Sách và văn hóa tặng

Chủ Nhật, 15/05/2016, 08:01
Tôi đắn đo mãi mới quyết định viết bài này bởi chắc chắn sẽ gây tổn thương đến người khác, trong đó có thể có cả những người quen của tôi mà việc này đối với tôi luôn là điều tối kỵ.


Số là vừa qua, tôi có dịp vào TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tôi được nhiều người là bạn bè và quen biết đón tiếp nồng hậu. Có cả một số người chưa gặp gỡ bao giờ nhưng khi biết tôi, cũng thể hiện những tình cảm chân thành, nhiệt tình. Tôi thực sự cảm kích và biết ơn, nghĩ mình đến nơi đất khách quê người mà được quen biết các bạn thì may mắn và quý hóa vô cùng. Tuy nhiên…

Sau những lần bù khú, đàm đạo, chén chú chén anh thoải mái, hết mình, lúc chia tay trước khi trở ra Bắc, tôi được các bạn tặng quà. Mình đến không có quà cho các bạn thì thôi, lại được các bạn tặng, ít nhiều tôi thấy áy náy. Và lớn hơn tất cả là sự khó xử, rất khó xử, đến mức tôi không biết nên giải quyết cách nào vì rất bí, đến mức như là “bế tắc”.

Vâng. Đúng như vậy. Các bạn đã tặng tôi quá nhiều sách và đĩa nhạc gồm những bài hát các bạn sáng tác, cho thu âm và những tập truyện, thơ, tạp văn. Tôi vận chuyển những thứ này từ các tỉnh ra Sài Gòn đã vất vả, nhưng mang ra Bắc thì không biết làm cách nào vì máy bay khống chế số lượng hàng hóa với số cân nặng nhất định (không quá 20kg/người).

Tôi có nhiều bà con, họ hàng. Trong quá khứ từng mang ơn họ nhiều. Nay ai cũng nhờ mua hộ thứ này, chuyển hộ thứ kia và tôi cũng cần mua nhiều quà tặng họ nên phải tận dụng hết mức ngành hàng không ấn định. Nay với số tặng phẩm “đồ sộ” thế kia, làm sao tôi có thể mang hết ra Hà Nội? Giá bảo đĩa nhạc hoặc thơ thì còn mỏng, nhẹ, có thể mang theo được. Nhưng nhiều người tặng tiểu thuyết và “tuyển tập”. Những tuyển tập như thế này gồm toàn bộ những thơ, văn, truyện, tiểu thuyết, thêm cả đoản văn, các bài báo và một số bài người khác tán tụng, ghi nhận các tác phẩm của họ. Bìa cứng, giấy đẹp.

Tôi cân được gần 3kg một cuốn như thế. Số tuyển tập bề thế, hoành tráng này dịp đó tôi được tặng cả chục tập. Có nhạc sỹ (có người chưa phải là nhạc sỹ) tặng tôi cả một tuyển tập khổ rất to (21x29cm), giấy dày, sáng loáng, tới gần 600 trang in toàn bộ ca khúc và các tác phẩm khí nhạc cùng ảnh chụp ở khắp nơi, khoe đi nước ngoài và chụp cùng một số vị chức sắc. Hàng trăm ca khúc của “nhạc sỹ” này đã chẳng có bài nào được công chúng biết đến cho nên cái tên của vị cũng lạ hoắc.

Tự yêu mình là tâm lý dễ hiểu, chính đáng, cần được trân trọng. Bảo tồn, lưu giữ, làm đẹp những gì mình sản sinh ra âu cũng là điều cần thiết, là quyền của mỗi người. Nhưng xin đừng làm khó cho người khác. Đây là chuyện rất tế nhị. Không lẽ người được tặng lại không nhận? Không lẽ lại thật thà để nói thẳng cái lý do như tôi vừa nêu trên?

Phép lịch sự trong ứng xử thông thường là người nhận quà cần bộc lộ sự thích thú, trân trọng món quà mình được tặng, chứ không thể thờ ơ, hờ hững dẫu trong lòng có không thích hoặc mình đã có, không cần nữa. Tôi cũng là người viết ra nhiều cuốn sách. Nhưng quả thực là rất hạn chế việc chủ động tặng, trừ khi có ai đó ngỏ lời muốn đọc một cách thực sự (chứ không phải là “xã giao”).

Vì tôi không muốn đẩy họ vào sự khó xử. Hoặc là họ quá bận rộn với nhiều công việc. Hoặc là có thể sách của tôi viết dở, họ không thể mất thời gian để đọc một cách vô ích. Vì nếu đã tặng thì thể nào sau một thời gian tôi cũng hỏi họ là đã đọc chưa và có ý muốn họ phát biểu cảm nghĩ về cuốn sách. Khi ấy, tôi đã đẩy họ vào thế bí vì họ sẽ phải thú thực là chưa có thời gian đọc. Thế là tôi sẽ ít nhiều buồn với ý nghĩ: “Hóa ra họ thờ ơ với tác phẩm của mình. Họ coi lao động của mình chẳng đáng gì…”.

Vậy nên có một số vị đương chức biết tôi vừa có sách xuất bản đã có ý muốn tôi tặng. Tôi bèn cung kính cảm ơn và nói rằng để khi vị về hưu, tôi sẽ đem đến tận nơi tặng chứ tặng lúc này cùng lắm vị chỉ cất đi chứ không thể đọc, mà sách viết ra là để người ta đọc chứ không phải để bày như một thứ đồ cổ. Vị cười như một sự công nhận tôi đã “đi guốc vào bụng” mình.

Trở lại đống sách tôi được tặng từ chuyến đi miền Nam. Tôi rất bí không biết chuyển ra Bắc bằng cách nào nên đành phải gửi lại nhà bà con tôi tá túc trong thời gian ở Sài thành kèm câu nói: “Xin cứ tự nhiên đọc nếu thích. Toàn sách đẹp cả đấy”. Họ cũng rất hóm để nói lại: “Tranh, ảnh mới cần đẹp. Còn sách thì phải hay mới có thể đọc”.

Nói rồi, tôi thấy họ cất kỹ vào một nơi rất “an toàn” như là không muốn ai nhìn thấy, cứ như cất thứ gì quý hóa lắm, không muốn ai nhòm ngó. Rồi tôi ra Bắc, không biết bao giờ mới có thể trở vào và nếu có, chắc cũng không thể động vào đống sách kia. Vậy là đống sách vẫn cứ mãi trú ngụ ở nhà người quen. Nếu may mắn không được mối mọt đánh hơi thì có lẽ chỉ đến khi họ dọn nhà may ra mới được sờ đến.

Còn ở Hà Nội, thú thật là nhà tôi rất chật. Phòng làm việc của tôi chỉ chừng 20m2, vốn đã chứa nhiều sách quý gồm những tác phẩm nổi tiếng, có giá trị của các nhà văn Việt Nam và thế giới, nhiều tài liệu cần lưu giữ. Tôi cũng dành cả một góc riêng để lưu những ấn phẩm của anh em, bè bạn tặng. Nhưng phải hay. Quả là cũng có nhiều cuốn hay khiến tôi phải biết ơn tác giả vì không mất tiền mua mà được họ tặng khiến khi đọc tôi rất thích thú.

Có cuốn tôi còn đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhưng rất hiếm. Phần lớn là dông dài, nhạt nhẽo, tác giả bỏ tiền ra in để trưng danh, mong đánh bóng tên mình. Tôi đã nghĩ tới việc bán cho ve chai theo cân, tất nhiên là phải xé trang đầu tiên nơi tác giả ghi những dòng chữ trân trọng tặng mình. Nhưng rồi nghĩ lại thấy không nỡ.

Như vậy rõ ràng là phụ lòng và xúc phạm đến người đã trân trọng tặng mình. Ăn ở như vậy sao đành? Họ đâu phải toàn những người vô danh mà có cả người được coi là nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ chuyên nghiệp. Vả lại nếu có vô danh chăng nữa cũng không thể xử sự như vậy. Tôi nhớ có lần bán báo cũ cho một người đồng nát đã nhìn thấy lổng chổng trong đôi thúng của bà ta mấy cuốn sách của một tác giả tôi có quen biết tặng ai đó rồi người này đem bán (người được tặng đã không nghĩ đến việc xé trang đầu có những dòng chữ đề tặng của tác giả). Không biết họ bán sau khi đã đọc hay quẳng đi ngay sau khi được tặng mà chưa kịp ngó ngàng. Tôi bỗng thấy nhói lòng, cứ đặt địa vị mình vào tác giả kia thì thấy bị tổn thương ghê gớm.

Nhưng sự khống chế của ngành hàng không trong việc chuyên chở hàng hóa của hành khách và sự chật chội về chỗ ở đã là một sự thật dẫn đến “cái khó bó cái khôn” của tôi. Vậy tôi biết làm sao khi được những người quá nhiệt tình tặng sách như đã nói? Tôi chỉ biết viết ra đây để may ra ai đó đọc được thì xin hết sức cảm thông mà không trách giận và nhất là miễn cho tôi việc phải nhận sách trong tình trạng như thế. 

Nguyễn Đình San
.
.