Nỗ lực mới của nhà văn Lê Hoài Nam trong tiểu thuyết “Mỹ nhân nơi đồng cỏ”

Thứ Sáu, 22/09/2017, 11:23
Bằng cách phản ánh thông qua cái đẹp, tiểu thuyết "Mỹ nhân nơi đồng cỏ" (NXB Hội Nhà văn, 2017) của nhà văn Lê Hoài Nam đã làm sống lại một giai đoạn khá đặc biệt trong lịch sử nước nhà: Từ khi Lê Thái Tông đột ngột băng hà, đến lúc Hoàng tử Tư Thành lên ngôi và xây dựng nên một triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. 


Tuy đó chỉ là một lát cắt nhỏ, nhưng do biết phát huy sức mạnh tổng hợp của chính sử và dã sử mà nhà văn đã dựng lại được không khí lịch sử của thời đại, giúp tác phẩm mang tính khái quát, đa thanh, đa chủ đề, với nhiều tầng bậc ý nghĩa.

Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là giai nhân Nguyễn Thị Anh, cô gái cắt cỏ được trời phú cho “vẻ đẹp vừa sắc sảo vừa mặn mòi”. Từ cái trục chính là câu chuyện về cuộc đời nàng, tác giả đã mở ra nhiều vấn đề, giúp người đọc sáng tỏ thêm không ít khuất khúc của lịch sử: Vì sao nghĩa quân Lam Sơn đại thắng quân Minh; chiêu tuyết cho Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi; nguyên nhân Bang Cơ, Nghi Dân thất bại; lý do triều đại Hồng Đức phát triển đến đỉnh cao của sự hưng thịnh…

Xuyên suốt trong tác phẩm là tư tưởng triết học về lịch sử: yêu nước, trọng dân, lấy dân làm gốc, luôn "đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của mỗi cá nhân hay dòng họ và quyết định tối thượng là thuộc về nhân dân". Mang tư tưởng tiến bộ đó, bốn vị đại thần dù biết Bang Cơ không phải là con Thái Tông nhưng khi thấy vị vua trẻ tuổi có những phẩm chất của một minh quân, các ông vẫn hết lòng phò tá. Còn Nghi Dân, dù là con trưởng, dòng đích Lê Thái Tổ song tính tình tàn bạo, họ quyết phế truất để trừ hậu họa cho dân.

Về vấn đề này, Điện tiền ty đô Nguyễn Đức Trung đã thẳng thắn tuyên bố: "Khi mà hoàng đế không chính danh, lại chứng tỏ là một hôn quân bạo chúa thì người ra lệnh sẽ là các đại thần và người giao trọng trách này cho các đại thần chính là nhân dân Đại Việt” (trang 333).

Lòng yêu nước còn được biểu hiện ở tư tưởng "coi nhân nghĩa hòa hiếu là kế sâu rễ bền gốc" của quốc gia, dân tộc. Trái lại, cái ác, khát vọng quyền lực chỉ dẫn đến kết cục bi thảm; sự cục bộ, hẹp hòi chỉ làm tổn hại đến dân, đến nước. Và tình yêu, cái đẹp có thể làm nên sức mạnh diệu kỳ… Phải chăng những bài học quý báu đó hôm nay vẫn còn nguyên giá trị!

Nhà văn Lê Hoài Nam đã làm mềm hóa các sự kiện khô khan trong biên niên sử và góp phần làm cho mỗi nhân vật trở nên đa diện. Người ta thường nói, thái độ đối với phụ nữ chính là thước đo giá trị nhân văn của một tác phẩm văn chương. Trong "Mỹ nhân nơi đồng cỏ", tất cả những nhân vật phụ nữ: Nguyễn Thị Lộ, Phạm Thị Ngọc Trần, Ngô Thị Ngọc Dao, Lương Minh Nguyệt, Phùng Hoa Mai, Nguyễn Thị Hằng… đều được viết bằng một thái độ yêu thương, trân trọng. Họ đều xinh đẹp, tài hoa, đức độ. Cái kết có hậu: cô gái câm Nguyễn Thị Hằng - con gái Nguyễn Trãi khi được vị vua trẻ ngỏ lời yêu và nguyện cưới nàng làm vợ đã biết nói trở lại càng làm cho tác phẩm của Lê Hoài Nam thêm giàu chất nhân văn.

 Thái hậu Nguyễn Thị Anh cũng được tác giả gợi mở cho bạn đọc thấy, vì để bảo vệ đứa con duy nhất và bản thân mình mà cô gái ngây thơ ngày nào trở nên một kẻ khát khao quyền lực, rồi không từ bất kỳ tội ác nào. Nàng tống giam vợ chồng con cái đại thần Đinh Liệt, đẩy trung thần Nguyễn Xí xuống làm thường dân, sát hại hai cặp cha con đại thần Trịnh Khả - Trịnh Quát, Trịnh Khắc Phục - Trịnh Bá Nhai, giết các quan cận thần Đình Phúc, Đình Thắng - những người trót biết bí mật đời nàng… Nhưng sau khi Bang Cơ đã yên vị trên ngai vàng, Thái hậu lại là người có tấm lòng bao dung: Bà yêu thương Tư Thành, ân xá và phục chức cho Đinh Liệt, Nguyễn Xí. Đằng sau con người sắt đá, quyền biến ấy là một người đàn bà góa bụa, mềm yếu, cô đơn.

 Ngay cả vua Lê Nghi Dân, nhà văn cũng vẫn không quên những đóng góp của vị hôn quân: “Trong sáu tháng cầm quyền, Lê Nghi Dân đã làm được những việc hữu ích như thành lập cơ chế “Lục bộ, lục khoa” và một số chính sách tiến bộ” (trang 330).

Có thể nói, chọn cách không đi quá sâu vào các biến cố sự kiện mà chỉ muốn qua lịch sử gửi gắm vào đó những vấn đề về thân phận con người, Lê Hoài Nam đã có được cái nhìn dân chủ trong tư duy phân tích lịch sử và cũng là tư duy của văn học đương đại. Đó là thủ pháp để gắn liền lịch sử với số phận của con người, kéo nhân vật lịch sử về với đời thường, nối liền quá khứ với hiện tại.

Ý thức rõ được sự khác nhau giữa nhà văn với nhà viết sử, anh không sa vào các chi tiết của lịch sử mà tập trung đi tìm cách khái quát cuộc đời, đặc biệt chú tâm vào những vùng lịch sử còn khuất lấp. Nhờ biết chọn cách nhìn lịch sử qua góc nhìn đời tư mà các nhân vật lịch sử của Lê Hoài Nam không hề khô cứng, ngược lại: sống động, gần gũi, đa thanh, đa sắc. Họ không hiện lên trong phút giây làm nên lịch sử đầy ánh hào quang mà thường được khai thác ở phía bi kịch, ở phía đời thường. Với việc chuyển đổi quan niệm nghệ thuật, Lê Hoài Nam đã có được những phát hiện mới từ những câu chuyện lịch sử không còn mới lạ.
Trần Thị Trâm
.
.