Sai lầm lịch sử về một vùng đất, bắt nguồn từ một bài thơ

Thứ Hai, 15/10/2018, 07:40
Chuyện này rất hi hữu. Nghĩa là theo tôi biết, ở nước ta, dường như mới chỉ xảy ra duy nhất có 1 lần ở vùng đất Quảng Ninh hiện nay mà thôi. Bài thơ khởi nguồn cho những sai lầm nghiêm trọng đó là bài "Phóng cuồng ca" của Trần Tung, thiền sư thời Trần, bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Từ như sau: 

Trời đất liếc trông chừ sao thênh thang
Chống gậy rong chơi chừ phương ngoại phương.
Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương.
Đói thì ăn chừ cơm tùy ý
Mệt thì ngủ chừ nào có quê hương.
Hứng lên chừ thổi sáo không lỗ
Chỗ lặng chừ đốt giải thoát hương.
Nhọc chút chừ nghỉ đất hoan hỉ
Khát uống no chừ thang tiêu dao.
Qui Sơn láng giềng chừ chăn con trâu nước
Tạ Tam đồng thuyền chừ hát khúc Thương Lang.
Thăm Tào Khê chừ chào Lư Thị
Viếng Thạch Đầu chừ sánh lão Bàng.
Vui ta vui chừ Bố Đại vui
Cuồng ta cuồng chừ Phổ Hóa cuồng.
Chao! Chao! Chừ giàu sang mây nổi
Năm tháng chừ cửa sổ ngựa qua.
Đi càn chừ đường quan hiểm trở
Chịu sao chừ ấm lạnh tình đời.
Sâu thì xắn chừ cạn thì vén.
Dùng thì hành chừ bỏ thì tàng.
Buông bốn đại chừ đừng nắm bắt
Tỉnh một đời chừ thôi chạy quàng.
Thỏa nguyện ta chừ được sở thích
Sống chết bức nhau chừ nơi ta ngại gì?

Bài thơ này rất nổi tiếng trong thơ Thiền Việt Nam, được coi như một kiệt tác. Tác giả là Trần Tung, nhưng Bùi Huy Bích, một học giả lớn cuối đời Lê lại ghi tác giả là Trần Quốc Tảng. Tất cả bắt nguồn từ sự nhầm lẫn tệ hại này. Trong "Hoàng Việt văn tuyển",  Bùi Huy Bích khẳng định: "Trần Ninh vương Quốc Tảng là con cả của Hưng Đạo", "tự đặt hiệu là Tuệ Trung thượng sĩ, thường cưỡi thuyền ở khúc Cửu giang, ngâm thơ và sáng tác Phóng cuồng ca".

Chỉ hơn 2 dòng mà có đến 5 cái sai và cái sai nào cũng nghiêm trọng. "Ninh vương" tên tước đầy đủ là Hưng Ninh vương, vua Thánh Tông nhà Trần phong cho Trần Tung, anh ruột Trần Quốc Tuấn, bác ruột Trần Quốc Tảng, chứ không phải phong cho Quốc Tảng. Quốc Tảng là con thứ 3 chứ không phải là "con cả của Hưng Đạo".

Tuệ Trung thượng sĩ là pháp danh của Trần Tung (Trần Tung là anh ruột vợ vua Thánh Tông, đi tu Phật từ năm 13 tuổi) không phải Quốc Tảng tự đặt hiệu cho mình. Và bài "Phóng cuồng ca" là sáng tác của Trần Tung,  là 1 trong 49 bài thơ của Trần Tung mà vua Trần Nhân Tông chép trong "Tuệ Trung thượng sĩ hành trạng" lưu truyền hàng mấy trăm năm trong nhà chùa, cùng với nhiều sách Phật.

Đền Cửa Ông - thành phố Cẩm Phả - Quảng Ninh.

Bùi Huy Bích đã đồng nhất cháu ruột với bác ruột thành một người. Và điều này để lại di hại đến tận hôm nay vẫn chưa gỡ ra xong, nhất là ở Quảng Ninh, vì Trần Quốc Tảng là thần chủ của đền Cửa Ông.

Bùi Huy Bích có tín nhiệm rất cao ở đương thời và các đời sau, vì thế các nhà nghiên cứu các đời sau, vì quá tin ông, đã lấy luôn các ý kiến sai lầm của ông làm thành các giá trị khoa học. Gần đây nhất là Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm. Trong "Từ điển danh nhân văn hóa, dùng trong nhà trường" (Nxb Giáo dục, 2005, trang 437), GS Đinh Xuân Lâm (với sự cộng tác của GS Trương Hữu Quýnh) đã ghi như Bùi Huy Bích đã ghi: "Phóng cuồng ca" là sáng tác của Trần Quốc Tảng.

Nếu chỉ đến thế thôi thì chỉ là chuyện bản quyền văn chương. Đằng này nó còn đi xa hơn, ngoài ý tưởng của các thầy từ Bùi Huy Bích đến Đinh Xuân Lâm.

Bác ruột là Trần Tung được vua Trần phong chức là Tiết độ sứ, phong tước là Hưng Ninh vương. Cháu ruột là Trần Quốc Tảng cũng được phong chức là Tiết độ sứ, phong tước là Hưng Nhượng vương. Cùng họ, cùng một khoảng thời gian, cùng tên chức, chỉ có tên tước là khác nhau 1 chữ, có lẽ cũng là lí do dễ gây nhầm lẫn chăng?

Còn đất phong cho 2 vị vương này, thì Trần Quốc Tảng không thấy ghi ở đâu (có lẽ vì ông đã là đại vương, anh ruột vợ Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông, bố vợ vua đương chức Trần Anh Tông, nên ông ở luôn kinh đô, cạnh vua cha, vua con, do đó không cần đất ngoại trấn phong cho ông nữa). Còn Trần Tung thì được phong đất ở Tĩnh Bang, nhưng không ghi Tĩnh Bang là ở đâu, kể cả sách đã nói trên của vua Trần Nhân Tông.

Theo các tác giả bộ sách đồ sộ: "Một ngàn năm thơ Thăng Long - Hà Nội" (tập I) mà chủ biên là Nguyễn Huệ Chi và Bằng Việt, thì Tĩnh Bang, nay là vùng đất chùa Linh Sơn, xã Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Khi chưa có đơn vị hành chính là Hải Phòng, thì huyện Thủy Nguyên thuộc tỉnh Quảng Yên, tức tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Vì thuộc tỉnh Quảng Ninh, nên Tĩnh Bang ở Quảng Ninh thì là ở Cửa Ông bây giờ. Vì Cửa Ông thuộc tỉnh Quảng Yên trước đây, Quảng Ninh hiện nay.

Con đường dẫn dắt sai lầm là như thế, thực đơn giản. Vì Trần Tung là Trần Quốc Tảng, Tĩnh Bang là của Trần Quốc Tảng, mà Tĩnh Bang bị coi là Cửa Ông bây giờ, nên Trần Quốc Tảng nghiễm nhiên thành người sống ở Cửa Ông từ thời Trần.

Từ đó, các sách địa phương ở Quảng Ninh in trước, Hà Nội in sau, trong vài chục năm nay, căn cứ vào tiền đề nhầm lẫn đó, đã hoàn thành một lịch trình rất hệ thống, rất bài bản, và ai không có tri thức khoa học lịch sử cụ thể của vùng đất này thì tin  ngay. Đó là Trần Quốc Tảng được phong đất ở Cửa Ông, đóng quân ở Cửa Ông từ thời Trần. Rồi từ Cửa Ông mà dẫn quân đánh ngược nước ở ngoài hàng cọc Bạch Đằng vào trận Bạch Đằng lịch sử năm 1288 (dĩ nhiên rồi - dù trong trận Bạch Đằng, chỉ có đánh xuôi khi nước triều rút, không có đánh ngược nước từ ngoài hàng cọc). Rồi ông chết ở đây năm 1313. 

Tất cả đều là ý muốn và tưởng tượng của những người quản lí muốn thương mại hóa di tích, từ vài chục năm nay, nhất là từ hơn mươi năm trở lại đây. Vì theo "Đại Việt sử kí toàn thư" (ĐVSKTT), Trần Quốc Tảng suốt cuộc đời mình chưa hề đặt chân đến vùng đất từ Đông Triều ra đến vùng Hạ Long, Cẩm Phả,  Móng Cái bây giờ.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 và thứ 3, ông cùng cha và các anh em đánh giặc ở mặt trận trung tâm từ Hải Dương, Kinh Bắc đến Lạng Sơn,  chặn  kị binh, đạo quân xâm lăng mạnh nhất của giặc đánh thẳng vào Thăng Long.  Thời Trần, vùng biển đảo và biên cương Đông Bắc, vua Trần đã "giao hết" cho Trần Khánh Dư từ năm 1282 (ĐVSKTT, tập II, Nxb Khoa học xã hội,  tháng 7/1967, trang 58, dòng 11 - 12 từ trên xuống). Thời Trần theo chế độ phân quyền, đất đã phong cho vương này, vương khác không đến đóng quân được.

Nên nhớ Quốc Tảng mất năm 1313, Khánh Dư còn sống ở Quảng Ninh đến 26 năm sau, mất năm 1339. Hơn nữa, từ thượng cổ đến nay, giặc xâm lăng phương Bắc chưa bao giờ đánh vào Thăng Long để thôn tính Việt Nam qua đường bộ Quảng Ninh, vì không có đường (trước năm 1888, người từ Cẩm Phả ra Móng Cái vẫn phải đi bằng thuyền), hơn nữa, đường Móng Cái - Thăng Long dài gấp 2,5 lần đường thẳng Lạng Sơn - Thăng Long). Chỉ có con đường thủy duy nhất từ cửa biển Móng Cái qua Vân Đồn vào cửa Bạch Đằng, đã có Khánh Dư trấn giữ rồi, thế là đủ. 

Tháng 10 năm 1913,  miếu dưới chân núi Bài Thơ (nay là đền Trần Quốc Nghiễn ở trung tâm TP Hạ Long) được ông Trần Đức Thuật, chủ hội thuyền buôn Bắc Ninh "xây lại trong 1 ngày", để đưa Trần Quốc Nghiễn, người đóng quân ở Bắc Ninh thời Trần vào thờ ở đây, khi ấy còn ở giữa biển "trời nước hoang vu" như lời khắc vào bia đá, hiện còn đặt trước cửa đền.

Vì Hòn Gai thờ em năm 1913, nên năm 1916, đền Cửa Ông được viên quan ba mật thám Pháp đồng thời là chủ mỏ than Cẩm Phả, cấp tiền cho bà vợ xây lại ở địa điểm hiện nay, phế bỏ luôn Hoàng Cần, vị thần chủ duy nhất của ngôi miếu này, và  đưa Trần Quốc Tảng vào thờ. Vì Cẩm Phả đã thờ Trần Quốc Tảng năm 1916, do đó ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917) đền / chùa Xã Tắc ở Móng Cái mới đưa tiếp Trần Quốc Tảng vào phối thờ vọng.

Sắc của vua nhà Nguyễn và bia đá thời Nguyễn còn ghi rành rành như thế, vậy mà sách và báo cứ ghi là Trần Quốc Tảng đóng quân ở đây, chết ở đây và ở đây lập đền thờ ông từ thời Trần. Thậm chí một tờ báo rất có uy tín (tôi không tiện nêu tên) còn ghi là Móng Cái lập đền thờ ông từ thế kỉ thứ XIII, mà 13 năm sau  (1313) của thế kỉ thứ XIV, Trần Quốc Tảng mới mất (!?).

Đi xa hơn, Ban tổ chức Hội đền Cửa Ông và nhóm làm phim truyền hình còn ca ngợi công lao của Trần Quốc Tảng đã đánh chìm đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ ở cửa biển Vân Đồn, làm cho quân Nguyên phải rút chạy, đây là chiến công nổi tiếng bậc nhất của Vân Đồn Phó tướng Trần Khánh Dư, mà người Việt Nam không mấy ai không biết.

Đại khái cứ thế rồi tưởng tượng nhân rộng thêm ra… như trận đánh du kích của Trần Tung ở chợ Đông Hồ, ngày đánh phục kích,  đêm quấy rối giặc, phá hủy cầu qua sông Cầm, buộc quân Nguyên do Trình Bằng và Ta - tru dẫn đầu (ngày 3/3 năm  Mậu Tuất - 1288) phải theo đường tắt trở về,  kịp gặp quân Thoát Hoan, lúc ấy đã rút chạy đến Bắc Giang, rồi cùng rút chạy về nước, do đó mà trận địa cọc ở cửa sông Bạch Đằng mới được tiến hành trong bí mật, để khi nước rút xô thuyền giặc vào bãi cọc mà tiêu diệt, 5 ngày sau, ngày 8/3 năm Mậu Tuất (tức 9/4/1288 - theo "An Nam chí lược" của Lê Tắc)… cũng được ngợi ca là của Trần Quốc Tảng và cuộc chiến đấu này được dựng thành phim với 2 đạo quân kị binh nhà nghề, vó ngựa phi  rung mặt đất, với các thước phim được lấy ra  từ chiến trận kị binh của phim Trung Hoa. Vân vân và vân vân…

Năm 1910, trong tập truyền thuyết dân gian thời Nguyễn (truyền thuyết dân gian thì không phải là lịch sử) có tên là "Trần triều hiển thánh chính kinh tập biên", có ghi việc một ông chở gỗ trên sông Thái Bình, đến chỗ Bến Hàn ngày nay (lúc ấy là thôn Trắc Châu xã An Châu, huyện Thanh Lâm, sau  thuộc huyện Nam Sách, rồi phần đất này của huyện Nam Sách gần đây nhập vào TP Hải Dương ) thì bè gỗ bị ngừng lại, không sao di chuyển được.

Đêm ấy ông chở gỗ thấy một vị tướng hiện lên trong chiêm bao, nói rằng, trước ta đóng quân ở đây, giờ ta để lại ở đây mấy thứ làm kỉ niệm, đó là cái mũ và cái phiến đá. Sáng hôm sau ông chở gỗ lặn xuống xem, thì quả có thế và đo được chiều dài phiến đá "dài 6 thước 4 tấc, rộng 2 thước 3 tấc". Tập "Truyện cổ dân gian Nam Sách" của Nguyễn Hữu Phách và Nguyễn Văn Đức cũng ghi như vậy. Cái mũ và cái phiến đá trong chuyện dân gian đó, được cho là của Trần Quốc Tảng để lại, Bảo tàng Hải Dương đã tìm thấy ở làng Trắc Châu huyện Thanh Lâm, thì người viết sự tích đền Cửa Ông và nhóm làm phim về Danh tướng Trần Quốc Tảng lại khẳng định luôn rằng, làng Trắc Châu huyện Thanh Lâm (thuộc TP Hải Dương) nay là phường Cẩm Phú, Cửa Ông (thuộc TP Cẩm Phả).

Rồi con gái Trần Quốc Tảng, khi còn là một "cô bé"  cũng đã ra "trấn giữ  biển Đông"(?!) như văn bản tuyên truyền giữa tháng 3 năm 2018,  trong Lễ hội đền Cửa Ông -  Cặp Tiên, khi  di tích này được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Nếu không đọc bằng mắt, nghe bằng tai, thì không ai tin được những điều đó là có thật.

Tôi đã nghiên cứu những điều này từ năm 1968, khi còn dạy sử trong trường phổ thông ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh, đến nay là đã 50 năm và khoảng 20 năm trở lại đây, tôi đã viết nhiều bài báo đăng ở một số báo từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, rồi tập  hợp trong 2 tập sách "Thời gian lên tiếng" và "Đi tìm sự thật", đã xuất bản, rất được các nhà khoa học ghi nhận và nhiều bạn đọc hoan nghênh.

Một số bài báo của một vài nhà nghiên cứu đưa ra gần đây, có bài viết đại khái như lập luận của tôi, nhất là về trận phục kích theo kiểu đánh du kích của Trần Tung tại chợ Đông Hồ, và tầm quan trọng của nó đối với trận Bạch Đằng mà tôi đã nói ở trên, nhưng  không ghi xuất xứ. Chỉ có 1 người là ông Nguyễn Trần Trương, ghi chú là những ý kiến này lấy từ bài viết của nhà thơ Trần Nhuận Minh.

Tôi xin nói lại: Việc thờ Trần Quốc Tảng ở Cửa Ông là rất hợp lòng người, hợp ý trời, rất đáng được ghi nhận và hoan nghênh, nhất là của chính quyền địa phương và Ban tổ chức lễ hội. Nhưng chỉ có điều, cần phải đưa Hoàng Cần, người địa phương, vào thờ, với vị thế xứng đáng, vì ông là thần chủ duy nhất của ngôi đền này cho đến năm 1916.

Trần Quốc Tảng mới được thờ từ năm 1916 và theo chính sử, thì chiến công của ông ở thời Trần không diễn ra ở  Cửa Ông, Quảng Ninh hiện nay. Thì có sao đâu? Vì ông là Anh hùng dân tộc, trên đất nước ta thờ ông ở nơi nào cũng được, như Trần Quốc Tuấn được thờ ở TP Hồ Chí Minh, nhưng không ai nói Trần Quốc Tuấn đã đóng quân ở đây.

Và như thế, di tích lớn nói trên đâu có vì thế mà giảm vị thế, tín nhiệm và lòng trân trọng của nhân dân khi chiêm bái vị nhân thần mà mình tôn kính thờ phụng. Trần Quốc Tảng cũng vậy, không nên chắp vá vào lịch sử những gì mà lịch sử đã xác nhận là không có, với tư cách là một nhân vật lịch sử có thật.

Chỉ xin viết lại sách, diễn lại kịch, làm lại phim cho trung thực với lịch sử, cắt bỏ không thương tiếc những sai lầm dây dưa đã 200 năm, khởi nguồn từ sự nhầm lẫn xuất xứ một bài thơ của học giả Bùi Huy Bích và các vị “ăn theo” Bùi Huy Bích mà thôi.

Chỉ có như thế, mới lấy lại được niềm tin của nhân dân địa phương và khách thập phương về lai lịch nhân thần mà họ thờ phụng, chiêm bái, và trên cơ sở ấy, mới có tác dụng giáo dục tích cực về lòng trung thực và chủ nghĩa yêu nước, cho tất cả mọi người, đặc biệt là các thế hệ trẻ.

Trần Nhuận Minh
.
.