Sách đẹp và những câu hỏi bên lề

Thứ Năm, 05/09/2019, 07:55
Hôm 24 tháng Tám vừa rồi, có một "kỷ lục" đã được xác lập. Nó là một kỷ lục lặng lẽ bởi phạm vi quan tâm không phải diện đại chúng. Nó cũng là một kỷ lục không chính thức bởi không có một cơ quan, tổ chức nào đứng ra ghi nhận, trao chứng nhận kiểu "Guiness". Nhưng nó là một kỷ lục có thật, và thú vị, với nhiều câu hỏi cũng thú vị kéo theo sau.


9 giờ sáng ngày 24 ấy, Công ty sách Đông A chính thức mở bán online 100 bản đặc biệt cuốn tiểu thuyết "Những ngôi sao Eger" của tác giả người Hungarie Gárdonyi Géza. 100 bản đặc biệt này được đánh số thứ tự từ ĐA-01 đến ĐA-100, có đóng dấu đỏ của Đông A, bìa cứng thủ công do nghệ nhân Nguyễn Đức Khuynh và cộng sự chế tác.

Giá bán mỗi bản đặc biệt này tròn 1 triệu đồng. Và chỉ sau 1 giây mở bán (9:01 ngày 24/8), 96 bản đã được đặt mua thành công. Ở giây thứ 02, 4 bản còn lại cũng đã được mua gọn. Như vậy, chỉ trong vòng một phút ba mươi giây (tính theo cách tính của Đông A), 100 bản sách đặc biệt đã được bán hết và mang lại cho Đông A 100 triệu đồng.

Thực tế, trước khi "Những ngôi sao Eger" lên sàn, Đông A đã bán thành công 2 bản đặc biệt của hai cuốn "Anh em nhà Karamazov" và "Kiêu hãnh và định kiến" cũng với hình thức kể trên. Giá bán của "Anh em nhà Karamazov" là 1,2 triệu đồng, còn của "Kiêu hãnh và định kiến" là 900 ngàn đồng. Tiền triệu cho một cuốn sách nghe có vẻ rất cao, nhưng thực ra thì không hẳn vậy. Sách nhập từ nước ngoài, đặc biệt sách chuyên ngành, có giá đắt hơn như vậy nhiều. Đằng này, "bộ ba" mới "lên sàn" của Đông A lại là những phiên bản đặc biệt, giàu tính thẩm mỹ và xứng đáng ở cả vai trò "phương tiện chuyển tải tri thức" lẫn "vật phẩm có giá trị trưng bày cũng như sưu tầm".

Nhìn vào việc 3 cuốn sách kể trên được bán phiên bản đặc biệt giá cao, và xâu chuỗi lại với những đầu sách mà Đông A nói riêng cũng như nhiều công ty sách nói chung đã và đang phát hành hiện nay, chúng ta phải thừa nhận rằng sách đang được xuất bản với tính thẩm mỹ rất cao.

Có nhiều cuốn sách được sản xuất đẹp đến mức người đọc còn cảm thấy ngại ngần khi mở chúng ra, vì sợ những dấu vết để lại, những nếp quăn ở góc sách sẽ làm giảm đi vẻ đẹp ấy. Và điều đó mở ra câu hỏi thứ nhất: phải chăng, trong thời đại sách điện tử lấn át, vấn nạn sách lậu lan tràn, cạnh tranh trong làng sách vô cùng khắc nghiệt…, việc làm sách giàu tính thẩm mỹ đang là một cách để chống lại xu thế?

Câu hỏi thứ hai, cũng thú vị không kém, là câu hỏi muôn thuở: "Người ta tới với sách vì nội dung hay vì hình thức?". Chúng ta đã từng trải qua những giai đoạn khan hiếm những đầu sách quý và những độc giả có nhu cầu đọc những tác phẩm qúy hiếm như thế đã buộc phải đọc bằng đủ thứ định dạng mà họ có thể kiếm được: sách photo, sách điện tử, các file văn bản được lưu truyền trên internet…

Khi săn lùng một cuốn sách để đọc, bất chấp nó đẹp hay xấu, là khi nhu cầu về nội dung đang được ưu tiên số 1. Nhưng khi các đầu sách bắt đầu không còn hiếm nữa, nhu cầu thứ hai bắt đầu nảy sinh. Đó là nhu cầu sách đẹp, bên cạnh nhu cầu nội dung thuần túy. Và từ câu hỏi này, lại dẫn tới một câu hỏi nữa cũng thú vị không kém: "Liệu có người sưu tầm sách chỉ đơn giản vì nó đẹp, chứ không phải vì nội dung của cuốn sách ấy có thực sự thu hút họ?".

Và một câu hỏi nữa, rất đáng lưu tâm, rất cần được đặt ra lúc này. Một cuốn sách 500 trang, bìa mềm, nếu được ấn bản khoảng 5000 bản sẽ có giá thành sản xuất trung bình khoảng 100 ngàn đồng. Vậy thì với 100 bản đặc biệt kiểu như Đông A đang làm, doanh thu 100 triệu đã quá đủ bù đắp cho việc sản xuất một tác phẩm kinh điển. Như vậy, đây có phải là hướng đi mới của những công ty sách, tìm đến thị trường ngách của những nhà sưu tầm để cứu vãn tình trạng khó khăn của ngành kinh doanh sách hiện nay?

Tất cả những câu trả lời cho các câu hỏi trên nên được để ngỏ, vì chỉ có nhà sản xuất mới có thể trả lời chính xác nhất.
Văn Đoàn
.
.