Cái tóc còn hơn một “góc con người!”

Thứ Sáu, 15/01/2021, 07:48
Tục ngữ nước mình nói rất hay về tóc: “Cái răng cái tóc là góc con người”. Cái “góc” ấy là một phần, quan trọng hơn là sự biểu hiện cả con người. Trong “Truyện Kiều” cụ Nguyễn Du có 9 lần nói đến tóc, mái tóc, là “tóc mây”: “Tóc mây một món dao vàng chia đôi”; tóc thề: “Tóc thề đã chấm ngang vai”, là “nước tóc”, “tóc sương”, “tóc tơ”, kết tóc, xe tơ...


Tục ngữ nước mình nói rất hay về tóc: “Cái răng cái tóc là góc con người”. Cái “góc” ấy là một phần, quan trọng hơn là sự biểu hiện cả con người. Trong “Truyện Kiều” cụ Nguyễn Du có 9 lần nói đến tóc, mái tóc, là “tóc mây”: “Tóc mây một món dao vàng chia đôi”; tóc thề: “Tóc thề đã chấm ngang vai”, là “nước tóc”, “tóc sương”, “tóc tơ”, kết tóc, xe tơ... 

Trong bài thơ “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ có câu hay nhất là nói về “tóc” một cụ bà: “Nước thời gian gội tóc trắng phau phau” rất phù hợp với ngữ cảnh “hoài cổ”. 

Đến tiểu thuyết “Hòn Đất”, nhà văn Anh Đức miêu tả “suối tóc” của chị Sứ biểu hiện cho cái đẹp, cho bản lĩnh, cho sức mạnh, cho tình yêu bất tử của nhân vật: “Suối tóc của hai mươi bảy tuổi đời con gái, vừa mượt vừa dày, gồm muôn sợi bền chặt, rủ từ đỉnh đầu bất khuất đó, rủ chấm suốt sát đôi gót chân”. 

Nhất là trong thơ, tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây thì bồng bềnh, bạt ngàn muôn mái tóc. Người phương Đông ví tóc với mây trời (tóc mây). Người phương Tây ví tóc như dòng sông: “Mái tóc một dòng sông êm đềm/ Tâm hồn ta ngụp lặn đê mê” (Mallarmé)... Như vậy “tóc” là một mã văn hóa rất dày các lớp nghĩa!

Hòn đá thiêng (Myanmar).

Theo các nhà y học, mỗi người có khoảng hơn 100.000 - 150.000 sợi tóc, mỗi ngày khoảng 70 - 100 sợi tóc rụng và từng ấy sợi tóc mọc. Sự thay đổi của tóc (hình dáng, kích thước, màu sắc) là sự biểu hiện tình trạng tuổi tác, sức khỏe (cả vật chất và tinh thần). 

Sử Trung Quốc kể tướng Bạch Khởi chỉ suy nghĩ một đêm đánh hay không đánh trận quyết định mà tóc đang xanh sáng hôm sau bạc trắng. Chuyện có thật là một bà quận chúa nước Pháp tóc cũng trở nên bạc trắng chỉ sau một đêm khi bà hay tin bị kết án tử hình... 

Ngày nay khoa học khuyến nghị ai bị rụng tóc thì phải bổ sung ngay chất sắt; tóc ai bạc màu thì phải ăn thêm protein... Những ai ở đô thị lớn hay bị ô nhiễm phải luôn đội mũ, trùm khăn bảo vệ tóc vì sự ô nhiễm, có thể làm viêm da đầu gây rụng tóc. Nhưng không nên đội mũ bảo hiểm quá lâu vì độ cọ xát, nhất là ở môi trường kín làm đổ mồ hôi, gây xáo trộn hệ sinh thái da đầu. 

Nếu vì tuổi tác mà tóc rụng thì tạo hóa cũng ưu ái phái đẹp hơn là chứng rụng tóc xuất hiện muộn và phân bố đều trên da đầu. Đàn ông tóc thường rụng ở vùng trán tạo ra chứng hói. Chữa hói rất khó, đến nay vẫn chưa tìm được thuốc công hiệu!

Hẳn nhiên tóc là biểu tượng cho sự quyến rũ, mời gọi. Chuyện này khỏi phải bàn. Tóc là biểu tượng cho quyền lực. “Thánh kinh” kể hiệp sĩ Samson mạnh mẽ bỗng trở nên yếu ớt vô cùng khi bị nàng Dalilah lập mưu cắt 7 bím tóc trong lúc chàng ngủ. Tỉnh dậy tóc chàng liền mọc lại. Tức giận chàng lay các cột ngôi đền, khiến đền đổ sập. Chưa hả, chàng xô núi núi đổ; vung tay thành bão... 

Trong truyền thống văn hóa Pháp thì các vua (dòng Mê-ro-vê) luôn giữ bộ tóc ngang vai, nếu không được như thế thì buộc phải đeo tóc giả. Vì đấy là biểu tượng cho uy quyền. Các ngài quý tộc thắng trận thế nào không biết nhưng dứt khoát phải cắt được tóc đối thủ để chứng minh... Ngược về xa xưa thì người da đỏ châu Mỹ có lệ lột cả bộ tóc của kẻ thù làm vật chứng minh sự chiến thắng…

Tóc là biểu tượng của sắc đẹp, cho sự sống... Nhìn chung tóc là biểu trưng cho cuộc sống trần thế đang sinh sôi nên nhà Phật chủ trương “xuống tóc” tức “xuất thế” để làm người tu hành. “Xuống tóc” là từ bỏ mọi “tham, sân, si”, mọi dục vọng để thành tâm “diệt dục”... Không chỉ thế, nếu tóc để dài dễ mất vệ sinh, khó làm việc nên với nhà Phật, “xuống tóc” cũng là một cách cắt bỏ mọi phiền hà, phiền lụy và tục lụy ở đời để trong sạch hướng về cõi Niết Bàn tinh khiết... 

Từ điều này ta hiểu vì sao ngày hôm nay, ở các nước châu Âu (Pháp, Đức) và Nga những kẻ quá khích thường cạo trọc đầu. Đấy là cách/sự biểu hiện phản kháng xã hội, sự “đối đầu” với chính quyền, luật pháp. Ra ngoài phố thấy nhốn nháo những thanh niên bặm trợn, ăn mặc ngổ ngáo lại cạo trọc đầu thì dân lành (nhất là dân gốc Á) nên tránh xa. Với văn hóa Việt thì tóc còn là biểu trưng cho địa vị xã hội, vị thế nhất định. Thế nên có câu “Nắm thằng có tóc ai nắm thằng trọc đầu”...

Trong xã hội có đẳng cấp, tôn ti kỷ cương được coi trọng thì tóc là một biểu hiện vị thế xã hội. Người Ấn Độ cổ xưa chỉ những ai đẳng cấp cao mới được để kiểu tóc theo mô hình mặt trời tỏa sáng, khuôn mặt là mặt trời, tóc là những tia sáng. Ở Nhật thời võ sỹ đạo có quy định nghiêm ngặt đẳng cấp võ sỹ nào được để kiểu tóc gì. Thời Mãn Thanh – Trung Quốc quy định dân thường để tóc bím...

Màu sắc của tóc chịu sự quy định của gen di truyền, như tóc đỏ hung là sự đột biến gen của protein; tóc vàng là do hiện tượng ức chế đột biến tạo ra melanin (một chất tạo màu tóc)... Tóc người châu Á chắc khỏe nhờ thân tóc dày và tròn, lại cắm sâu 7mm trong da đầu. Trong khi đó tóc người châu Phi xoăn thân và dẹt, chỉ cắm vào da đầu 2,5mm. 

Hình như thế mà tóc người châu Á đen mượt hơn (được cung cấp protein nhiều hơn), khả ái hơn nên đi vào thơ văn nhiều hơn... Cũng vì vậy các “trận chiến” của các “sư tử Hà Đông” cũng phần nhiều nhằm vào “tóc”. Tranh truyền thống hài hước của ta có bức hai bà vợ chung chồng đánh nhau vẽ cả cái kéo và lọn tóc cùng ông chồng bối rối... là rất phương Đông!

Quan trọng như vậy hẳn nhiên “tóc” phải được thiêng hóa. Ở đất nước Myanmar có một hòn đá thiêng tên là Golden rock (Đá vàng). Không phải nó bằng vàng thật mà do Phật tử quét vàng bọc vào tảng đá khổng lồ cao gần 7m nhưng điểm tiếp xúc với mặt chất chỉ 78cm2. Thế mà tảng đá qua thời gian, gió mưa giông bão, kể cả động đất, hàng ngàn năm nay nó vẫn thách thức sự cân bằng vật lý... 

Tương truyền, bảo tháp trên đỉnh tảng đá là sợi tóc của Đức Phật neo vào giời... Đã thiêng nên càng ngày càng thiêng. Phật tử khắp nơi cứ tiếp tục mang vàng về dát vào đá tạo ra một kỳ quan. Mỗi khi ánh sáng mặt trời chiếu vào thì cả khối đá bừng sáng như dọi hào quang Đức Phật tới muôn nơi...!!!

Truyền thuyết Phật giáo xứ Myanmar còn đi xa hơn về “8 sợi tóc Phật Tổ”. Kể rằng các đệ tử Miến Điện cổ được gặp và được Phật Tổ cho 8 sợi tóc. Họ cho vào hộp vàng mang về chùa Shwedagon trên đồi Singuttara. Tận tay nhà vua đặt 8 sợi tóc này vào chiếc quan tài bằng vàng. 

Vừa đặt xong thì một luồng sáng phát dọi cao tới 9 tầng mây. Cả vũ trụ biến ảo. Châu báu từ trên trời rơi xuống như mưa. Cây cối trổ hoa kết trái. Người đang bị mù bỗng nhiên nhìn thấy mọi thứ, người điếc thì nghe được, người câm tự nhiên nói cười… Đó là ân huệ của Đức Phật. Nhà Vua liền ra lệnh xây ngọn tháp dát vàng cao hơn 8m (tức tháp Stupa) để thờ xá lợi Tóc Phật...

Tóc thiêng như vậy nên ở một số nước theo Phật giáo (nhất là Thái Lan) có tục không được xoa đầu trẻ em vì làm thế thì tóc không mọc tốt được, nhất là không “tỏa sáng” được!

Ở Việt Nam ta, tóc còn được thiêng hóa tới mức lấy làm biểu hiện cho ý chí tự chủ, tự cường, cho khát vọng độc lập, tự do. Vua Quang Trung đánh đuổi quân xâm lược Thanh có tuyên bố bất hủ: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng tri hữu chủ”. 

Chỉ câu cuối có từ Hán Việt (đánh cho lịch sử biết rằng nước Nam anh hùng có chủ) còn lại đều rất dễ hiểu. Kẻ xâm lăng hòng đồng hóa dân ta bằng văn hóa, bắt dân ta cắt tóc, để răng trắng. Phong tục, tập quán làm nên văn hóa. Chúng bắt ta bỏ phong tục, bỏ tập quán tức tước bỏ văn hóa. Nhưng ta đuổi giặc để ta giữ văn hóa của ta. Thế là việc đuổi quân cướp nước là hành vi văn hóa cao nhất, có ý nghĩa nhất!

Trước 1920, người Việt cả nam và nữ đều để tóc dài. Đàn ông búi tóc hất về sau gáy rồi trùm khăn gọi là búi tóc củ hành hoặc quấn khăn thành hình chiếc rìu (khăn để đầu rìu). Chẳng may bố/mẹ “50 tuổi về già”, khi phát tang cả con trai gái dâu rể đều phải xổ tóc cho đúng với kiểu “tang gia bối rối”. 

Đến thời Tân học, đàn ông mới cắt tóc ngắn. Đàn bà vẫn để tóc dài, thiếu nữ “bỏ tóc đuôi gà” làm duyên (Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên). 

Tóc, với phụ nữ hơn cả một “góc con người”, nó là bảo chứng cho tình yêu. Người nữ cắt một lọn tóc trao cho tình nhân để lúc nào cũng như bên nhau. Mãi thời gần đây khi chưa có thư điện tử, những cặp yêu nhau còn cắt tóc cho vào phong bì thư... Quả là một thời lãng mạn!!!

Nguyễn Thanh Tú
.
.