Nỗi sợ dễ lãng quên

Thứ Năm, 30/07/2020, 14:31
Chống dịch không phải chỉ là trách nhiệm của mỗi Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Nó là trách nhiệm của từng người và ở giai đoạn cao trào, trách nhiệm đó phải được đặt lên hàng đầu. Thái độ phó mặc, thái độ mặc kệ mới chính là kẻ thù nguy hiểm nhất, phá hoại nhiều nhất nỗ lực của cả cộng đồng.


Chỉ hai tháng trước thôi, Covid-19 thực sự là nỗi ám ảnh tất cả mọi người. Những tuyên ngôn kiểu như “Ở nhà là yêu nước”… được chia sẻ rộng rãi. Đường phố vắng lặng, ai có việc ra đường đều cẩn trọng với khẩu trang kín mít, với nước rửa tay sát trùng. Nhưng khi lệnh giãn cách xã hội đã hết hiệu lực, đời sống trở lại bình thường, dường như nỗi sợ ấy đã bị lãng quên và bắt đầu có hiện tượng chủ quan trong cộng đồng.

Việc phát hiện người Trung Quốc nhập cảnh trái phép lưu trú tại Quảng Nam và Đà Nẵng đã thực sự khiến nhiều người giật mình. Khi phát hiện ca nhiễm bệnh thứ 416, dường như những lo lắng cũ bắt đầu thành hình trở lại. 

Cùng lúc đó, Công an Quảng Ninh khởi tố và tạm giam 6 đối tượng đưa người Trung Quốc nhập cảnh lậu bằng bè xốp vượt sông rồi sau đó chuyên chở sâu vào lãnh thổ bằng xe gắn máy. 

Câu hỏi đặt ra là “Có bao nhiêu đường dây đưa người nhập cảnh lậu như thế đã và đang hoạt động?”. Song song với câu hỏi này, chúng ta cũng nhìn thấy rõ hơn một vấn đề nổi cộm. Đó chính là ý thức kém, là hám lợi bất chấp hậu quả, là thói vô trách nhiệm đang gây ra những hệ lụy lớn đối với cả cộng đồng.

Ta có thể lấy lý do biện minh cho những thanh niên đưa người nhập cư lậu chỉ với cái giá 4000 nhân dân tệ/ người là vì họ nghèo, thất học, ở vùng sâu vùng xa, nhưng ta không thể biện minh cho những hành động vô ý thức ở ngay trong các đô thị lớn.

Trên sân vận động Thống Nhất hôm 24/7 vừa rồi đã diễn ra trận cầu “siêu kinh điển”: trong khuôn khổ giải LS V.League 2020 giữa CLB TP Hồ Chí Minh và CLB Hà Nội. Vé bán hết sạch từ mấy ngày trước. Đến sân, khán giả được yêu cầu đeo khẩu trang mới được vào sân. Nhưng rất nhiều khán giả đã tháo khẩu trang ngay khi họ lọt qua cổng bảo vệ. Nhân viên kiểm soát khán đài thì chỉ quan sát một cách thờ ơ, không một lời nhắc nhở. Đây chính là mối nguy rất lớn ở những giai đoạn dịch bệnh đe dọa. 

Chuyện này cũng diễn ra hàng tuần ở tất cả các sân khác, từ sân Thiên Trường cho tới Hàng Đẫy, từ sân Lạch Tray cho tới sân Cẩm Phả… Rõ ràng, chính chúng ta đang vô trách nhiệm với bản thân mình và với cả cộng đồng.

Rồi cũng sẽ tới thời điểm dịch bệnh phải chấm dứt hoàn toàn. Ở thời đại mà mạng xã hội khiến cho sóng thông tin ào ạt, lớp sau lấp trước, chuyện người ta chóng quên cũng là bình thường. Nhưng có thể quên thông tin, quên câu chuyện, quên trào lưu chứ dứt khoát không thể nào quên ý thức và trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân. 

Chống dịch không phải chỉ là trách nhiệm của mỗi Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Nó là trách nhiệm của từng người và ở giai đoạn cao trào, trách nhiệm đó phải được đặt lên hàng đầu. Thái độ phó mặc, thái độ mặc kệ mới chính là kẻ thù nguy hiểm nhất, phá hoại nhiều nhất nỗ lực của cả cộng đồng. 

Và một khi Thủ tướng đã từng nói “không để bất kỳ ai bị bỏ lại” thì chúng ta cũng nên tự nhắc mình “không được bỏ lại những người đang nỗ lực chống dịch phía sau lưng mình mà phải góp phần với họ, dù nhỏ thôi, để đời sống bình thường trở lại một cách nhanh nhất, lành mạnh nhất”.

Văn Đoàn
.
.