Sách về Hoàng Nghị Đại vương: Những sai lệch lịch sử

Chủ Nhật, 09/04/2017, 07:45
Cuốn sách Hoằng Nghị đại vương có nội dung sai lệch về lịch sử. Cụ thể là về bố đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ (1194 – 1264), người có công lao lớn nhất trong việc sáng lập nhà Trần. 


Cuốn sách “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn – tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La (Thái Phương – Hưng Hà – Thái Bình)” được NXB Thế giới in lần đầu năm 2007, NXB Văn hóa Thông tin in năm 2010. Mới đây nhất, quý IV/2015, cuốn sách tiếp tục được NXB Thế giới tái bản, bổ sung với tên gọi “Đức Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn – tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La (Thái Phương – Hưng Hà – Thái Bình)”.

Đại diện Ban liên lạc họ Trần Việt Nam đã có đơn thư gửi lên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL phản đối những nội dung sai lệch trong cuốn sách này. Nhiều nhà khoa học có bài in trong cuốn sách cũng đã lên tiếng khẳng định bài viết của họ bị những người trong Ban biên tập tự ý thêm thắt vào để làm sai lệch lịch sử.

Bố Trần Thủ Độ là ai?

Trong tất cả các bộ chính sử của Việt Nam từ “Việt sử lược” đời Trần, “Đại Việt sử ký toàn thư” đời Lê, “Việt sử thông giám Cương mục” đời Nguyễn đều không thấy chép về bố đẻ Trần Thủ Độ là ai. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” do sử gia Ngô Sỹ Liên viết chỉ nói: “Trần Thủ Độ khi nhỏ ở với bác là Trần Lý”.

Vậy bố Trần Thủ Độ là ai? Đây là một khoảng trống trong những khoảng trống của lịch sử chưa được làm sáng tỏ.

Ông Dương Quảng Châu là người đầu tiên công bố tư liệu bố đẻ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị vào năm 1986 tại cuộc hội thảo "Thái Bình với sự nghiệp thờiTrần". Theo kết quả nghiên cứu điền dã của ông Châu thì Trần Quả sinh ra Trần Hoằng Nghị. Đến năm 1994, tại hội thảo 800 năm sinh Trần Thủ Độ tổ chức ở Thái Bình thì ông Dương Quảng Châu lại công bố Trần Hấp (anh trai Trần Quả) là bố đẻ Trần Thủ Độ (?). Thế là kết quả nghiên cứu điền dã của một người đã có những kết luận khác nhau một trời một vực.

Vào năm 2003, trong bộ sách"Thuyết Trần - sử nhà Trần", ông Trần Xuân Sinh, khi chép về"Nguồn gốc nhà Trần" có viết: “Trần Hấp sinh Trần Lý và Trần Hoằng Nghị (Hoằng Nghị sinh ra An Quốc, An Hạ và An Bang, tức Trần Thủ Độ)”.

PGS.TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) bình luận: “Có lẽ,chúng ta cần ghi nhận đây là lần đầu tiên một tác giả chính thức chép rõ“thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị” trong một bộ lịch sử dòng họ Trần”.

Ông Nguyễn Minh Tường còn viện dẫn lời đề Tựa sách"Thuyết Trần - sử nhà Trần"của Hoà Thượng Thích Thanh Tứ (Trần Văn Long)- Trưởng Ban Liên lạc họ Trần Việt Nam, để ghi nhận tính xác thực và khoa học của tập sách này: “Thuyết Trần"là cuốn lịch sử họ Trần do cụ Trần Xuân Sinh 91 tuổi (sinh năm 1912) dày công biên soạn. Đây là cuốn sách “Trần sử” khá đầy đủ, nhiều tư liệu quý báu...”.

Căn cứ vào tư liệu của ông Dương Quảng Châu và ông Trần Xuân Sinh, để từ đó ông Nguyễn Minh Tường khẳng định: “Qua những tư liệu vừa dẫn trên đây, chúng ta có thể khẳng định: Trần Hoằng Nghị (hay Hoằng Nghị Đại Vương) là người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng, dạy dỗ Thái sư Trần Thủ Độ…”.

Tuy nhiên, những tư liệu mà PGS.TS Nguyễn Minh Tường viện dẫn không đủ sức thuyết phục. Thứ nhất, về tư liệu do ông Dương Quảng Châu cung cấp đã bị chính ông Nguyễn Thanh – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Bình bác bỏ. Theo ông Nguyễn Thanh thì nhiều nhà nghiên cứu ở Thái Bình, Nam Định, Hải Dương và các nhà nghiên cứu ở Trung ương thường sử dụng tư liệu của ông Dương Quảng Châu để phát triển các luận cứ khoa học.

“Nhưng cũng xin lưu ý rằng khi chúng tôi tiếp xúc với những tư liệu chép tay còn nguyên bút tích của cụ Dương Quảng Châu, nhiều chỗ cụ đã viết một cách hóm hỉnh “Dương Quảng Châu có xuất nhập ít nhiều”, ông Nguyễn Thanh khuyến cáo.

Như vậy, tư liệu của ông Dương Quảng Châu không thể tin cậy. Còn dẫn sách của ông Trần Xuân Sinh mà chỉ dựa vào đề tựa của Hoà Thượng Thích Thanh Tứ cũng không phải tài liệu khoa học.

Nhập nhằng Hoằng Nghị Đại Vương

Ban liên lạc họ Trần toàn quốc có nhiều ý kiến phản đối cuốn sách về Hoằng Nghị đại vương. Họ cho rằng nó thiếu tính khoa học và không đúng khi một số bài viết cho rằng bố Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị. Đặc biệt, họ phê phán cách làm của PGS.TS Nguyễn Minh Tường. Cụ thể là ông Nguyễn Minh Tường đã nhập nhằng khi đem Trang Nghị đại vương thờ ở đình làng Xuân La gán cho đó là Hoằng Nghị đại vương.

Theo bản Thần tích “Đức Ông Trang Nghị Đại Vương sự tích” của  làng Xuân La, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (ký hiệu  AE a5 / 23), do TS Mai Hồng – một chuyên gia Hán Nôm phiên âm, dịch nghĩa thì Hoằng Nghị đại vương là... thần sấm. Vị thần sấm này có công phù trợ Cao Biền đi đánh giặc Nam Chiếu mà được phụng thờ.

Cụ Trần Ngọc Bảo – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn – Hội đồng Trần tộc Việt Nam có đơn kiến nghị gửi lên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL và lãnh đạo tỉnh Thái Bình phản ứng: “Họ đã làm sai trái lịch sử, dám làm đảo lộn cả phả hệ của họ Trần Việt Nam”.

Theo cụ Trần Ngọc Bảo phân tích: “PGS.TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) suy ra Hoằng Nghị đại vương chính là Trang Nghị đại vương được thờ ở làng Xuân La theo thần tích. Nếu hai người này, Hoằng Nghị và Trang Nghị là một thì các ngài là thiên thần chứ không phải nhân thần”.

Ở Bắc Giang cũng có Hoằng Nghị đại vương, ở Hà Nam cũng có Hoằng Nghị đại vương và nhiều tỉnh khác cũng có Hoằng Nghị đại vương. Họ đều là thiên thần chứ không phải nhân thần. Cho nên cụ Trần Ngọc Bảo nêu câu hỏi: “Làm sao thiên thần lại đẻ ra Trần Thủ Độ được?”.

Ngoài ra, trong cuốn sách “Đức Hoằng Nghị đại vương” có nhiều chi tiết trong các bài viết của PGS.TS Tạ Ngọc Liễn (Viện Sử học), PGS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), PGS.TS Đại tá Lê Đình Sỹ (Viện Lịch sử Quân sự) cho rằng Hoằng Nghị đại vương sinh ra Trần Thủ Độ. Nhưng khi trao đổi với chúng tôi, các nhà khoa học này đều khẳng định đó là do những người trong Ban biên tập (Nguyễn Thanh, Nguyễn Minh Tường, Ngô Vũ Hải Hằng... – PV) tự ý thêm vào.

“Tôi đề nghị những chỗ nào trong bài viết của tôi có Hoằng Nghị đại vương sinh ra Trần Thủ Độ thì phải bỏ đi”, PGS.TS Đại tá Lê Đình Sỹ nói.

Đề nghị đưa sách “Hoằng Nghị Đại Vương” ra khỏi thư viện quốc gia

Ông Đặng Hùng – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, hiện cư trú tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình đề nghị đưa cuốn sách “Hoằng Nghị đại vương” (ký hiệu: VV.07/ 23739 – VV.07/23740 – VV.07/23741) ra khỏi Thư viện Quốc gia, không phục vụ bạn đọc.

Các lý do được ông Đặng Hùng đưa ra như sau: Thứ nhất, một cuốn sách mà dư luận xã hội còn đặt nhiều câu hỏi về sự thiếu chính xác chưa đảm bảo tính khoa học trong biên tập - đồng thời ngay cả các bài chứng minh bố Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị cũng thiếu tính logic trong biện luận và dẫn chứng, bởi nó chỉ dựa theo lời truyền khẩu do người họ Trần (hậu duệ) ở thế kỷ 21 nói lại chứ không có văn bản thần tích, thần phả, sắc phong từ các triều đại trước truyền lại. Ngay cả các bộ chính sử của Việt Nam từ xưa tới nay cũng không cho biết rõ bố Trần Thủ Độ là ai...

Vì vậy, một cuốn sách còn chứa nhiều tồn nghi - thì không thể để được ở Thư viện Quốc gia được.

Mặt khác, cuốn sách “Hoằng Nghị đại vương” là do gia đình ông Trần Văn Sen bỏ tiền in ấn nên các tham luận trái chiều (phản biện không có lợi cho việc mạo nhận bố Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị) đều bị bỏ ra ngoài mà không in.

“Từ những cơ sở trên chúng tôi đề nghị Thư viện quốc gia tạm thời loại bỏ cuốn sách trên ra khỏi thư viện để tránh cho bạn đọc hiểu lầm về thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị. Nếu thư viện muốn lưu giữ sách ở lại thì nên tổ chức hội thảo về cuốn sách đó và mời các nhà khoa học - những người phản biện trái chiều - cùng tham gia ý kiến”, ông Đặng Hùng nói.

“Từ Trang Nghị đại vương, người ta biến báo ra để có Hoằng Nghị đại vương và ban cho ông thêm họ Trần để có Trần Hoằng Nghị, rồi cho ông thêm các con, trong đó có Trần Thủ Độ. Một số nhà sử học tham gia Hội thảo khoa học về “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La (Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình)”, đã “lấp đầy” lý lịch cho ông một cách “ngoạn mục”.

(Nhà sử học Bùi Thiết – Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam).

Kiều Mai Sơn
.
.