Hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam:

Nỗi lo cái ác lên ngôi, cái tôi lạc lõng

Thứ Sáu, 09/10/2015, 08:00
Chuyện con giết cha mẹ, cha mẹ hành hạ con cái, chồng giết vợ, người yêu trả thù tình ... với mức độ dã man và tinh vi hơn diễn ra ngày càng nhiều. Từ "thảm án" được báo chí liên tục giật tít cho các vụ ở Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái... mà kẻ thủ ác là gương mặt non trẻ. Đạo đức xã hội và nhân cách con người tha hóa xuống tận đáy. Văn học, nghệ thuật có vô can?

Khi cái ác được đưa ra câu khách

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo khoa học toàn quốc "Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam" do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức trong hai ngày 3 và 4/10 tại TP Hồ Chí Minh, GS.TS Đinh Xuân Dũng đặt câu hỏi: "Thực tế nghiệt ngã của cuộc sống, phải chăng, đã là một nguyên nhan dẫn tới một cách nhìn khá phổ biển trong nhiều tác phẩm là: cái ác mạnh hơn cái thiện, nỗi đau nhiều hơn niềm vui, các mầm mống của nhân cách kiểu mới yếu hơn sức sống dai dẳng của cái cũ, cái ác...?

Và hình như niềm tin của người sáng tạo nghệ thuật rằng "trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó, những nhân cách lớn phải xuất hiện", niềm tin đó đang giảm thiểu. Và vì thế sự bức xúc, lo lắng dồn vào tác phẩm để bật lên những cảnh báo đau xót: cái ác đang thắng thế, cái xấu đang gặm nhắm và hủy hoại dần nhân cách tốt đẹp của con người hôm nay".

Người xưa có câu "Văn dĩ tải đạo". Văn chương, nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc định hình và nuôi dưỡng nhân cách con người. Nó là bốn thành tố làm nên sự phát triển bền vững của một đất nước gồm: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế nhưng, dường như lĩnh vực này vẫn bị xem nhẹ, chỉ coi như món đồ trang sức của xã hội. Kéo theo đó, chức năng giải trí của nó được đề cao và khai thác tối đa.

Mỗi năm nước ta có khoảng 20 bộ phim ra rạp. Nhưng phim nếu không là hài nhảm thì kinh dị; không hành động, bạo lực thì cũng nhắm vào đồng tính; không mô tả về giới showbiz thì lại nhắm đến thế giới tâm linh ma quỷ... Những phim như "Hy sinh đời trai", "Trùm cỏ", "Để Mai tính 2", "Cầu vồng không sắc", "Bụi đời chợ lớn", "Biết chết liền"... thì những nhân vật tích cực ở đây là gì ngoài những nhân vật chính diện ngô nghê, bốc đồng hoặc không đồng tính thì cũng bóng lộ có kiểu hành xử lố bịch?

Nhiều bộ phim khai thác đề tài tâm lý xã hội có xen lẫn yếu tố bạo lực, kinh dị thường úp mở rằng họ lấy cảm hứng từ những vụ án có thật. Chẳng hạn như vụ thẩm mỹ viện Cát Tường được cả phim "Scandal 2: Hào quang trở lại" và "Mất xác" lấy cảm hứng. Không chỉ phim trong nước mà các phim nước ngoài chiếu ở Việt Nam cũng đầy rẫy yếu tố bạo lực.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết trong thời gian ông còn tham gia Hội đồng thẩm định phim quốc gia, hàng tuần phải xem từ 4 đến 5 phim do các nhà phát hành phim tư nhân nhập về. "Trung bình mỗi năm các nhà phát hành nhập về 150 phim. Đại đa số phim đó là những thứ rác rưởi, phế thải văn hóa mà người ta rước về với mục đích thu lợi bất chấp đạo lý. Rất hiếm phim có tính nghệ thuật, giáo dục" - ông nói.

Trước câu hỏi tại sao gần đây những hình tượng nhân vật văn học tích cực thiếu vắng, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng xây dựng nhân vật tốt bao giờ cũng là một thách đố với nhà văn. "Các nhân vật tốt rất khó đứng với thời gian, nếu có chăng thì rất ít ỏi như Phăngtin, chị Dậu... Thách đố này, nhà văn phải đương đầu, phải dấn thân. Nếu viết về cái ác quá trần trụi mà không mang đến cho người đọc niềm tin hy vọng và niềm tin về lòng thương yêu thì sẽ phản tác dụng". Dường như xu hướng khai thác cái ác trần trụi mà nhà văn Sương Nguyệt Minh e ngại đang được nhiều tác phẩm văn học, các bộ phim, vở kịch cố tình tô đậm, thậm chí lý giải nguyên nhân dẫn tới tội ác rất "chí lý" như một kiểu cổ súy.

Trong vở kịch theo kiểu kinh dị Thái Lan của một sân khấu tại TP Hồ Chí Minh, nhân  vật thủ ác cuối cùng cũng đền mạng nhưng người xem không thấy rõ sự trừng phạt dành cho tội ác đó. Vở không khác gì bản tình ca bi thiết dành cho mối tình đồng tính nữ.

 "Những người biện hộ cho phim kinh dị và bạo lực thường chỉ lập luận trên bình diện ý thức, rằng bạo lực là thủ pháp để xây dựng hình tượng ấn tượng, là một phương tiện để chuyển tải thông điệp nhân văn... Theo cách lập luận này thì bạo lực chỉ là đoạn đường lầy lội và gai góc phải vượt qua để đi tới đích Chân - Thiện - Mỹ.

Điều đó có thể đúng với từng phim cụ thể nhưng những hình ảnh bạo lực tràn ngập triền miên trong nhiều phim thì hiệu ứng ám thị bạo lực không còn chịu sự chi phối của ý đồ nghệ thuật nhân văn của đạo diễn từng phim nữa. Các phim tình dục, bạo lực xuất hiện liên tục trong một thời gian dài tạo nên trường hình ảnh ám thị. Nó tạo nên những thôi miên liên tục và dai dẳng tác động vào quá trình hình thành nhân cách con người. Vụ sát nhân hàng loạt của một tội phạm Mỹ - fan cuồng của phim "The Dark Night" là hậu quả nhãn tiền của dòng phim này" - đạo diễn Đỗ Minh Tuấn bóc mẽ.

Tung hê cái tôi nổi loạn

Có thể nhận định sau năm 1975, văn học, nghệ thuật là một trong những kênh quan trọng cảnh báo sự cần thiết phải cáo chung cái cũ và gợi mở sự đổi mới. Những tác phẩm của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Minh Châu, Đặng Nhật Minh... là đã để lại ấn tượng sâu đậm của tiếng nói nghệ thuật không chỉ đồng tình với đổi mới mà còn là sự dự báo, thúc giục phải đổi mới. Trong thời kỳ hội nhập, văn học, nghệ thuật vẫn tiếp tục xu hướng đó.

Các tình tiết tội ác trong văn học, nghệ thuật được khai thác tối đa để câu khách (Trong ảnh: Poster một phim kinh dị Việt Nam).

Thế nhưng, nhìn về thế hệ những người sáng tạo trẻ, thì bên cạnh sự thỏa hiệp, bám vào tội ác để sáng tác thì số đông khác lại khoanh tay thờ ơ với thời cuộc. Nhiều tác giả tự coi văn học, nghệ thuật chỉ còn là sự tự thể hiện không giới hạn cái tôi cá nhân, núp dưới luận điểm: đã qua rồi thời đại văn học, nghệ thuật có sứ mệnh nuôi dưỡng và xây dựng nhân cách con người, mà chỉ còn là những "trò chơi" hình thức, trò chơi ngôn ngữ của những cá nhân "tài năng". GS Nguyễn Đình Chú cho rằng đây là hiện tượng đang nổi lên ở thời nay đến mức chưa bao giờ có, nó là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Mỹ thuật, văn học, múa, âm nhạc đương đại ít nhiều mang nặng luận điểm này. Các tác phẩm múa, mỹ thuật đương đại chỉ là những cú xoạc chân, uốn éo, khối màu rối rắm thể hiện cho cái tôi khó hiểu của tác giả. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi múa đương đại và mỹ thuật đương đại là "múa ... đại" và "vẽ ... đại".

Riêng văn học nổi lên rõ rệt dòng văn học thị trường với những bài thơ, câu chuyện luẩn quẩn trong sự hờn giận, đau đớn thất tình, cảm thức vụn vặt, tầm thường trong đời sống cá nhân như "Buồn làm sao buông", "Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em", "Tay tìm níu tay", "Yêu đi rồi khóc"... Cái tôi vị kỷ, bản năng lên ngôi và nổi loạn. Thơ đượm mùi câu khách: "Thơ cho gái hư", "Yêu lần nào cũng đau"... Các tác phẩm bán chạy đều thuộc dòng này vì nó hợp thị hiếu của phần đông thanh thiếu niên.

"Trong đời sống văn học, có hai hiện tượng buộc phải suy nghĩ. Một là, có nhiều nhà thơ trẻ đều tuyên ngôn rằng thơ tôi phải là Tôi, trong thơ tôi tìm Tôi. Hai là, trong lý luận được gọi là hậu hiện đại và hậu hậu hiện đại cũng cộm lên cái Tôi và đã có quan điểm cho rằng không có chân lý của chung, chỉ có chân lý của Tôi hoặc của anh mà thôi. Nó tồn tại dưới trạng thái nồng nhiệt nhưng lại lờ mờ, rất bất lợi cho cuộc sống và cho văn chương" - GS Nguyễn Đình Chú trăn trở.

Theo các đại biểu dự hội thảo, tất nhiên đã qua rồi thời kỳ văn học, nghệ thuật làm nhiệm vụ là rao giảng đạo đức hoặc tuyên truyền kiểu tô hồng người tốt việc tốt, đứng cao hơn hiện thực để tạo ảo tưởng cho con người đang hàng ngày đương đầu với cái ác, cái thấp hèn... Thế nhưng, yêu cầu bồi dưỡng nhân cách cũng không phải là chiếc vòng kim cô cho sự sáng tạo của nghệ sĩ.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương nhìn nhận: "Xưa cũng như nay, trong lịch sử văn hóa nhân loại cũng như lịch sử văn hóa Việt Nam, việc xây dựng nhân cách con người, xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp, đấu tranh chống lại cái ác, cái giả dối, cái thấp hèn, xấu xa trong đời sống xã hội là bản chất truyền thống của văn học, nghệ thuật.

Hiện nay, chúng ta cần thấu suốt thiên chức cao quý của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, do vậy không khỏi trăn trở, suy nghĩ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình trước thực trạng xuống cấp của nhân cách, đạo đức xã hội ".

Công chúng mong mỏi sẽ xuất hiện những tác phẩm lớn đi sâu vào cuộc đấu tranh hôm nay, phát hiện và xây dựng những nhân tố mới của con người Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Bên cạnh đó, việc giáo dục thế hệ trẻ biết cảm nhận giá trị thẩm mỹ của văn học và các loại hình nghệ thuật là điều cần thiết để đào tạo nên một thế hệ công chúng hưởng thụ có nhân cách...

Hội thảo "Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam".

Phan Thi Uyên
.
.