“Rác” ở đâu mà ra?

Thứ Năm, 23/05/2019, 08:19
Câu chuyện rác thải sinh hoạt ở ngoài môi trường sống đang là vấn đề được khá nhiều người quan tâm gần đây. Trên nhiều tờ báo in chính thống cũng bắt đầu đã có những trang viết cổ xúy phong trào hạn chế dùng vật liệu nhựa, nylon và không xả thải nhựa, nylon ra môi trường, đặc biệt là môi trường biển.


Trên trang cá nhân của một nhà báo uy tín mới đây có chia sẻ lại một video cảnh tượng những người dân hồn nhiên đổ rác thải xuống một dòng kênh. Kèm theo đó, anh phê phán thái độ sống kiểu “chỉ cần biết sạch cho riêng nhà của mình, còn bên ngoài ra sao mặc kệ” của đại đa số.

Và ở dưới chia sẻ của anh, một nữ diễn viên nổi tiếng cũng bình luận đầy chua chát, đại ý rằng “nói ý thức, dân trí thấp thì lại bị mắng là trịch thượng nhưng nhìn những hình ảnh này thì biết nhận xét gì khác đây?”.

Câu chuyện rác thải sinh hoạt ở ngoài môi trường sống đang là vấn đề được khá nhiều người quan tâm gần đây. Trên nhiều tờ báo in chính thống cũng bắt đầu đã có những trang viết cổ xúy phong trào hạn chế dùng vật liệu nhựa, nylon và không xả thải nhựa, nylon ra môi trường, đặc biệt là môi trường biển.

Bản thân nhà báo kể trên cũng là một người lên tiếng đều đặn, thường xuyên về chuyện làm sạch môi trường và ngoài ra, anh cũng vẫn đi bộ đi làm, khoảng 7km, đồng thời vừa đi vừa nhặt rác để bỏ vào thùng rác công cộng.

Từ những hoạt động tưởng như đơn lẻ và rất nhỏ kia, bắt đầu đã có những tín hiệu rất tích cực, có tính quy mô hơn, mà điển hình là ở Thừa thiên - Huế. Chính quyền địa phương này mới đây đã ra một quy định mới rất đáng được ngợi khen là không sử dụng nước uống chai nhựa trong các buổi họp, hội nghị, hội thảo của tỉnh.

Nếu cách làm này được áp dụng ở nhiều địa phương khác, rất có thể việc hạn chế thải nylon, nhựa ra ngoài môi trường ở Việt Nam sẽ giảm mạnh và cơ bản hơn là tập quen cho người dân một ý thức mới: hạn chế tối đa sử dụng các vật liệu khó phân hủy này.

Nhưng từ những câu chuyện tích cực kia, có một câu chuyện khác về văn hoá mà chúng ta có thể không để ý tới nhưng thực sự lại là vấn để rất đáng quan tâm. Đó chính là việc những thông tin tích cực về môi trường như các ví dụ ở trên tuyệt đối bị đè bẹp trên các trang báo điện tử, các trang thông tin thịnh hành.

Đơn cử như chuyện Hoa khôi Minh Tú mới đây đi dọn rác ở Hạ Long nhân dịp cô tham gia show thời trang ở địa phương này chẳng hạn. Chuyện ấy được viết bởi duy nhất 1 tờ báo, với độ phổ cập không quá lớn và nó chìm nghỉm trong vô vàn tin tức giải trí với những cái tít tào lao kiểu như “diễn viên này đá xéo ngôi sao kia” hay “những hình ảnh lộ nhũ hoa khó đỡ của nữ ca sỹ này hoặc hot girl nọ”…

Chúng ta đều hiểu, thông tin cũng là một món hàng mà nhu cầu của đối tượng khách hàng sẽ được những người sản xuất nội dung nuông chiều hết sức có thể. Song, nói gì thì nói, báo chí vẫn có nhiệm vụ cao cả của mình và một khi bản thân các đơn vị báo chí mọc ra như nấm sau mưa ở thời đại này bắt đầu dễ dãi đến mức để "rác thông tin" đè bẹp những sản phẩm báo chí tích cực, chúng ta chắc chắn sẽ phải suy nghĩ về một môi trường đang bị ô nhiễm không kém cái môi trường thể lý mà ta quan tâm hàng ngày.

Những người hoạt động tích cực với phong trào chống lại việc sử dụng vật liệu khó phân huỷ có thể không e ngại sự đơn lẻ của mình, nhưng họ cũng vẫn rất cần những sự ủng hộ để phong trào văn minh ấy lan tỏa, được nhiều người cùng tham gia.

Vậy mà trong lúc đó, chúng ta - những người cầm bút, cái nghề tạm gọi là cao quý, lại vô tư “xả thải” vào môi trường thông tin mà không hề ý thức rằng, cái rác thông tin ấy cũng thuộc loại “khó phân hủy” trong thời đại internet cho mỗi người cái quyền năng phát tán rất dễ dàng này.
Văn Đoàn
.
.