Ru mãi ngàn năm

Chủ Nhật, 01/12/2019, 08:36
Cuộc đời mỗi con người từ khi bắt đầu sinh ra tới khi tạm biệt trần gian được thưởng thức vô vàn những âm thanh đẹp đẽ, kỳ diệu như những món quà mà tạo hóa trao tặng. Nhưng có một âm thanh thật đặc biệt, nó đến với rất nhiều người trong số chúng ta từ thuở ấu thơ khi còn nằm trong nôi hoặc trong vòng tay của mẹ, của bà, của chị, ru ta vào giấc ngủ ngọt ngào, dệt nên những cảm xúc yêu thương trìu mến mà ta sẽ mang theo đến trọn cuộc đời, đó là lời ru.


Lời ru đưa nôi

Lời ru đến với tâm hồn trẻ thơ từ những làn điệu dân ca không biết đã có tự thời nào: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chày thức đủ  năm canh... /Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con, con hời mà con hỡi” (Ru con - Dân ca Bắc Bộ). Lời ru đi vào những bài ca dao từ thời Bà Trưng Bà Triệu: “À ơi con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi tướng Bà Triệu cưỡi voi đánh cồng”.

Người Mường cũng có bài ca dao ru con nổi tiếng mang tên “Mười tay”: “Bồng bồng con nín con ơi/ Dưới sông con cá lội ở trên trời chim bay/ Ước gì mẹ có mười tay/ Tay kia bắt cá còn tay này bắn chim/ Một tay chuốt chỉ làm kim/ Một tay đi làm ruộng một tay tìm hái rau/ Một tay ôm ấp con đau/ Một tay đi vay gạo một tay cầu cúng ma/ Một tay khung cửi muối dưa/ Còn tay để van lạy để bẩm thưa đỡ đòn/ Tay nào để giữ lấy con/ Tay nào lau nước mắt mẹ vẫn còn thiếu tay/ Bồng bồng con ngủ con say/ Dưới sông cá vẫn lội chim vẫn bay trên trời”.

Ta cảm nhận được tình thương của người mẹ bao la đến thế nào trong bài ca dao xưa. Từ câu mở đầu đến câu kết thúc, dường như đứa trẻ đã chìm vào giấc ngủ bên những thanh âm ngọt ngào của người mẹ, để mỗi ngày lớn lên, đứa trẻ ấy sẽ càng thêm hiểu về những hy sinh lặng thầm không gì đo đếm được của người mẹ mong con khôn lớn.

Lời ru của mẹ là những bài học tinh khiết đầu đời nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ.

Âm điệu dìu dặt tha thiết của thể lục bát gắn với những lời ru sau này còn hiện về trong những câu thơ của Nguyễn Duy: “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru (...) Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn/ Bà ru mẹ mẹ ru con/ Liệu mai sau các con còn nhớ chăng” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa), của Trần Quốc Minh: “Lời ru có gió mùa thu/ Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về/ Những ngôi sao thức ngoài kia/ Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con/ Đêm nay con ngủ giấc tròn/ Mẹ là ngọn gió của con suốt đời” (Mẹ).

Trong văn học thời chống Mỹ, “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” xứng đáng được coi là một tuyệt phẩm của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ở đây, hiện lên hình ảnh người mẹ vừa nuôi con chăm con vừa hăng say lao động sản xuất, góp sức mình vào cuộc kháng chiến của toàn dân tộc: “Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi/ Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ/ Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội/ Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng/ Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi/ Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối/ Lưng đưa nôi và tim hát thành lời/ Ngủ ngoan akay ơi, ngủ ngoan akay hỡi/ Mẹ thương akay mẹ thương bộ đội/ Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần/ Mai sau con lớn vung chày lún sân”.

Bài thơ được viết năm 1971 và ngay lập tức được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc, trở thành một ca khúc nổi tiếng của Việt Nam suốt gần nửa thế kỷ qua. Cũng trong giai đoạn văn học chống Mỹ còn phải nhắc đến một khúc ru thơ nổi tiếng nữa - bài “Con cò” (1967) của Chế Lan Viên mà trong đó, có những câu thơ đã đạt tới phẩm chất có thể thoát ly khỏi thi phẩm để mang một đời sống độc lập: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con/ À ơi/ Một con cò thôi/ Con cò mẹ hát/ Cũng là cuộc đời/ Vỗ cánh qua nôi/ Ngủ đi ngủ đi/ Cho cánh cò cánh vạc/ Cho cả sắc trời/ Đến hát/ Quanh nôi”.

Sau 1975,  Lâm Thị Mỹ Dạ với bài thơ “Trắng trong” được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc thành bài hát “Khúc hát ru những người mẹ trẻ” đã góp thêm một khúc ru thơ - nhạc đặc sắc nữa cho nền văn học Việt Nam thời hiện đại: “Đôi làn môi con nghiêng về vú mẹ/ Như cây lúa nhỏ nghiêng về phù sa/ Như hương hoa thơm nghiêng về ngọn gió/ Đôi làn môi con ngậm đầu vú mẹ/ Như búp hoa huệ ngậm tia nắng trời (...)Sữa mẹ trắng trong con ơi hãy uống/ Rồi mai khôn lớn con ơi hãy nghĩ những điều trắng trong”. Còn nhiều ca khúc thành công về lời mẹ ru nữa mà chúng tôi chỉ có thể nhắc tới nhan đề chứ chưa đủ thời gian để bàn kỹ như “Mẹ yêu con” (Nhạc và lời: Nguyễn Văn Tý), “Ru con mùa đông” (Nhạc và lời: Đặng Hữu Phúc)...

Nhưng đặc biệt nhất trong những lời ru của mẹ dành cho con là lời ru khi đứa con thân yêu không còn nữa. Đó chính là tứ thơ độc đáo gây xúc động khôn nguôi trong bài “Lời ru cỏ non” của nữ tác giả Kim Châu (thân mẫu của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm): “Mẹ ngồi bên nấm mộ con/ Là ngồi bên tấm nôi tròn ngày xưa/ Xót đau biết mấy cho vừa/ Hoàng hôn đời mẹ cơn mưa lại về/ Hiu hiu gió thổi trưa hè/ Mà không đỏ nổi đầu que hương buồn/ Con nằm giữa bạn bè con/ Tay già run rẩy khói vờn vòng tang…”.

Bài thơ được tác giả kể về hoàn cảnh ra đời, đó là khi bà đi ngang qua một nghĩa trang liệt sĩ, thấy một người mẹ ngồi lặng bên mộ con như một pho tượng đá... Về sau, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua một bài báo đã tâm sự thêm rằng, khi đọc bài thơ, không hiểu sao anh cứ nghĩ đây là bài thơ mẹ anh viết về bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm...

Lời ru của người tình    

Bên cạnh lời ru của tình mẫu tử sâu nặng, lời ru của người chị dành cho em (chẳng hạn như bài hát “Ru em” - dân ca Xê đăng), lời ru của bà dành cho cháu, thi ca của người Việt còn có những tác phẩm là lời ru của những đôi lứa, những người tình dành cho nhau. Khúc ru thơ dành cho người tình nổi tiếng đầu tiên trong thế kỷ XX theo tôi chính là bài Ngậm ngùi của thi sĩ Huy Cận: “Sợi buồn con nhện giăng mau/ Em ơi! Hãy ngủ...anh hầu quạt đây/ Lòng anh mở với quạt này/ Trăm con chim mộng về bay đầu giường/ Ngủ đi em mộng bình thường/ Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ.../ Cây dài bóng xế ngẩn ngơ.../ Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?/ Tay anh em hãy tựa đầu/ Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...”.

Nhưng những khúc ru là nhạc phẩm càng về sau càng vượt trội lên hẳn so với những thi phẩm. Ngoài phần giai điệu đẹp, mượt mà, dễ thấm vào lòng người thì ca từ của nhiều ca khúc trong số này cũng xứng đáng được coi là những thi phẩm đích thực.

Và Trịnh Công Sơn chắc chắn là nhạc sĩ Việt Nam viết nên nhiều khúc ru cho người tình hơn cả. Không tính ba bài là lời ru của mẹ (“Lời mẹ ru”, “Ngủ đi con”, “Ca dao mẹ”), Trịnh có tới bảy ca khúc là những khúc ru người tình, khúc ru thân phận, ru nỗi cô đơn, ru cả cuộc đời, bao gồm: “Rơi lệ ru người “(1976), “Ru đời đã mất” (1972), “Ru đời đi nhé” (1973 - 1974), “Ru em” (1965), “Ru em từng ngón xuân nồng” (1964), “Ru ta ngậm ngùi” (1970 - 1971) và “Ru tình” (1993). Trong khuôn khổ của một bài viết nhỏ, chỉ xin được trích một đoạn ca từ đầy chất thơ trong số bảy ca khúc nói trên: “Ru mãi ngàn năm từng phiến môi mềm/ Bàn tay em trau chuốt thêm cho ngàn năm/ Cho vừa nhớ nhung, có em dỗi hờn nên mãi ru thêm ngàn năm/ Thôi ngủ đi em mưa ru em ngủ/ Tay em kết nụ, nuôi trọn một đời, nuôi một đời người/ Mùa xuân vừa đến xin mãi ăn năn mà thôi…”.

Nhạc sĩ Dương Thụ có hai ca khúc nổi tiếng được nhiều người yêu thích mang tên “Ru em bằng tiếng song” và “Bài hát ru cho anh”, trong đó ca từ của “Bài hát ru cho anh” dường như đã là một bài thơ trước khi được phổ nhạc: “Ru anh ru anh ngủ/ Đồi thông nghiêng xa mờ/ Vẩn vơ bóng liễu đỏ/ Mặt hồ xanh như mơ/ Ru anh ru anh ngủ/ Rồi mai hay bao giờ/ Niềm vui hay đau khổ/ Thật đời hay mộng mơ…”.

Nhạc sĩ Từ Huy cũng có ca khúc “Ru em” với phần ca từ mượt mà trong sáng. Nếu như lời ru của tình mẫu tử chủ yếu mang tính chất một chiều, thì ở những khúc ru tình, lời ru mang ý nghĩa "ru nhau", là những thanh âm say đắm làm hạnh phúc cả hai trái tim yêu: “Ai ru em giấc mộng những chiều vàng bơ vơ/ Cho anh làm cơn gió hôn dòng suối tóc tơ/ Anh ru em giấc ngủ bằng chiếc võng mây bay/ Anh ru em giấc ngủ hành trình những ngón tay…”.

Đất nước - Lời ru

Trong nền văn học nghệ thuật của người Việt còn những khúc ru đặc biệt nữa. Không phải là lời ru dành cho trẻ thơ, cũng không phải lời ru của những người yêu nhau, mà là lời ru của những người đồng đội trong cuộc chiến khốc liệt. Đó chính là tứ thơ độc đáo trong bài thơ mang tên “Lời ru đồng đội” của nhà thơ Nguyễn Duy được viết trong những ngày ở mặt trận biên giới phía Nam năm 1978: "Ngủ đi bạn ngủ đi anh/ Cánh tay mình ngả ra thành gối êm/ Ngủ đi bạn ngủ đi em/ Ngủ ngon giấc ngủ gối lên tay mình (...) Trái tim đập ở cổ tay/ Tim ta ru giấc ngủ đầy cho ta/ Cánh tay cặp khẩu AK/ Ngày là bệ súng đêm là gối êm”.

Và còn một lời ru lớn lao, vĩ đại hơn nữa, đó là lời ru của khát vọng làm Người, lời ru của tình yêu đất nước, lời ru để mỗi đứa trẻ khi sinh ra và lớn lên phải kế tục và tiếp bước hào khí bất khuất lẫm liệt của cha ông, xây dựng và bảo vệ quê hương: “Ru con mẹ ru con, tiểng ru cả cuộc đời/ Ru con lời ru cất lên từ ngàn đời/ Biển xanh xanh trời xanh xanh cho con bao hy vọng/ Rừng xanh xanh dòng sống xanh cho con bao hy vọng/ Lửa đã cháy ở phía trước lửa sáng mãi tình đất nước/ Xưa bao cha anh hành quân xa/ Nay thêm bao con cùng đi xa/Một màu xanh như áo cha, để mẹ lại ru trong bao la...” (Đất nước lời ru - Nhạc và lời: Văn Thành Nho).

Đỗ Anh Vũ
.
.