Quả bom ngu xuẩn

Thứ Sáu, 25/11/2016, 08:56
Ngày 19-11 vừa qua, thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CA Hà Nội, cho biết đơn vị đang xác minh danh tính nhóm thanh niên tham gia ghi hình, sản xuất và phát tán nội dung video có tên "ra đường đốt bom" trên mạng xã hội. 


Đây là đoạn video dài chừng 4 phút, với hình ảnh một thanh niên mặc áo trắng, khăn trùm đầu trắng, hoá trang giả dạng người Hồi giáo, tay ôm quả bom tự chế giả, có ngòi nổ và châm ngòi ở nơi công cộng đề hù doạ người đi đường. Mục đích của đoạn video ấy rất rõ. Nó là một trò đùa nhí nhố nhưng qúa lố nhằm tạo ra một nội dung video gây cười, có khả năng thu hút lượt xem cao ở trên mạng.

Thực sự, nhìn vào đoạn video ấy, nhiều người trong số chúng ta sẽ cảm thấy buồn. Trò chơi khăm này đã phổ biến từ rất lâu nay ở các nước phương Tây. Nếu chúng ta lên youtube, gõ từ khoá "bomb prank" (Bom chơi khăm), chúng ta sẽ nhận được hơn hai triệu kết quả. Và đa số các kết quả đều trùng nhau ở một kịch bản: 1 người phục trang trắng, kín mít như người đạo Hồi, vội vã ném lại cái ba lô hay túi xách và bỏ chạy, khiến đám đông hoảng sợ nghi rằng có bom và chạy toán loạn.

Những trò chơi khăm ấy khi xem có thể khiến ta bật cười, nhưng sau tiếng cười, chúng ta có thể nghĩ ngay đến một đáp án, hơi nặng lời, bằng một từ duy nhất, nhưng chuẩn xác: "Ngu xuẩn".

Những ai từng tới thăm hoặc sinh sống ở các nước phương Tây, có hệ thống an ninh mạnh mẽ và phản ứng nhanh cùng quy định pháp luật rõ ràng, chi tiết, chúng ta đều hiểu rằng hành vi đó, nếu lọt vào mắt cảnh sát, có thể sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Giả sử, nếu kẻ doạ dẫm gây trò cười làm trò ấy ở nơi ngẫu nhiên có một cảnh sát xuất hiện, trong tình huống khẩn cấp, cảnh sát hoàn toàn có thể nổ súng và hậu quả thế nào, chúng ta không cần phải nói tới nữa. Còn nếu như gặp phải đúng người bị dọa dũng cảm có thừa, sức mạnh có thừa, kẻ doạ dẫm chắc cũng phải lĩnh vài cú đòn chí tử trước khi kịp thanh minh hành vi của mình.

Nếu những nội dung "bomb prank" ở nước ngoài kia bị xem là "ngu xuẩn" thì video bốn phút của đám thanh niên Hà Nội đang được Cảnh sát Hà Nội xác minh điều tra nọ còn ngu xuẩn gấp nhiều lần. Đơn giản, tạo ra một nội dung hài hước nhằm lôi kéo người xem bằng cách ăn cắp ý tưởng của người khác và thực hiện y chang lại nó đã là một cái ngu.

Thực hiện nó ở môi trường xã hội Việt Nam hôm nay lại là một cái ngu thứ hai, khi chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng đang có hiện tượng thanh thiếu niên vô cùng manh động. Dọa đúng người hiền lành thì không sao, dọa phải đám "anh chị", "giang hồ", không khéo xảy ra án mạng. Và cuối cùng, thực hiện một hành vi mà không hề biết rằng nó vi phạm điều 245 bộ luật hình sự lại còn là điều ngu xuẩn thứ ba, sự ngu xuẩn đáng lên án nhất.

Câu chuyện quả bom ngu xuẩn kể trên có lẽ sẽ là một bài học kinh nghiệm tiêu biểu cho thanh thiếu niên Việt Nam hôm nay trong giai đoạn mạng xã hội đã trở thành nền tảng hoàn hảo cho việc khai thác lợi ích từ các nội dung kỹ thuật số, từ lợi ích bằng danh tiếng cho tới lợi ích tài chính.

Thực hiện những hoạt động ứng dụng công nghệ hiện đại để trở nên nổi danh, kiếm ra doanh thu là điều đáng khuyến khích nhưng thực hiện nó như thế nào cho không phạm pháp, cho ra tư thế người công dân trẻ hiện đại, am tường pháp luật mới là chuyện khó, và là một đòi hỏi bắt buộc.

Trong sự tự do của thế giới kỹ thuật số, ý thức thượng tôn pháp luật lại càng cần được đề cao hơn. Và song song đó, sáng tạo không thể chỉ là sự ăn cắp, mà đáng ngại hơn là ăn cắp chính cả thứ ngu xuẩn của người khác để làm tăng "mức độ ngu xuẩn" của chính mình.

Văn Đoàn
.
.