trong việc biên tập, từ cách in nghiêng, in đậm, viết hoa, viết thường… thì cuốn sách này không hề thống nhất, mà cẩu thả và tùy tiện. Những lỗi đó có ngay từ những trang đầu tiên của phần Lời dẫn. Ví dụ, chỉ riêng trang 28, viết: Chiêm thành, Cao miên, Thủy xá, Hỏa xá, Nhị hà và cả Nam chưởng (viết đúng là Nam Chướng)… 

Thảm họa tái bản “Đất nước Việt Nam qua các đời”.

Nhìn chung cả cuốn sách, tính tỷ lệ thì… lỗi cả quyển. Nhiều lỗi rất nực cười như “An Nam truyện” chép, được sửa thành “An Nam truyện” chéo (tr. 531); thất bại thành “thất bạp” (trang 532); theo đường thành “tho đường”, phía tây thành “phái tây”, quanh huyện thành “quan huyện” (đều trong trang 533); nghiên cứu thành “nghiêm cứu” (trang 534); Thoát Hoan - Thái tử nhà Nguyên chỉ huy cuộc xâm lược Việt Nam - thành “Thoát han” (trang 536)… 

Địa danh Chũ (nằm bên sông Chũ) thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang giáp với Lạng Sơn được thêm móc cho thành Chữ (trang 536, trang 537). Rồi “đường Bộ lộ số 13” là cụm từ được dùng nhiều trong các trang 535, 537, thì người viết bài này không rõ nghĩa là gì?

Đáng chú ý là, ngay trang 8 cuốn sách này, có phần “Quy cách biên tập”, mục 5: Sửa lỗi chính tả trong bản gốc. Không hiểu bản gốc của cuốn “Đất nước Việt Nam qua các đời” có sai để NXB Hồng Đức và Công ty CP Alpha books phải sửa đến be bét như thế này không, hay quy cách biên tập… có cho vui?

Thậm chí, trang 35, ghi lời do Ban biên tập của NXB Hồng Đức và Công ty CP Alpha books có câu: “Quyển sách này tái bản theo bản in năm 1964, do Nhà xuất bản Khoa học cấp phép”. Vậy mà, một số chú thích chân trang có dẫn tài liệu “Lịch sử cổ đại Việt Nam” của Đào Duy Anh, ghi rằng, tác phẩm này xuất bản tại Hà Nội năm 1975 (trang 45, trang 123). Như thế, Đào Duy Anh trích dẫn tư liệu ứng trước từ… tương lai chăng?

“Thảm họa” tái bản

Tên gọi của nhiều tác phẩm viết sai như cuốn “An Nam chí lược” của Lê Tắc thành “An Nam chỉ lược” (trang 20). Lê Tắc là người sống ở thời nhà Trần, đầu hàng nhà Nguyên, sang sống tại Trung Quốc, viết sách “An Nam chí lược”. Vậy mà trang 22 của sách này được biên tập thành: “viết sách này ở Trung Quốc năm 1833”, như thế là Lê Tắc sống thêm những 500 năm nữa?

Các tên sách khác viết sai như “Gia Định thành thông chí” được xẻo bớt một chữ còn “Gia Định thông chí” (trang 26). Sách “Thiên Nam dư hạ tập” thành “Thiên tam dư hạ tập” (trang 23); sách “Lê triều hội điển” (thế kỷ XVIII) hiện còn 3 quyển, trong đó có quyển “Binh thuộc” thì biên tập thành “Bình thuộc” (đó là các quyển “Hộ thuộc”, “Binh thuộc” và “Lễ thuộc”). Bộ “Ức Trai thi tập” của Nguyễn Trãi được biên tập thành “Ức Trai dị tập” (trang 23). “Ức Trai thi tập” là tập thơ chữ Hán, nó đâu kỳ quái đến nỗi thành… dị tập! 

Hay tên danh nhân Nguyễn Thiên Túng, người tỉnh Bắc Ninh, đỗ khoa Minh Kinh năm 1429, làm quan đến Quốc Tử Giám trợ giáo, được biên tập đổi dấu thành Nguyễn Thiên Tùng (trang 23, trang 544). Chắc biên tập viên nghĩ danh nhân gì mà tên lại nghèo túng, nên sửa lại dấu cho ngay ngắn. Tương tự, trang 28, tên danh nhân Trương Quốc Dụng được biên tập cẩn thận chú thêm: (Dung?).

Hoặc đọc bài “Tìm các đèo Khâu Cấp và Nội Bàng trên đường dụng binh của Trần Hưng Đạo” thuộc phần Phụ lục tham khảo thì thật kinh hoàng. Một ví dụ như trích sách Đại Việt sử ký toàn thư, có câu: “Ngày 26 (tháng 12), giặc phạm Vĩnh Châu, các ải Nội Bàng, Thiết Lược, Chi Lăng” (trang 530). Nghĩa là, giặc Nguyên xâm lược đã kéo tới (phạm) Vĩnh Châu và các ải Nội Bàng, Thiết Lược, Chi Lăng; thì biên tập thành “giặc Phạm Vĩnh Châu”. Biên tập như vậy sẽ khiến bạn đọc hiểu nhầm tướng giặc có tên Phạm Vĩnh Châu.

Không thể chấp nhận

Đó là chia sẻ của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc. Ông nói: “Sai sót là điều luôn có thể xảy ra, dù người viết đã nỗ lực nhưng cũng khó tránh khỏi. Lực bất tòng tâm là vậy. Ai ai cũng vậy thôi. Tuy nhiên, có một (hoặc nhiều) loại sách nếu để sai sót quyết không thể cảm thông, chấp nhận được. Có thể kể đến sách thuộc loại kinh điển, chuẩn mực, có giá trị của các học giả hàng đầu nước ta (nay hầu hết đã quá cố), nếu tái bản (xin nhấn mạnh) thì tuyệt đối không được để xảy ra sai sót. 

Chẳng hạn, với quyển “Đất nước Việt Nam qua các đời” của nhà sử học, nhà nghiên cứu Đào Duy Anh do NXB Hồng Đức vừa tái bản. Từ các chứng cứ của đồng nghiệp chỉ ra, thú thật chúng tôi đã giật mình, sửng sốt. Những sai sót ấy không thuộc về học thuật, trình độ mà do sự cẩu thả mà ra. Cẩu thả từ khâu “nhập liệu” đến sửa mo-rat. Vì thế, nó sai từ cách viết danh từ riêng đến sai cả chính tả… không một ai có thể chấp nhận. Với kiểu làm ăn cẩu thả này quả: Thương nhau như thế bằng mười hại nhau.

Thời đi học, nói thật, tôi ngưỡng mộ văn hóa Pháp vì có lần thầy giáo kể rằng, khi thực hiện bộ Tự Điển Bách Khoa Larousse, ông Pierre Larousse (1817-1875) cực kỳ cẩn trọng, nếu sách đã in ra mà sai sót, dù một từ thì cũng hủy toàn bộ, in lại. Nhờ đó, Larousse đã trở thành sách tra cứu gối đầu giường của người hiếu học từ nhiều thế hệ. Bao giờ các NXB của chúng ta cũng làm sách theo tinh thần, ý nghĩa của sự cầu toàn này?”.

Lối dịch “hóc xương gà”

Cuốn“ Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam” (1858 - 1897), NXB Hồng Đức - Alpha books liên kết phát hành (2016), mắc phải lỗi dịch mà dịch thuật gọi hài hước là “hóc xương gà”.

Điển tích “hóc xương gà” xuất phát từ việc bài ca dao “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”, được dịch sang tiếng Pháp rồi chuyển ngữ ngược về tiếng Việt đã ra một bản dịch mới như sau: “Cuồng phong lay ngọn trúc/ Thổi xuống tà-vẹt đường/ Vợ trời đánh một hồi chuông/ Súp gà húp vội, hóc xương mấy lần”.

Trong sách này, các chức vụ của Chánh sứ Phan Thanh Giản được dịch là: Phó ngự sử đại thần, chủ tịch, tòa án lễ nghi, Thượng thư, chủ tịch tòa án tài chánh, tổng giám đốc quốc sứ quân và trường Quốc Tử Giám của Hàn lâm viện Hoàng gia. Còn các chức vụ của Phó sứ Lâm Duy Hiệp được dịch: Chủ tịch tòa án binh, Thượng thư, phó chủ tịch ủy ban phòng thủ kinh thành mặt biển (cùng trang 102).

Không khó để tra cứu chức vụ của Phan Thanh Giản như sau: Thượng thư Bộ Lại (không phải: chủ tịch, tòa án lễ nghi), Thượng thư Bộ Hộ (không phải: Thượng thư, chủ tịch tòa án tài chính), Tổng tài Quốc sử quán (không phải: Tổng giám đốc quốc sứ quân). Còn Lâm Duy Hiệp là: Thượng thư Bộ Binh (không phải: chủ tịch tòa án binh), trước đó từng kiêm công việc ở doanh Thủy sư tại kinh đô Huế (không phải: phó chủ tịch ủy ban phòng thủ kinh thành mặt biển)…

Việc dịch sai này liên quan đến nhiều quan lại cao cấp được nhắc đến trong cuốn sách: Phạm Phú Thứ là Tham tri Bộ Lại thì được dịch thành “phó chánh án, tòa án quan lại” (trang 148)…

Ngoài ra, có thể kể thêm những lỗi khác như “nhãn quan” thành “nhãn quang” trong Lời đề bạt của GS. Maurice Baumont (tr. 8). Hay như sự kiện đánh Chiêm Thành năm 1069 lại gán cho vua Lê Thánh Tông - phải 400 năm sau đó mới trị vì.

Kiều Mai Sơn
.
.