Quả dứa và chai nước muối

Thứ Năm, 25/04/2019, 07:59
Chuyện dứa rớt giá và nhiều hộ nông dân phải đổ cho bò ăn mới đây chắc hẳn khiến nhiều người trong chúng ta phải suy ngẫm một câu chuyện đã quá cũ. Nhà sản xuất, khai thác nông sản, thực phẩm…xuất khẩu tiểu ngạch bị phụ thuộc chỉ vào đúng 1 nguồn tiêu thụ (thương lái Trung Quốc) thực sự luôn chịu rủi ro như treo một lưỡi gươm Damocles trên đầu vậy.


Và đã có rất nhiều chiến dịch "giải cứu" từng được phát động, song chúng chỉ có thể đắp đền một phần vô cùng nhỏ, đủ để thể hiện tấm lòng chia sẻ mà thôi. Người nông dân chưa bao giờ thực sự hết vất vả, hết lo toan, hết băn khoăn về chuyện mưu sinh, về tiêu thụ sản phẩm thế nào, nhất là những hộ gia đình phải vay vốn chính sách để canh tác.

Sau thông tin về dứa phải đổ cho bò ăn, ông Nguyễn Tử Khả, Chánh văn phòng Sở NN&PTNT Lào Cai đã có phát ngôn phủ nhận và cho rằng đó chỉ là thông tin ngụy tạo. Rất có thể điều ông Khả nói là chính xác, song những video ghi lại cảnh những xe dứa phải đổ xuống vệ đường cho bò ăn là có thật, và vẫn đang tồn tại.

Hơn nữa, câu chuyện dứa xuống giá khiến nông dân lao đao vụ mùa này không chỉ xuất hiện ở Lào Cai mà thôi. Ở nhiều địa phương khác có canh tác dứa (như Nghệ An chẳng hạn), tình trạng dứa mất giá cũng đang khiến người nông dân mất ăn mất ngủ. Và chuyện phụ thuộc vào mối tiêu thụ tiểu ngạch từ thương lái Trung Quốc là luôn có thật, luôn tồn tại. Làm cách nào để giải cứu người nông dân khỏi mối phụ thuộc đầy rủi ro ấy đây? Đó mới là câu hỏi chính, và là câu hỏi lớn.

Tôi giữ thói quen dùng nước súc miệng hằng ngày từ hơn hai chục năm nay và mới đây, tôi đã đổi nhãn hiệu nước súc miệng (mà nói đúng hơn là sản phẩm) quen dùng của mình. Số là vợ tôi mang về một chai nước muối súc miệng, có cái tên khá ngộ nghĩnh là "Doctor Muối" để tôi dùng thử, và nó đã thuyết phục tôi ngay từ lần đầu.

Thứ nhất, nó là một loại nước súc miệng không dùng phụ gia hoá chất như các loại nước súc miệng thông thường. Thứ hai, nó hoàn toàn là nước muối tinh khiết, có thêm hương vị chiết xuất tự nhiên từ vài loại trái cây bản địa. Và cuối cùng, nó là một thương hiệu Việt mới mẻ nhưng bắt mắt và tạo độ tin cậy cao ngay từ vẻ ngoài.

Câu chuyện chai nước muối súc miệng đó khiến tôi nghĩ về chia sẻ của một kỹ sư công nghệ thông tin bỏ nghề đi làm nông sản sạch, và đã gặt hái được vài thành công nho nhỏ. Anh đã nhìn vào hình ảnh những xe dứa bị đổ xuống vệ đường bằng con mắt của giải pháp. Và anh cũng nói đến chế phẩm nước súc miệng hương dứa, nước rửa tay hương dứa. Anh cần những người đồng chí hướng, dám dấn thân, và quan trọng là có tài lực cũng như niềm tin tham gia cùng anh phát triển những dự án chế biến chế phẩm nông sản rộng rãi để người nông dân không còn phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời và bán toàn bộ may rủi của mình vào tay thương lái nữa.

Và khá buồn là hồi đáp lại kêu gọi của anh không có quá nhiều người mặn mà. Cộng đồng có thể dễ dàng bỏ ra một vài trăm ngàn để "giải cứu nông sản" nhưng lại không nghĩ đến chuyện góp vốn với nhau theo kiểu gây qũy (crowd funding), cho dù phần góp vốn ấy cũng chẳng hơn gì số tiền bỏ ra cho một cuộc giải cứu đơn thuần.

Gần đây, câu chuyện về ông chủ nhãn hiệu kem đánh răng Dạ Lan quyết gây dựng lại sau hơn 20 năm bị nhà đầu tư nước ngoài thôn tính và khai tử thương hiệu mà ông đã khởi nghiệp ấy. Và trong câu chuyện cái chết của thương hiệu Dạ Lan trong quá khứ, tôi chợt nhận ra chính một cộng đồng quá dễ dãi chấp nhận những hào nhoáng của thương hiệu nước ngoài, chưa chịu mở lòng với những thương hiệu nội địa, chứ đừng nói đến chung sức để gây dựng hay cứu vớt một thương hiệu nội địa, cũng chính là một phần nguyên nhân để người nông dân phải phụ thuộc vào nhà tiêu thụ tiểu ngạch bên kia biên giới.

Văn Đoàn
.
.