Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về

Chủ Nhật, 29/09/2019, 08:10
Có thể nói, vườn trong thơ Nguyễn Bính như một thực thể có tính đại diện nhất của không gian nông thôn, không gian làng quê. Nhà thơ xuất thân từ nông thôn, ra đi cũng từ nông thôn, vườn vì thế vừa là hiện tại, vừa là quá khứ, vừa là điểm ra đi, vừa là chốn khát khao trở về...

Rất nhiều người trong số chúng ta đều lớn lên từ một vùng quê. Khi đi xa, nhớ về quê hương của mình, ngoài nỗi nhớ những người thân yêu, ta còn nhớ cả những không gian của quê hương mình. Không gian ấy có thể là giếng nước gốc đa sân đình như ca dao vẫn thường hay nhắc tới, có thể là cánh đồng, ngôi chùa, nhà thờ, rặng tre, bờ ao, có thể là con sông, dòng kênh hay những con đường làng... Nhưng có một không gian nhỏ nhắn hơn, liền kề với ngôi nhà ta ở mỗi ngày, nơi có thể cất giữ giùm ta đầy ắp những kỷ niệm ấu thơ, đó là mảnh vườn thân thuộc.

1. Mở lại những trang thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa, ta sẽ gặp trong đó vô số những mảnh vườn. Mảnh vườn trong thơ Trần Đăng Khoa giống như cả một thế giới đầy bí mật và cuốn hút với trẻ thơ. Nơi đây có đủ các loại cây trồng như: chuối, khoai, cà, bí đỏ, na, có chim hót líu lo, có ánh trăng huyền ảo, có những “sự kiện” tuổi thơ thật khó quên như đám ma bác Giun: "Kiến Lửa đốt đuốc đỏ làng/ Kiến Kim chống gậy, Kiến Càng nặng vai/ Đám ma đưa đến là dài/ Qua những vườn chuối, vườn khoai, vườn cà".

Khu vườn khiến cho tuổi thơ được gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn và tình yêu cuộc sống, yêu con người, hẳn sẽ được nhen nhóm lên từ những điều rất đỗi đơn sơ như vậy: "Vườn em có một luống khoai/ Có hàng chuối mật với hai luống cà/ Em trồng thêm một cây na/ Lá xanh vẫy gió như là gọi chim/ Những đêm lấp ló trăng lên/ Vườn em dậy tiếng dịu hiền gần xa/ Em nhìn vẫn thấy cây na/ Lá xanh vẫy gió như là gọi trăng" (Vườn em)

 Thế giới của khu vườn giống như một cuộc sống thu nhỏ, luôn biến đổi không ngừng với nhiều động thái, nhiều diễn biến mà nhà thơ nhỏ tuổi của chúng ta luôn kịp thời ghi lại bằng một thứ ngôn ngữ linh hoạt và đầy biểu cảm: "Ngoài sân có mấy con gà/ Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi" (Ảnh Bác), "Nghe hàng chuối vườn em/ Gió trở mình trăn trở/ Chuột chạy giàn bí đỏ/ Loang vỡ ánh trăng vàng" (Nửa đêm tỉnh giấc)

Và có một lần thật đặc biệt, vườn trong thơ Trần Đăng Khoa còn biểu hiện được sắc thái thành kính, tiếc thương khi nhà thơ nhỏ tuổi đến thăm nhà anh hùng Mạc Thị Bưởi: "Trưa nay em đến thăm cô/ Nắng chiêm chín rực đôi bờ phi lao/ Sắc hoa râm bụt quanh ao/ Tiếng chim vườn mẹ cùng vào thăm cô" (Em dâng cô một vòng hoa)

Sau này, Vũ Quần Phương trong một bài thơ viết cho thiếu nhi cũng nhắc đến vườn với những kỷ niệm tuổi thơ đầy yêu thương bên bà, bên cha mẹ: "Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió/ Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay/ Tiếng lích chích chim sâu trong lá/ Con chìa vôi vừa hót vừa bay" (Nói với em)

 Còn Trịnh Công Sơn khi nhớ đến vườn là nhớ về tất cả những âm thanh thân thương trìu mến nhất: "Em ra đi nơi này vẫn thế/ Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ/ Vườn xưa vẫn có tiếng me ru/ Có tiếng em thơ/ Có chút nắng trong tiếng gà trưa" (Em còn nhớ hay em đã quên)

2. Trong thơ cổ điển, nhắc đến vườn là thường gắn với thú điền viên của những bậc tao nhân mặc khách, những hiền nhân ẩn sĩ, hoặc những người đã dời bỏ cuộc sống phồn hoa nơi triều đình để tìm về làng quê. Nếu như thi ca Trung Quốc có bài "Quy khứ lai từ" của Đào Tiềm với hình ảnh vườn ruộng xuất hiện ngày từ câu đầu (Đi về sao chẳng về đi/ Ruộng hoang vườn rậm còn chi không về) thì Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến cũng có hàng loạt bài thơ với hình ảnh vườn Bùi chốn cũ. Có thể kể đến các bài: "Trở về vườn cũ", Uống rượu ở vườn Bùi", "Bùi viên đối ẩm trích cú ca", "Bùi viên biệt thự hỉ thành...". Vườn trong thơ Nguyễn Khuyến nhuốm đầy tâm sự buồn thương của một kẻ sĩ bất lực trước thời cuộc, đành phải tìm cách giữ vẹn khí tiết cho riêng mình: "Vườn Bùi chốn cũ/ Bốn mươi năm lụ khụ lại về đây/ Trông ngoài sân đua nở mấy chồi cây/ Thú khâu hác lâm tuyền âu cũng thế/ Bành Trạch cầm xoang ngâm trước ghế/ Ôn công rượu nhạt chuốc chiều xuân/ Ngọn gió đông ngoảnh lại lệ đầm khăn/ Tình thương hải tang điền qua mấy lớp..." (Trở về vườn cũ, tác giả tự dịch Bùi viên cựu trạch ca)

 Đỗ Phủ trong bài "Thu hứng 1" cũng từng nhắc đến vườn với đầy những nỗi niềm xót xa của kẻ giang hồ phiêu bạt: "Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ/ Cô chu nhất hệ cố viên tâm" (Tùng cúc hai lần nở dòng lệ xưa/ Con thuyền lẻ loi buộc chặt mối tình vườn cũ).

3. Trong thi ca Việt Nam hiện đại, một người có nhiều dụng công đưa vườn vào thơ là Nguyễn Bính. Trong 272 bài thơ trước Cách mạng của ông, “vườn” xuất hiện tất cả 81 lần trong 35 bài thơ, tức là cứ đọc trung bình khoảng 3,3 bài thơ của Nguyễn Bính, ta lại một lần bắt gặp hình ảnh này. 81 lần xuất hiện khác nhau của “vườn” có thể được tổng kết và đưa về 4 loại cơ bản như sau:

Nhóm 1 là những trường hợp chủng đi trước loại đi sau, bao gồm: (vườn hoa, vườn cải, vườn chè, vườn dâu, vườn cam, vườn đào, vườn cúc, vườn lê, vườn hồng, vườn mía, vườn mai, vườn cây); trong đó nhiều nhất là vườn dâu: "Cậy em em ở lại nhà/Vườn dâu em đốn mẹ già em thương" (Lỡ bước sang ngang), "Đem thân về ở vườn dâu cũ/ Buồn cũng như khi chị lấy chồng" (Khăn hồng). Nhóm 2 là những trường hợp “vườn” kết hợp với một tính từ đi sau bổ nghĩa cho danh từ đi trước, bao gồm: (vườn xác xơ, vườn hoang, vườn cũ, vườn vắng, vườn khuya): "Ở nhà em nhớ mẹ thương/ Ba gian trống một mảnh vườn xác xơ. (Lỡ bước sang ngang),  "Xa rồi vườn cũ hoa cam rụng/ Gặp lại nhau chi muộn mất rồi" (Hoa với rượu)

Nhóm 3 là những trường hợp “vườn” đi với một danh từ, cụm danh từ hoặc đại từ ở phía sau, bao gồm: (vườn trần, vườn xuân, vườn Thượng uyển, vườn ai, vườn nhà, vườn đất, vườn ngự, vườn Ngự uyển, vườn tiên, vườn Thanh, vườn tôi, vườn này, vườn Nam, vườn chiều): "Rượu ái tình kia thành thuốc độc/Vườn trần theo bướm phấn hương bay" (Hoa với rượu), "Vườn xuân trắng xoá hoa cam rụng/ Tôi với em Nhi kết vợ chồng" (Hoa với rượu).

Nhóm 4 là những trường hợp “vườn” hoạt động một cách tương đối độc lập. Có thể ghi nhận các mô hình ở khu vực này như: động từ + vườn (ra vườn, có vườn), tính từ + vườn (ngập vườn, đầy vườn), giới từ + vườn (trong vườn), danh từ + vườn (cây vườn) hoặc các trường hợp “vườn” hoạt động tự do khác: "Vườn đầy hoa trắng như em ấy/ Bỗng một bà tiên hiển hiện ra" (Truyện cổ tích),  "Em sang bắt bướm vườn anh mãi/ Quên cả làng Ngang động trống chèo" (Hết bướm vàng).

Có thể nói, vườn trong thơ Nguyễn Bính như một thực thể có tính đại diện nhất của không gian nông thôn, không gian làng quê. Nhà thơ xuất thân từ nông thôn, ra đi cũng từ nông thôn, vườn vì thế vừa là hiện tại, vừa là quá khứ, vừa là điểm ra đi, vừa là chốn khát khao trở về.

Tất cả những ký ức của thi nhân đều không tách rời khỏi vườn. Vườn gắn với tất cả những người yêu thương trong cuộc đời tác giả: người mẹ, người chị, người bạn gái thuở thiếu thời, những người yêu đã đi qua trong cuộc đời. Và khi phải đặt mình trong mối quan hệ giằng xé, hút đẩy giữa nông thôn – thành thị thì vườn luôn là không gian đầy ám ảnh, đầy day dứt như một tiếng vọng luôn réo gọi con người. Vườn trong thơ Nguyễn Bính như một biểu tượng mà ẩn chứa sau nó không chỉ một tình yêu da diết với làng quê mà còn có cả một tình cảm dân tộc kín đáo trong cảnh nước nhà đang bị nô lệ.

4. Nhiều nhà thơ Việt Nam hiện đại khác cũng có những câu thơ, bài thơ đặc sắc về vườn. Vườn trong thơ Hàn Mặc Tử là một hoài niệm trong trẻo lạ thường gắn với bóng hình cố nhân: "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc" (Đây thôn Vỹ Dạ).

Vườn trong thơ Tế Hanh là mảnh vườn của nghĩa tình sâu nặng với mẹ, với vợ, với những kỷ niệm thiêng liêng mà lứa đôi đều thầm giữ vẹn trong lòng: "Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa/ Như mặt trăng mặt trời cách trở/ Như sao hôm sao mai không cùng ở/ Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa/ Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu/ Như tháng mười hồng tháng năm nhãn/ Em theo chim đi về tháng tám/Anh theo chim cùng với tháng ba qua" (Vườn xưa). Vườn trong thơ Lưu Quang Vũ lại là một góc nhìn khác, gắn với tình yêu lứa đôi, niềm tin và hy vọng: "Vườn em là nơi đọng gió trời xa/ Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng/ Con nhện đi về giăng tơ trắng/ Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi (...) Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh/ Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật/ Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất/ Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về" (Vườn trong phố).

Vườn trong tâm thức người Việt mãi là một điều thiêng liêng, trân trọng, giữ gìn. Và thậm chí, người ta có thể sẵn sàng đổi cả tính mạng của mình để giữ lấy vườn. Đó chính là câu chuyện mảnh vườn của Lão Hạc (Nam Cao) đầy day dứt và ám ảnh mà tôi muốn dùng chính những câu văn cuối cùng trong tác phẩm ấy làm đoạn kết cho bài viết này: “Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn. Cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào”.

Đỗ Anh Vũ
.
.