Sự huyền diệu của âm nhạc

Thứ Ba, 03/02/2015, 08:00
Trong chiến tranh người ta tấn công quân địch bằng quân sự, chính trị... và cả đánh vào lòng người - tâm công - ở phương diện này thì âm nhạc là một vũ khí lợi hại...

Trong thực tế đã có bao nhiêu bản nhạc làm nức lòng quân đội, nâng bước chân chiến sĩ trên chặng đường hành quân dài đằng đẵng đầy gian nan vất vả và khiến họ hăng hái, dũng cảm xông lên, không nề hà hi sinh tính mạng để giành thắng lợi trong những trận chiến đấu ác liệt trước quân thù. Có thể kể: "Chiến sĩ Việt Nam", "Hò kéo pháo", "Chiếc gậy Trường Sơn", "Nổi lửa lên em", "Hành quân xa"... Âm nhạc cũng từng là người bạn tâm tình, động viên, an ủi, thổi bùng lên bầu nhiệt huyết của bao thầy, cô giáo công tác ở vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh hay những công nhân ngày đêm miệt mài lao động hăng say trong những hầm lò gian khổ để làm giàu cho Tổ quốc. Có khi lại là lời tâm sự chân thành, đúng đắn về lẽ sống ở đời như các bài: "Một rừng cây, một đời người", "Không xa đâu Trường Sa ơi", "Tự nguyện"... Thế nhưng cũng có những bản nhạc làm tâm hồn ủy mị, yếu đuối, rã rời ý chí.

Trong chiến tranh người ta tấn công quân địch bằng quân sự, chính trị... và cả đánh vào lòng người - tâm công - ở phương diện này thì âm nhạc là một vũ khí lợi hại. Chợt nhớ lại trong phim "Lưu Bang đời Hán" đã chiếu trên tivi ở Hà Nội trước đây có đoạn Tử Kỳ - anh Ngu Cơ - trên đường chạy trốn bị bắt đưa về gặp Trương Lương (mưu sĩ của Hán Vương) đã được tiếp đãi tử tế. Khi nói chuyện về những kỷ niệm cũ, vô tình Kỳ bàn về tính huyền diệu của tiếng tiêu ở nước Sở. Khi vui nghe tiêu thổi càng thêm vui, lúc buồn nghe tiếng tiêu thì lại càng não ruột, Kỳ còn bày cách chế tạo ống tiêu và thổi một khúc cho Lương nghe. Kỳ nói: "Ở nước Sở có câu "Không có tiêu không thành bản nhạc".

Trương Lương nghe và nảy ra kế đánh tan quân Hạng Vũ đang bị bao vây. Ông sai người chế tạo những ống tiêu và tập thổi các bài hát nước Sở. Rồi Lương gọi Hàn Tín đưa gần 1.000 quân người Sở đang ở trong đội quân của Tín tới. Lương chọn lọc những bài hát buồn quen thuộc rất được phổ biến ở nước Sở, tập luyện cho số quân này cùng thổi tiêu và hát, khúc hát có những câu như: "Xa nhà lâu rồi, mẹ già đang tựa cửa ngóng trông, vợ yêu thương đợi chờ, sao chẳng trở về? Chinh chiến xa nhà mãi rồi. Mau trở về thôi...".

Khi đã thuần thục, Lương đưa đội "quân nhạc" này gần tới doanh trại quân Hạng Vũ đồng loạt thổi tiêu và hát các bài hát Sở vào đêm khuya. Tiếng tiêu với âm điệu và lời hát não nùng cất lên trong đêm thanh vắng đã gợi nỗi nhớ quê hương gia đình da diết của quân Sở. Âm thanh rền rĩ, não ruột của tiêu cùng với giai điệu, lời ca phản chiến làm rã rời ý chí chiến đấu quân Hạng Vũ - toàn là người Sở - đang bị bao vây chặt, thiếu thốn lương thực phải giết cả ngựa chiến để ăn. Quân sĩ đêm đêm ngồi bên đống lửa nghe tiếng tiêu sầu vọng tới khiến họ đào ngũ hàng loạt. Khúc nhạc phản chiến chỉ qua mấy đêm đã làm tan rã đội quân của Hạng Vũ. Họ đã lặng lẽ bỏ trốn gần hết, ngoảnh đi ngoảnh lại 8.000 quân nay chỉ còn chưa đầy một ngàn người. Thế thất trận của Vũ đã thấy rõ. Chỉ bằng âm thanh trầm bổng của tiếng tiêu và lời ca sầu muộn, chán chường đã tác động mạnh làm cho đội quân thiện chiến của Hạng Vũ, chưa đánh đã rã ngũ gần hết.

Mới biết sức mạnh của âm nhạc một khi được sử dụng đúng lúc, đúng độ sẽ phát huy tác dụng rất ghê gớm. Dẫu rằng người Sở trong quân của Hạng Vũ cũng chẳng tinh thông gì nhiều về nhạc, nhưng giai điệu âm thanh kết hợp nhuần nhuyễn, tài tình đã là đội quân vô hình rất tinh xảo, tìm đường mà len lỏi vào con tim nhân thế. Người ta vốn mẫn cảm và tinh tế nên trong tâm trạng nhất định thì sự cảm thụ tự nhiên với âm nhạc cũng là điều tất yếu. Quân của Hạng Vũ dẫu vốn trung thành và quen chiến trận nhưng tựu trung họ vẫn là con người.

Khi biết được Trương Lương đã lợi dụng tiếng tiêu do mình gợi ra để làm kế diệt Hạng Vũ, Kỳ trách thì Lương trả lời cũng rất hay: "... Trong chiến tranh có gì mà không dùng đến? Khi trước Hạng Vũ định luộc chín cả Lưu Thái Công thì có quá dã man không? Sao bằng không phải chém giết nhau, chỉ cần dùng tiếng tiêu để mà chiến thắng chả là nhân đạo hơn ư?...".

Mới hay âm nhạc quả là huyền diệu, là một báu vật của nhân loại.

Phạm Cường
.
.