Sau một "tai nạn" showbiz

Thứ Năm, 10/10/2019, 08:51
Vụ cháy sân khấu Cung Lao động Hữu nghị Hà Nội ngay trước thềm đêm diễn live show của Quang Hà đã để lại quá nhiều hệ lụy cho giới nghệ sỹ tham gia buổi trình diễn ấy. May mắn tai nạn ấy không có thương vong về người, nhưng những mất mát mà vụ cháy gây ra thực tế khó có thể bù đắp được. 


Dù sao, cũng phải khen ngợi nỗ lực của ê kip Quang Hà khi họ đã có những phương án "chữa cháy" để ánh đèn sân khấu vẫn sáng ngay sau tai nạn, dù là sáng ở những địa điểm khác khiến cho ý đồ dàn dựng đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Thiệt hại đầu tiên phải kể đến ca sỹ Quang Hà. Đầu tư nhiều tiền của, công sức nhưng cuối cùng Quang Hà không được hưởng thành quả trọn vẹn nhất. Đổi địa điểm trình diễn chỉ 1 ngày trước khi mở cửa thực tế cũng chỉ là phương án đối đế khi những ý tưởng ban đầu đã không còn "đất" để thể hiện.

Có thể nói, trong lịch sử showbiz Việt, chưa một ca sỹ nào có vận rủi như Quang Hà khi tổ chức liveshow riêng cho mình. Hà còn đứng vững được trên sân khấu để hát trong tình thế ấy quả cũng là rất đáng nể.

Thiệt hại về vật chất lớn nhất có thể nói đến đơn vị cung cấp thiết bị âm thanh ánh sáng. Toàn bộ dàn âm thanh ánh sáng đã bị hư hại với thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ đồng. 10 tỷ đồng, đó là một gia tài lớn cho những ai muốn bắt đầu công việc cung cấp thiết bị cho các sự kiện giải trí, ca nhạc. Nhưng dù sao, với một đơn vị lớn, có tiếng tăm và được xếp hạng là nhà cung cấp hàng đầu ở Việt Nam, khả năng hồi phục của họ là hoàn toàn có thể. Thiệt hại của họ quy ra tiền thì nhiều thật đấy, nhưng so với thiệt hại của đội ngũ nhạc công thì có khi vẫn chưa có thể sánh bằng.

Nhiều nhạc công đã bị cháy nhạc cụ hoàn toàn trong tai nạn kể trên. Đen đủi hơn cho họ là khi biết được show diễn này sẽ ghi hình để phát hành ấn phẩm video, có những nhạc công đã quyết tâm "dàn trận" và đưa những nhạc cụ đắt giá, hiếm có của mình để trình diễn.

Đơn cử như bộ percussion, bộ trống của anh em nhạc công Hà Đình Huy, Hà Đình Hoàng chẳng hạn. Mỗi bộ của họ lên tới cả trăm triệu đồng và họ đã vét sạch những gì mình sưu tầm suốt mấy chục năm làm nghề để cống hiến cho live show này.

Sau đám cháy, họ sẽ phải "làm lại từ đầu ở tuổi 40" (nguyên văn lời của Hà Đình Hoàng chia sẻ cùng anh trai mình). Con số vài trăm triệu đó, xét về tài chính đơn thuần, chẳng là gì so với những mất mát khác của những bên liên quan. Song, với đời sống eo hẹp của nhạc công nó lại rất lớn và lớn lao hơn nữa, sự mất mát ấy lại không thể đong đo đếm được bằng tiền.

Cháy một nhạc cụ, người nhạc công có thể tìm mua lại bằng được nhạc cụ ấy, cùng hãng, cùng model nhưng điều cơ bản là nhạc cụ lại rất khác với những thiết bị máy móc khác. Cũng cùng hãng, cùng model thật đấy nhưng cây đàn, bộ trống đã cùng "chinh chiến" với người nhạc công lại nắm giữ một thứ mà nhạc cụ mới tinh thay thế không thể có được. Đó chính là phần "hồn", phần "tinh thần" của nhạc cụ. Nghe có vẻ mơ hồ nhưng với những ai chơi nhạc, nó là sự thật. Một nhạc cụ được chơi nhiều cùng ban nhạc, dàn nhạc sẽ có chất lượng tốt hơn hẳn chính một đồng loại mới tinh của nó. Cơ bản, quá trình được tham gia cộng hưởng cùng các nhạc cụ khác một thời gian dài đã tạo nên chất lượng tăng thêm cho nhạc cụ, nôm na là tạo ra một thứ giá trị gia tăng mà hàng mới tinh không bao giờ có được.

Thế nên, cái mất của những nhạc công không phải là những nhạc cụ được quy ra thành tiền mà là cái tích lũy của chính nhạc cụ ấy sau một quá trình. Bởi thế nên nhiều người xót xa, nhiều người khóc. Như thế chúng ta mới hiểu vì sao nhiều nhạc công hay gọi nhạc cụ của mình là "vợ", là "con" một cách đầy trìu mến.

Và sau những mất mát kể trên, có một điều chúng ta cần phải lên tiếng. Đã đến lúc phải thắt chặt hai công tác trong các sự kiện giải trí là an toàn và bảo hiểm. Thực tế, lâu nay chuyện tai nạn trong showbiz vẫn diễn ra khá nhiều nhưng ít được quan tâm bởi hai lý do. Một là nó được khéo léo giấu nhẹm đi và hai là nó chưa gây thiệt hại về con người.

Bên cạnh đó, bảo hiểm trong nghề giải trí cũng là điểm cần phải được đưa vào quy định tiêu chuẩn để cấp phép cho các chương trình để tránh những hệ lụy về sau. Đơn cử như ở show Quang Hà kể trên, những thiệt hại đã có đang là điều rất khó xử cho tất cả các bên khi muốn tìm hướng giải quyết làm sao vừa vẹn tình, vẹn lý trong chuyện khắc phục hậu quả. Nếu thực sự có một đơn vị bảo hiểm tham gia vào, có lẽ, Quang Hà cũng như những đồng nghiệp của mình sẽ dễ thở hơn bởi một phần thiệt hại của họ sẽ được bù đắp đáng kể.

Văn Đoàn
.
.