Rực rỡ chợ Tết Mường

Thứ Sáu, 16/02/2018, 08:35
Một sáng ngày cuối chạp, gió chợt nồng dịu hơn khi lùa qua vách ngôi nhà sàn. Trời len lén những ánh vàng âm ấm giao mùa phía đầu núi. Cây mận cuối vườn nhu nhú nụ căng ngần, như chỉ đợi một cơn mưa phùn thôi sẽ bung trắng gọi Giêng về. Bếp mẹ nhen lên còn chưa kịp ấm khói, đã nghe đầu đường, cuối dốc rộn rã tiếng nói cười của trẻ nhỏ, tiếng í ới gọi hẹn của trai gái bản làng. 


Từ gầm sàn, mẹ tất bật gánh lưng nếp nương cùng vài đon lá dong, bó lạt giang vội vã cho kịp đoàn người. Ấy là ngày phiên chợ Tết hai lăm tháng chạp, phiên chợ lớn nhất trong năm ở Mường... Bữa ấy, tất thảy già trẻ, gái trai, kẻ giàu người nghèo, dù có tiền hay không một xu dính túi, kẻ bán nọ mua kia hay chẳng mua chi bán gì cũng sẽ đi phiên chợ Tết này. Đi chợ chỉ để vui, đi chợ như đi một ngày hội đặc biệt ở Mường.

Phiên chợ Tết ấy có từ bao giờ không rõ nữa, chỉ nhớ rằng, từ khi lên bốn, lên năm tôi đã biết đến ngày này như một điều quan trọng nhất để có một cái tết ý nghĩa, trọn vẹn. Và nó làm những đứa trẻ như tôi ở Mường mơ ước, chờ đợi cả năm ròng đằng đẵng.

Thời tôi bé, trẻ con nhà nào cũng nghèo như nhau, nên để được mặc quần áo mới thì phải đợi phiên chợ Tết. Mong chợ để được xuống phố xem những sạp hàng bày bán bao thứ lạ mắt, đẹp đẽ, để được ăn vài thứ bánh kẹo mà cả năm chẳng mấy khi được thấy, rồi được mua một vài quả bóng bay xanh đỏ khoe với nhau. Từng ấy thứ thôi mà xa xỉ đến độ cứ trở đi trở lại trong giấc mơ tôi cả bao ngày tháng của bốn mùa dài rộng.

Một góc phiên chợ ngày Tết của người Mường.

Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác hồi hộp, nôn nao, rạo rực của những đêm trước ngày chợ phiên. Bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng không ngủ được, mắt cứ chong chong mong trời sáng. Nằm đếm được từng canh gà thức ngày, và trở dậy rất nhanh khi ngoài cửa voóng vừa có chút ánh sáng mờ mờ sau hồi tiếng gà báo rạng. Quần áo mới từ đêm hôm trước được gấp sẵn để ngay cạnh chiếu ngủ, tỉnh dậy là quờ vội thay ngay vào người.

Tháng Chạp trời lạnh lắm, quần áo mới đẹp nhưng mỏng manh. Ngày Tết mẹ không có tiền để mua tất cả quần áo ấm cho lũ con, nên chỉ mua mỗi đứa một bộ thường mong mỏng. Chúng tôi ngày đó không có nhiều đồ mặc ấm, một chiếc áo khoác hay áo len mặc đến độ vàng nâu lấm cặn, giặt bữa nào thì hong vội bếp lửa cho kịp khô bữa ấy. Nhưng ngày chợ Tết thì dù lạnh đến mấy cũng không đứa nào mặc đồ cũ lên người, niềm sung sướng có áo mới đã làm chúng tôi thấy quên lạnh.

Hôm ấy, mẹ trở dậy sớm hơn mọi khi, nhóm bếp lửa cho chúng tôi ngồi đợi sáng. Cả nhà cùng thức theo vì tiếng nói cười rộn rã, háo hức. Chỉ đợi nhìn rõ mặt đường, sương còn đặc trĩu trên cỏ, trên lá là ngoài ngõ, đầu bản, cuối núi đã ríu rít, ồn ã tiếng trẻ con cười nói, gọi nhau. Con đường làng nhộn nhịp, tươi sáng như luống đất vừa nở hoa, bởi đâu đâu cũng rực rỡ màu áo mới. Môi lũ chúng tôi thâm tái đi, nhưng nụ cười thì luôn rạng ngời…

 Phiên chợ ấy người già cũng rủ nhau đi chơi. Họ cũng như trẻ con,  muốn nhìn phố xá, hàng quán nhộn nhịp, xem cuộc sống mỗi năm thay đổi thế nào, cũng mong được gặp gỡ lại những người quen, bạn già cũ. Những người đã từng biết nhau, từng là bạn, thậm chí thời son trẻ từng yêu thương, thề hẹn, vì cuộc sống mà lỡ dở hay cách biệt. Bây giờ tóc trắng, răng đen gặp lại nhau ở chợ phiên, dù chỉ để ngồi bên mé đường mời nhau miếng trầu cay, hỏi han trò chuyện hay rong ruổi đường xa, hát với nhau câu xường cũ cũng thấy quý giá và vui sướng biết bao.

Người già không đi chợ vào lúc tinh sương như trẻ nít mà họ đợi lúc trời tan sương, ráo lá, ấm đường mới bắt đầu chống gậy, đeo dón xuống thang. Họ cũng hẹn gọi, chờ đợi, tụ tập nhau rồi cùng đi. Cụ nào có bộ váy áo mới nhất, đẹp nhất cũng đem ra diện. Trong cạp váy có khi chẳng có đồng tiền nào giắt vào, nhưng trong dón các bà phải có trầu têm, cau bổ để ăn đường, mời bạn. Con đường từ bản đến chợ huyện rộn rã tiếng hỏi han, cười đùa. Người già đôi khi chào hỏi nhau bằng những đoạn Đang, đoạn Xường đối đáp, nên chợ phiên ấy chỉ thiếu tiếng cồng chiêng nữa là thành một lễ hội Mường đặc biệt.

Trai làng, gái bản thì đi chợ như đến một lễ hội duyên, để mong được gặp gỡ, hội ngộ bạn bè khắp Mường quen Mường lạ, để mong tìm lại người cũ nào đó đã thất lạc từ lần chợ phiên năm trước mà chưa kịp biết tên, biết nhà, hay để mong tìm được người tri kỉ, bạn trăm năm trong những đám đông ngày chợ.

Có khi họ chẳng kịp bước chân vào chợ để xem quán hàng hay mua gì đó, mà chỉ tụm năm, tụm bảy để hàn huyên, thăm hỏi, làm quen với nhau ven đường, góc phố cho đến khi vãn chiều, thậm chí đến đêm mới trở về. Nhiều cuộc hò hẹn đã được bắt đầu từ một buổi chợ như thế, và biết bao nhiêu cuộc duyên đã thành đôi lứa từ những lần chợ phiên thế này.

Đàn ông có gia đình thì thường đi chợ để mua rượu, mua thuốc lào, nhưng cũng có khi họ xách theo chai rượu ngô, rượu củ dành dụm lâu nay để xuống chợ, gặp hẹn bạn bè, anh em ở đâu là say đến cạn ngày ở đó. Chỉ có các mẹ, các cô bận bịu với những gánh hàng đơn sơ, lo bán mua làm sao đủ tiền quà bánh cho lũ nhỏ.

Phụ nữ Mường dù bận rộn đến mấy vẫn không thể vắng mặt trong phiên chợ Tết lớn nhất của năm.

Hồi đó, đi chợ dẫu xa hay gần cũng chỉ lội bộ vì không có phương tiện gì khác, mà dầu nhà nào đó có cái xe đạp Thống Nhất hay xích hộp cũng chẳng dùng nó vào ngày này. Cái thú của chợ Tết Hai Lăm là được đi bộ nhởn nha, để gặp gỡ, để trò chuyện, để la cà mà vui bạn, vui đường, chứ có vội mua chi, bán chi mà đi cho nhanh, cho kịp. Mà có đem theo xe cũng chẳng thể len nổi khi ra đến phố chợ đông nghẹt những người là người.

Bây giờ người ở Mường có thể một tháng vài lần ra phố, phố chợ không còn quá lạ lẫm và thiếu thốn. Người đi chợ Tết không còn giữ được những nét văn hóa đẹp như trước kia. Thế nhưng, phiên chợ Tết cuối tháng Chạp vẫn là phiên chợ được người ở Mường thích thú, hào hứng nhất trong cả một năm dài.

Trẻ con vẫn thức giấc từ tinh sương, mặc áo mới theo mẹ ra chợ ăn thỏa thuê quà bánh. Người già vẫn đem trầu xuống chợ để xem phố phường, để mong gặp được bạn cũ. Trai Mường gái bản sau cả năm bươn bả công việc, học tập, dầu Nam hay Bắc vẫn vội về kịp đi chợ Hai Lăm Tết như để hưởng lạc sự an lành, bình yên, để ngơi nghỉ, vui chơi cho qua nhọc nhằn và nhung nhớ.

Và từ ngày Hai Lăm Tết ấy trở đi, ở Mường đã bắt đầu được tính là Tết. Gác hết việc ruộng rẫy, nhà nhà lo chuẩn bị cho Tết nhất. Những ngày chợ sau ngày 25 cũng bắt đầu là những buổi chợ mua bán hàng Tết. Tôi thích những buổi trưa ngồi ở cửa vóong, hướng mắt theo phía âm thanh ồn ã, nhộn nhịp bên con đường dưới chân núi sau nhà, nhìn đoàn người trong bản theo nhau vào đồi hái lá dong, kiếm củi, chặt đào, chẻ giang tước lạt bánh.

Những lưng chiều tất bật bên bờ suối cùng các chị, các cô đánh rửa nồi niêu, bát đĩa, rộn ràng, hoặc ngồi trên bếp nghe tiếng người ta chia chác nhau những phần thịt lợn dưới sân lớn. Chẳng biết nhiều ít ra sao, nhưng giọng nói câu cười nào cũng ấm áp vui tươi.

Và cũng từ ngày phiên chợ Hai Lăm Tết trở đi, khách đến Mường đã có thể được mời chén rượu xuân, ăn miếng xôi tết cùng gia chủ, ấm cúng bên bếp lửa mà lắng nghe mưa phùn ngoài cửa voóng thầm thì phả lên môi những nụ mận, nụ đào lời hẹn hò cho một sớm mai bung bông đón Tết về rực rỡ.

Tú Anh - Xuân 2018
.
.