Suy nghĩ nhỏ về một đề tài lớn

Thứ Năm, 02/07/2020, 14:41
Đề tài CAND là đề tài luôn mới, luôn nóng và luôn rất cần thiết để xây dựng nên hình tượng người chiến sỹ CAND trong lòng người đọc, tạo nên những hình mẫu, những “tượng đài” cao đẹp về tâm, tài và đức hy sinh của những người chiến sỹ trên mặt trận giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội...


Trong một cuộc trả lời phỏng vấn xung quanh nội dung văn học về đề tài Công an nhân dân (CAND), tôi đã có nhận định: Trong thời chiến cũng như thời bình, đặc biệt là trong thời bình hiện nay, thông qua những sáng tác giàu sức lay động lòng người, dòng văn học này đã góp phần quan trọng để công tác Công an gần người dân hơn. Giá trị thẩm mỹ từ hình tượng người chiến sĩ Công an dũng cảm, mưu lược và nhân văn, gần gũi và chân thật… đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ). Bởi vì có thấu hiểu, cảm phục thì mới có sự tin yêu, ủng hộ và tự giác tham gia, đồng hành vào sự nghiệp đấu tranh bài trừ tội phạm, bảo vệ bình yên cuộc sống của mỗi người dân. Đó là một lô gic về nhận thức và tâm lý.

Ngoài ra, thông qua những nhân vật, câu chuyện đã tạo ra những mẫu hình lý tưởng, có tác dụng để người lính soi vào, noi theo, những chân dung văn học khi đó như ngọn đèn soi đường, dẫn dắt hành động một cách tự nhiên nhất.

Qua nhận định trên tôi một lần nữa muốn khẳng định rằng, đề tài CAND là đề tài luôn mới, luôn nóng và luôn rất cần thiết để xây dựng nên hình tượng người chiến sỹ CAND trong lòng người đọc, tạo nên những hình mẫu, những “tượng đài” cao đẹp về tâm, tài và đức hy sinh của những người chiến sỹ trên mặt trận giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Các đại biểu và tác giả tham dự trại sáng Văn học lần thứ II về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” giai đoạn 2017- 2020.

Về dòng văn học này, thời gian qua, nhìn chung đã bắt nhịp và hòa cùng dòng chảy của đời sống văn học trong cả nước. Nhưng thiết nghĩ, trong chiến tranh và thời kỳ hậu chiến (gần) dòng văn học về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng (cả Công an và Quân đội) đã là dòng chảy chính, dòng chủ lưu trong dòng chảy văn học nước nhà, nhưng do đặc thù của chiến tranh, đặc thù của Quân đội nên hình tượng người lính (Quân đội) đã nổi trội hơn và dù ít dù nhiều đã có được những mốc, những đỉnh trong nên văn học nước nhà thời gian qua.

Nay chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nên có lẽ rằng đã đến lúc đề tài CAND phải bứt phá lên và trở thành dòng chủ lưu của dòng chảy văn học hiện nay. Có suy nghĩ như vậy là vì kể cả trong thời chiến và thời bình, không kể không gian và thời gian, không phân chia rạch ròi ranh giới, giới tuyến, không phân biệt bạn bè anh em, lúc nào và ở đâu cũng luôn tiềm ẩn những bất ổn về an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nói như thế để thấy rằng, mặt trận của người chiến sỹ CAND là siêu mặt trận, là cả trong thời chiến và cả thời bình.

Một cuộc chiến tranh tàn khốc đến bao nhiêu thì cũng có lúc im tiếng súng, nhưng mặt trận của những người chiến sỹ Công an thì có lẽ là kéo dài đến vô tận, kéo dài đến khi nào chúng ta xây dựng xong Chủ nghĩa xã hội, mọi bất công, mọi mâu thuẫn, mọi tham lam, đố kỵ, ích kỷ… của con người về dưới con số không thì khi ấy mặt trận ấy mới im tiếng súng và máu của những chiến sỹ CAND mới thôi đổ.

Với tầm quan trọng đó, là một nhà văn được gọi là trẻ trong lực lượng CAND, tôi tự thấy xấu hổ với những nhà văn lớp trước và những người đồng đội của tôi vì thú thực mà nói rằng, trong thời gian gần đây, tôi và chúng tôi - những nhà văn trẻ trong CAND - chưa có những tác phẩn văn chương xứng tầm với những gì mà đồng đội tôi đang ngày đêm cống hiến.

Muốn bứt phá, muốn thành công, vấn đề đầu tiên và quyết định vẫn là vấn đề con người nhà văn, chủ thể của mọi sáng tạo. Như chúng ta thấy, Chi hội Nhà văn Công an là một chi hội lớn về số lượng nhà văn, đó là một điều đáng tự hào và là vốn quý. Đội ngũ những nhà văn đi trước, họ đã tận hiến tài năng và ít nhiều đã có những thành tựu nhất định, nhưng không thể cưỡng lại được quy luật làđến một độ tuổi nào đó thì năng lượng sáng tạo thường tỷ lệ nghịch với tuổi tác, nên không ít người trong số họ đã dừng lại cuộc chơi, một số người đang viết nốt như một cách “tận thu” những gì mình đã tích lũy được.

Với tâm thế “tận thu” nên cũng có thể sẽ có những tác phẩm hay, tác phẩm đỉnh cao, nhưng phải nhìn thẳng vào sự thật rằng, thời kỳ đỉnh cao trong sáng tạo nghệ thuật của họ đã trôi qua, soi chiếu lại những tác phẩm đỉnh cao trong thời gian qua thường được sáng tác khi tuổi đời nhà văn khoảng từ 30 đến 50 tuổi, thậm chí như Nam Cao viết truyện ngắn “Chí Phèo” năm ông mới 26 tuổi, nhà văn Vũ Trọng Phụng viết tiểu thuyết “Số Đỏ” năm ông 24 tuổi.

Hai tác giả và hai tác phẩm đó luôn là đỉnh cao về tài năng và giá trị nghệ thuật để nhiều người cầm bút trong chúng ta ngưỡng mộ và ao ước, còn nhà văn Bảo Ninh viết tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” - cuốn tiểu thuyết tính cho đến thời điểm hiện nay vẫn đang được bạn đọc trong và ngoài nước đánh giá cao - năm ông 35 tuổi. Trăm bó đuốc có thể bắt được một con ếch, nhưng đôi khi cũng đành chịu đi về tay không. Văn học nghệ thuật cũng thế, tác giả, tác phẩm thì có thể có nhiều, nhưng tác phẩm đỉnh cao và tác giả kiệt xuất thì hiếm vô cùng.

Đã từ lâu, các cấp lãnh đạo trong lực lượng CAND đã nhận định đúng và đề cao sức mạnh của “binh chủng Văn nghệ sỹ”, đặc biệt là khoảng 20 năm trở lại đây, các cấp lãnh đạo đã tiếp nhận vào ngành Công an nhiều văn nghệ sỹ có tên tuổi từ các ngành ngoài, sau đó đào tạo, bồi dưỡng và giao cho họ những trọng trách nhất định trong lực lượng và họ đã góp phần đáng kể để tiếp nối dòng chảy văn chương của lực lượng CAND. Nhưng nhìn lại số lượng nhà văn trẻ hiện nay trong lực lượng CAND đang thiếu hụt dần, những người từ 30 đến 50 tuổi đếm chưa hết một bàn tay, còn những người dưới 30 tuổi thì hoàn toàn vắng bóng, đây là một vấn đề rất đáng bàn, vậy đâu là giải pháp?

Tác phẩm “Bên kia cổng trời” của nhà văn Ngôn Vĩnh hiện vẫn là một cuốn tiểu thuyết đáng đọc.

Về công tác tổ chức: Nên thành lập một Phòng quản lý có chức năng chuyên biệt, theo dõi về mảng văn hóa văn nghệ trong toàn lực lượng. Những người làm việc trong phòng đó tiêu chuẩn hàng đầu phải là những văn nghệ sỹ có tên tuổi, có như thế mới đủ uy tín về nghệ thuật, có cón mắt tinh đời, có sự liên tài để phát hiện được những tài năng văn học nghệ thuật trẻ trong và ngoài lực lượng để có những đề xuất, thu hút nhân tài vào trong lực lượng CAND.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng: Cử người có năng khiếu đi thi và học dài hạn ở các trường có đào tạo về văn học nghệ thuật. Mở các trại sáng tác mà người “trại trưởng” nhất thiết phải là văn nghệ sỹ nổi tiếng, có thành tựu, có khả năng khơi gợi đề tài, góp ý bản thảo, chỉnh sửa… cùng nhà văn đẩy tầm tác phẩm lên đậm nét nhất, đẩy lên hết tầm có thể. Tổ chức các cuộc thi, thành phần ban sơ khảo và chung khảo nhất thiết phải 2/3 là người trong lực lượng CAND, còn lại là những nhà văn ngành ngoài nhưng có hiểu biết và đã từng có tác phẩm sáng tác về đề tài CAND. Mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho các nhà văn trong lực lượng CAND, tổ chức đi thực tế, đi dự nhiệm dài hạn ở các đơn vị CAND.

Về chế độ đãi ngộ: Hiện nay đối với Nghệ sỹ ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, những người có học vị tiến sỹ… đều có những ưu đãi thỏa đáng như lên quân hàm, lên lương trước niên hạn, trần quân hàm cao hơn vị trí chức vụ một bậc lương (đeo sao), chỉ riêng nhà văn Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là hoàn toàn không có bất kỳ một ưu đãi gì so với những người đang giữ những vị trí tương tự, có nghĩa là nếu anh là nhà văn nhưng chỉ làm Biên tập viên thì chỉ được đeo quân hàm Thiếu tá kịch trần, Trưởng, Phó phòng thì quân hàm Thượng tá… như tất cả những Trưởng, phó phòng khác. Sự so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng nhìn sang bên Quân đội, các nhà văn đều được hưởng “cấp tá kịch trần”. Trong khi đó, số nhà văn đương chức trong lực lượng CAND là rất ít so với tiến sỹ và những người có các học hàm học vị và các danh xưng khác.

Để kết thúc chuyên luận này, tôi xin đưa lại một ý kiến khác mà tôi đã trả lời phỏng vấn: Tôn trọng hiện thực và dũng cảm phản ánh hiện thực với một động cơ xây dựng, là trách nhiệm của người cầm bút hiện nay khi viết về đề tài Công an. Ý thức xã hội thông thoáng, cởi mở như hiện nay, môi trường sáng tác tự do, việc tiếp cận các thông tin, tài liệu đơn giản hơn trong kỷ nguyên thông tin... đang tạo ra những điều kiện thuận lợi để nhà văn, cây bút tiếp cận công tác Công an, phản ánh sinh động trên tinh thần xây dựng cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm trên tất cả các khía cạnh: Đấu tranh với tội phạm, đấu tranh nội tâm, đấu tranh làm trong sạch tổ chức, lực lượng… Chỉ khi tôn trọng hiện thực, bằng lăng kính hiện thực trong sáng tác, mạnh dạn chuyển tải vào văn chương các vấn đề đương đại xuất hiện trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, mới làm nên sức sống cho các tác phẩm viết về chủ đề Công an hiện nay.

Xây dựng được đội ngũ nhà văn, kết hợp với tinh thần đổi mới hiện nay, tin chắc rằng mảng văn học về đề tài CAND sẽ dần khởi sắc và trở thành dòng chảy chủ lưu trong đời sống văn học đương đại.

Nguyễn Thế Hùng
.
.