Những ý tưởng an toàn

Thứ Năm, 28/11/2019, 08:14
Khi bộ trang phục “Cafe phin sữa đá” được lựa chọn là trang phục dân tộc cho phần thi này của Hoàng Thùy ở Miss Universe 2019, nhiều ý kiến tranh luận đã được đưa ra trên nhiều diễn đàn khác nhau. 


Phải thừa nhận, “Cafe phin sữa đá” nhìn khá lạ mắt và nó giúp Hoàng Thùy sẽ dễ dàng di chuyển trên sàn catwalk hơn là hai bộ trang phục khác là “Cò” và “Vùng đất 9 rồng”. Lựa chọn “Cafe phin sữa đá” thực tế là một lựa chọn an toàn. Nó an toàn cả về trình diễn lẫn về ý tưởng.

Đầu tiên, chúng ta cần phải gạt bỏ suy nghĩ rằng phần thi “Trang phục dân tộc” này yêu cầu thí sinh phải lựa chọn bộ trang phục đúng nghĩa là quốc phục. Khái niệm dân tộc ở đây rộng hơn, cởi mở hơn khi đòi hỏi bộ trang phục nêu bật được một đặc điểm nào đó của quốc gia mà thí sinh đại diện. Và bởi vậy, “Cafe phin sữa đá” được lựa chọn cũng nhờ lý do đó.

Với rất nhiều du khách nước ngoài, cafe sữa đá (đặc biệt là cafe sữa đá Sài Gòn) là một đặc sản cần phải thưởng thức khi tới TPHCM. Nó không như các loại cafe có pha thêm sữa ở các quốc gia khác như latte hay capuccino. Cũng như bánh mì vậy. Đó không phải là món ăn cổ truyền của Việt Nam như bánh chưng, bánh dày nhưng bánh mì Việt Nam lại có một đặc trưng rất lạ với du khách nước ngoài. Chính vì thế, hồi 2017, cũng ở Miss Universe, HHeniê đã lựa chọn bộ trang phục “bánh mì” làm trang phục dân tộc và nhận được rất nhiều khen ngợi.

Nhưng từ lựa chọn của HHeniê cho tới lựa chọn của Hoàng Thùy hôm nay có tạo ra cho chúng ta điều gì còn lấn cấn hay không? Với không ít người là có. Và lấn cấn ấy chính là câu hỏi “Phải chăng, ngoài ẩm thực, Việt Nam không còn gì đủ sức hút với các nhà thiết kế để đưa vào bộ trang phục dân tộc hay sao?”.

Hãy thử nghĩ nếu năm nay bộ trang phục “Cafe phin sữa đá” cùng đạo cụ là chiếc thìa cafe trong tay Hoàng Thùy lại tạo được những lời khen vì cái lạ lẫm của nó từ phía khán giả nước ngoài thì kế tiếp sẽ là gì nhỉ? Rất có thể ở 2021, bộ trang phục được lựa chọn lại đưa một món ăn, thức uống đặc trưng nào đó của du lịch Việt Nam làm chủ đề.

Dễ hiểu, khi đã có tiền lệ, sẽ có không ít những nhà thiết kế gửi bản thảo dự thi sẽ lựa chọn chủ đề ẩm thực cho an toàn. Sự an toàn ấy lại dẫn đến quyết định lựa chọn an toàn của đơn vị quản lý Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Và chúng ta dễ sẽ phải được chứng kiến một bộ trang phục “Bún đậu mắm tôm” hay “Trà chanh vỉa hè” nào đó trên sàn catwalk của cuộc thi quốc tế.

Sáng tạo bản chất của nó không phải là đi trên lối mòn hay tiếp nối một công thức an toàn mà ai đó đã thành công. Sáng tạo rất cần yếu tố “phát hiện” ở trong nó. Và ở trường hợp lựa chọn trang phục dân tộc cho người đại diện vẻ đẹp Việt Nam tham dự đấu trường quốc tế, rất cần sáng tạo vượt ra ngoài những khuôn khổ công thức.

Trước một bộ trang phục, chúng ta có quyền chê-khen, có thể thích-không thích. Và trước bộ trang phục “Cafe phin sữa đá” của Hoàng Thuỳ, chúng ta phải thừa nhận là nó nhìn khá lạ nhưng không hề mới mẻ, nhất là khi đã có một tiền lệ trang phục “bánh mì” của HHenniê hai năm trước. Phải chăng, các nhà thiết kế quá vội vàng? Hay họ nghèo nàn ý tưởng? Hay họ chưa thực sự hiểu về văn hoá bản địa của chính nơi mình sinh ra và lớn lên?

Chưa biết. Nhưng có thể nói một cách đơn giản nhất là họ đang lựa chọn an toàn quá, an toàn tới mức triệt tiêu cả nhu cầu sáng tạo của chính bản thân mình cũng như khiến cho khán giả quốc tế sẽ dần quen với một Việt Nam không biết thể hiện ý tưởng nào khác ngoài những gì liên quan tới thực phẩm.
Văn Đoàn
.
.