Quyền tác giả có khác quyền sở hữu?

Thứ Bảy, 09/03/2019, 08:12
Vụ án tranh chấp bản quyền bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” kéo dài 12 năm ngỡ sẽ khép lại một cách êm đẹp. Ai dè, sau phán quyết của tòa sơ thẩm, phía bị đơn đã kháng cáo toàn bộ bản án và đề nghị  TAND Thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại theo trình tự phúc thẩm. Nghĩa là vấn đề bản quyền tuy đã triển khai nhiều năm ở nước ta, nhưng việc thực thi về mặt kinh doanh và về mặt pháp luật đều khá mơ hồ.


Tại tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” và bốn hình tượng nhân vật trong truyện là Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Đồng thời, Hội đồng xét xử buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tiếp tục sáng tác những biến thể của nhân vật, và yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai họa sĩ Lê Linh ba kỳ liên tiếp trên các báo.

Rõ ràng, tòa sơ thẩm đã chưa có sự cân nhắc hợp lý về quyền tác giả và quyền sở hữu. Họa sĩ Lê Linh bắt tay tạo hình các nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo và Cả Mẹo theo kế hoạch xuất bản của Công ty Phan Thị. Họa sĩ Lê Linh được Công ty Phan Thị trả lương đúng hợp đồng, nên quyền sở hữu phải thuộc về Công ty Phan Thị. Không thể lấy quyền tác giả của họa sĩ Lê Linh để khống chế quyền sở hữu của Công ty Phan Thị.

Họa sĩ Lê Linh trình bày quan điểm: “Người nào trực tiếp sáng tạo nên tác phẩn mới được xem là tác giả. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh chỉ nêu ý tưởng về bộ sách, còn bộ truyện hoàn toàn là của tôi”. Tuy nhiên, đại diện pháp luật của Công ty Phan Thị là Giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành luật Nguyễn Vân Nam lại có cách lập luận khác: “Không có quy định nào công nhận tác giả là người có tên trên bìa. Việc ghi tên trên ấn phấm không được coi hay được suy đoán là tác giả. Ông Lê Linh chỉ là thợ vẽ, tham gia vào một trong các khâu sáng tạo bộ truyện. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh không chỉ là tác giả các hình vẽ, mà còn là tác giả của hình tượng nhân vật (hoạt động của nhân vật với từng trang).

Ông Lê Linh có tham gia vẽ cấu trúc tạo chính lên nhân vật còn vẽ nét cho tinh lên là do người khác. Người vẽ lại là công cụ thể hiện tác phẩm của người khác, thì không phải là tác giả!".

Các nhân vật trong bộ sách “Thần đồng đất Việt”.

Thậm chí, vai trò đóng góp vào bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” của họa sĩ Lê Linh còn bị Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam đánh giá thấp hơn Giám đốc Công ty Phan Thị: “Bà Phan Thị Mỹ Hạnh đã sáng tạo các nhân vật của “Thần đồng đất Việt” trên cơ sở cấu trúc nhân vật theo trường phái Nhật, với những đường nét mang đậm tính dân gian Việt Nam thể hiện được tính cách tinh nghịch đồng thời thân thiện bạn bè với thiếu nhi Việt Nam.

Có thể nói, tính sáng tạo, sự độc đáo về đường nét trong hình vẽ 4 nhân vật mang dấu ấn đặc trưng của cá nhân bà Phan Thị Mỹ Hạnh. Hình ảnh 4 nhân vật Sửu Ẹo, Trạng Tí, Cả Mẹo, Dần Béo đã định hình rõ ràng trong trí óc của bà Phan Thị Mỹ Hạnh và ông Lê Linh chỉ là người được bà Phan Thị Mỹ Hạnh cầm tay chỉ việc để vẽ”.

Nhìn từ năm 2019, có thể khẳng định “Thần đồng đất Việt” là một bộ truyện thành công nhất trong ngành xuất bản truyện tranh Việt Nam. Tập đầu tiên ra mắt vào năm 2002, liên tục 17 năm qua, các ấn phẩm của bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” rất được giới hâm mộ chào đón. Tuy chưa thể ngang vai phải lứa với những bộ tranh truyện nổi tiếng của Nhật Bản như “Doremon” hoặc “Conan” nhưng nhiều bậc phụ huynh rất yên tâm khi chọn mua “Thần đồng Đất Việt” làm quà tặng cho con em mình. 

Đại diện Phan Thị cho biết, trước đây ông Lê Linh là nhân viên làm theo hợp đồng chính thức của Công ty Phan Thị, nhận lương hàng tháng để vẽ ra hình tượng các nhân vật. Ngoài lương hàng tháng, khi ấn bản các tập truyện "Thần đồng đất Việt" ra thị trường, ông Lê Linh còn được nhận thêm tiền nhuận bút.

Cụ thể, trong phần luận cứ gửi TAND  TP Hồ Chí Minh, bà Phan Thị Mỹ Hạnh viết: “Vào tháng 9-2001, để triển khai mở rộng kế hoạch kinh doanh tác phẩm truyện tranh mà cụ thể là các tập truyện theo chủ đề Thần đồng đất Việt của mình, bị đơn ra thông báo tuyển nhân viên và nguyên đơn đã nộp đơn xin việc. Sau thời gian thử việc, nhận thấy nguyên đơn có khả năng lĩnh hội và thể hiện lại các tác phẩm của bị đơn lên bản vẽ, bị đơn đã ký hợp đồng lao động chính thức với nguyên đơn đến hết năm 2001. Sau đó là hợp đồng vô thời hạn.

Trong suốt quá trình làm việc cho bị đơn, nguyên đơn đã được nhận đầy đủ các khoản tiền lương, thưởng”. Cho đến khi rời khỏi Công ty Phan Thị, ông Lê Linh đã nhận tiền nhuận bút là 3 tỷ 90 triệu đồng.

Vào lúc đó, đây thật sự là một số tiền rất lớn. Về lý do hai phía từng là đối tác ăn ý phải lâm vào cảnh vô phúc đáo tụng đình, Công ty Phan Thị nhấn mạnh: “Ông Lê Linh khởi kiện không phải như lý do ông ấy lan truyền là tác giả duy nhất. Nguyên nhân sâu xa, đích thực chỉ có một thôi, bởi ông ta yêu cầu Công ty Phan Thị trả cực kỳ nhiều tiền mà Công ty Phan Thị không đáp ứng được…

Thấy “Thần đồng đất Việt” bán chạy, thông qua luật sư của mình, ông Lê Linh yêu cầu Công ty Phan Thị trả thêm cho ông ta 10% trên giá bìa từng tập “Thần đồng đất Việt”. Hơn thế nữa, ông Linh còn yêu cầu chia cho ông 30% trị giá của tất cả các hợp đồng khai thác truyện “Thần đồng đất Việt” nào mà Công ty Phan Thị ký với các đối tác khác”.

Phiên tòa phúc thẩm theo dự kiến diễn ra tháng 4-2019 chắc chắn sẽ rất gay go, bởi dư luận vẫn chia thành hai phe ủng hộ cho nguyên đơn và bị đơn. Những người làm sách thì cho rằng thái độ của họa sĩ Lê Linh không đàng hoàng trong quan hệ làm ăn. Tuy nhiên, giới sáng tác lại nghiêng về họa sĩ Lê Linh.

Trong một văn bản do ông Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh ký, đã bày tỏ quan niệm về quyền tác giả duy nhất phải thuộc về họa sĩ Lê Linh: “Nếu bảo là người không hề biết vẽ, không hề biết quy luật tạo hình, biết quy luật thẩm mỹ, không hề biết thế nào là tư duy thị giác ngôn ngữ truyền thông thị giác mà có ý nghĩ (chỉ hình dung) là có quyền sở hữu nghệ thuật thị giác thì quả là phản khoa học.

Bởi lẽ, đối với giới nghệ sĩ, khi đã có ý tưởng (qua quá trình động não) thì chưa chắc đã hình tượng hóa được nếu không có tài năng. Có khi vẽ mãi không được. Bởi có khi đó là “ý tưởng không khả thi” về ngôn ngữ thị giác. Do đó, bắt buộc phải thay đổi cách suy nghĩ quan niệm tạo hình mới có thể làm hiển thị ý tưởng trừu tượng thành hình tượng thị giác.

“Pháp sư gọi bưởi” là tập đầu tiên của bộ “Thần đồng đất Việt” ra mắt từ năm 2002.

Từ hai ý trên, chúng tôi nhận thấy rằng, lập luận của bà Hạnh không có cơ sở khoa học về nghệ thuật thị giác. Vậy thì việc đòi hỏi quyền sở hữu trí tuệ về việc sáng tác các hình tượng mà ông Lê Linh thực hiện là điều khó chấp nhận được”.

Luật sở hữu trí tuệ khi áp dụng vào lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật luôn phải đối diện với nhiều tình huống nhạy cảm và phức tạp. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Công ty Phan Thị khi thuê họa sĩ Lê Linh tham gia vào nhóm biên soạn bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”, đã không có những thương lượng bản quyền chi tiết và rõ ràng.

Đành rằng, họa sĩ Lê Linh có thể đã vẽ theo ý tưởng của bà Phan Thị Mỹ Hạnh, nhưng cả hai chỉ là đồng tác giả nếu có bản mô tả các nhân vật (bằng chữ) đã xuất hiện trước hoặc tồn tại song song với hình vẽ các nhân vật. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh không đưa ra được chứng cứ thuyết phục, thì đành chấp nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Tuy nhiên, chỉ có hình vẽ thì không thể trở thành truyện tranh.

Để “Thần đồng đất Việt” lôi cuốn độc giả suốt hơn một thập niên qua, các nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo phải được đặt trong những câu chuyện hấp dẫn, được đầu tư in ấn công phu và được quảng bá có chiến lược cụ thể. Quyền tác giả của họa sĩ Lê Linh được xác lập về mặt nhân thân và về mặt tài chính, nhưng không thể chấm dứt hành trình của bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”.

Nếu lấy quyền tác giả để ngăn cản quyền sở hữu và quyền lưu hành tác phẩm, thì tác giả có thơ phổ nhạc được phép yêu cầu nhạc sĩ ngừng công bố bài hát đã phổ biến rộng rãi chăng? Trong sáng tạo nghệ thuật, từ một nguyên mẫu có thể kế thừa và tương tác để có tác phẩm phái sinh một cách sòng phẳng!

Tuy Hòa
.
.