Sứ mệnh nhà thơ với trái tim biển, đảo

Thứ Bảy, 15/06/2019, 08:25
Văn học từ xưa đến nay thường viết về biển, đảo. Đó là chất liệu hiện thực mà bất kì người nghệ sĩ nào cũng ít nhất một lần sử dụng. Bởi lẽ, biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, là máu thịt của Tổ quốc. Biển, đảo còn là nơi ghi dấu những cuộc thuỷ chiến ác liệt, tàn khốc nhưng đầy anh dũng, kiên cường của dân tộc ta. Với vai trò như thế, biển, đảo luôn là đề tài nằm lòng, đề tài lớn xuyên suốt chiều dài văn học Việt Nam.


Ý thức biển, đảo được hình thành từ lâu đời. Tâm thức biển, đảo gắn liền với văn hoá, văn học dân gian, thông qua các nghi lễ, diễn xướng, thông qua truyền thuyết, cổ tích, vè, dân ca… Và được lưu giữ trong các sách “Lĩnh Nam chích quái”, “Truyền kỳ mạn lục”, “Truyền kỳ tân phả”, “Thánh Tông di thảo”…; trong các truyện “Họ Hồng Bàng”, “Truyện dưa hấu”, “Từ Thức lấy vợ tiên”…; gắn liền với những sáng tác của các tác gia như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, vua Trần Minh Tông, vua Lê Thánh Tông…

Tiếp theo đó, tình yêu biển, đảo trong thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hàn Mặc Tử, ,… lan toả, mở rộng hơn trong thơ Văn Cao, Hoàng Trung Thông, Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm,… và đến thơ Giang Nam, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Lê Thị Mây, Nguyễn Trọng Tạo, Thạch Quỳ, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Phan Quế Mai, Phan Hoàng,…

Trước hiện thực, thơ có nhiều ngả rẽ khác nhau, tuy nhiên phải khẳng định rằng, ở hướng nào, thơ cũng cần phát huy tối đa việc truyền cảm hứng tình yêu biển, đảo đối với bạn đọc. Tôi lấy ví dụ, những năm 2013-2014, Biển Đông đã dậy sóng trở lại sau biến cố Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988), các thi sĩ bức xúc hoá thân, chia sẻ với nhân dân cả nước trước những hành vi gây hấn của phía Trung Quốc. Thơ ca viết về Biển Đông giai đoạn này vì thế chân thực hơn, nói thẳng không nói tránh, quanh co, nhưng vẫn giữ vững hào khí dân tộc.

Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam trao lưu niệm cho các tác giả khu vực Bắc miền Trung có tác phẩm xuất sắc về biển đảo.

Ở Bắc miền Trung, từ các thi sĩ gạo cội như Nguyễn Khoa Điềm, Thạch Quỳ, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Hải Kỳ, Nguyễn Ngọc Phú,… đến Nguyễn Minh Khiêm, Lâm Bằng, Vân Anh, Nguyễn Văn Hùng, Trần Thu Hà, Võ Quê, Thái Hải, Võ Văn Hoa, Võ Văn Luyến, Phạm Nguyên Tường, Lê Vĩnh Thái, Nguyễn Lãm Thắng, Lê Tấn Quỳnh, Thy Lan,… đều nhanh chóng đăng đàn những cảm xúc nóng hổi về biển, đảo. Tất nhiên, không phải chờ cơ hội “được đau” thì các thi sĩ mới tung bút.

Thực ra, đề tài biển, đảo, ở thời kì trước, đã là cảm hứng sáng tác của nhiều thi sĩ như Nguyễn Khoa Điềm, Thạch Quỳ, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Hải Kỳ, Nguyễn Minh Khiêm, Văn Đắc, Huy Trụ, Đinh Ngọc Diệp....

Những năm gần đây, khi có những sự cố, tranh chấp trên Biển Đông, cùng với văn nghệ sĩ cả nước, các thi sĩ Bắc miền Trung cũng đã nhanh nhạy, kịp thời đăng đàn chính kiến của mình. Có một điểm chung giữa các nhà thơ Bắc miền Trung là họ đều thể hiện chính kiến rõ ràng, thậm chí mạnh bạo trước lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Hình ảnh thơ đa tầng đa nghĩa, đậm chất triết lý.

Thơ Hoàng Vũ Thuật giàu chất thế sự. Biển đảo cũng là chủ đề trở đi trở lại trong sáng tác của ông từ xưa đến nay. Ông chưa bao giờ quên nỗi đau, mất mát quá lớn nơi đầu sóng ngọn gió: “chúng nó dùng súng và lưỡi lê/ bạch tuộc phun vòi xác chết/ những chú chim non vỗ cánh đầu tiên/ những đôi mắt lũ còng ngơ ngác/ số phận ngọn đèn lịm tắt// không còn súng thì ném cát vào mặt/ ngôi mộ gió khuyết dần/ không còn ngôi mộ gió/ Tổ quốc trong muối biển vẫn còn” (Đảo). Cánh đồng thơ của Nguyễn Minh Khiêm dung dưỡng “nhiều hướng gió”.

Nhưng tôi vẫn ấn tượng với cách ông phơi trải cuộc sống theo nhịp tâm hồn của thi sĩ: “528 mặt người dưới sóng/ 528 mặt người trong lá/ gió lao xao như tiếng khóc trẻ già/ loang loáng hiện lưỡi dao Pôn Pốt/ bỏ dở câu thơ đảo Xanh, đảo Nhạn/ bỏ dở câu thơ trăng mọc cầu tàu/ bỏ dở câu thơ thiên đường đảo ngọc/ ngước nhìn bày hải âu bay liệng chập chờn/ ngỡ 528 linh hồn dân đảo/ vẫy chào du khách/ tôi/ lặng/ trước/ Thổ Chu” (Lặng trước Thổ Chu).

Hồ Đăng Thanh Ngọc là một thi sĩ rất đỗi ráo riết trước đời sống văn chương và xã hội. Anh thường dùng thơ tự do và thơ Tân hình thức để gửi gắm tiếng lòng của mình. Trong lòng anh, biển luôn vẫy gọi: “…Biển của tôi ơi/ Biển của tôi ơi!/ Xin quỳ gối viết bài thơ dâng biển/ Mong bình yên muôn ngọn sóng điệp trùng/ Nhưng nếu cần hy sinh cho biển quê hương được sống/ Triệu triệu con tim bao đêm trằn trọc/ Sẽ lại hóa cảm tử thần trong sóng nước Bạch Đằng Giang” (Biển của tôi).

Lê Vĩnh Thái, thuộc thế hệ giữa 7X, nhưng đọc thơ anh, chúng ta thấy rõ niềm đam mê con chữ và một nỗi buồn trĩu nặng. Ngược với mảng thơ chắt lọc hướng về “trầm mặc” đời thường, khi viết về biển đảo, giọng thơ anh lại có phần sôi động và bạo liệt hơn: “dân tộc bốn ngàn năm/ đóng đinh vào kẻ thù xâm lược/ giờ, nghe quê hương bị lũ quạ diều vây/ con cá đưa vô miệng bị giật ngang cuống họng.../ quân giặc dẫn mưu đồ xâm lăng/ đời làm thơ/ thơ chưa trả nợ nước/ thân chưa đền ngửa mặt biết nhìn ai// tôi viết bài thơ quê hương/ đã nghe vang tiếng kèn hiệu lệnh/ con dân Việt giương cung thẳng tiến/ nơi biên cương Tổ quốc màu xanh/ Trường Sa - Hoàng Sa nay hóa Bạch Đằng/ đất nước ra trận/ biển cuộn sóng chôn lũ xâm lăng” (Con chim lạc bay về Tổ quốc).

Điểm qua như thế để thấy, thơ về biển, đảo là một đề tài quen thuộc của Bắc miền Trung. Tuy nhiên, đa phần các thi sĩ Bắc miền Trung chỉ viết rải rác, tản mạn, chứ ít tập hợp thành tập, tuyển về biển đảo. Theo sự nắm bắt của cá nhân tôi, tôi thấy chỉ duy nhất nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú có đam mê dài hơi cho đề tài biển, đảo với các trường ca như “Biển và tôi”, “Tổ quốc tôi ba ngàn cây số biển”,“Con đường thức”…

Bắc miền Trung luôn được xem là vùng phát triển của thơ ca, trong đó, Huế là cái nôi nuôi dưỡng và phát tiết tinh hoa. Tuy nhiên, nhiều thi sĩ nhưng không nhiều thơ viết về biển, đảo. Theo tôi, có nhiều lý do. Và đây cũng là lý do chung cho văn học viết về biển, đảo của cả nước. Trong sáng tác, nhà thơ không thể copy lịch sử biển, đảo một cách dễ dãi. Vì thơ vốn là thanh âm tế vi của cõi lòng. Thơ không thuộc về bản sao của lịch sử. Viết theo kiểu hô hào sẽ sa vào thơ cổ động.

Viết thiếu vốn sống, trải nghiệm thực tế, nếu tưởng tượng không khéo, quá đà đôi khi gây phản cảm cho người đọc. Bởi, không phải ai cũng có cơ may “vượt biển” để được đắm chìm trong không gian bao la, mênh mông và nhiều bí ẩn ấy. Bên cạnh đó, có một tồn tại không riêng gì của Bắc miền Trung, các cây bút thơ trẻ cả nước có phần dặt dè, e ngại, thậm chí lơ là, lười biếng trước đề tài biển, đảo. Đa phần, thơ cánh trẻ thường “ăn mình” và chăm chắm tỉa tót đời sống xung quanh.

Như vậy, mặc dù tình yêu biển đảo vẫn ngấm ngầm chảy trong thơ Bắc miền Trung, song so với cả nước, thơ về chủ quyền biển, đảo của Bắc miền Trung chưa thực sự nổi trội. Để thơ Bắc miền Trung đa dạng, phong phú hơn trước đề tài biển, đảo, theo tôi, trước hết, bản thân mỗi thi sĩ cần phải biết tạo cho mình cơ hội đến với biển, đảo; biết huy động cảm xúc và lòng yêu quê hương, đất nước; biết làm mới đề tài biển, đảo như gia tăng tính biểu tượng của thi ảnh, có những đổi mới về mặt ngôn từ.

Thứ hai, 6 tạp chí Bắc miền Trung đã có những việc làm thể hiện tính lâu dài như thường xuyên đăng tải thơ và làm chuyên trang về biển, đảo. Nổi trội hơn cả là trang online của Tạp chí Sông Hương có hẳn mục “Vọng ra biển” và đã từng làm chuyên đề “Biển đảo quê hương” để anh em văn nghệ sĩ có cơ hội trải lòng với với nơi sóng cồn gió giật của Tổ quốc và thông qua đó, giúp người đọc ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trước chủ quyền biển, đảo, quê hương.

Thứ ba, các tạp chí có thể kết hợp với Hội VHNT địa phương và bộ đội Hải quân tổ chức những chuyến thực tế biển, đảo hằng năm cho các hội viên, đặc biệt là các cây bút trẻ. Thứ tư, các tờ tạp chí cũng nên chủ động tổ chức các cuộc thi thơ sáng tác về chủ đề biển, đảo, để tạo động lực, khích lệ cho người sáng tác.

Và cuối cùng, cách thức tổ chức Hội thảo giao lưu 6 tỉnh Bắc miền Trung từ nhiều năm nay đã thực sự “quen thuộc”. Nếu chúng ta thử đưa vào chương trình những chuyến thực tế biển, đảo, biết đâu, đó cũng là cú hích sáng tạo đối với mỗi người nghệ sĩ và các tờ tạp chí có thêm nhiều thể loại sống động, hấp dẫn về biển, đảo hơn.

Huyền sử Lạc Long Quân và Âu Cơ đưa 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển, phải chăng đã khẳng định cội nguồn và vị thế chiến lược quan trọng của đất nước; thể hiện khát vọng giữ yên bờ cõi của cha ông ta ngày xưa, đồng thời khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa biển và đất liền?

Cội nguồn, dòng giống Tiên Rồng đã lan tỏa những bài học vô giá để chúng ta tiếp tục sứ mệnh giữ yên biển, đảo, xây dựng và phát triển đất nước. Tạo hóa cho nhà thơ “thiên nhãn”, hẳn nhiên anh ta phải biết gánh vác cây thánh giá cuộc sống, ý thức cao về cõi nhân sinh cũng như vận mệnh, trái tim biển, đảo của đất nước.

Hoàng Thụy Anh
.
.