Sự tuyệt cùng

Thứ Sáu, 30/10/2020, 16:19
Đọc một số tác phẩm của những tác giả như Victor Hugo, một số nhà văn Nhật Bản, Nguyễn Tuân hoặc Nam Cao, tôi thường nghĩ đến sự tuyệt cùng. Đó là cảm giác đi hết, đến tuyệt cùng của những những giới hạn rất cao hoặc không còn điểm nào vượt qua được nữa.


Đọc Victor Hugo hẳn mọi người đều nhớ đến những nhân vật tuyệt cùng kinh điển của ông. Đó là thằng gù Quasimodo trong "Nhà thờ Đức bà Paris", là người tù khổ sai Giăng Vangiăng, là thanh tra Giave, là cô bé Côdét trong "Những người khốn khổ"… 

Victor Hugo là nhà văn của sự tột cùng, hầu hết các nhân vật chính của ông đều được đẩy đến những giới hạn lớn nhất có thể. Đức hi sinh như thánh thần là của Giăng Vangiăng, kẻ miệt mài mẫn cán với việc công không biết mệt mỏi là thanh tra Giave, tận cùng xấu xí ngoại hình là thằng gù Quasimodo, trác tuyệt tri thức, tuyệt cùng đen tối là phó giám mục Claude Froll, đứa trẻ mồ côi tận cùng đau khổ là bé Côdét… 

Hầu hết các nhân vật lớn của Victor Hugo đều những người quá cỡ, quá khổ, quá khác biệt so với bình thường. Nhà văn có một khoái cảm với những thứ tột cùng và xây dựng tác phẩm, nhân vật của mình trên nền triết lý ấy.

Bìa tác phẩm “Những người khốn khổ” của Victor Hugo. 

"Chí Phèo" của Nam Cao là một tác phẩm của sự tuyệt cùng dù Nam Cao không chủ trương xây dựng theo triết lý ấy. Chí Phèo là một kẻ lưu manh không biết sợ hay khoan nhượng, hắn đã trở thành một con quỷ đội lốt người ở làng Vũ Đại. Còn Bá Kiến là một tay cáo già lão luyện mà phải trải đời rất nhiều mới tu luyện được đến mức ấy. Thị Nở là một người đàn bà tuyệt xấu mà văn học cùng thời kì và cả sau này khó tìm được một nhân vật tương tự. 

Ba nhân vật tuyệt cùng của Nam Cao tạo ra một ấn tượng mạnh mẽ cho tác phẩm. Và chính ba nhân vật tuyệt cùng này đã trở thành một kiểu biểu tượng của đời sống: "xấu như Thị Nở", "lưu manh như Chí Phèo", "lõi đời như Bá Kiến"...

Bìa tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố

"Tắt đèn" của Ngô Tất Tố cũng là một tác phẩm của sự tuyệt cùng. Chị Dậu phải bán chó, bán con để lấy tiền cứu chuộc chồng thì đó là sự tuyệt cùng của nghèo đói và khốn khổ. Nếu trong "Chí Phèo" của Nam Cao sự tuyệt cùng tha hoá là cảm hứng chủ đạo thì ở "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố sự đói nghèo là giới hạn cực điểm. Chị Dậu cũng trở thành một biểu tượng của cuộc sống theo ảnh hưởng của văn học với đời sống: "nghèo như chị Dậu".

Lùi xa hơn trong lịch sử, văn học Việt Nam cũng có những nhân vật tuyệt cùng rất đáng nhớ. Thuý Kiều là tuyệt cùng của cái đẹp, Sở Khanh là tuyệt cùng của kẻ trăng hoa lừa dối, Từ Hải là tuyệt cùng của người anh hùng khí khái. Những nhân vật tuyệt cùng của Nguyễn Du trong "Truyện Kiều" làm cho tác phẩm có những nét sổ rất đậm và đó cũng là những nhân vật đáng nhớ nhất.

Bìa tác phẩm “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân. 

Có lẽ Nguyễn Tuân là nhà văn Việt điển hình cho khoái thú của tuyệt cùng. Tác phẩm điển hình nhất cho triết lý này của ông có thể kể đến "Tâm sự của nước độc/Chùa Đàn". Kẻ tuyệt đối trung thành với chủ, làm mọi thứ để người chủ của mình có thể vui lòng, thậm chí không tiếc cái chết là Bá Nhỡ. Người tuyệt đối bi sầu vì cái chết của vợ và tránh xa mọi thứ văn minh hiện đại, máy móc là Lãnh Út. 

Thậm chí, không khí của tác phẩm là một bối cảnh tiến dần đến sự tuyệt cùng toàn diện: tuyệt đối trung thành, tuyệt đối đoạn tuyệt, tuyệt đối ma quái, thậm chí việc ủ rượu, uống rượu, đốt rượu cũng là những hành động phi thường, hiếm thấy.

Nguyễn Tuân còn có những tác phẩm được liệt vào hàng tuyệt kĩ nữa với triết lý tuyệt cùng rất rõ nét như "Xác ngọc lam", "Rượu bệnh." "Xác ngọc lam" là tuyệt ma quái, huyền ảo, "Rượu bệnh" là tuyệt say sưa lạc thú. Tôi tin rằng nếu Nguyễn Tuân tiếp nối cái mạch của sự tuyệt cùng ấy mà không chịu tác động bởi những biến cố lịch sử lớn lao thì chắc chắn kho tác phẩm tuyệt cùng của ông sẽ còn giàu có và dữ dội hơn nữa.

Dường như các nhà văn cổ điển ưa thích sự tuyệt cùng. Những người như Victor Hugo hay Nguyễn Du đều thuộc lớp những nhà văn cổ điển. Những người như Nam Cao, Ngô Tất Tố hay Nguyễn Tuân đều là những người sống và có những thành tựu lớn nhất là từ nửa đầu thế kỉ trước, và tôi thấy bất ngờ khi khó tìm được một ví dụ của sự tuyệt cùng trong những gương mặt nhà văn đương đại. Ai có thể coi là người ưa thích triết lý tuyệt cùng và một tác phẩm tiêu biểu của anh ta? Hiện thời tôi chưa nhìn thấy hoặc sự đọc của tôi chưa đủ rộng để bao quát.

Dù sự đọc của tôi hữu hạn đến thế nào thì tôi vẫn tin rằng ở thời điểm hiện tại sẽ rất khó tìm ra sự tuyệt cùng ở các nhà văn đương đại và những nhân vật của họ. Dường như những tác phẩm của sự tuyệt cùng và những nhân vật tuyệt cùng đã không còn phù hợp ở bối cảnh hiện thời và chúng ta sẽ đi tìm hiểu lí do.

Điều đơn giản dễ thấy nhất là các tác giả văn học và nhân vật của họ đã không còn sống trong bầu không khí thuần nhất hoặc tư tưởng thuần nhất như xưa nữa. Ngày trước ta dễ dàng tìm ra được những nhân vật tuyệt đối xấu hoặc tuyệt đối tốt, tuyệt đối anh hùng hoặc cực điểm đê hèn. Nhưng con người hiện đại thì phức tạp và đa dạng hơn nhiều. 

Ở thời điểm này ai dám nhận mình là tuyệt đối tốt hoặc đủ tự tin để kết luận một người khác là tuyệt đối xấu? Cái xấu, cái tốt đan xen hoặc thỏa hiệp với nhau và thực tế thì bất cứ cá nhân nào cũng khó tồn tại nếu sống trong bầu không khí tuyệt đối vô trùng hoặc tuyệt đối dơ bẩn. 

Hơn nữa, với một sự nhìn nhận đa chiều của tâm thế hiện đại thì ngay cả các vị thánh vẫn có những tì vết ở những góc nhìn khác nhau và một kẻ tội phạm ghê tởm thì chưa chắc hắn đã cấu tạo một trăm phần trăm từ những điều tồi tệ.

Cuộc sống đã đa chiều và phức tạp như vậy thì văn học cũng chịu những ảnh hưởng không tránh khỏi. Nói chung, độc giả hiện đại sẽ rất khó chấp nhận một nhân vật tuyệt đối trong trắng như nữ thần hoặc một kẻ xấu xa toàn diện như quỷ dữ. Điều đó rất kịch và khiên cưỡng và thực tế khó tồn tại một nhân vật lí tưởng như vậy. 

Con người có đầy đủ các cung bậc, ấy mới là con người bình thường, sát với thực tế và văn học hiện đại cũng thích những nhân vật phức tạp, đa chiều. Điều này giải thích cho việc bây giờ sẽ rất hiếm gặp những mẫu người tuyệt đối lí tưởng hoặc những bối cảnh đơn chiều duy nhất, hoặc nếu có cố tình viết như vậy thì người đọc cũng rất hoài nghi.

Nhưng nói như thế không phải sự tuyệt cùng không còn chỗ để tồn tại. Sự tận cùng hay giới hạn cao nhất có thể hữu dụng ở những khía cạnh nhỏ hoặc những chi tiết cụ thể như lòng hi sinh của mẹ với đứa con, sự thèm khát quyền lực, danh vọng đến điên cuồng... Các nhà văn Nhật Bản là những người điển hình cho sự ưa thích sự tuyệt cùng và không hiếm gặp những nhân vật tuyệt cùng trong các tác phẩm của họ. 

Một truyện ngắn của Yukio Mishima là "Ưu quốc" tôi mới đọc gần đây và tìm thấy một nhân vật của sự tuyệt cùng. Đó là Trung uý Takeyama Shinji. Nhân vật này khi biết mình sẽ buộc phải tham gia một cuộc tấn công "nồi da xáo thịt", anh đã tự sát để tỏ lòng trung thành với Nhật hoàng và không phản lại các đồng đội của mình. 

Cái chết của Takeyama Shinji đã được chuẩn bị rất lâu hay nói cách khác, không phải lúc rơi vào tình huống lưỡng nan, anh mới chọn cái chết mà trước đó Takeyama Shinji đã biết chắc chắn sẽ có ngày phải chết vì lòng trung và tinh thần võ sĩ đạo của mình. Takeyama Shinji mổ bụng tự sát và chuẩn bị tâm lí ấy cho ngươi vợ trẻ của mình từ rất sớm. Rốt cuộc, cả hai người cùng tự ải trong một bầu không khí tuyệt đối long trọng, bi tráng và tuyệt đẹp.

Không hiếm để tìm thấy những nhà văn theo lí tưởng tuyệt cùng ở Nhật,  đó là Kawabata, là Tanizaki, là Dazai Osamu… Và có thể nói ưa thích sự tột cùng đôi khi là tâm tính của một dân tộc chứ không nhất thiết là tâm thế thời đại khi đến giờ nước Nhật vẫn là một trong những quốc gia có tỉ lệ tự sát cao nhất.

Những tác phẩm có khuynh hướng tột cùng hoặc các nhân vật tột cùng thường tạo ra những ấn tượng rất mạnh trong lòng  người đọc. Những hình mẫu tột cùng sẽ nhanh chóng trở thành biểu tượng hoặc mẫu mực trong một khía cạnh nào đấy. Bởi theo quy luật thông thường thì người ta sẽ lưu nhớ lâu nhất những gì tượng nhất. 

Và những nhà văn cổ điển, có thể họ không quan tâm hoặc không biết đến những lí thuyết văn học nhưng đấy là những người nắm bắt tâm lý độc giả rất tốt và có xu hướng thích tạo ra những nhân vật tuyệt đỉnh cùng  những bối cảnh phi thường.

Đó là tài năng, tâm thế thời đại hay cảm quan về nghệ thuật và đời sống?

Và có phải bây giờ chúng ta chỉ có những con người nhạt nhẽo, trung bình và những bối cảnh tầm thường?

Hay là…

Khải Hoàn
.
.