Phản biện, ngụy biện và sự tổn thương

Thứ Sáu, 24/04/2015, 08:02
Có thể nói, khi báo chí phát triển "như nấm sau mưa" trong những năm gần đây thì sự tổn thương do báo chí gây ra cũng phát triển theo cấp số nhân. Trong số những người bị thương tổn bởi báo chí có kẻ tốt - người xấu, có người già - trẻ nhỏ, có trí thức - thất học, có kẻ giàu sang - kẻ bần hàn... tựu trung lại là độc giả.

1. Giật gân, câu view

Khi báo chí thực hiện một hành vi làm thương tổn cho "đối tượng" của mình, phần lớn là xuất phát từ mong muốn loại bỏ những điều tệ hại, những tiêu cực,... ra khỏi xã hội, góp phần làm xã hội trong sạch hơn thì đó là mặt tích cực của báo chí phản biện. Đã có nhiều vụ tham nhũng, sai phạm "tày trời" bị báo chí phanh phui. Đối với những hành vi này, phần lớn đều được độc giả khích lệ bởi hành vi đó của báo chí là góp tiếng nói đấu tranh làm trong sạch xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số tờ báo - nhất là báo mạng - khi thực hiện một hành vi gây thương tổn cho người khác chỉ nhằm vào mục đích câu view, câu like với những tít tựa giật gân, hòng lôi kéo nhiều người đọc, từ đó làm "bàn đạp" để hút quảng cáo. Chính kiểu làm báo này đã tác động một cách tiêu cực đối với cá nhân, tổ chức, gia đình, xã hội... Với những loại báo chí này, phần lớn bị người ta chê trách, phản đối. Loại báo chí này càng ngày càng phát triển vì nó đánh trúng điểm yếu của con người: tò mò và sự sợ hãi.

Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng  vừa khánh thành tại  Quảng Nam đã bị "tác giả" của những bài báo "ngụy biện" khai thác triệt để với những ý  đồ  không trong sáng và cái nhìn méo mó, phản cảm.

Khi mở một trang báo (mạng), điều đầu tiên đập vào mắt độc giả đó là cái tít, sau đó là hình ảnh. Nắm được tâm lý này, một số báo giật tít kiểu lập lờ gây sự tò mò cho người đọc. Điển hình cho loại tít báo này đó là: "Sự thật đằng sau...", "Sốt xình xịch...", hoặc bằng một mẫu câu nghi vấn "Trước khi chết, cậu/ông/bà/cô nói gì?"...

Những cái tít mang tính lập lờ đã gây sự tò mò, khiến ngay cả những người chán ghét loại báo chí này cũng phải vào và đọc. Đọc để coi nó có viết nhảm... đúng như mình suy đoán không. Và đúng. Chẳng có sự thật nào cả, chẳng sốt xình xịch chi hết và chẳng có lời nói nào trước khi chết cả. Chỉ có một điều duy nhất: Người vừa đọc thông tin đã đóng góp 1 view cho bài báo nói trên.

Bực. Tức. Chửi thầm. Nhưng lần sau gặp cái tít tương tự cũng phải click vào xem như một thói quen để rồi nhận lấy sự thất vọng kiểu viết câu view theo mô típ cũ. Loại báo chí này có tác động ghê gớm đến xã hội. Nó xâm thực khắp nơi, thậm chí nó tác động đến các cơ quan báo chí lâu nay được cho là chỉn chu, sang trọng, tin cậy của độc giả.

Có một loại độc giả nữa cho các loại báo này là đọc để... coi nó chửi mình thế nào. Loại độc giả này thường ít nhưng sự tổn thương thường rất cao. Đặc biệt, sự tổn thương đó không dừng lại ở "đối tượng chính", mà còn tác động xấu đến người thân, bạn bè, gia đình của đối tượng. Và, mỗi lần đọc bài báo xong, "đối tượng" thường có tâm lý hoảng hốt, sợ hãi, nhất là khi bị búa rìu dư luận từ chính người thân, bè bạn, gia đình,... bổ vào đầu. Tâm thế của đối tượng bị tổn thương là: Đau. Xót. Bi kịch. Tiêu cực.

2. Ngụy biện

Ngoài "thể loại" báo chí giật gân rẻ tiền, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều thể loại "báo chí ngụy biện" (tạm gọi như vậy vì chưa chọn được thuật ngữ sát sườn hơn để thay thế). Phong cách ngôn ngữ thường dùng cho thể loại báo chí này là phong cách bình luận với lối tư duy logic, khoa học; từ ngữ uyển chuyển, mềm mại; lối so sánh sinh động; sử dụng nhiều thuật ngữ mang tính triết học, hàn lâm,...

Khi đọc, độc giả thấy rất "sướng" vì cảm nhận người viết là một người rất bác học, kiến thức uyên thâm và rất đạo đức. Tuy nhiên, đọc kỹ sẽ thấy rằng, độc giả đang bị tác giả "dắt mũi". Thay vì sử dụng các luận cứ khoa học, phương thức suy luận logic để thuyết phục người đọc thì tác giả lại dùng thủ thuật đánh tráo khái niệm, suy diễn để mê dụ, đánh lừa bạn đọc.

Với thể loại này, đọc thấy hay, thấy logic, nhưng đọc kỹ thấy mình đang bị lừa đảo, mà kẻ lừa đảo không ai khác chính là tác giả, người làm ta sướng tai bằng những xảo thuật ngôn từ, xảo thuật logic. Đối với những nhà báo loại này, tác phẩm cứ  ra đời sòn sòn mà không tốn mấy mồ hôi. Hầu như họ chẳng buồn  đi đâu cả, không trực tiếp thu thập thông tin, chẳng buồn kiểm tra chéo hay xác minh, xác quyết điều gì. Họ chỉ sắm vai những "anh  hùng bàn phím". Họ ngồi một chỗ, lật mạng đọc tin tức và cứ thế bình luận, phát biểu, chém gió ào ào, nói cứ như đúng rồi, phán cứ như thánh tướng, nói như thể chính họ là người điều tra ra sự việc. Họ nói như thể chỉ có suy nghĩ, lập luận của họ mới là chân lý. Ai đó phản đối lại, họ phản đối lại còn mạnh mẽ hơn, từ ngữ, lập luận kêu và bay bổng hơn. Hoặc, nếu đuối lý, họ sẽ sẵn sàng phớt lờ, tỏ ra… không thèm chấp!

Nếu so sánh thể loại "giật gân câu khách" thì tác hại của "báo chí ngụybiện" nguy hiểm hơn rất nhiều. Với thể loại báo chí "giật gân câu khách", nó tác động tức thời đến độc giả nhưng những loại bài này sẽ ngay lập tức "hiện nguyên hình" sau khi chúng ta đọc hết bài báo. Vì thế, độc giả biết mình bị lừa nhưng ít đau, ít tức và ngay tiếp đó là bài học kinh nghiệm được rút ra. Trong khi đó, thể loại "báo chí ngụy biện" tác động lớn đến suy nghĩ, tư tưởng và phỉnh lừa dẫn dắt độc giả đi rất xa, rất sâu. Khi độc giả đó "ngộ" ra thì không còn cơ hội quay lại hoặc giả bị tổn thương rất nặng nề. Và tất nhiên, hậu quả là không hề nhỏ.

3. Lừa mị

Những ngày qua, trên khuôn diện báo chí Việt Nam có rất nhiều sự kiện nóng bỏng: Dê "đi lạc" vào nhà lãnh đạo ở Thạch Thành (Thanh Hoá); gà nông thôn mới "đi lạc" vào nhà quan xã ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam); Hà Nội "bức tử" cây xanh; tỉnh nghèo Quảng Nam xây dựng nhà khách, tượng đài trăm tỷ;... Dường như, có cả ngàn bài báo, cả triệu status/comment về các vấn đề nóng của xã hội. Trong số đó có những bài báo, status đã gây hiệu ứng xã hội lớn, thanh lọc những cán bộ thoái hoá biến chất, đấu tranh và chỉ ra những sai phạm, sai lầm nghiêm trọng của cán bộ trong việc thực thi các chính sách lớn của Nhà nước, gây hoang mang trong lòng dân, hoang phí trong đầu tư xây dựng...

Chiếc bánh dày giữ kỷ lục to nhất Việt Nam trông lễ dâng hương Đền Hùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những bài báo có tâm, có tầm thì cũng với những đề tài trên, một số báo đã dùng thủ thuật "ngụỵ biện" để thực hiện hành vi "lừa đảo" đối với độc giả. Điển hình của thủ thuật ngụỵ biện đó là một số tờ báo đã "cung cấp một nửa thông tin" để lấy lòng tin độc giả, sau đó sử dụng thủ thuật "so sánh suy diễn" với công thức: 1 tượng đài = "n" căn nhà cho hộ chính sách nghèo.

Sự chênh lệch về con số của phép so sánh trong một trường hợp cụ thể đã nhanh chóng đánh lừa suy nghĩ của độc giả, dẫn đến sự phản đối trên diện rộng mà không hề biết rằng, một nửa sự thật còn lại nằm ở chỗ: tượng đài không phải của tỉnh Quảng Nam xây dựng, mà là do Nhà nước và nhân dân đóng góp xây dựng; tượng đài không chỉ là nơi tri ân, tưởng nhớ tiền nhân, mà nó còn là bảo tàng, là điểm đến du lịch, một "cú hích" cho sự phát triển của một nơi không có gì làm tiềm năng ở những thành phố nghèo, chậm phát triển. Thậm chí, trong một bài báo "Việt Nam thích to", có tờ báo còn so sánh tượng đài mẹ Việt Nam Anh hùng với tô phở, ly cà phê khổng lồ,... để cợt nhả.

Việc phê phán "Việt Nam thích to" đối với tô phở, ly cà phê hay là gì gì đó là cần thiết nhằm loại bỏ cái kiểu tư duy lá cải "khủng" mà người Việt mắc phải trong những năm gần đây. Nhưng việc đánh đồng cái "khủng" của tô phở, của ly cà phê - những vật thuộc lĩnh vực ẩm thực - với một tượng đài mẹ Việt Nam Anh hùng đó là sự xúc xiểm, bất kính.

Với lối so sánh suy diễn như trên, mới đọc thấy sinh động nhưng ngẫm lại thấy rất không ổn. Đó là sự xúc phạm tiền nhân bằng thủ thuật so sánh khập khiễng, suy diễn, ngụy biện... hòng lôi kéo đám đông độc giả... chửi theo hiệu ứng đám đông.

Trong một xã hội, báo chí đóng một vai trò hết sức quan trọng, có những đóng góp to lớn trong việc điều chỉnh xã hội, thanh trừng kẻ xấu và công cụ chống tham nhũng rất hữu hiệu. Do báo chí có một vai trò hết sức quan trọng nên không chỉ toà soạn báo, mà mỗi người làm báo cần phải "nâng mình lên" để xứng tầm và hướng đến là cái CHÂN-THIỆN-MỸ. Và tất nhiên, con đường đến CHÂN-THIỆN-MỸ không bao giờ chấp nhận cái thể loại "báo chí ngụy biện" kia.

Nguyên Khôi
.
.