Nô lệ của những thuật toán

Thứ Sáu, 20/05/2016, 08:24
Ở vào thời đại mà nhiều người đều phải thừa nhận rằng facebook, google + và nhiều trang mạng xã hội khác đã thay thế một cách áp đảo báo chí chính thống, chúng ta mới nhận ra sức mạnh thực sự của truyền thông là như thế nào. 


Với việc mạng xã hội đã thay thế các tờ báo điện tử để trở thành trang điểm tin cơ sở (home page) một cách lợi hại, cộng hưởng thêm với khả năng đong đếm độc giả; phát tán nguồn tin; chia sẻ quan điểm đính kèm với nguồn tin, những người dùng (users) bắt đầu tham gia một cách tích cực hơn vào xa lộ thông tin đông đúc mỗi ngày, và nhờ vào khả năng liên kết thành các nhóm đồng quan điểm, họ bắt đầu tạo nên một sức mạnh đủ tạo áp lực cực lớn, gây khốn đốn cho bất kỳ định chế nào. 

Quyền lực của người dùng đã được đẩy cao nhờ vào quyền lực của số đông, và theo những lý giải mà nhiều người ưa chuộng dựa trên cuốn “Tâm lý học đám đông” của Gustav Le Bon, quyền lực ấy khiến một số cá nhân nổi trội trên mạng xã hội đã có thể dẫn dụ người khác đi theo quan điểm của mình, tạo ra một tập hợp vây quanh mình, củng cố sức mạnh cho riêng mình và từ đó, tiến hành các động thái trục lợi cho riêng mình.

Đúng là đang tồn tại những kẻ dẫn dụ như thế. Song, thực tế, nếu coi đám đông như một bầy cừu, và kẻ dẫn dụ là kẻ chăn cừu, ta có thể sẽ hơi chủ quan và phiến diện quá mức. Thực tế, luôn có “một số người có khả năng” biến đám đông nghiện một số trang mạng xã hội nào đó trở thành nô lệ cho mình, nhờ vào các thuật toán của nó, và từ đó, dẫn dụ đám đông theo chiều hướng hành xử chung nhất: Đánh mất tính độc lập và khả năng tư duy độc lập.

Và trong những tính năng mà chúng ta khen ngợi, có một tính năng chúng ta nhiều lần ngỡ ngàng vì nó. Đó là ngay dưới dòng trạng thái của một người bạn hiện trên dòng dữ liệu tin tức (news feed) mà ta gặp khi mở facebook lên, ta sẽ thấy những gợi ý của facebook về những đường dẫn rất liên quan đến nội dung chia sẻ kia, nếu như nội dung chia sẻ có gắn liền với một sự kiện thời sự nào đó. 

Hơn nữa, chúng ta cũng vốn ít để ý một điều cơ bản là trong danh sách bạn bè đông đúc của mình, sẽ luôn chỉ có một số những người bạn luôn được ưu tiên hiện trên “news feed” và chúng ta chính là “khách quen” thường đọc, quan tâm, “ưa thích” (like); bình luận và chia sẻ dòng trạng thái một số người cố định ấy. Sự gợi ý kể trên, cùng sự ưu tiên trên “news feed” được xây dựng dựa trên một thuật toán. Thuật toán ấy cơ bản đánh giá vào thói quen người dùng, thái độ người dùng và nó luôn đưa ra những gợi ý rất cơ bản và gần gũi với thói quen ấy. Thông tin trên mạng xã hội cũng vậy thôi. 

Giữa một loạt những “xu hướng” (trends) được quan tâm trong ngày, thuật toán của những nhà mạng xã hội sẽ phân bổ “thức ăn thông tin” phù hợp với người dùng và nằm trong phạm vi của xu hướng thời thượng. Bởi thế, nếu chúng ta quan tâm nhiều đến Thủy triều đỏ, chúng ta sẽ không ngạc nhiên gì khi nhận ra rằng “facebook cho tôi nhiều thông tin đa chiều về thủy triều đỏ trong giai đoạn ba tiếng ấy là từ khoá mang tính xu hướng tạm thời quá”.

Khi đã bị dẫn dụ (manupulate) bởi những thuật toán đầy thông minh kia, chúng ta không còn là người thụ hưởng thông tin nữa, mà bắt đầu trở thành nô lệ của luồng thông tin đã qua bộ lọc của chính thuật toán đó. Chúng ta sẽ đọc ưu tiên những người vốn dĩ có quan điểm được ta ủng hộ quen thuộc bấy lâu nay và từ đó, mối liên kết ảo đã biến những người như chúng ta trở thành một cộng đồng với gắn kết về quan điểm và sự việc. Đó chính là lúc đám đông hình thành, với một tâm lý tập thể sẵn sàng có thể “lên đồng” vì một việc nhiều khi không liên quan đến mình hoặc thực tế mình chẳng nắm rõ bất kỳ một dữ kiện thực tế (facts) nào về nó cả. Và kéo theo sự lên đồng ấy là gì? Khả năng tư duy độc lập bị loại bỏ. Tính khách quan bị xóa sổ. Nhu cầu phán xét lên ngôi.

Không phải người dùng mạng xã hội nào cũng thực sự hiểu mình đang làm gì, như thế nào, ra sao trong thế giới ngày càng hỗn loạn bởi cái “ảo” của ngày hôm nay. Ngược lại, chúng ta lại tự tin cho rằng mình đang có được quyền tự do bày tỏ quan điểm, chúng ta đang độc lập, thậm chí chúng ta có một sức mạnh nào đó mà phần lớn chỉ là sức mạnh ảo tưởng.

Xã hội con người đang ngày một trở nên phức tạp hơn bao giờ hết khi mối quan hệ bắt đầu đa dạng hơn, nhiều mắt xích hơn, như một ma trận thực sự. Và những nô lệ của các thuật toán lại vẫn nghĩ mình đang làm chủ chính mình. Vâng, những chủ nhân ơi, hãy nhìn lại hình ảnh của Mark Zuckerberg hùng dũng đi giữa rừng người sử dụng thứ kính thực tại ảo cách đây chưa lâu. Đó là kẻ duy nhất dẫn dụ đám đông được nói kể trên. Và tài sản của kẻ “thực hơn bất kỳ ai dám nhận mình là thực” ấy đã được xây dựng một phần lớn dựa trên nền tảng của những cuộc chinh phạt bằng ngón tay giữa các đám đông hỗn loạn trên mạng. 

Hà Quang Minh
.
.