Phú – thể loại một đi không trở lại?

Thứ Bảy, 24/08/2019, 07:44
Thể Phú rất phát triển trong thời trung đại, đến mức Nhà nước phong kiến đưa vào chương trình thi cử để tuyển chọn nhân tài. Sĩ tử đi thi tối thiểu phải thuộc “thiên thi, bách phú, văn sách ngũ thập” (nghìn bài thơ, trăm bài phú, năm mươi bài văn sách) mới có thể làm được bài.

Mục đích chính của Phú là để ca ngợi hay tỏ chí nên tính khoa trương là đặc trưng thể loại nổi bật. Khoa trương thì không nệ thực, mà phải cách điệu, thậm xưng, bóng bẩy để tạo ra không khí hoặc sang trọng đáng kính hoặc hài hước vui vẻ hay mỉa mai đáng ghét…

Ví như ở hai câu sau: “Vẻ hoa thạch châu thêu, gấm dệt/ Tiếng trùng cầm, ngọc gõ, vàng khua” (Nguyễn Huy Lượng - Tụng Tây hồ phú). Lịch sử nghệ thuật của Phú khởi nguyên ở chốn cung đình, càng về sau càng bắt rễ rồi cắm sâu hơn vào đời sống thế tục. Thể loại đã quy định sáng tạo và thưởng thức Phú phải thật sự tài năng, mà rõ nhất là phải có trí tưởng tượng phong phú, thi tứ, ngôn ngữ dồi dào, học vấn cao sâu…

Phú là cả một thế giới tính từ cực tả để gây ấn tượng về sự vật hiện tượng luôn ở những thái cực đối lập, thường được miêu tả trong trạng thái sống động nhất đối cực với những gì bất biến, nhợt nhạt, tĩnh tại. Cực tả để đẩy vấn đề từ bình thường đến khác lạ, mới mẻ. Do vậy, Phú dễ bị ngộ nhận là thể văn phù phiếm chuyên đẽo câu gọt chữ.

Đua thuyền nơi Ngã ba Hạc.

Thực ra, do nằm trong khu vực lằn ranh thể loại và kết tinh thế mạnh của thơ và văn xuôi nên Phú là mảnh đất màu mỡ để các nhà thơ thể hiện tài năng (như về nghệ thuật tu từ) và hiểu biết văn hóa (kiến thức cổ xưa như cách dùng điển cố).

 Phú miêu tả có đặc điểm thường hướng về những sự vật, hiện tượng ngộ nghĩnh, mô tả những nét đặc trưng rồi khoa trương chúng lên bằng những nét vẽ tinh tế, bằng nghệ thuật ngôn từ điêu luyện để gợi ra những liên tưởng mới, tạo ra những cách hiểu khác, hóm hỉnh, hài hước. Tiêu biểu là “Phụng thành xuân sắc phú” của Nguyễn Giản Thanh, “Đại Đồng phong cảnh phú” của Nguyễn Hãng, “Ngã Ba Hạc phú” của Nguyễn Bá Lân…

Đây là một thế giới thiên nhiên thật sống động nhờ sự kết hợp các từ láy tượng thanh, tượng hình, các động từ mạnh: “Đùn đùn núi Yên Ngựa, mấy trượng khỏe thế kim thang/ Cuồn cuộn thác Con Voi, chín khúc bền hình, quan tỏa”.

Có chỗ triệt để sử dụng phép liệt kê: “Đủng đỉnh túi thơ bầu rượu, nặng cổ thằng hề/ Dập dìu quần sả, áo nghê, dầu lòng con tý/ Diên đồi mồi, châu châu, ngọc ngọc, nhiều chốn phồn hoa/ Viện thu thiên ỷ ỷ, la la, mười phần phú quý” (Nguyễn Hãng - Đại Đồng phong cảnh phú) tạo ra sự trập trùng hình ảnh vừa quen thuộc gợi về không gian đời nay (túi thơ, bầu rượu, thằng hề, con tý), vừa lạ lẫm nhờ cách dùng từ Hán Việt gợi về không gian xưa cũ xa xôi (diên: tiệc rượu; viện thu thiên: cây đu); với những sắc màu lóng lánh (quần sả: quần có màu biếc như màu lông chim chả; áo nghê: áo nhiều màu sắc như màu cầu vồng; ỷ: vải nhiều màu; la: lụa mỏng). Đoạn này chứng minh tuy thiên về miêu tả nhưng nhờ cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, màu sắc mà Phú có thể vươn tới sáng tạo nhiều miền không gian, mỗi không gian lại mang những đặc trưng riêng.

Nguyễn Huy Lượng trong “Tụng Tây Hồ phú” miêu tả bức tranh Tây Hồ trời nước mênh mang: “Sắc rờn rờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo/ Hình lượn lượn uốn vòng trăng bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò”. Các động/tính từ láy (rờn rờn, lẻo lẻo, lượn lượn) cùng danh/tính từ láy (nhò nhò: nước hồ Tây trắng xóa, như sông Ngân Hà trên trời rơi xuống những mảnh nhỏ) kết hợp với các động từ mạnh (nhuộm, uốn, nổi lên, rơi xuống), các tính chỉ màu sắc, trạng thái (lam xanh, bạc, sắc, hình) làm tăng lên sự sinh động, tươi tắn của cảnh vật.

Nguyễn Bá Lân trong “Ngã Ba Hạc phú” nổi tiếng cho thấy thể Phú thật sự là mảnh đất để các tài năng thể hiện các thủ pháp ngôn ngữ điêu luyện, tinh tế: “Xinh thay Ngã Ba Hạc/ Lạ thay Ngã Ba Hạc/ Dòng thẳm một dòng, ngả chia đôi ngả/ Ba ngác khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào/ Lênh láng dễ biết nông sâu, nước đen pha nước bạc”.

Ngã Ba Hạc là ngã ba sông, nơi gặp gỡ, giao hòa của sông Hồng, sông Lô, sông Đà. Nước sông Lô xanh, nước sông Hồng đỏ (dòng biếc lẫn dòng đào), nước sông Đà đen (nước đen). Các đối cực hình ảnh: “thẳm/ chia; một dòng/ đôi ngả; rộng/ hẹp”; các đối cực sắc thái: “biếc/ đào; đen/ bạc; nông/ sâu” cho thấy sự vật cứ như đang hiện ra, mở ra xôn xao trước mặt.

Các phép lặp và láy tạo ra cảm giác sự vật cứ như cựa quậy, xô đẩy nhau, biến hóa, động đậy: “Trên xô nguồn, nguồn chảy vẩn vơ/ Dưới ngấn nước, nước xuôi tuồn tuột”. Nhất là các hình ảnh: “ba góc bờ tre văng vẳng, huyệt kim quy chênh hẻm đá gồng ghềnh/ Một chòm bãi cỏ phơi phơi, hang anh vũ thấu lòng sông huếch hoác” được cấu tạo bởi các từ gọi tên, miêu tả sự vật (ba góc bờ tre, huyệt kim quy, một chòm bãi cỏ, hang anh vũ); cách láy tượng thanh, tượng hình (văng vẳng, gồng ghềnh, phơi phơi, huếch hoác); các từ gợi cảm giác về sự vật chênh vênh, bí hiểm (chênh hẻm); xa xôi, vắng vẻ (văng vẳng); gồ ghề, cheo leo, lồi lõm (gồng ghềnh); lở lói, lam nham, trống hoác (huếch hoác).

Tất cả tạo nên bức tranh tả thực mà các hình ảnh cứ hiện lên rõ mồn một, đầy sức sống. Và tất nhiên phải có con người: “Rủ dây dù ông Lã máy cần, trần trã mặc Chử Đồng ngâm nước/ Thuyền ngư phủ trôi dòng, dang nách khum lưng chèo dếch ngược”. Ở đây là người câu (ông Lã Vọng), người tắm, người chèo thuyền, tất cả đều ở trạng thái động nhất, người câu thì “máy cần”, người tắm thì ngâm nước, ông phủ thì “chèo dếch ngược”.

Cảnh Hồ Tây xưa.

Đấy là nhìn gần, còn nhìn xa rộng hơn thì: “Trôi trôi dài hơi cốc lặn, mênh mang vây nước ao thành”, nhìn cao hơn thì: “Vênh vênh thẳng cánh cò bay, sẵn nước doành Ngân bến bắc”. Nếu các từ láy ở đoạn trước thường được đặt ở cuối mệnh đề thì ở đây lại được đặt ở vị trí đầu để nhấn mạnh trạng thái sự vật như đang mở ra, xa xôi, mênh mang, bát ngát…

 Phú là thế giới của những từ láy, động từ láy, tính từ láy với láy tượng thanh, láy tượng hình làm cho đối tượng miêu tả thêm sống động, phập phồng, cựa quậy. Một đoạn trong “Tịch cư ninh thể phú”: “Cầm quạt lá phất phơ/ Quẩy túi thơ xốc xếch/ Lẽo đẽo thằng hề mọn, trước ngàn mai lẩn thẩn đứng chờ/ Lểnh khểnh vó lừa gầy, bên rừng trúc dần dà sẽ tếch/ Hem hẻm đường mây lần trước, đứng nhìn non gió thổi đìu hiu/ Phây phẩy sườn núi rũ đầu, ngồi xem ác bóng đà chênh chếch”.

Các từ láy lại được phân phối nằm ở vị trí đầu và cuối câu thơ càng tăng cường thêm sự sống động của các hình ảnh nằm ở giữa câu. Giả sử tước bỏ các từ láy này thì hồn vía sự vật sẽ không còn, sự tinh tế, hóm hỉnh của bút pháp cũng không được thể hiện.

Khi văn xuôi tự sự chưa phát triển, chịu sự quy định của thể loại, mà thơ cũng khó khăn trong việc xây dựng những hình tượng nghịch dị gây cười, nên sứ mệnh này Phú đã gánh vác một cách xuất sắc. Chỉ có trong thể Phú, Tú Xương mới có thể tự trào một cách thoải mái nhất: “Có một thầy/ Dốt chẳng dốt nào/ Chữ hay chữ lỏng/ Nghiện chè nghiện rượu, nghiện cả cao lâu/ Hay hát hay chơi, hay nghề xuống lõng” (Hỏng thi phú). Thậm chí tự hạ mình xuống hàng du côn lưu manh liều lĩnh: “Quần áo rách rưới/ Ăn uống xô bồ/… Râu rậm như chổi/ Đầu to tầy giành/ Cũng lắm phen đi đó đi đây, thất điên bát đảo/ Cũng có lúc chơi liều chơi lĩnh, tứ đốm tam khoanh” (Thầy đồ đi trọ).

Tả chân dung mình mà lại theo nguyên tắc vật hóa (Râu rậm như chổi/ đầu to tầy giành; tứ đốm tam khoanh) tức là tự cười mình đau đớn nhất, xót xa nhất. Trong bất cứ thời đại nào thì con người cũng là thước đo trung thực nhất về bản chất nhân văn xã hội đó, ở đây con người lại được miêu tả tha hóa, nghịch dị, ngoài tiếng cười vui vẻ, hài hước thì cũng là một cách lên án môi trường xã hội tha hóa, nghịch dị.

Nhưng miêu tả sống động tài tình nhất là “Ngã Ba Hạc phú” của Nguyễn Bá Lân (Tiến sỹ, làm quan chức Thượng thư thời Hậu Lê). Ai cũng thấy tả “cái ấy” mà không nói ra “cái ấy”: “Ba góc bờ tre văng vẳng, huyệt kim quy chênh hẻm đá gồng ghềnh/ Một chòm bãi cỏ phơi phơi, hang anh vũ thấu lòng sông huếch hoác”. Tả “hành động” ấy mà không nói là “hành động” ấy: “Tượng chân quỳ gối lắc, cầy xuôi/ Thuyền ngư phủ trôi dòng, dang nách khum lưng chèo dếch ngược”. Trên câu chữ là những hình ảnh rất mực trong sáng, tinh tế, nhưng lấp ló sau đó là hình ảnh, hành vi rất mực phồn thực. Đây là những tiền đề để có một hiện tượng Hồ Xuân Hương thiên tài tiếp sau!

Nguyễn Thanh Tú
.
.