Nỗ lực khơi nguồn âm nhạc dân tộc
- Bảo tồn ca trù, hát xẩm: Làm sao thoát cảnh “mua vui”?
- Nghệ thuật hát xẩm: Phát triển hay lãng quên?
- Trái tim nhỏ chớ pha màu chất xám
- Bóng bàn Việt Nam: Làm thế nào để tận dụng chất xám chuyên gia?
Mặc dù so với sự bùng nổ của các album nhạc thị trường, những sản phẩm âm nhạc dân tộc vẫn vô cùng ít ỏi. Tuy nhiên, điều đó cho thấy sự nỗ lực của các nghệ sĩ tâm huyết trong việc khơi nguồn cho âm nhạc dân tộc.
Trung tuần tháng 12 vừa qua, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long đã cho ra mắt album Xẩm "Trách ông Nguyệt Lão". Sản phẩm âm nhạc này đánh dấu hành trình 25 năm theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp, 20 năm làm công tác nghiên cứu, lý luận của nghệ sĩ đa tài này. Album "Trách ông Nguyệt Lão" gồm 9 bài xẩm, đều là những sáng tác của Quang Long trong đó đa phần là đề tài tình yêu.
Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ, anh rất thích thơ của 2 thi sĩ là Nguyễn Bính và Hồng Thanh Quang, vì thế trong album này có 3 bài được khai thác từ thơ của hai thi sĩ này. Dựa vào những câu thơ trong bài, anh đã chuyển thể những bài xẩm hoàn chỉnh: "Chân quê" (thơ Nguyễn Bính), "Thôi em cứ việc lấy chồng", "Nghĩ kỹ mà xem" (Hồng Thanh Quang).
Một tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa. |
Nguyễn Quang Long cho biết, những bài thơ của hai thi sĩ mà anh sử dụng có vần điệu cũng như nội dung khá phù hợp với nghệ thuật Xẩm. Sáu bài còn lại trong album đều mang tinh thần chung: trữ tình, vừa da diết vừa dí dỏm như "Bốn mùa hoa Hà Nội", "Phố Thu", "Duyên phận tơ vòng", "Ơ này, em gì ấy ơi"... Trong album này, ngoài giọng hát chủ đạo của Nguyễn Quang Long còn có sự góp mặt của những giọng ca danh tiếng, tạo nên sự đa dạng, thú vị cho album như nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa, NSND Thúy Ngần, ca sĩ Thu Phương...
Điểm đặc biệt ở album này là những bản thu âm đều thực hiện theo phong cách acoustic, người hát và nhạc cụ chính cùng thể hiện và thu âm trực tiếp chứ không hòa âm trước như cách thu của một số loại hình nghệ thuật khác khá phổ biến hiện nay. Điều này tạo cho album nét riêng, làm nên chất ngẫu hứng, mộc và thật như đang ngổi nghe hát xẩm trực tiếp.
Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long là người yêu Xẩm, tâm huyết và đau đáu với Xẩm. Dù là ở vai trò một nhà báo, một nhà nghiên cứu âm nhạc hay nghệ sĩ biểu diễn, anh luôn trăn trở với việc làm thế nào đưa nghệ thuật Xẩm nói riêng, âm nhạc dân tộc nói chung đến với đông đảo công chúng. Anh đã cùng các đồng nghiệp của mình ở lĩnh vực hát Xẩm nỗ lực để đưa nghệ thuật Xẩm lên sân khấu và ít nhiều đã có được những thành công nhất định.
Đầu năm 2016, album "Xẩm Hà Nội" được phát hành là thành quả của công cuộc phục hồi nghệ thuật của anh cùng những người bạn tâm huyết. Tiếp theo đó, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cùng các nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, Phạm Đình Dũng lập nên nhóm "Xẩm Hà Thành" với khát khao tái hiện lại nét đẹp văn hóa của Hà Thành 36 phố phường. Điều đáng nói là, nhóm "Xẩm Hà Thành" rất nỗ lực trong việc đưa xẩm đến với công chúng trẻ bằng những bài xẩm có nội dung nóng hổi tính thời sự như "Xẩm Tiễu trừ cướp biển", "Xẩm Đường lưỡi bẩm bò"... hay những bài xẩm tôn vinh những vẻ đẹp giản dị của Hà Nội, của cuộc sống như xẩm " Trà đá", "Bốn mùa hoa Hà Nội", "Tứ vị Hà Thành"...
Được biết, ngay sau khi ra mắt album, Nguyễn Quang Long sẽ cùng nhóm "Xẩm Hà Thành" thực hiện MV "Trách ông Nguyệt Lão" tại Hà Nội và Bắc Ninh để chào đón năm mới 2020.
Trước nghệ sĩ Nguyễn Quang Long, một thành viên của nhóm "Xẩm Hà Thành" là nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cũng ra mắt album Xẩm đầu tiên trong sự nghiệp vào tháng 7 - 2019 với tên gọi "Xẩm - Mai Tuyết Hoa Vol 1". Đây là sản phẩm âm nhạc được chị ấp ủ nhiều năm, vượt qua những khó khăn về kinh phí, chắt chiu từng bài xẩm được sáng tác gần đây để thu thành album riêng.
Album xẩm của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa gồm 8 bài đều là những bài xẩm quen thuộc như "Xẩm thập ân", "Xẩm chợ", "Chênh bóng", "Xẩm tàu điện"... Có bài trong album đã từng được nghệ nhân Hà Thị Cầu biểu diễn khá quen thuộc như "Ngãi mẹ sinh thành". Ngoài ra là những bài mới được sáng tác trong thời gian gần đây như "Chồng say", "Anh đừng yêu em", "Quê choa", "Bốn mùa hoa Hà Nội".
CD Xẩm “Trách ông Nguyệt Lão” của nghệ sĩ Nguyễn Quang Long. |
Việc cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc dân tộc như nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, nghệ sĩ Quang Long là cả một sự cố gắng vượt qua khó khăn. Hiện nay, nhóm "Xẩm Hà thành" vẫn kiên trì thực hiện những buổi biểu diễn khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần. Tình yêu xẩm của các nghệ sĩ đã không chỉ thu hút được những khán giả trẻ đến với nghệ thuật truyền thống mà còn lan tỏa tới các nghệ sĩ ở các bộ mộ nghệ thuật khác.
Tại các buổi biểu diễn, ngoài nghệ thuật xẩm, khán giả còn được thưởng thức các tiết mục của các nghệ sĩ ở những lĩnh khác như chèo, tuồng, cải lương... Cho đến nay, chiếu xẩm của nhóm "Xẩm Hà Thành" đã trở thành địa chỉ văn hóa được nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm mỗi khi có dịp tới Hà Nội. Không chỉ có vậy, các nghệ sĩ trong nhóm xẩm Hà Thành còn đã mở những lớp truyền dạy cho những người trẻ đam mê âm nhạc dân tộc
Mặc dù những album như của nghệ sĩ Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng điều đó cho thấy tâm huyết của những nghệ sĩ thuộc dòng nhạc này. Họ đã không ngại vất vả, khó khăn để tạo nên những sản phẩm nghệ thuật có giá trị mang đến cho công chúng. Điều đáng mừng là đã có thêm nhiều nghệ sĩ cùng mong muốn đưa âm nhạc dân tộc đến với khán giả.
Tháng 3 vừa qua, khi thực hiện liveshow cá nhân đầu tiên của mình có tên gọi "Trở về", ca sĩ Tân Nhàn đã đưa khán giả về với âm nhạc truyền thống. Sự kết hợp giữa âm nhạc dân gian với dàn nhạc giao hưởng, những làn điệu dân ca cổ quen thuộc trên nền nhạc cụ hiện đại phương Tây đã tạo được hiệu ứng đặc biệt.
Cũng tại liveshow lần này, Tân Nhàn đã làm mới những bài dân ca cổ như chèo, xẩm, ca trù, quan họ... khi hát với nhạc giao hưởng. Điểm nhấn trong sự giao duyên ấy là phần biểu diễn của Tân Nhàn và NSƯT Tạ Đình Cương với bài hát văn "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" và phần trình diễn đầy biến hóa, bất ngờ cùng NSƯT Văn Ty trong tiết mục xẩm chợ "Mục hạ vô nhân". Sự thử nghiệm mang tính đột phá của Tân Nhàn không ngoài mong muốn âm nhạc cổ truyền dân tộc có thể có một diện mạo mới hấp dẫn, thú vị hơn với khán giả trẻ.
Đời sống âm nhạc vô cùng sôi động, phong phú và không ngừng biến đổi. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, âm nhạc dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một bởi cơ chế thị trường và sự thay đổi thị hiếu khán giả. Vì vậy, một yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần phải bảo tồn và quảng bá âm nhạc dân gian. Âm nhạc dân tộc Việt Nam đã và đang chứa đựng giá trị nghệ thuật lớn lao.
Không phải ngẫu nhiên mà trong hơn chục loại hình nghệ thuật của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại thì có đến 8 loại hình là âm nhạc dân gian truyền thống như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Đờn ca tài tử, Ví dặm, Quan họ, Hát văn, Hát xoan.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn để âm nhạc dân tộc đi vào lòng công chúng trẻ chính là phần lời cổ có nội dung không phù hợp với tính đương đại. Chính vì vậy, khi soạn lời các bài xẩm cho nhóm Xẩm Hà Thành, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đã chủ động đưa vào đó những nội dung mới, có tính thời sự hoặc phù hợp với tâm lý tiếp nhận của khán giả trẻ.
Ngoài ra, nghệ thuật xẩm nói riêng cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc khác khó khăn vì không có nhiều tác phẩm mới. Các nghệ nhân cao tuổi không còn nên việc lưu giữ, truyền dạy những kho báu nghệ thuật bị mai một, gián đoạn.
Chia sẻ trên báo chí, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng, nghệ thuật nào cũng không thể sống được, nhất là nghệ thuật âm cổ truyền dân tộc nếu không được tiếp tục khơi nguồn dòng chảy để phù hợp với nhu cầu thời đại. Vì vậy các nghệ sĩ đã luôn cố gắng làm cho âm nhạc dân tộc hấp dẫn hơn từ mọi yếu tố như biểu diễn, thu âm chất lượng, hình thức ấn tượng.