Phải xứng đáng với đồng lương được nhận

Thứ Sáu, 18/05/2018, 08:24
Tuần qua, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thảo luận tại Hội trường về Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”. 


Đề án với nhiều giải pháp mang tính đột phá, khi được đưa vào thực hiện chắc chắn sẽ được người lao động đón nhận và đồng tình, góp phần giảm thiểu tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong đội ngũ cán bộ, công chức...

Hiện tại, lương của cán bộ, công chức chỉ đủ cho 40% nhu cầu cuộc sống và có tới 30% công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", thế nhưng, vẫn có rất nhiều người sẵn sàng "chạy" bằng mọi cách để được vào làm tại các cơ quan, tổ chức Nhà nước. 

Điều gì đã đem lại sự "hấp dẫn" và "sức hút" kỳ lạ đến vậy? Lý do thứ nhất: là vì công việc ổn định, mặc dù yếu kém về chuyên môn, không có đủ trình độ, năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng chẳng ai bị đuổi việc. Lý do thứ hai: mặc dù thu nhập thấp nhưng ổn định và còn được hưởng nhiều bổng lộc khác trong quá trình thực thi công vụ.

Từ hai lý do trên, đã phát sinh nhiều căn bệnh trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước khi phần lớn trong số họ chỉ làm việc theo tinh thần hoàn thành công việc được giao, bởi làm nhiều sẽ dễ dẫn đến rủi ro, nên cán bộ, công chức chọn phương án an toàn là chỉ làm theo quy định, quy trình một cách máy móc mà không làm theo sự lựa chọn để công việc đạt hiệu quả tối ưu.

"Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" là "căn bệnh" nan y của những công chức trình độ có hạn, lười nhác, bấu víu, nói nhiều hơn làm, đã tạo ra một sức ỳ lớn trong bộ máy, cản trở những công chức có tài năng, có lý tưởng phấn đấu, cống hiến cho sự phát triển chung. Bệnh này cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm khả năng sáng tạo, hiệu suất làm việc thấp, gây ra tình trạng "lãng phí chất xám", "chảy máu chất xám".

Không chú tâm vào công việc, thiếu năng động, cấp dưới chỉ ngồi chờ mệnh lệnh của cấp trên, là hiện tượng không hiếm của cán bộ, công chức hiện nay. Nhìn bề ngoài khó có thể thấy những hậu quả của nó đem lại, nhưng kỳ thực, tác hại của nó không hề nhỏ. Cộng thêm vào đó là sự quan liêu, hách dịch, đùn đẩy trách nhiệm, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật đã và đang dần đánh mất niềm tin của nhân dân về hình ảnh dành cho người cán bộ, công chức. Những căn bệnh này đã và đang phá hoại chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, làm mọt ruỗng tinh thần công vụ của cá nhân cán bộ, công chức.

Với chính sách tiền lương không đủ sống hiện nay dẫn đến hệ luỵ là nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải tìm nguồn khác ngoài lương để bù đắp phần thiếu hụt. Không ít người đã cố tình tạo ra khó khăn, tìm cách sách nhiễu, đòi hỏi, chờ đợi người dân, doanh nghiệp bồi dưỡng để được giải quyết hồ sơ, các thủ tục hành chính, đổi lại sự thiên vị, chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp khác. 

Tình trạng mượn giờ công, tài sản công làm việc tư diễn ra khá phổ biến trong giới khoa học và công chức, viên chức; sử dụng máy tính của cơ quan để bán bảo hiểm, bán hàng qua mạng, bán hàng đa cấp, môi giới nhà đất, chứng khoán; lợi dụng công việc có liên quan tới lĩnh vực mình đang phụ trách thì chỉ cần bán thông tin về dự án, quy hoạch, đấu giá, đấu thầu… cho các cá nhân và  doanh nghiệp là có "hoa hồng" trong đó…

Với mục tiêu tiền lương phải đủ sống thì chúng ta phải gấp rút thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế bằng mọi cách phải tìm ra và loại bỏ số cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cáp ô về”. Giảm được số công chức làm việc không hiệu quả, kém cỏi về năng lực và đạo đức thì không những giảm được quỹ lương rất lớn mà Nhà nước sẽ tiết kiệm được nguồn ngân sách không nhỏ đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc trang bị cho số cán bộ, công chức này. Đây là việc làm nan giải nhất nhưng nếu không làm thì không có hệ thống tiền lương nào phát huy được tác dụng thực sự.

Chúng ta không chỉ yêu cầu tăng lương mà không yêu cầu người nhận lương phải làm việc thế nào để xứng đáng với tiền lương cao hơn đó. Đúng là tiền lương hiện nay quá thấp, nhưng cũng còn một thực tế nữa là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang làm việc với hiệu suất và chất lượng rất kém, kém tới mức mà ngay cả với tiền lương thấp như hiện nay cũng chưa xứng đáng chứ chưa nói gì đến tăng lương.

Chính phủ đã thực hiện áp dụng qui định đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Cán bộ, công chức từ người quản lý cũng phải chuyển sang người phục vụ, coi người dân là người được phục vụ. Đề cao lối sống liêm chính, trung thực, từ đó tác động đến cán bộ, công chức để họ gương mẫu, làm việc công tâm, tuân thủ đúng quy định luật pháp, vì lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp thì sẽ không có chuyện đưa, nhận hối lộ. 

Đặc biệt quan tâm tới việc giải quyết, xử lý nghiêm minh các vấn đề sai phạm, vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, tránh tình trạng nhiều vụ việc điều tra xử lý hàng tháng, thậm chí  hàng năm, rồi từ năm này sang năm khác vẫn chưa có kết quả hoặc bỏ dở khiến dư luận quần chúng nhân dân mất dần niềm tin, gây bức xúc, nghi ngờ có sự bao che lẫn nhau của đảng viên, cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước.

Làm cho dân hiểu, dân tin sẽ không có gì là khó, nếu cán bộ, công chức xem việc phục vụ nhân dân là trách nhiệm, là lẽ tự nhiên phải làm và đó phải là mục đích chính khi muốn trở thành công chức Nhà nước.
Cù Tất Dũng
.
.