Quan niệm việc đạo văn trong lịch sử văn học thế giới

Thứ Tư, 12/09/2018, 07:29
Khi bàn về nạn đạo văn trong các công trình khoa học, mọi chuyện tương đối đơn giản: bất cứ trích dẫn nào cũng phải được trình bày đúng, còn tính mới khoa học của tác phẩm phải được chứng minh rõ ràng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta nói về tác phẩm văn học, về quyền tác giả đối với việc xem xét lại kinh nghiệm của người khác và tác phẩm của người khác?


Trong cuốn sách của mình “Viết như Tolstoy”,  nhà báo Mỹ Richard Cohen phân tích các thủ pháp và mánh khóe của nhà văn, và một trong những mánh khóe ấy được ông gọi là đạo văn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Có phải bao giờ đạo văn cũng bị xử tệ?

Ngay trong thời cổ đại, các triết gia Hy Lạp đã khẳng định rằng nghệ thuật luôn luôn là sự bắt chước một cái gì đấy lý tưởng đã tồn tại. Sáng tác các vở kịch về những đề tài thần thoại nhất định để hàng năm trình diễn chúng trong các lễ hội, rõ ràng các nhà viết kịch cổ đại không thể tránh khỏi sự lặp lại và vay mượn trực tiếp. Thời La Mã cổ đại, sự sao chép và cải biên các kiệt tác được coi là một công việc hoàn toàn bình thường. Terence, Horace, Ovidius và Cicero không hiếm khi sao chép các tác phẩm của người khác.

Nhà viết kịch thời đại Baroque Lope de Vega đã sáng tác hơn 200 vở kịch. Lúc bấy giờ, nhà hát là nơi giải trí chủ yếu của nhân dân, trong vài ngày phải hoàn thành một vở kịch mới, vì khán giả không muốn xem những gì vừa diễn tuần trước, Lope de Vega và các đồng nghiệp của ông buộc phải xào xáo các vở kịch của mình, vay mượn các cốt truyện, nhân vật và lời thoại, làm cho các tình tiết trở nên ly kỳ để tạo ra cảm giác mới mẻ. Và dĩ nhiên, không ai nghĩ tới việc phê phán Shakespeare vì ông đã mượn câu chuyện về Cleopatracủa Plutarchus mà không trích dẫn xuất xứ. Điều chủ yếu là ông đã làm điều đó một cách tài tình.

Nhà báo Mỹ Richard Cohen.

Việc soạn lại cốt truyện khác đã thúc đẩy sự phát triển của nền văn học các dân tộc. Trên thực tế, toàn bộ nền văn hóa vay mượn đều xuất phát từ hình thức sơ đẳng nhất của đạo văn (sao chép không ghi rõ nguồn gốc), đó là khi một tác giả trích dẫn một tác giả khác, nhưng kín đáo đến mức chỉ những độc giả dày dạn kinh nghiệm mới phát hiện ra. Vì vậy một thời gian dài, kỹ năng đạo văn một cách thông minh và khéo léo được coi như một phẩm tính của nhà văn tài giỏi.

Mark Tvain cũng nói rằng: “99% những gì tạo ra trí tuệ của chúng ta là đạo văn - dưới dạng thuần túy và sơ khai của nó”.

Xin cho biết danh mục tài liệu tham khảo của bạn

Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI là giai đoạn xem xét lại khá cơ bản đạo văn như một hiện tượng. Số lượng tác phẩm được xuất bản ngày càng nhiều, nguồn tài liệu có thể tiếp cận khắp nơi, và người ta đạo văn cũng nhiều, hơn nữa, không cần phải thật khéo léo. Trong khoa học, đã xuất hiện các phần mềm máy tính đặc biệt phát hiện đạo văn. Trong giới văn học, cuộc tranh luận về sự vay mượn đã chuyển sang hình thức kiện tụng, còn các nhà văn phải trả giá cho những vụ tai tiếng công khai bằng những tổn thất về danh tiếng (nghĩa là tiền bạc).

Trong cuốn sách bán chạy của Stephen Ambrose “Tầng cao xanh” nói về các phi công quân sự, người ta tìm thấy  những đoạn văn dài chép từ một cuốn sách lịch sử, không ghi rõ xuất xứ. Về sau, đạo văn được phát hiện trong những cuốn tiểu thuyết trước đó của tác giả. Ambrose quả quyết rằng chỉ một phần nhỏ các tác phẩm của ông được sao chép của những người khác, nhưng ông không thể phục hồi danh dự.

Một vụ tai tiếng khác xảy ra với nhà văn Anh Ian McEwan, một trong những tác giả thành công nhất của nền văn xuôi đương đại. Ông bị cáo buộc đã sử dụng hồi ký của một nữ cựu y tá và tác giả của các cuốn tiểu thuyết ngôn tình Lucilla Andrews khi viết cuốn “Đền tội”, mặc dù trong lần xuất bản đầu tiên cuốn sách của mình, ông đã ghi xuất xứ từ cuốn hồi ký của Andrews!

Nhiều tác giả lớn đã lên tiếng bênh vực McEwan, kể cả nhà văn vừa đoạt giải Nobel Kazuo Ishiguro. Nhà văn Úc Thomas Keneally, tác giả cuốn sách được chuyển thể thành phim “Bản danh sách của Schindler” nói về vụ này như sau: "Tác phẩm văn học được xác định bởi giá trị của sự gia tăng chất lượng mà tài liệu thô trong tay nhà văn mang lại, tôi tin rằng những gì McEwan đã bổ sung cho nguyên bản không khiến ai nghi ngờ".

Rõ ràng, đó là phẩm chất chủ yếu phân biệt nhà văn với một kẻ đạo văn. Cả hai đều ăn cắp, nhưng nhà văn trả lại một cái gì đó lớn hơn. Nghĩa là, nhà văn được phép làm điều đó? Tuy nhiên, càng ngày sự tồn tại của Luật Bản quyền tác giả và cơ hội nhận được thu nhập từ văn học càng lớn đã đánh mất của nhà văn sự tự do sử dụng các tài liệu xuất xứ. Và thật khó nói một cách rõ ràng tự do này kết thúc ở đâu?

Cuộc đời người khác như nguồn một tài liệu

Vấn đề đạo văn liên quan tới không chỉ trách nhiệm pháp lý của tác giả mà cả trách nhiệm đạo đức. Việc sử dụng tác phẩm của người khác không được phép có thể gây ra thiệt hại đạo đức hoàn toàn cụ thể. Sau đây là một số ví dụ.

Năm 2004, khi nghiên cứu về những tên giết người hàng loạt, theo lời khuyên của bạn bè, nhà tâm thần học Dorothy Lewis đã đọc kịch bản của một vở diễn của nhà hát Broadway, và Dorothy phát hiện ra mình là nhân vật chính trong một tác phẩm của người khác. Kịch bản cũng nói về một nhà nữ tâm thần học, tuy nhiên, bà ta không chỉ nghiên cứu về những kẻ giết người hàng loạt mà thậm chí đã đem lòng yêu một tên trong đó. Tác phẩm đầy những chi tiết tiểu sử và trích dẫn lấy từ bài báo về Lewis.

Nhà viết kịch Anh Bryony Lavery, tác giả kịch bản thừa nhận với nhà báo rằng đã sử dụng bài viết của anh ta trong kịch bản của mình: “Tôi nghĩ rằng có thể thanh thản sử dụng tài liệu đó. Thậm chí tôi không nghĩ rằng phải xin phép bạn, tôi cho rằng đó là tin tức”. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp tác giả thực sự làm tăng giá trị của bản gốc, thì giải quyết thế nào với nỗi đau mà anh ta đã gây ra cho nguyên mẫu? Liệu tác giả có chịu trách nhiệm về những lo âu, dằn vặt ấy không? Điều gì sẽ xảy ra nếu một số khán giả của vở kịch sẽ suy nghĩ và kể lại với những người khác rằng Dorothy Lewis quả thật là tình nhân của kẻ giết người hàng loạt kia?

Việc khai thác các hình tượng và cốt truyện từ những tin tức và chuyện tiếu lâm nói chung là một kỹ năng quan trọng của nhà văn đối với lịch sử văn học thế giới. Rất có thể, chúng ta sẽ không được đọc “Bà Bovary” nếu như sinh thời Gustave Flaubert không nghe được câu chuyện Delphine Delamare đã phản bội chồng và tự tử. Đơn giản là thông thường chúng ta không coi tình huống này là đạo văn, vì chúng ta không quan tâm: liệu những người thân của Delamare có băn khoăn về việc nhà văn mô tả họ như thế  không; và nói chung, họ có muốn những câu chuyện này trở thành  cơ sở của các tác phẩm hay không?

Các nhà văn cổ điển cũng không thoát khỏi búa rìu dư luận khi sử dụng “tài liệu sống”. Ví dụ, Thomas Mann đã phải xin lỗi nhà viết kịch Gerhart Hauptmann. Không, Mann không sử dụng tài liệu từ các vở kịch của Hauptmann. Ông sử dụng chính Hauptmann, lấy những đặc điểm của nhà viết kịch gán cho một trong những nhân vật của mình trong tiểu thuyết “Ngọn núi phù thủy”.

Cuốn tiểu thuyết tự truyện “Hãy nhìn ngôi nhà của mình, Thiên thần” của nhà văn Mỹ cổ điển Thomas Wolfe đã gây tai tiếng thực sự tại thị trấn Asheville quê hương của nhà văn. Các cư dân ở đây phát hiện ra mình trong các nhân vật của cuốn sách, họ tức giận vì tác giả viết nhiều điều quá lộ liễu về họ; thậm chí họ nhớ cả những cảnh mà Wolfe đã bịa ra.

Wolfe nhận được những bức thư trách móc, xúc phạm, thậm chí đe dọa, nhiều năm sau ông không dám trở về thị trấn của mình. Cuộc trục xuất tạm thời này là một hình phạt nặng nề, cay đắng và bất công đối với ông. Bởi ông mong muốn điều tốt đẹp chứ hoàn toàn không có ý định vu khống ai hết.

Ông bố của nhà văn Anh gốc Ấn Salman Rushdie cũng phản ứng như vậy, khi lần đầu tiên đọc cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Những đứa trẻ lúc nửa đêm” và phát hiện ra ở đấy nguyên mẫu văn học của mình. Mặc dù là một nhà nghiên cứu văn học chuyên nghiệp, bức chân dung trào phúng của một kẻ nát rượu cũng khiến ông nổi giận.

Câu chuyện cuối cùng chúng tôi kể kết hợp tất cả những hình thức đạo văn nói trên: đó là cùng một lúc nhà văn vừa sử dụng bất hợp pháp tác phẩm, vốn sống của người khác vừa thâm nhập vào bí mật đời tư người thân của mình. Chẳng bao lâu sau khi F. Scott Fitzgerald cưới Zelda Sayre, cuốn nhật ký cũ của bà bị mất tích bí ẩn. Thế rồi hai năm sau, bà bỗng phát hiện ra trong cuốn tiểu thuyết mới của chồng “Đẹp và đáng nguyền rủa”  một đoạn chép từ cuốn nhật ký bị đánh mất của bà! Mà không chỉ thế, phu quân của bà còn đưa vào tiểu thuyết một số câu trong các bức thư của bà.

Fitzgerald sử dụng thủ pháp này nhiều lần, nhưng một lần Zelda đã trả thù ông. Vốn là một nhà văn, năm 1932, bà xuất bản cuốn tiểu thuyết “Hãy cứu tôi, bản nhạc valse”, trong đó bà mô tả tỉ mỉ cuộc sống riêng của họ. Trò nghịch ngợm này đã thành công: Scott nổi cơn thịnh nộ, mặc dù thực ra ông ta xứng đáng phải nhận điều đó.

Nghề văn là như vậy: những cuốn sách  khác, ý tưởng khác, cuộc đời khác – tất cả đều là nguyên liệu đối với tác giả. Và cho dù điều đó làm phật lòng các đồng nghiệp hay người thân, có lẽ, độc giả sẽ tha thứ tất cả. Tất nhiên, trong trường hợp đó là một cuốn sách hay.

Trần Hậu
.
.