Sách nhiều lỗi làm người đọc hiểu sai tác giả

Thứ Ba, 05/07/2016, 08:11

Những công trình khoa học của các nhà nghiên cứu Việt Nam được phát hành năm 2015, do NXB Khoa học Xã hội liên kết xuất bản mắc quá nhiều lỗi, làm người đọc hiểu sai tác giả. Nhiều chuyên gia nghiên cứu đã lên tiếng phản ứng trước cách làm việc cẩu thả này.


Cẩu thả biên tập

Đầu tiên phải kể đến công trình nghiên cứu của cố PGS Hà Văn Cầu (1927 - 2016) mang tên "Hề chèo", NXB Khoa học Xã hội (2015). 

Trong sách, những lỗi đánh máy tối thiểu cũng sai. Đó là, in nghiêng, in đậm tên các tác phẩm trích dẫn hay các đoạn trích dẫn là hết sức tùy tiện, mỗi trang một kiểu. Những lỗi chính tả đơn thuần cũng sai: "ai chả biết" thành "ao chả biết" (tr. 17), "quản kho" thành "quản khi" (tr. 23), "ngâu vầy" thành "ngây vầy", "do trời" thành "so trời", "vút roi" thành "rút roi", "vâm vàng tôi thắng chuông bạc" thành "vâng vâng tôi thắng chuông bạc" (cùng tr. 28)…

Trang 53 viết về khả năng phong phú của ngôn ngữ, đã được biên tập thành "phong phí". Nếu để tăng tính hài hước cho câu này, tôi đề xuất nên đổi thành phong nhĩ cho đầy vẻ châm biếm.

Một trang 238 làm ví dụ cho thấy lỗi sai chi chít: Câu hát của thầy đồ: "Có phải đạo làm thầy" thành "có phải dạo làm thấy" - là câu vô nghĩa. Tiếng đế có câu: "Lủi nhanh như cuốc chứ" thành "lủi nhanh như cốc". Sau câu thầy đồ nói: "Văn tôi làm như đổ rươi vào" thì tiếng đế nói: "Đổ son thầy ơi" nhưng đã bị biên tập cắt phăng mất không còn trong bản in năm 2015 nữa.

Trang 249, có đoạn giới thiệu phù thủy "hát từ trong buồng trò" đã thành "hát tử trong buồn trò". Trang 280 hai câu "Kim thanh rền rĩ khắp đôi nơi/ Đâu đâu đấy đấy đều nghe lệnh" biên tập sai thành "khắp đòi nơi" và "đấy đấu". Sang trang 281, có tên vua Lê Thánh Tống. Không rõ đó là ông vua nào, đời nào?

Những lỗi cẩu thả trong các công trình khoa học do NXB Khoa học Xã hội cho ấn hành (2015).

Ngoài ra, ngay trong một trang, dòng trên dòng dưới cũng đã sai. Ví dụ, trang 35, câu trên "Con ve có cái vè mới kêu" thì câu dưới thành "cái về"; câu trước "con sẻ vàng" rình chực ăn thịt con bồng ngựa, thì câu dưới thành "con sử vàng". Không rõ, "con sử vàng" đó nằm trong hệ thống phân loại nào của động vật trên trái đất?

Tóm lại, với 320 trang sách thì cuốn "Hề chèo" của cố PGS Hà Văn Cầu trong ấn bản (2015) của NXB Khoa học Xã hội, số lỗi lên đến hàng nghìn. Đây không còn là in sách nữa, mà là phá sách. Điều nguy hại ở đây, cuốn sách này là công trình khoa học vì thế nó sẽ gây tác hại nhiều mặt. Đối với cá nhân tác giả, dù đã quá cố, nhưng người lớp sau đọc lại sẽ nghi ngờ chuyên môn khoa học của PGS Hà Văn Cầu.

Đối với các lớp hậu sinh, khi đọc phải một văn bản tác phẩm có quá nhiều lỗi sai, làm sai lệch không chỉ công trình, mà còn sai lệch rất nhiều lời thoại và các tích hề chèo, thậm chí nhiều câu vô nghĩa. Đối với các nhà khoa học thế giới, nhất là các nhà nghiên cứu Việt Nam học trong thời đại mở cửa hiện nay, họ sẽ cười chê năng lực khoa học của biết bao nhiêu thế hệ nghiên cứu người Việt Nam mà cố PGS Hà Văn Cầu là một cây đại thụ trong giới.

Riêng đối với ngành Xuất bản, điều này cho thấy năng lực yếu kém của biên tập viên - hoặc nếu không, đứng ở góc độ liên kết xuất bản, điều này cho thấy toàn bộ quy trình xuất bản bị vi phạm, NXB chỉ còn mang chức năng bán giấy phép.

Làm người đọc hiểu sai tác giả

Không chỉ riêng cuốn "Hề chèo" của PGS Hà Văn Cầu, nhiều đầu sách khác của NXB Khoa học Xã hội (2015) là "thảm họa xuất bản". Ví dụ, chuyên luận của PGS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) "Truyền thuyết Hai Bà Trưng một số giá trị văn hóa - nhân sinh" khiến tác giả phải thừa nhận rằng ông được in sách mà không vui. Lý do là "trong đó lỗi kỹ thuật, lỗi mo-rát xuất hiện rất nhiều trang".

"Truyền thuyết Hai Bà Trưng một số giá trị văn hóa - nhân sinh" (chuyên luận), NXB Khoa học Xã hội (2015). Cuốn sách chỉ có 230 trang nội dung nhưng lỗi xuất bản thì gần như trang nào cũng có. Nhiều trang lỗi sai nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nội dung cuốn sách.

Ngay trong Lời nói đầu, trang 11, so sánh cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng rọi sáng rực rỡ đến tận ngày nay; song có câu đọc không thể hiểu nổi: "chắc hẳn nhiều đoạn đã bị khúc xạ, nhiềm tạp huyền hoặc, làm cho người đời sau rất khó nắm bắt". "Nhiềm tạp huyền hoặc" có nghĩa là gì? Rất tối nghĩa.

Hoặc trang 140 trích dẫn một câu của sử gia Lê Văn Hưu: 65 thành ở lĩnh ngoại; thì trong sách này viết thành Lĩnh Nam. Lĩnh ngoại và Lĩnh Nam đâu phải là một. Hơn nữa, có chú thích trích dẫn thì phải trích cho đúng chứ, tại sao tùy tiện sửa văn bản của người xưa?

Thậm chí, một khái niệm đơn giản là tri thức và trí thức cũng không phân biệt nổi. Vì thế ở trang 148, các khái niệm "tri thức lịch sử", "tri thức xã hội" đều được đánh thêm dấu sắc mà thành: trí thức lịch sử, trí thức xã hội.

Trang 160, sử dụng bản dịch của Bùi Thiết trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, tác giả khuyết danh, lưu tại đền thờ nhân thần Lý Thị Ngọc Ba ở xã Hoàng Diêu, huyện Chương Mỹ, câu kết như sau: "Giặc như mây xám phai tan dần", có chú thích đánh số 1. Nhưng bên dưới dòng chú thích đánh số 1 này lại là Nhạn Trạch. Vậy từ Nhạn Trạch này từ đâu ra?

Sang trang 163, trích câu đối trong đền Đồng Nhân (nay thuộc phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), vế thứ nhất, phiên âm như sau: "Đồng Nhân miếu, tôn tượng túc thanh cao, han khí như sinh, Bắc cố mục trung vô Hán quốc". Chúng tôi bỏ qua phần phiên âm sai không bàn tới, xin xem bản dịch nghĩa: "Miếu Đồng Nhân, tượng báu trang nghiêm hào khí như cũn, ngoảng ngú Bắc phương không nước Hán". Không hiểu cụm từ "hào khí như cũn" nghĩa là gì? Thêm nữa, "ngoảng ngú" nội hàm ra sao? Đọc rất là hại não.

PGS.TS Bùi Quang Thanh cho rằng: "Để có một cuốn sách dù mỏng dù dày thì nó cũng là cả một quá trình lao động ở những khoảng thời gian nhất định. Đây là lao động chất xám. Cho nên để có một đứa con như thế nó thể hiện công sức lao động nhất định. Công sức lao động đấy hoàn thành rồi, muốn gửi đến tay bạn đọc mà sách mắc những lỗi không đáng có thì tôi e rằng khi bạn đọc tiếp nhận, trước hết họ sẽ đọc với tâm thế khó chịu".

Thứ hai, theo phân tích của ông Thanh, có những lỗi, thay đi một phụ âm hay một nguyên âm sai thì nó cũng lệch đi ý nghĩa nội dung của câu văn, của đoạn văn và của một chương sách nào đấy. Chính điều này dễ làm cho người đọc khó nắm bắt được chính kiến của người nghiên cứu hay người sưu tập.

"Điều đó có thể làm cho người ta hiểu sai lệch đi, nhận thức không đứng đắn, không đúng, không đồng thuận với nhận thức của tác giả", PGS.TS Bùi Quang Thanh cho biết.

Lỗi biên tập không thể chấp nhận

Đó là ý kiến của PGS.TS Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội về những lỗi biên tập trong các đầu sách nêu trên. Theo bà Hảo, những trường hợp sai về mặt kiến thức, tri thức, nếu là lỗi của tác giả thì đấy là điều rất đáng buồn, nhất là đối với người làm khoa học. Khi gặp tai nạn nghề nghiệp như thế là ngoài ý muốn.

"Thế nhưng, còn có trường hợp rất đáng tiếc: Không sai về kiến thức mà sai về những lỗi biên tập, điều sai này tôi cho rằng không chấp nhận được. Tất nhiên quyển sách nào cũng có lỗi, nhưng lỗi rất nhỏ thôi, hãn hữu thôi. Chứ bây giờ, một cuốn sách in ra, mà mảng đính chính dài mấy trang, lại sai toàn những lỗi chính tả mà những người bình thường nhất người ta cũng không mắc sai lầm đấy thì điều này là không thể chấp nhận được".

Kiều Mai Sơn
.
.