Sách thật khó “bật” sách giả?
Trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua, các báo đã đồng loạt đưa tin việc Phạm Anh Dũng, sinh năm 1974, thường trú tại nhà C13 - tập thể Thanh Xuân Bắc - Hà Nội, một đối tượng được đánh giá thuộc hạng "ông kễnh" trong giới làm sách lậu đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ cùng tang vật là 15 tấn sách (cả thành phẩm và bán thành phẩm) cùng 2 máy chuyên dụng dùng để sản xuất sách lậu.
Các nguồn tin này cũng cho biết, Phạm Anh Dũng bị Công an TP Hà Nội đề nghị khởi tố theo điều 271 Bộ luật Hình sự (thay vì xử phạt hành chính) mà khung hình phạt áp dụng cao nhất cho trường hợp này cũng chỉ từ 1 tới 3 năm tù giam. Có nghĩa là chưa đủ sức răn đe với những đối tượng có hành vi tương tự.
Nhân đây, một số báo đã có bài đi sâu phân tích cuộc chiến cam go giữa sách thật và sách lậu hiện nay. Đây đó còn có ý kiến cho rằng, việc sách lậu hoành hành cũng là để "bù đắp" phần sách thật chưa làm được, phần sách thật bỏ trống trận địa. Thậm chí, có ý kiến thẳng toẹt rằng, sách lậu cũng góp phần... truyền tải những kiến thức, sáng tạo từ tác giả tới người đọc.
Vậy chúng ta cần nhìn nhận hiện tượng này như thế nào cho thấu tình đạt lý? Công bằng mà nói, sách lậu có nhiều lợi thế hơn so với sách thật. Bởi nó không phải gánh các khoản chi như tiền bản quyền, lệ phí xuất bản, thuế…
Và, khác với các hành vi làm hàng giả khác, ví như thuốc giả chẳng hạn, có thể gây tác hại tức thì; sách lậu kỳ thực cũng không gây phương hại gì lắm đối với người tiếp nhận, bởi trong thực tế chất lượng in ấn của nó cũng chẳng khác sách thật là bao (có người đã cho một số dẫn chứng: Sách lậu xấu hơn sách thật, song đấy là với "sách thật" của những đơn vị đầu tư nhiều trong in ấn, như Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam chẳng hạn. Còn trong thực tế cũng có không ít sách thật được in rất... lem nhem). Trong khi, về mặt nào đó, nó còn được những người này hoan nghênh vì giá thành hợp với sức mua của họ.
Điều có thể khẳng định chắc chắn: Sách lậu làm phương hại tới lợi ích vật chất các đơn vị xuất bản, và phần nào của một số tác giả.
Vậy ta thử xem trong cuộc chiến này, các đơn vị xuất bản đã có biện pháp gì để đối phó với cuộc xâm lấn ngày một rộng này?
Phải thừa nhận đó là những biện pháp phòng vệ khá yếu ớt. Chẳng hạn, với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, ngoài những dòng in ở bìa 4 của nhiều đầu sách, đại loại "Mua bán sách giả là giết chết sách thật", ở một số đầu sách họ cho dán tem ở bìa 4 và cho in dòng khuyến cáo ở phần cuối của trang ruột cuối cùng: "Bìa sau của cuốn sách có dán tem chống giả đánh số nhảy và có logo hình con trâu của Công ty Nhã Nam được in bằng mực phát quang".
Một số cuốn sách do Công ty Văn hóa và Truyền thông Võ Thị liên kết xuất bản thì có dòng chữ in ở góc cuối trang 4: "Tất cả mọi ấn phẩm của Công ty Văn hóa và Truyền thông Võ Thị xuất bản đều có tem chống giả do Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an cung cấp. Trân trọng cảm ơn sự phân biệt sáng suốt của độc giả".
Sở dĩ tôi phải dùng tới 2 chữ "yếu ớt" là bởi, không phải với đầu sách "thật" nào của Công ty Nhã Nam cũng có in dòng chữ khuyến cáo và có tem chống giả như đã nói ở trên. Bởi vậy, chắc chắn Công ty này sẽ không dám khẳng định rằng, những sách nào không có tem và dòng chữ trên thì không phải là sách của họ.
Cũng vậy, không phải đầu sách nào của Công ty Võ Thị cũng đều có tem chống giả do Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an cung cấp. Bằng chứng là, tôi từng được một số tác giả có tác phẩm do Công ty Võ Thị liên kết xuất bản tặng sách, và dù "sáng suốt" đến mấy, tôi cũng tịnh không tìm thấy đâu chiếc tem chống giả (mà theo các tác giả thì đây là những cuốn họ "lấy tận gốc"). Và điều quan trọng là, những lời cảnh báo trên có ý nghĩa gì nếu như những người in lậu cho xóa bỏ dòng chữ trên trong các ấn phẩm của họ? Các đơn vị xuất bản chỉ đối phó giản đơn vậy, còn các tác giả thì có phản ứng thế nào?
Rất đáng quan ngại là không phải tác giả nào cũng có thái độ bức xúc trước nạn sách lậu. Có người nói thẳng với tôi: "Một khi các đơn vị xuất bản còn thiếu trung thực, in tới vài ba nghìn bản, thậm chí hàng vạn bản nhưng chỉ đề và thanh toán cho tác giả có 1.000 bản, thì sách bị in lậu thế nào chăng nữa, chúng tôi không quan tâm".
Lại có người phân tích: Có những sách được in lậu nhiều vì lý do bị các cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi, cho nên các tác giả lại có tâm lý "sảng khoái" trước hiện tượng này, bởi như vậy sách của họ càng có cơ được "phổ biến" hơn... v.v và v.v.
Như vậy, trong cuộc chiến chống sách lậu, điều mà các đơn vị xuất bản trông chờ vẫn là sự "vào cuộc" của các lực lượng điều tra.
Nhưng trong vấn đề này, với một chế tài không đủ mạnh như đã nêu ở đầu bài viết, xem ra việc bắt giữ và xử lý đối với các đối tượng có hành vi làm sách lậu vẫn chỉ là "như ếch bỏ đĩa"