Quỳ gối trước thần tượng - nên không?

Thứ Ba, 14/11/2017, 08:25
Bạn nghĩ gì khi xem clip một thanh niên Việt Nam bày tỏ tình yêu của mình với tỷ phú Jack Ma bằng cách thét to lên rồi quỳ gối trước Jack Ma? Chắc chắn thanh niên này thần tượng Jack Ma, và theo tôi bản thân sự thần tượng ấy là rất tốt.


Cuộc đời một con người, thật buồn nếu chúng ta không có ai hoặc không còn ai để thần tượng nữa. Vấn đề nằm ở chỗ: Chúng ta nên và cần ứng xử trước thần tượng của mình như thế nào? Theo tôi, khóc nức lên trước mặt thần tượng là điều có thể hiểu được. Thét gào rồi chạy tới ôm hôn thần tượng cũng là điều có thể hiểu được. Nhưng sẵn sàng quỳ gối hoặc vái lạy thần tượng - nhất lại là một thần tượng ngoại quốc thì có lẽ phải xem xét lại.

Cách đây gần chục năm, khi một nam ca sĩ Hàn Quốc xuất hiện trên sân khấu Việt Nam, chúng ta cũng từng nhìn thấy những cô gái Việt khóc nức lên. Nhưng điều đáng nói là sau đó, khi chàng ca sĩ rút vào phía sau cánh gà thì rất nhiều cô gái đã chạy lên sân khấu, quỳ sụp trước cái ghế mà chàng thần tượng này vừa ngồi, rồi không ngại hôn chân ghế như hôn một con người bằng da bằng thịt. 

Dù vẫn biết cái khoảnh khắc được gặp thần tượng là cái khoảnh khắc mà biết bao cảm xúc dồn nén được vỡ oà, nên con người ta có thể thực hiện những hành vi điên rồ, không tưởng nhất, nhưng "điên rồ" tới mức sẵn sàng quỳ gối, vái lạy thần tượng hay sẵn sàng hôn cái chân ghế mà thần tượng vừa ngồi thì có phần khó coi.

Tỷ phú Jack Ma.

Sau hàng loạt sự vụ khó coi như thế, liệu đã đến lúc chúng ta phải giáo dục giới trẻ cái gọi là  "văn hoá ứng xử với thần tượng" hay không?

Đứng trước thần tượng là đứng trước một đại dương mênh mông, một ngọn núi cao vời vợi, và nếu không có một "văn hoá ứng xử" đúng mực thì rất có thể người ta sẽ bị đại dương ấy cuốn xuống đáy, bị ngọn núi ấy đè lên mình. Trong một số trường hợp, khi thần tượng là người ngoại quốc thì cái hành trình "bị cuốn xuống" hay "bị đè lên" có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực không chỉ tới một cá nhân, mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh của cả cộng đồng, cả quốc gia bao chứa cá nhân ấy cũng chưa biết chừng?

Ở Trung Quốc, quê hương của tỷ phú Jack Ma, người ta vẫn truyền tai nhau một câu chuyện rất đáng suy nghĩ về Lý Liên Kiệt. Thuở nhỏ, có lần Lý Liên Kiệt được mời tới Mỹ biểu diễn võ thuật cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Sau buổi biểu diễn ấy, Tổng thống Mỹ bảo với Lý Liên Kiệt: "Cháu giỏi quá. Ta sẽ tuyển cháu làm cận vệ cho ta". Với một cậu bé, đứng trước Tổng thống Mỹ chắc chắn chẳng khác gì đứng trước một ngọn núi vĩ đại. Mà không, phải là một dãy núi vĩ đại, với một hấp lực ngút ngàn khủng khiếp. Thế mà cậu bé Lý Liên Kiệt không bị cái hấp lực ấy cuốn mình đi. Cậu bé ấy trả lời Tổng thống Mỹ:

- Cháu cám ơn ngài, nhưng cháu sẽ không bao giờ bảo vệ cho ngài. Cháu chỉ bảo vệ cho người Trung Quốc của cháu thôi. 

Tôi không biết câu chuyện này có bao nhiêu phần trăm sự thật. Nhưng chỉ riêng việc câu chuyện ấy được phổ biến ở Trung Quốc đã cho thấy người Trung Quốc dạy dỗ những đứa trẻ của mình cách ứng xử với những "đại dương", những "ngọn núi", những thần tượng ngoại quốc theo cách nào!

Khi viết bài viết này, thật lòng  tôi không dám chắc ý kiến của mình là đúng, nên tuyệt đối không dám áp đặt lên bất cứ ai. Chỉ có điều tôi xem clip về bạn thanh niên quỳ gối trước Jack Ma khi đang ngồi uống cà phê, bên cạnh cậu con trai 2 tuổi của mình. Và lúc đó tôi nghĩ đơn giản rằng, sau này cháu lớn lên, tôi sẽ tuyệt đối không can thiệp vào chuyện thần tượng của cháu. Cũng giống như mọi đứa trẻ - mọi công dân khác, chắc chắn quyền tự do thần tượng của cháu sẽ được tôn trọng.

Nhưng chắc chắn tôi sẽ dạy cháu, và dạy một cách quyết liệt rằng, có thể khóc trước thần tượng, có thể hét lên trước mặt thần tượng, có thể ôm hôn thần tượng, nhưng quỳ xuống, vái lạy thần tượng thì nhất định không!

Phan Đăng
.
.