(Đọc tập thơ "Cho vĩnh cửu mùa thu" của Phạm Duy Nghĩa, NXB Văn học - 2021)

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa và lối tắt vào thơ

Thứ Sáu, 04/06/2021, 16:10
Ít người biết còn có một Phạm Duy Nghĩa lặng lẽ làm thơ, từ những năm tháng sinh viên cho đến khi thành một thầy giáo ở vùng cao. Tháng 4/2021 vừa qua, anh đã cho xuất bản tuyển thơ đầu tay của mình với tên gọi "Cho vĩnh cửu mùa thu", gồm 30 bài thơ.


Trong làng văn, Phạm Duy Nghĩa được biết đến như một cây viết truyện ngắn đã có nhiều thành tựu với bề dày hơn 20 năm sáng tác. Từ năm 2002 đến nay, anh đã in 4 tập sách, trong đó, truyện ngắn "Cơn mưa hoa mận trắng" từng giành giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ 2003 - 2004. Thế nhưng, ít người biết còn có một Phạm Duy Nghĩa lặng lẽ làm thơ, từ những năm tháng sinh viên cho đến khi thành một thầy giáo ở vùng cao. Tháng 4/2021 vừa qua, anh đã cho xuất bản tuyển thơ đầu tay của mình với tên gọi "Cho vĩnh cửu mùa thu", gồm 30 bài thơ.

Như lời tác giả tự bạch trong phần mở đầu thi tập, những bài thơ này được in ra như để lưu giữ lại chút "ký ức dịu dàng" cách đây đã 20 năm với không ít "những non xanh, vụng dại". Và hầu hết những bài thơ đều được viết trong năm 2000. Thế nhưng, sau khi đọc hết 30 bài thơ, tôi nhận ra một phẩm chất thi sĩ đích thực của Phạm Duy Nghĩa với hồn thơ tươi sáng, trong ngần đã mang đến cho độc giả một hơi thở mát lành như sương mai, như những cơn mưa, giọt nắng ở vùng cao mà anh từng đi qua…

Tình yêu trong thơ Phạm Duy Nghĩa hầu hết là những ký ức. Bao kỷ niệm dội về lúc xa lúc gần, mang nhiều nuối tiếc. Nhưng ngay khi tất cả những mối tình đều tan vỡ, dang dở thì trong thơ anh, sự dang dở đó vẫn đẹp lạ lùng: "Ngày tôi đi dằng dặc triền sông/ Hoa cải tiễn, hoa cải cười, hoa cải khóc/ Nghe đắng ngọt phấn hoa vàng trên tóc/ Tuổi thơ xưa trinh trắng mãi xa rồi". (Nỗi buồn hoa cải). 

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa. 

Thi sĩ cố gắng nắm bắt một hư ảo trong tình yêu nay đã không còn, cũng có thể mối tình ấy chỉ là một mơ ước để con người mãi ngóng chờ, nhưng không khi nào tắt một niềm tin. Những giãi bày ấy làm cho chúng ta xúc động: "Đêm sa mạc với nhiều ảo ảnh/ Em là sương xanh mộng trăng ngần/ Bao giờ hỡi nỗi buồn ngưng kết/ Chảy ngọt ngào tan tuyết lạnh mùa xuân/ Anh rực lửa. Em mong manh hạt nước/ tan nhòa mây. Lại trống trải sinh thành/rạo rực chiều nay vườn trở ấm/ Phải em về lặng lẽ tìm anh…". (Ảo ảnh).

Có một chùm những bài thơ như tái hiện những năm tháng sống và làm việc tại vùng cao. Có những bài thơ 5 chữ thật trong lành, hồn hậu với đất và người. Có lẽ đó là những tháng năm rực rỡ không thể nào quên trong lòng tác giả: "Ơi em gái Hmông/ tối nay còn đến học?/ Hương quả thơm quện tóc/ bay khắp rừng mênh mang/ Bước theo ngựa vội vàng/ Em ngoái nhìn, e ấp/ Hương quả hay hương đất/ Hồn cây hay hồn người". (Mùa thảo quả). 

Những câu thơ cho ta thấy yêu thêm nghề dạy học, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống mỗi ngày: "Nhớ cô giảng hôm nào/ "nước Việt mình đẹp mãi/đủ bốn mùa cây trái"/ em thầm ước bên vườn/ Xin xuân hạ chút hương/ Điểm sắc vàng thu nữa/ sớm này em gõ cửa/ tặng cô cả bốn mùa". (Bốn mùa). 

Thăm lại thầy giáo cũ, Phạm Duy Nghĩa cũng viết được những câu thơ thật cảm động về ân tình của người thầy. Không chỉ vì những năm tháng đã được thầy truyền thụ kiến thức mà còn vì người thầy vẫn luôn dõi theo tất cả những bước đường của học trò: "Lối xa về thầy lại đưa chân/ Lời thủ thỉ sưởi quãng đường ấm áp/ Thơ dần hiện giữa nền đêm đen bạc/ Man mác hồn cốm xanh". (Với thầy, đêm trở gió).

Tự thừa nhận mình thuộc một thế hệ lớn lên "trong từ trường của văn hóa, văn học Xô - viết", Phạm Duy Nghĩa có một số bài thơ lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học Nga hoặc các nghệ sĩ Nga. Đó là các bài: "Tâm hồn" (Đọc Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy), "Trước Levitan", "Lá thư từ Ukraine", "Tiếng còi tàu đêm" (theo truyện Cây phong non trùm khăn đỏ của Aitmatov). 

Tôi đã gặp ở đây những câu thơ thật đẹp: "Những người vợ âm thầm khó nhọc/ Nghiêng giọt sữa bò nuôi sống cả nước Nga" (Trước Levitan), "Trắng cơn mơ ánh chớp trên đồng/ Mùi rơm ngái và mùi hoai đầm phá/ mối tình chín suốt mùa hè óng ả/ đêm mơ màng xanh ngát bụi trăng ngân" (Lá thư từ Ukraine). Không có một tâm hồn thánh thiện và chân thành, người ta không thể viết được những câu thơ như thế. 

Dĩ nhiên thơ Phạm Duy Nghĩa còn có cả chất lãng tử bát ngát phiêu du, được thể hiện khá kín đáo: "Nay nhớ thương anh gọi thầm "em gái"/ Xin đốt thư này, trao gió, gửi tìm em". (Kỷ niệm), "Lá biết đời mình thoáng nhẹ như mơ/ Kìa sợi gió, thung sâu xanh thẳm nhắc/ thầm lặng thế lá ơi dù khoảnh khắc/ thêm chút vàng cho vĩnh cửu mùa thu". (Chiếc lá). 

Độc giả còn có thể tìm được sự đồng cảm với Phạm Duy Nghĩa trong những câu thơ viết về mẹ. Thơ về mẹ của Phạm Duy Nghĩa rút ngắn khoảng cách không gian và cho ta được ngược dòng thời gian tìm về với tuổi thơ: "Cuối chiều đông/ Mẹ tôi đốt lá/ Khói xanh mơ nhòa nhạt nhuốm làng/ Hư ảo quá/ Chiều êm đềm cổ tích/ Đưa nhớ về xa vời mênh mang". (Lâu đài cát), "Mẹ thương thằng bất hiếu/ Suốt một đời đi hoang/ Xin hoa chở mùa sang/ Thay tôi mừng tuổi mẹ/ Hương hoa thoáng ngậm ngùi/ Ấm lại thời son trẻ/ Xin hoa vàng rơi khẽ/ trên mái đầu mẹ tôi/ hắt hiu chiều gió buốt/ khóc ngày xưa xa rồi". (Vườn mẹ).

Dù viết văn hay làm thơ, theo tôi, Phạm Duy Nghĩa có một ý thức mãnh liệt về sáng tạo. Bài thơ "Cảm hứng" trong tập với lời đề từ của Paustovsky: "Ý sáng tác như một tia chớp" có thể coi là một tuyên ngôn sáng tạo của anh: "Giữa mênh mông hỗn tạp ngôn từ/ Ý tưởng hiện khi nào chẳng rõ/ Giọt lân tinh lúc mờ lúc tỏ/ Khi chói lòa xanh ngát vệt sao băng/ Trong mơ hồ văng vẳng thanh âm/ Câu chữ ló như trái dần đỏ nắng/ Triệu tế bào căng thẳng/ Vũ trụ nhòa trôi rơi/ Le lói rừng đêm đốm lửa trêu ngươi/ luôn trước mặt đi hoài mà chẳng đến/ chuyện muôn thuở trốn tìm nhọc mệt/ trong vòng tay ma quái của ngôn từ".

Bìa tập thơ "Cho vĩnh cửu mùa thu" của nhà văn Phạm Duy Nghĩa.

Tôi cho rằng, nếu tiếp tục làm thơ, Phạm Duy Nghĩa sẽ tạo ra một giọng điệu và vị trí riêng của mình. Thơ Phạm Duy Nghĩa mang phong vị cổ điển, chinh phục người đọc bằng cảm xúc chân thành, tự nhiên, trong sáng, có đủ chiêm nghiệm của một người từng trải, có sự nghiêm cẩn của một ông giáo và cả chất lãng tử của một thi sĩ phiêu bạt. Các hình ảnh, biểu tượng trong thơ Phạm Duy Nghĩa mang tính chuẩn mực và dễ cảm nhận với số đông độc giả. Thơ được chú trọng cả về vần và nhịp điệu, từ nhạc tính mỗi khổ thơ cho đến tổng thể toàn bài, dù bài thơ được viết theo hình thức tự do hay sự đều đặn về số chữ của mỗi dòng thơ.

Có một bài thơ đặc biệt của anh mà tôi muốn dùng để khép lại bài viết nhỏ này. Đó là bài "Nửa đêm thăm căn nhà cũ". Nếu như trong khá nhiều bài của tập, hiện lên chất "Xô- viết" rất đậm đặc, từ đề tài cho đến các hình ảnh, điển tích, câu chuyện; thì bài "Nửa đêm thăm căn nhà cũ" lại cho ta đậm một cảm thức phương Đông: "Trăng soi lối cũ căn nhà cũ/ Mười năm tìm lại tiếng đàn/ ngơ ngẩn nỗi niềm Từ Thức/ tiêu điều gió lộng vườn hoang/ Có phải thi nhân sầu thế thái/ Hoa thì hay héo cỏ thường tươi/Thuyền đã dời neo đàn đứt tiếng/ Đâu bến trong lành đâu gió khơi?/ Hay đã lầu hoa xanh tiếng nhạc/ Câu thơ im ngủ dưới chân giày/ Trăng về lủi thủi nơi triền bãi/Ai khác xưa rồi ai có hay?/ Tán bàng cuối nhuộm đông đỏ tía/ Âm thầm trút lửa vào đêm/ Nhà xưa lá phủ im lìm/Chỉ còn trăng đọng trắng thềm bâng khuâng…". 

Cảnh cũ chốn xưa người xa vắng vốn là một thi đề quen thuộc trong văn chương cổ điển, từ Lý Bạch của đời Đường đã có những nỗi niềm như thế: "Em còn ở đầy nhà hoa ngát/ Em đi rồi ngơ ngác giường xưa". (Ký viễn, Nguyễn Bính dịch). 

Đến thời hiện đại, nhà thơ Vũ Quần Phương cũng có những xúc cảm rưng rưng với căn nhà cũ: "Cho tôi đứng chút thôi trước căn nhà cũ ấy/ Sáng mai thôi nó hóa thân rồi/ Cho tôi nghe tiếng rì rầm của bức tường long lở/Của mái ngói rêu phong/ Của ấu thơ bàn tay đầy mực tím/Tôi từ giã bao lần những áo quần mặc chật/Những nỗi buồn cho tôi lớn lên/ Nhưng lần này trước căn nhà cũ nát/ Trái tim tôi thành viên gạch trên tường". (Căn nhà xưa). 

Nhưng điểm độc đáo ở bài thơ của Phạm Duy Nghĩa, theo tôi, không phải thi sĩ nhớ nhung và tìm kiếm một tha nhân mà con người ấy đang đi tìm lại chính bản thân mình, tìm lại những khát vọng và nỗi niềm một thuở. Nào là ước mơ Từ Thức xa vời, nào là đau đáu thế thời qua câu thơ Nguyễn Trãi (Hoa thường hay héo cỏ thường tươi). Toàn bài tràn ngập những câu hỏi tu từ, nhạc tính réo rắt uyển chuyển dẫn dụ người đọc với những câu thơ gây nhiều dư ba, độc đáo trong diễn đạt: "Hay đã lầu hoa xanh tiếng nhạc/ Câu thơ im ngủ dưới chân giày/ Trăng về lủi thủi nơi triền bãi/ Ai khác xưa rồi ai có hay?". Và rồi tác giả bất ngờ khép lại thi phẩm bằng một câu lục bát mềm mại, mênh mang: "Nhà xưa lá phủ im lìm/ Chỉ còn trăng đọng trắng thềm bâng khuâng…". Cái hay cái đẹp của bài thơ đã chạm vào mạch cổ điển trong thi ca dân tộc và có thể xem đây là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của tập thơ này.

Phạm Duy Nghĩa khá khiêm nhường khi nhận mình là một người văn xuôi làm thơ. Anh cũng không định bước tiếp với thơ mà chỉ coi thi tập này là một kỷ niệm. Nhưng theo tôi, thơ hay không cần phải viết nhiều, bởi như người xưa đã nói: "Quý hồ tinh bất quý hồ đa". Trong một lần dạo chơi ngang qua khu vườn thơ, Phạm Duy Nghĩa đã nán lại ít lâu, tặng cho đời một chùm hoa ngát hương nhiều màu sắc. Chúng ta còn đòi hỏi gì hơn thế nữa?! 

Trang Thụy
.
.