Sau gỡ bỏ“lệnh cấm” là gì?

Thứ Năm, 20/04/2017, 08:29
Trong vòng một tháng, hai lệnh “cấm” ở ngạch văn hoá đã phải dỡ bỏ, vì sức ép từ dư luận, dẫn tới việc cơ quan quản lý cấp trên phải gửi công văn khẩn cấp để giải quyết. Có thể chúng ta sẽ còn phải bàn nhiều đến khả năng của các cán bộ quản lý văn hoá hôm nay, đặc biệt trong việc nhận định vấn đề và ban hành văn bản pháp quy, nhưng chúng ta còn có một việc phải bàn luận nhiều hơn liên quan đến một công tác vô cùng quan trọng: kiểm duyệt nhà nước trong quản lý văn hoá.


Dễ dàng nhận thấy, riêng ở lĩnh vực sản xuất âm nhạc, phim ảnh ngắn, từ vài năm nay ta đã nhìn thấy sự suy thoái mạnh mẽ của thị trường bản ghi thể lý. Không còn mấy nhà sản xuất mặn mà với CD và DVD. Mà thay vào đó, họ đã chú trọng nhiều hơn tới kênh phát hành số hoá. Thậm chí, bản thân kênh phát hành số hoá hiện thời cũng phải bắt kịp với xu hướng thế giới, tức là nghe/xem trực tuyến hơn là tải về từ không gian mạng.

Sự suy thoái ấy dẫn tới một bất cập đối với các Sở Văn hóa –Thể thao- Du lịch các địa phương cũng như đối với các cơ quan cấp cao hơn như cấp Cục Nghệ thuật biểu diễn. Đó chính là các nhà phát hành không còn phải xin cấp phép phát hành như ngày xưa nữa. Thay vào đó, chỉ cần bấm nút “đăng tải”, truyền thông rầm rộ, sản phẩm đã lập tức lan toả trong cộng đồng.

Trong bối cảnh ấy, cơ quan kiểm duyệt nhà nước sẽ phải làm gì?

Rất khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước là một nền tảng cho phép phát hành rộng rãi các bản ghi âm, ghi hình ở định dạng kỹ thuật số là youtube không đặt văn phòng tại Việt Nam và từ đó, họ không chịu sự điều tiết của pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Nhưng khó khăn đó không phải là không thể khắc phục được, nếu chúng ta có những điều tra cực kỹ lưỡng về thị trường phát hành số hoá hiện nay.

Thứ nhất, một vài nền tảng phát hành trong nước như zing, nhaccuatui.com, keeng.vn… hiện thời đều thuộc các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Thứ hai, trên website thống kê về các kênh youtube có tên socialblade.com đều có liệt kê các kênh youtube hàng đầu hiện nay ở trong nước. Chính các kênh youtube cả tổ chức lẫn cá nhân này đều có một điểm chung. Đó là các “nhà sáng tạo nội dung” (content creators) phần lớn đều là các cá nhân đơn lẻ. Vì thế, một ca sỹ hôm nay hoàn toàn có thể một mình nắm giữ hàng loạt vai trò: nhà sản xuất, người biểu diễn, nhà phát hành nếu họ có một kênh youtube riêng đăng ký trên website này.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là tại sao các cơ quan quản lý văn hoá không yêu cầu cam kết rõ từ các chủ kênh về việc phát hành nội dung. Chúng ta có thể không cứng nhắc yêu cầu nộp bản ghi để thẩm định trước, khiến việc kinh doanh của đối tượng bị chậm trễ nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền đòi hỏi các chủ kênh phải chấp thuận gỡ bỏ nội dung vô điều kiện nếu cơ quan quản lý văn hoá nhận định đó là nội dung độc hại. 

Để thực hiện quản lý như vậy thực chất rất đơn giản. Chỉ cần chủ kênh phát hành buộc phải gửi đường dẫn về cơ quan quản lý văn hoá ngay sau khi đăng tải để thông báo và với động tác thẩm định sau, cơ quan quản lý hoàn toàn có khả năng xử lý vi phạm. Các xử lý nghiêm minh sẽ thành tiền lệ khiến chủ kênh không thể vi phạm trong tương lai.

Việc youtube bị hàng trăm nhãn hàng toàn cầu tẩy chay quảng cáo do không lọc nội dung độc hại gần đây cho thấy rất rõ cách thế giới đang làm. Đó là quy trách nhiệm pháp lý về cho đơn vị phát hành. Và khi mỗi cá nhân, mỗi nền tảng đều có thể trở thành đơn vị phát hành như hiện nay, quản lý họ chính là quản lý đằng gốc, chứ không phải cách làm đằng ngọn với những lệnh cấm tức cười như thời gian qua.
Văn Đoàn
.
.