Sự độc đáo của “Chuyện tình Khau Vai”
- Vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” lưu diễn miền Nam
- “Chuyện tình Khau Vai”: Thông điệp về tình yêu thiêng liêng và chung thủy
Từ xưa tới nay, tình yêu vẫn là đề tài chưa bao giờ nhàm chán của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung. Nhiều nhà văn, nhà thơ lớn trên thế giới dù làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết hay sân khấu, đều khó vắng bóng đề tài này. Ngay cả trong những tác phẩm sử thi hay xã hội, chủ đề chính tuy không phải tình yêu, thì ái tình vẫn được khai thác như một chất liệu, một cái cớ, để tạo thêm không khí và dư vị cho tác phẩm.
Những bộ tiểu thuyết đồ sộ như "Chiến tranh và Hòa bình" hay "Anna Karenina" của L.N. Tolstoy; "Sông Đông êm đềm" của M.A. Sholokhov (Nga); "Trăm năm cô đơn" của G.G. Márquez (Columbia, Nobel Văn học, 1982); "Nhà thờ Đức Bà Paris" của Victor Hugo (Pháp); "Hồng lâu mộng" của Tào Tuyết Cần, Cao Ngạc (Trung Quốc)... và một khoảng thời gian chưa xa là "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" của M. McCulough (Australia).
Đa phần, khi khai thác nó, cả ở tiểu thuyết và kịch bản sân khấu, người ta hay nhấn vào tính bi kịch của tình yêu, những mối tình tan nát, nhiều oan trái, điển hình như "Hamlet" hay "Romeo và Juliet" của Shakespeare đều có những cái kết không có hậu.
Còn các bộ tiểu thuyết gọi là có hậu lại thường chung một motif là, mọi oan nghiệp được giải đáp, những mối tình thủy chung được bù đắp. "Truyện Kiều" của cụ Nguyễn Du cũng có xu hướng này khi cho Kiều tái hồi Kim Trọng, giải cái oan nghiệp ba đào truân chuyên đầy bi kịch của nàng Kiều. Khi văn học, nghệ thuật hướng thiện, nhân bản, nếu cho tác phẩm nào đó một cái kết có hậu, thì sự thật của văn học lại thường có tính dị bản, phần lớn các mối tình trong thực tế đều có những oái oăm của nó. Nhiều mối tình đổ vỡ, không ngọt ngào, không tới được hôn nhân, thậm chí đau thương.
Bìa tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - (Nhà xuất bản Văn học, 2019). |
Có lẽ sự độc đáo nhất của tiểu thuyết "Chuyện tình Khau Vai" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ là sự trượt ra ngoài cái quy luật chung, trong hai hướng nói trên của văn học thường thấy.
Câu chuyện tình giữa nàng Út, con một tộc trưởng người dân tộc Giáy và chàng trai tên Ba người dân tộc Nùng là một bi kịch đến cùng. Một mối tình đẹp hoàn toàn bị tan vỡ không dẫn đến hôn nhân, nhưng cái kết của câu chuyện lại đẩy đến một "cái hậu" khác lạ.
Trong tiểu thuyết của Nguyễn Thế Kỷ nhiều nhân vật đã chết, kể cả nhân vật chính là nàng Út. Đôi trai gái, nàng Út và chàng Ba mãi mãi bị chia lìa, song lời hẹn thề sẽ gặp lại nhau mỗi năm một lần trong phiên chợ Khau Vai đã được thời gian giữ lại như một lời nguyền cho tới tận hôm nay. Những người còn sống ở các thế hệ nối tiếp đã tiếp tục nối dài cuộc hò hẹn ấy, làm nên một phiên chợ tình có một không hai trên thế giới - Chợ tình Khau Vai.
Truyền thuyết về phiên chợ mỗi năm họp một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch ấy được lưu truyền mãi mãi, là sự bất tử của một mối tình tuyệt đẹp nhưng dở dang. Cái kết của câu chuyện tiểu thuyết không được lãng mạn theo dạng thức thông thường của các chuyện cổ tích hay truyền thuyết về tình yêu. Nhân vật của mối tình ấy sau khi thất bại cũng không biến thành "hòn vọng phu" (vật thể) hay một sinh vật nào đó tồn tại trên thế gian như trong các câu chuyện cổ tích, mà mối tình ấy trở nên bất tử trong đời sống tinh thần của con người vùng cao nguyên đá. Bóng dáng của truyền thuyết cứ thấp thoáng dưới những phiên chợ có thực.
Một mối tình từ trong truyền thuyết đã được tái hiện một lần trong kịch bản sân khấu "Chuyện tình Khau Vai" (cũng của Nguyễn Thế Kỷ, năm 2013), và giờ đây được tác giả tái hiện lần nữa trong tiểu thuyết cùng tên. Tuy nhiên nó đã được xây dựng có đầu cuối, lớp lang, được mở rộng ra và đi sâu hơn chứ không chỉ còn là một truyền thuyết truyền miệng chỉ vài câu kể là hết. Cái kết của câu chuyện được xây dựng lại, hết sức độc đáo, giàu tính nhân ái và cũng rất thực tế nhằm giải thoát cho sự oái oăm đầy bi kịch thường thấy của tình yêu. Một cuốn tiểu thuyết bi tráng và rất hấp dẫn. Thực mà hư. Tưởng hư mà lại thực.
Nắm vững điều rất lạ ấy, để vượt qua hệ logic thường thấy của tiểu thuyết ái tình nhuốm màu truyền thuyết, Nguyễn Thế Kỷ đã dày công xây dựng "Chuyện tình Khau Vai" trở thành một cuốn tiểu thuyết độc đáo. Nó đã băng qua tất cả các motif bấy nay trong thi pháp tiểu thuyết, trở thành một phát hiện độc đáo của văn học Việt, từ một truyền thuyết độc đáo hiếm có trong văn hóa các tộc người miền núi phía Bắc.
Bằng rung động của một nhà văn - nghệ sĩ và khả năng khai thác tư liệu của một nhà nghiên cứu, Nguyễn Thế Kỷ đã tạo ra được một câu chuyện dày dặn, lắm lớp lang, gần như hàm chứa những ưu điểm cốt lõi nhất, những điều cần thiết nhất mà thi pháp tiểu thuyết đòi hỏi với hệ thống nhân vật, cảnh huống, cấu trúc ngôn ngữ, những mâu thuẫn, những diễn tiến hết sức hợp lí.
Điều đáng nói thứ hai về sự độc đáo của "Chuyện tình Khau Vai" là việc xây dựng hệ thống nhân vật. Nguyễn Thế Kỷ đã tạo ra được thêm nhân vật trung tâm bên cạnh nhân vật chính của mọi riềng mối phức tạp. Đó là nhân vật Tộc trưởng của người Giáy. Từ hình thức bề ngoài đến đời sống nội tâm đều độc đáo, đầy cá tính. Chính nhân vật Tộc trưởng này cũng trải qua một mối tình ngang trái, một đời sống tâm hồn luôn bị giày vò trước những cái chết: "Bà ấy cuối cùng đã bỏ ông ra đi. Cả hai người phụ nữ, một được ông yêu, một yêu ông cho đến lúc chết, đều đã bỏ đi".
Xây dựng nhân vật Tộc trưởng với tình tiết đã yêu chính mẹ của chàng Ba (người yêu của nàng Út) mà không lấy được, đã biến ông trở thành người đàn ông suốt đời không cười với vợ, có chăng một lần duy nhất khi đứa con gái yêu cất tiếng chào đời.
Phải nói rằng, hệ thống nhân vật của tiểu thuyết đã được cấu dựng khá phong phú, sắc nét, có nhiều nhánh rẽ bên cạnh trục chính là hai nhân vật nàng Út và chàng Ba. Đó vốn dĩ là nghệ thuật mang tính kinh điển của thi pháp tiểu thuyết. Phát triển hệ thống nhân vật này đòi hỏi văn bản luôn phải đảm bảo tính logic chặt chẽ. Ở đây, mỗi nhân vật được gây dựng khá sinh động, tính cách riêng rõ nét, số phận riêng ấn tượng, khiến cho toàn bộ câu chuyện tiểu thuyết trở nên sinh động, hấp dẫn, lôi kéo, giữ được độc giả tới trang cuối cùng.
Viết một đề tài nào đó về vùng dân tộc thiểu số là một thử thách không nhỏ đối với các tác giả người Kinh. "Chuyện tình Khau Vai" đã vượt qua được thử thách ấy. Người đọc nhận ra rằng, đây là câu chuyện của những người dân tộc thiểu số. Nhận ra bởi sự ví von, đối đáp, tư duy được vật hóa gần gũi với đời sống. Nhận ra bởi tâm hồn con người luôn gắn liền, giao hoà với vật thể, từ ngọn núi, con suối tới hòn đá, nhành cây v.v...
Trong tiểu thuyết này có rất nhiều đoạn thoại khá đặc sắc. Nguyễn Thế Kỷ đã nắm chắc được đặc tính ngôn ngữ dân tộc thiểu số mà tạo ra những đoạn thoại để độc giả tin cậy. Đó là những đoạn thoại ngắn, trực diện, giàu sắc thái ngữ điệu của người dân tộc thiểu số, tác giả đã chứng tỏ sự làm chủ thi pháp đến độ nhuần nhuyễn khi viết tiểu thuyết, khi phản ánh tâm hồn và văn hóa các tộc người vùng cao. Trong cuốn tiểu thuyết này, có hai trường đoạn tả về đám ma và đám cưới của đồng bào hai dân tộc Giáy và Nùng. Đây là những vấn đề dễ vấp váp, sơ hở nếu tác giả không am tường văn hóa tộc người bản địa. Nguyễn Thế Kỷ thêm một lần nữa chinh phục bạn đọc ở sự khả tín khi tái hiện một cách tinh tế hai hình thái văn hóa quan trọng này của hai dân tộc Giáy, Nùng chứ không phải chỉ là kể chuyện sao cho hiện thực trong tiểu thuyết gần cận với sự thật của đời sống.
Nguyễn Thế Kỷ có lẽ là cán bộ chính trị cao cấp ít ỏi hiện nay vừa làm quản lý lại vừa say mê nghiên cứu lý luận và sáng tạo văn học, nghệ thuật. Liên tục từ năm 2013 đến nay, ông đã viết thành công hai tập sách dày dặn lý luận về văn hóa, văn nghệ; hai tập thơ (một tập thơ viết cho thiếu nhi); bảy kịch bản sân khấu được nhiều nhà hát ngoài Bắc, trong Nam dàn dựng và biểu diễn.
Đó là "Chuyện tình Khau Vai", "Mai Hắc Đế", "Hừng Đông", "Thầy Ba Đợi", "Hoa lửa Truông Bồn", "Huyền thoại Gò Rồng Ấp", "Ngàn năm mây trắng" v.v... góp phần đổi mới và sinh động hóa đời sống sân khấu đất nước hiện nay. "Chuyện tình Khau Vai" là tiểu thuyết đầu tay nhưng Nguyễn Thế Kỷ đã chứng tỏ một nội lực phong phú, bản lĩnh.
Được biết, ông sẽ lần lượt tổ chức lại các kịch bản sân khấu, bổ sung thêm các tình tiết, tình huống và nhân vật, sáng tạo ra một số cuốn tiểu thuyết cùng tên và khác tên. Hy vọng Nguyễn Thế Kỷ sẽ thành công ở lĩnh vực mới đầy thử thách và gian lao này.
Ngọc Hà, mùa thu 2019