Sáng tạo và lòng tự trọng

Thứ Năm, 07/09/2017, 14:18
"Viết một bài hát đêm trước, rõ ràng lúc ấy nghe hay, đầy cảm xúc. Giờ nghe lại vô duyên và dở gì đâu. Tự hỏi "sao tôi có thể viết một bài hát dở như thế?". Theo lệ, là vứt vào sọt rác". Đó chính là chia sẻ của nhạc sỹ Đức Trí, một nhạc sỹ tài hoa với nhiều ca khúc đã đi vào lòng người. 


Chia sẻ ấy có lẽ không chỉ riêng mình anh mà nó cũng là quan điểm hành nghề chung của không ít nhạc sỹ khác. Thứ mà họ viết ra, họ không cảm thấy hấp dẫn, họ không phát hành nó vì không muốn làm tổn hại uy tín mình gây dựng bao năm. Đó có thể tạm gọi là một dạng tự trọng nghề nghiệp.

Chia sẻ của Đức Trí được nêu ra ở đây là để mở ra một câu chuyện rất chung của nhiều nhạc sỹ trẻ hiện nay. Họ say mê, họ khát vọng nhưng dường như họ quá thiếu tự trọng thì phải.

Gần đây, Lê Thiện Hiếu cho ra mắt 1 ca khúc "Người ta và anh" và nó lập tức thu hút mối quan tâm của thính giả, những người đã từng rất thích Hiếu với ca khúc "Ông bà anh" ở chương trình "Sing my song". Nhưng rốt cuộc, "Người ta và anh" mang lại một nỗi thất vọng lớn. Không phải vì nó dở mà vì một lý do rất thiếu chuyên nghiệp.

Để sáng tác giai điệu và ca từ cho "Người ta và anh", Lê Thiện Hiếu đã sử dụng beat nhạc có sẵn được mua từ trang web Lionriddims.com. Việc mua beat nhạc có sẵn để sáng tác trên beat nhạc ấy vẫn là chuyện bình thường trong showbiz hiện nay nhưng sau khi hoàn thành sáng tác, những nghệ sỹ có tự trọng, và thận trọng, vẫn làm bản hòa âm mới, tạo beat mới để sáng tạo của mình là 100% nguyên bản. Tiếc rằng Lê Thiện Hiếu không làm như thế và có lẽ, Hiếu cho rằng việc ấy không nhất thiết phải làm sau khi đã chứng kiến những gì mà người đi trước, mà điển hình là Sơn Tùng M-TP, đã làm.

Trước trường hợp của Lê Thiện Hiếu một chút là Khắc Hưng, người từng được giải Cống hiến của Báo Thể thao - Văn hóa. Giải thưởng Cống hiến thường ghi nhận những người làm sáng tạo nghiêm túc và Khắc Hưng đã được đánh giá như thế, kèm theo đó là kỳ vọng và gửi gắm của nhiều đồng nghiệp đi trước rằng Hưng sẽ là một nhạc sỹ mới với những sáng tạo cấp tiến. Nhưng khi Hưng tung ra ca khúc "Như cái lò", với ca từ mà chúng ta có thể cảm nhận rõ tính dung tục thì anh đã trở thành một nỗi thất vọng mới. Và việc Hưng tùy tiện phát hành ca khúc ấy nhằm "lấy hit" cũng cho thấy, Hưng còn thiếu tự trọng và thận trọng với nghề.

Tháng 8 vừa rồi, trên Apple Music mới phát hành 1 ca khúc có tên "Break Free" được trình diễn bởi ca-nhạc sỹ Tyron Southern. Đó là một ca khúc hay, hấp dẫn và Tyron công bố rằng đây là một ca khúc được viết bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Tyron chỉ phải chỉnh sửa lại một số điểm trong nhịp điệu và ca từ mà thôi. Giả sử, Tyron không nói rằng đó là một ca khúc do trí tuệ nhân tạo sáng tác, cũng chẳng ai biết được điều đó. Nhưng là một nghệ sỹ có tự trọng, Tyron không thể nhận thứ không thuộc về mình.

Rõ ràng, máy móc đang khiến sáng tạo trở nên dễ dàng hơn nhờ vào rất nhiều hỗ trợ từ nó. Song, ở điều kiện dễ dàng ấy, lòng tự trọng của nghệ sỹ càng phải được đề cao hơn. Dễ hiểu, bây giờ còn có thể tranh cãi về đạo nhạc khi người lấy cắp của người. Còn sau này, khi người nghiễm nhiên lấy của máy (trí tuệ nhân tạo), thì khó ai có thể nói thêm gì về chuyện đạo nhái nữa. Vì thế, đòi hỏi tự trọng đối với nghệ sỹ sẽ càng cấp thiết hơn bao giờ hết trong thời đại kỹ thuật số này.

Văn Đoàn
.
.