Sông mang về biển
Tên tuổi chị, trong giới văn chương, có thể nhiều người chưa quen thuộc. Vì chị ít xuất hiện trên báo chí, hoặc các buổi đăng đàn. Năm nay, chị Nguyễn Thị Hoài Thanh đã 83 tuổi. Năm 13 tuổi, bài văn xuôi đầu tiên của chị in trên Báo Thế Kỷ.
Năm 1961, bài thơ “Lán Mông Giăng” của chị in trên Báo Văn học, tiền thân của Báo Văn nghệ bây giờ. Năm 1973, trong chuyến về Hải Phòng công tác, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã cầm bài thơ “Trò chuyện với con” của chị, về in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bài thơ gây xôn xao dư luận thời bấy giờ. Những câu thơ nói về nỗi đau: "Không có gia tài để lại cho con/ Chỉ có nước mắt rơi ngày vui chưa trọn/ Và thơ cười đi suốt những đêm đau", giờ đọc thấy bình thường, chứ ở thời điểm hơn bốn mươi năm về trước, việc in trên báo, là sự mạnh dạn của người viết và người biên tập.
Trong tập chân dung văn học “Viết về bè bạn” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, NXB Hải Phòng in năm 2003, có bài “Một mơ ước về kiếp sau”. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã dành 25 trang sách để viết về chị Nguyễn Thị Hoài Thanh với tấm lòng quý mến.
“Tôi ở Hải Phòng” là tập thơ đầu tiên sau bảy mươi năm cầm bút của chị Nguyễn Thị Hoài Thanh. Tập thơ 78 bài, như tập hợp tất cả nỗi niềm của một đời người. Một người đàn bà đi qua quá nhiều trầm luân, vất vả; vậy mà thơ chị không hề có sự oán thán, trách móc, hằn học nào.
Bao trùm tất cả là tấm lòng nhân ái, bao dung với cuộc đời. Thơ chị viết về những điều giản dị. Đó là những bài thơ viết cho con, cho người thân yêu, về bạn bè, về thành phố Hải Phòng quê hương. Cũng có khi là cảm xúc bất chợt, khi chị đi qua một vùng đất mới nào đó. Nhưng viết về Hải Phòng, vẫn là những tình cảm sâu đậm nhất.
Tôi ở Hải Phòng
Với cầu Xi Măng như một thứ đồ chơi ngày nhỏ
Nắng vàng bỡ ngỡ
Hẹn mùa đông hé cửa nắng về
Tôi ở Hải Phòng
Trong lòng những bông hoa dại ven đê
Dây Lạc Tiên tràn lan như nỗi nhớ...
Nỗi niềm da diết, đẩy lên một cảm xúc rất riêng:
Chiều tan ca tôi đi bên dòng nước
Sông với tôi với bóng là ba.
Tác giả Nguyễn Thị Hoài Thanh và bìa tập thơ “Tôi ở Hải Phòng”. |
Thì ra, ở giữa thành phố rất đẹp, rất đông, nhưng với chị lại cô đơn tột cùng. Dòng sông Cấm với những tàu bè vào ra tấp nập, những váng dầu loang ngũ sắc. Vậy mà chị chỉ biết trò chuyện cùng dòng sông, cùng cái bóng của mình in trên mặt sông. Người đàn bà chơi với bóng của mình, thả bóng mình trôi theo sóng đổ ra biển. Rõ là tan nát, mà chị còn hỏi "Bóng tôi còn nguyên vẹn không sông?".
Chị có người anh trai xa nhà đã lâu, năm 1982, chị viết: "Anh đã xa cầu Xi Măng/ Ba mươi năm từ đó/ Xa con sông quê nước lợ/ Anh có mơ một lần sóng vỗ giấc mơ anh". Để rồi "Nếu anh trở về anh thấy cây cầu bé như một thứ đồ chơi/ Anh bỏ túi mang đi bốn phương trời xa lạ" (Cầu Xi Măng).
Chị có người em trai thiệt phận phải ra đi sớm, nên mỗi khi qua chợ Cầu Rào, chị lại thảng thốt: "Em nằm bên kia sông/ Chợ Cầu Rào chiều hôm nắng tái/ Đến thăm em chẳng cần vội vã/ Ở nơi đó bao giờ cũng có thể có em/ Đến thăm em rất cần vội vã/ Ở nơi đó bao giờ cũng không thể có em" (Chợ Cầu Rào).
Khi con gái về nhà chồng, chị da diết "Con đi gánh vác nhà người/ Cuối năm nắng oải chiều vơi ít nhiều" (Con đi gánh vác). Chị có nhiều bài thơ cảm động viết cho con, cho cháu "Bố mẹ chia tay từ đó/ Về đây cháu ở với bà/ Hai gian chông chênh đầy gió/ Sớm chiều bà cháu vào ra" (Cháu Liên Chi). Nhưng có bài thơ viết cho con, giọng thơ rất mộc, mà đọc xong, tôi thấy cay cay sống mũi.
Cũng cần chú giải đôi dòng, vì bạn đọc bây giờ có thể không rõ. Chiếc quạt điện bây giờ thì quá bình thường, chứ gần năm chục năm về trước, cái quạt điện nhỏ bé, có tên gọi quạt tai voi, là cả niềm mơ ước của bao gia đình. "Thư vẽ cái quạt tai voi/ Trên tường bên song cửa sổ/ Đêm Thư năm mơ thấy gió/ Thổi vù làm cánh quạt quay/ Tỉnh dậy gió còn phảng phất/ Quạt nan mẹ phẩy trên tay" (Cái quạt).
Nhà nghèo, làm sao dám nghĩ mua quạt. Con gái nhỏ chỉ tưởng tượng và vẽ cái quạt điện lên tường. Trong giấc ngủ, nó mơ cái quạt trên tường thổi mát cho mình. Đâu hay, thương con, cả đêm mẹ sà sã quạt nan phảy mát cho con. Bài thơ, như truyện cực ngắn, nhưng tạo dư ba cho người đọc.
Đời thường, thì bao vất vả, nhưng thơ trong “Tôi ở Hải Phòng” lại luôn ánh lên vẻ đẹp cảm xúc người viết. Ở bài thơ viết tặng nhà thơ Dư Thị Hoàn, chị viết:
Lặng im mà lặng im nghe
Thu về lọc nắng giục ve ngủ mùa.
(Lặng im nghe)
Nhớ về mẹ, chị có nỗi niềm riêng:
Từ thuở con còn là nắng
Đậu trên áo mẹ vai tròn.
(Phượng vĩ rơi)
Nghe tiếng gà bất chợt giữa thành phố, chị liên tưởng và thầm hỏi:
Có lay được giấc cây xanh
Lá buồn khép mở chòng chành sương rơi.
(Tiếng gà thành phố)
Thấy mưa xuân phơi phới bay, chị cảm nhận:
Như không phải tự trời rơi xuống
Mưa như từ cây lá mưa ra.
(Mưa xuân)
Có lẽ những bài thơ hay là những bài thơ viết cho bè bạn, người thân. Trong bài thơ viết tặng hương hồn nhà thơ Lê Đại Thanh, người thơ của đất Cảng, chị viết "Ngỡ như ông vẫn còn đây/ Bóng người nhòe... nhập bóng cây bên đường" (Thi sĩ).
Nhớ Duy Khán, một nhà thơ như đồng hành cùng bước chân của men rượu "Rượu suông suông một tiếng khà/ Say trong tỉnh tỉnh lại là trong say" (Nhớ Duy Khán). Trò chuyện cùng nhà thơ nữ đa đoan Đoàn Lê "Giận ai mà bỏ thị thành/ Ở đây gió núi chênh vênh cả ngày" (Bài thơ gió núi).
Chia sẻ cùng nhà văn Bùi Ngọc Tấn, một nhà văn lắm nỗi lận đận, câu thơ như cố tạo sự thanh thản "Tôi ghé thăm nhà anh/ Như người bộ hành/ Một chiều mệt mỏi/ Xin nghỉ nhờ bóng cây" (Gác nghèo).
Ngày nhà thơ Thanh Tùng mất, đường xa, chị nhờ thơ gửi nỗi lòng "Anh đã về nơi câu hát/ Phượng rơi tan tác quê nhà/ Con đò cũ, bờ gió cũ/ Sao giờ neo ở bến xa.?.../ Thơ chỉ thể nuôi được gió/ Muôn đời thơ vẫn lang thang..." (Nhớ Thanh Tùng). Tặng người bạn thơ tri kỷ xa xôi, chị gửi nỗi niềm "Rì rầm sông nói gì sông/ Đường quanh ngõ quạnh hát cùng trúc tre" (Đêm mưa Phương Lung)...
Thơ chị Nguyễn Thị Hoài Thanh luôn biết giấu nỗi buồn. Nhưng đọc kỹ, lại thấy nỗi buồn phơi ra đâu đó. Có lẽ trong cái thế giới thực dụng này, con người quá bận rộn, chị chỉ còn biết chơi và trò chuyện cùng những con vật. "Buổi sáng tôi gặp chú bò đi trên phố/ Tôi chào chú, chú chẳng nhìn tôi/ Có lẽ chú tưởng tôi là gốc cây..." (Buổi sáng chú bò).
Chị có niềm vui riêng, không biết khoe ai, thì liền khoe với chú mèo "Mèo ơi, mèo có biết? Có người sắp đến thăm ta/ Người sẽ đi vào nhà/ Một sớm mưa hay một trưa nắng sáng/ Hay một chiều lãng đãng nhiều mây" (Nói với mèo).
Người đọc dễ nhận, rõ là niềm vui của chị cũng mới mơ hồ, chưa cụ thể. Nhưng không giấu được niềm vui, nên chị khoe với mèo. Để rồi "Ta ngẩn ngơ vui chẳng nói nên lời"... Trong phạm trù tình cảm, không riêng người trẻ hay người không còn trẻ, đố ai giấu được niềm vui chờ đợi. Có thể là tưởng tượng ra cho thêm phần kỳ thú "Thế rồi người đến một chiều/ Lòng tôi bỗng dịu ít nhiều đắng cay".
Ấy rồi, "Sương mờ gửi nỗi mênh mông/ Xin người ở lại chiều không tiễn chiều" (Thế rồi người đến). Để rồi "Đợi người ở phía triền đê/ Nhặt hoa máu, tôi về trống không" (Hoa gạo). Thì ra, niềm vui kiếp người thường vẫn ở ngoài tầm tay. Chả thế, trong bài “Kiếp sau”, chị lại thốt lên "Giương cung đừng nhé người ơi/ Vết thương thuở trước luân hồi còn đau".
Trong bài “Đọc chị Thanh” in đầu tập thơ, nhà thơ Thi Hoàng viết “Trong bao nhiêu cái sự làm ở đời thì làm thơ cứ như chẳng để làm gì (?) Có chăng trước và sau trang viết chỉ để mà... ngơ ngác.”. Vâng, đúng vậy. Đọc rồi, thấy ngơ ngác, nghĩa là đã chạm đến thơ. Trong tập “Tôi ở Hải Phòng” của chị Nguyễn Thị Hoài Thanh, nhiều chỗ làm tôi ngơ ngác.
Giờ em đã cũ con đường cũ
Chỉ gió trăng là vẫn mới thôi
Thuở ấy câu thơ trăng bắt được
Anh đi mà hỏi bóng trăng rơi.
(Bóng trăng rơi)
Có bài thơ trong tập, chị băn khoăn hỏi sông, bóng mình "còn nguyên vẹn không?". Tôi muốn nói với chị, những câu thơ của chị đã chắp nối và vẽ lên nguyên vẹn hình bóng chị trong tâm hồn người đọc.
Tháng 6-2018